Sống Để Làm Gì?

SỐNG ĐỂ LÀM GÌ?

Thích

Đạt Ma

Phổ Giác

Như ai cũng biết, chúng ta sinh ra đời để sống và làm việc
như bao nhiêu người trên thế gian này. Đó là ăn uống, ngủ nghỉ, rồi lớn lên lấy
vợ lấy chồng, đi làm kiếm tiền nuôi bản thân, gia đình và đóng góp lợi ích xã
hội, đến khi lớn tuổi về hưu thì già bệnh rồi chết. Đó là nói những người làm
việc nhà nước có chính sách chế độ lương hưu. Còn những người tự làm tự sống,
không làm việc nhà nước thì họ phải bươn chải đến khi không còn khả năng làm
việc nữa mới thôi. Ai có phước thì được con cái chăm sóc, giúp đỡ, nuôi dưỡng
khoảng đời còn lại.

Chúng ta ai cũng nghĩ ăn uống, ngủ nghỉ cho sướng cái thân, mình
đi làm kiếm tiền cũng chỉ để nuôi sống bản thân và tìm kiếm sự sung sướng, hạnh
phúc chứ không ai dại gì đi tìm nỗi bất hạnh, khổ đau. Trên đời này ai cũng mưu
cầu hạnh phúc, từ kẻ cùng đinh hạ tiện cho tới vua chúa quan quyền, tổng thống,
thủ tướng, giám đốc đến người làm công, ngay cả những người xuất gia đi tu cũng
vì muốn tìm một sự an lạc, hạnh phúc chân thật. Cái bản năng đi tìm kiếm hạnh
phúc này hình như đã ăn sâu vào trong tâm khảm của mỗi người.

Nhưng ít ai nghĩ rằng mọi người từ đâu đến, sinh ra đời để
làm gì và sau khi chết sẽ đi về đâu? Một người bình thường sẽ trả lời: “Ta
từ bụng mẹ chui ra, sinh ra đời để sống như bao người khác và chết thì trở về
với cát bụi. Thế là hết một kiếp người!” Chúng ta mới nghe thấy dường như
xuôi tai, nhưng thực tế không phải đơn giản như vậy. Chết không phải là hết mà
chết chỉ thay hình đổi dạng tuỳ theo nghiệp nhân đã gieo tạo trong hiện tại mà
cho ra kết quả ở tương lai. Chính vì vậy, ta phải sống làm sao ngay nơi cõi đời
này để có được bình yên, hạnh phúc chân thật.

Có người đang học giữa chừng phải nghỉ học và bắt đầu đi làm
việc để tìm kế sinh nhai. Có người được học tới nơi tới chốn rồi sau đó mới
kiếm việc làm. Khi có công ăn việc làm ổn định thì chúng ta mới nghĩ đến chuyện
cưới vợ, lấy chồng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Ta sống với vợ hoặc chồng
một thời gian cũng cảm thấy hạnh phúc nhưng đến lúc có con thì bắt đầu từ đó….
Có con rồi thì mọi việc lại khác đi, gánh nặng gia đình bắt đầu nhiều hơn với chuyện
cơm áo gạo tiền, chuyện công ăn việc làm, chuyện ổn định đời sống gia đình cùng
với nhiều nỗi lo toan khác. Cuối cùng, hạnh phúc có được chẳng bao nhiêu mà
thấy toàn chuyện buồn phiền, thất vọng não nề bởi nhu cầu sống ngày càng cao mà
khả năng làm ra tiền có giới hạn.

Cuộc đời có nhiều cái thật oái ăm! Chúng ta vì thấy biết sai
lầm do si mê chấp ngã cho thân này là mình thiệt nên muốn chiếm hữu, từ đó ta
mới hành động tạo nghiệp xấu ác và cuối cùng phải chịu quả khổ đau không có
ngày thôi dứt. Muốn hết khổ thì chúng ta phải học hỏi và tu sửa. Tu là sửa và
cũng có nghĩa là chuyển hoá hoặc thay đổi những thói quen xấu thành tốt. Muốn
vậy, chúng ta phải có trí tuệ, muốn có trí tuệ thì chúng ta phải có thời gian
để nghiệm xét, quán chiếu soi sáng thân tâm, hoàn cảnh để thấy tất cả đều vô
thường. Nhờ vậy, ta mới dần hồi chuyển hoá tâm si mê chấp ngã.

Nhưng có nhiều người lại lầm tưởng rằng tu là tránh né, chạy
trốn cuộc đời nên họ mới tìm một chỗ yên thân để tu tập chuyển hoá. Muốn tu
hành trước tiên chúng ta cần phải có thầy lành bạn tốt hướng dẫn để tu tâm sửa
tánh chứ không phải bỏ trốn lên rừng sâu núi thẳm. Sau một thời gian tu học,
chúng ta cần phải đối diện, tiếp xúc với cuộc đời để phát triển khai mở tâm từ
bi rộng lớn nhằm giúp đỡ, sẻ chia với mọi người khi có nhân duyên. Hoa sen
không thể