TPHCM có bao nhiêu doanh nghiệp? – Ông Nội

Là nhà báo quan tâm mảng đề tài liên quan kinh tế vĩ mô, tôi thực sự lúng túng khi có người đề nghị cung cấp số lượng doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM hiện nay. Tuy chỉ là một dữ liệu thống kê bình thường, không thuộc thông tin mật , nhưng quả thật tôi không biết cung cấp con số nào khi ít nhất ba số liệu khác nhau được công bố gần đây.

Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ với các địa phương, doanh nghiệp cả nước ngày 9- 5 trên cơ sở cuộc làm việc với lãnh đạo TPHCM hôm 8 -5 trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết TPHCM có 270.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đưa tin cuộc làm việc hôm 8 – 5 đó, báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết TPHCM có 250.000 doanh nghiệp. Sự chệnh lệch con số DN của TP.HCM còn thể hiện trong phát biểu của chính Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại hội nghị trực tuyến 9 – 5 nói trên: TPHCM có tới 421.000 doang nghiệp đăng ký.

Vây là chỉ trong   hai ngày, tại  hai hội nghị mà đã có tới  ba con số  khác nhau  về  số lượng doanh nghiệp trên địa bàn đầu tầu kinh tế của đất nước. Tất nhiên các số liệu không thống nhất ấy  dù phát ngôn từ đâu  thì cũng đều xuất phát từ  số liệu do các sở ngành tham mưu, trước hết là Sở Kế hoạch và Đầu tư  TPHCM thống kê, tổng hợp theo chức năng, báo cáo lãnh đạo Thành ủy, UBND  và Chính phủ.

Điều đáng quan tâm là việc số liệu thống kê sai khác nhau lớn thì ngoài việc ảnh hưởng tới kết quả tổng hợp chung còn ảnh hưởng tới những tính toán khá ở tầm quản lý vĩ mô: tỷ lệ doanh nghiệp tính trên 1.000 dân; tỷ lệ đóng góp vào ngân sách Nhà nước và GDP của khu vực doanh nghiệp nói chung, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, không vốn FDI nói riêng. Cũng không thể không nói đến ảnh hưởng tiêu cực lên kết quả phân tích, đánh giá thực hiện các chính sách, chế độ ở thì quá khứ cũng như đề xuất chính sách, chế độ tcho tương lai.

Những ai đã từng công tác trong các cơ quan tham mưu tổng hợp Nhà nước hoặc thường xuyên phải tiếp cận, khai thác, sử dụng dữ liệu thống kê tổng hợp ở nước ta hẳn không còn lạ với tình trạng “số liệu đá nhau” , “số liệu vô lý”… mà trường hợp nêu trên chỉ là một ví dụ mới nhất. Báo chí và các chuyên gia kinh tế từng băn khoăn, lo ngại tình trạng chỉ số báo cáo tăng trưởng kinh tế (GDP) của các địa phương luôn “cao bất thường”, “cao vô lý” so với chỉ số tăng trưởng chung toàn quốc. Thậm chí có cả trường hợp vô lý đến mức báo cáo các chỉ số tăng trưởng thành phần (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ) thì thấp trong khi chỉ số tăng trưởng GDP tổng hợp trên địa bàn lại cao, vì bị thống kê, tính toán sai! Cũng vậy, những người từng làm công việc thống kê, kế hoạch không xa lạ với câu chuyện “bốc thuốc nam” đối với không ít dữ liệu có mẫu thống kê lớn như tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chẳng hạn. Trên thực tế còn có rất nhiều số liệu thống kê bị “vênh”, độ chính xác không cao gây hoài nghi, tranh cãi … như tỷ lệ hộ dân có nhà ở, tỷ lệ độ che phủ rừng, số lượng phương tiện xe cơ giới, tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch …

Bên cạnh nguyên nhân tiêu cực (điển hình như kết quả thi THPT quốc gia thể hiện qua các vụ án gần đây) hay tác động từ căn bệnh thành tích, tình trạng dữ liệu thống kê “bị nhiễu”, kém chất lượng và độ tin cậy … còn có các nguyên nhân thuộc về trình độ nghiệp vụ, trách nhiệm của người thực hiện.

Vì vậy, việc chú trọng công tác đào tạo, thống nhất về chuyên môn nghiệp vụ cũng như tăng cường trách nhiệm thực thi công vụ, kiểm tra kiểm soát để bảo đảm các dữ liệu thống kê có chất lượng cũng là việc cần quan tâm hiện nay.

NGUYỄN VĂN HÙNG

11.6.2020