TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG SƠN VIỆT NAM – Công ty TNHH Tư vấn Quản lý OD Click

Trong thời điểm hiện nay, thị trường bất động sản đã qua giai đoạn phục hồi và đang tăng trưởng mạnh mẽ với hàng loạt các công trình ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Đây cũng là nền tảng khiến ngành sơn tăng trưởng mạnh. Với hơn 600 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sơn và hầu hết các hãng sơn lớn của thế giới đều xuất hiện tại Việt Nam, cuộc cạnh tranh trên thị trường giữa sơn nội và sơn ngoại luôn mạnh mẽ.

Điểm chung của thị trường sơn cao cấp là đa số các công ty này đều có nhà máy và hệ thống phân phối, chiếm 35% trên toàn thị trường. Phân khúc trung cấp như các thương hiệu: Expo, TOA, hay Maxilite đến từ AkzoNobel đang chiếm 25% thị trường. Cuối cùng, nhóm các sản phẩm dành cho phân khúc “kinh tế” – giá tiền bình dân – chiếm 15% thị trường với các thương hiệu trong nước như Kova, Tito, Nero, Hòa Bình,…cũng đang khẳng định mình bằng những nỗ lực về giá cạnh tranh khi các hãng này trải hàng trên thị trường với giá thấp hơn từ 30 – 50%.

  1. Cạnh tranh thị trường sơn nội và sơn ngoại:

Hiện tại, Việt Nam có 600 doanh nghiệp ngành sơn, trong đó, có 70 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của VPIA – Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam, trong 5 năm qua, sơn ngoại dù có số lượng ít nhưng chiếm hơn 65% thị trường Việt Nam, sơn nội chỉ chiếm 35% nhưng đang có tốc độ tăng trưởng khả quan.

Sơn ngoại:

Các hãng sơn ngoại nổi tiếng: Jotun, AkzoNobel, Nippon Panit, 4 Oranges, PPG,… đã phổ biến trên toàn cầu và có mặt tại Việt Nam.

Sơn ngoại chuyên nghiệp hơn và bao phủ đủ chủng loại. Chỉ cần tìm hiểu về thị trường sơn nước, có thể thấy mỗi loại sơn ngoại đều có tính năng riêng biệt. Sản phẩm sơn ngoại phục vụ cho nhiều mục đích như đóng tàu, sơn phủ tôn mạ, sơn sân bay, gỗ, vỏ các loại đồ uống… Vì vậy, người tiêu dùng thông thường sẽ ít biết hoặc thậm chí không biết đến các hãng sơn này.

PPG được đánh giá là lớn nhất trên thế giới đối với sản phẩm sơn phục vụ giao thông. Dù vậy, sản phẩm của PPG chỉ nổi tiếng những khách hàng lớn thay vì khách hàng tiêu dùng thông thường nên người tiêu dùng khó có thể nhận diện thương hiệu PPG trên thị trường. AkzoNobel rất ít người biết đến trong khi Dulux và Maxilitle là 2 dòng sơn cho xây dựng của doanh nghiệp này lại khá quen thuộc.

Sơn nội:

Các hãng sơn nội nổi tiếng: Sơn Kova , Đồng Tâm, Maxxs Việt Nam Hòa Bình, VINALEX, Đại Bàng, Alphanam, VINACOLR, Nero,…

35% thị trường sơn là nhà sản xuất trong nước và sơn “cỏ”. Dù vậy, thị trường sơn nội vẫn có tốc độ tăng trưởng khả quan. So với sơn ngoại, sơn nội dù chất lượng tốt nhưng không cạnh tranh được với các hãng lớn về quảng cáo. Để giành thị phần, các hãng sơn nội phải quảng bá sản phẩm qua các kênh truyền thông hoặc các chương trình cộng đồng với kinh phí lớn, chủ yếu qua kênh tiếp thị trực tiếp. Giảm giá cũng là cách để các hãng sơn nội cạnh tranh với nhau và cả sơn ngoại. Thậm chí, giảm giá sơn được xem là nhiều nhất trong nhóm vật liệu xây dựng. Giảm giá sâu không chỉ được các hãng lớn áp dụng mà nhiều chủng loại sơn mới cũng có mức chiết khấu từ 40 – 50% so với giá niêm yết. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn chinh phục thị trường nước ngoài như sản phẩm sơn đá của sơn Hòa Bình, sơn áo chống đạn của sơn Kova….

Dự đoán ngành

Với việc thị trường bất động sản đang dần quay trở lại, kéo theo đó là những nhu cầu cấp thiết về vật liệu xây dựng và sơn trang trí, thị trường sơn của Việt Nam cũng theo đó mà có sự tăng trưởng vượt bậc, hấp dẫn nhiều doanh nghiệp khác nhau. Thương hiệu Đồng Tâm vốn chuyên sản xuất sản phẩm trang trí nội – ngoại thất hay Alphanam – một tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản, hoạt động xây lắp và sản xuất công nghiệp cũng đều tham gia sản xuất sơn.

Nhưng cùng với sự gia nhập đông đảo và số lượng lớn các doanh nghiệp lớn bé vào ngành sơn, các sản phẩm làm nhái hoặc kém chất lượng xuất hiện tràn lan khiến cho thị trường cũng trở nên hỗn tạp. Nhà nước Việt Nam cũng chưa có hình phạt cụ thể riêng cho vấn đề này, mức phạt nặng nhất cũng chỉ là 20 triệu đồng khi bị phát hiện, quá nhỏ so với lợi nhuận mà việc kinh doanh hàng nhái, hàng kém chất lượng mang lại.

Với những tiềm năng cùng rào cản như vậy, ngành sơn là ngành đang trên đà phát triển của Việt Nam mà chúng ta cần đánh mạnh và khai thác triệt để nhưng cũng cần có cách tiếp cận đúng đắn để mang đến sản phẩm sơn tốt nhất cho người tiêu dùng.

  1. Phân tích môi trường ngành sơn:

Môi trường kinh tế

Trên thị trường sơn và chất phủ nói chung các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước chiếm thị trường đáng kể. Mức tăng trưởng được cộng hưởng theo đà phục hồi của thị trường bất động sản. Chủ yếu được bán qua các kênh phân phối và cho các công trình, việc xây dựng kênh phân phối sẽ tạo nên cơ hội phát triển lớn cho các doanh nghiệp. Khi thị trường xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ, nguồn cung ngày càng lớn, cuộc đua về giá và ưu đãi được nhiều doanh nghiệp chú trọng, đặc biệt là những doanh nghiệp mới.

Trong năm 2018, với hơn 38.242 giấy phép xây dựng được cấp phép, nhu cầu xây dựng đã tăng cao lên hơn 80%. Số liệu tượng trưng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thị trường xây dựng: vật liệu và sơn trang trí, đặc biệt là các sản phẩm sơn tường,…… Tổng sản lượng sơn tại Việt Nam đạt gần 250 triệu lít/năm, trong đó mảng sơn trang trí đã chiếm 180 triệu lít, chiếm khoảng 65% và đạt giá trị khoảng 54% của toàn ngành.

Môi trường văn hóa, xã hội

Hiện nay, người tiêu dùng sẽ chọn nhãn hiệu thông qua quảng cáo trước khi đến cửa hàng hoặc được tư vấn bởi nhà thầu & thợ sơn để chọn được loại sơn có giá cả phù hợp, chất lượng cho ngôi nhà của mình. Đồng thời, nhu cầu sống của con người tăng cao nên việc bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình là điều hết sức quan trọng. Vì vậy, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến giá cả mà đã chuyển sang quan tâm nhiều hơn về tính năng và công nghệ vượt trội của sản phẩm. Chính điều này khiến các thương hiệu sơn phải liên tục nghiên cứu sáng tạo để đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng nhất, không chỉ đẹp về màu sắc mà còn phải thân thiện với môi trường, bảo vệ người tiêu dùng một cách tốt nhất.

Hạn chế thị trường

Đối với thị trường đang phát triển và có tiềm năng lớn như ngành sơn, việc xuất hiện hàng giả là điều rất khó tránh khỏi. Hàng giả hiện được sản xuất rất tinh vi, thường phải qua một thời gian sử dụng người tiêu dùng mới phát hiện ra. Nguyên nhân vì khách hàng không có kinh nghiệm phân biệt giữa sơn chính hãng và sơn nhái, sơn kém chất lượng. Phải mất ít nhất 3 – 6 tháng, sau khi sử dụng sản phẩm thì khách hàng mới có thể phát hiện những dấu hiệu của sơn giả.

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào giá tiền. Hiện tại, các đại lý chỉ tư vấn để khách cá nhân hay dự án chọn loại sơn được chiết khấu cao, có lợi nhuận lớn, chứ không quan tâm nhiều tới chất lượng và uy tín của nhà sản xuất. Vì vậy, không ít khách hàng đã mua phải hàng kém chất lượng. Trên thị trường, mức giá sơn cao cấp khoảng 60.000 – 75.000 đồng/lít, trung cấp khoảng 20.000 đồng/lít, còn thấp cấp chỉ trong khoảng 9.000 đồng/lít.

Việc kiểm soát các mặt hàng sơn giả, nhái tại Việt Nam hiện rất khó khăn. Mức xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận khổng lồ. Hơn nữa, việc phát hiện và bắt giữ hàng giả phụ thuộc vào các cơ quan chức năng. Nhưng, các cơ quan này thì lại lơ là trong việc kiểm soát thị trường sơn.

 

 

Nguồn nghiên cứu

https://baomoi.com/khoc-liet-cuoc-dua-gianh-thi-phan-son/c/23069963.epi

http://tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/mang-toi-thi-truong-son-197282.html

http://vatlieuxaydung.org.vn/vlxd-hoan-thien/vlxd-hoan-thien-tuong-tran/thi-truong-son-viet-nam-nam-2018-10435.htm

https://tuoitre.vn/thi-truong-son-tang-manh-theo-nhu-cau-xay-dung-do-thi-2017112815494732.htm

Tìm hiểu thị trường sơn nước Việt Nam

http://thoibaokinhdoanh.vn/Thi-truong-17/Thi-truong-son-da-%E2%80%9Cdoi-mau%E2%80%9D-38626.html

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/thi-truong-son-viet-nam-cuoc-but-pha-cua-doanh-nghiep-noi-20161227190852844.htm

http://dautubds.baodautu.vn/thi-truong-son-xay-dung-vang-thau-lan-lon-d71659.html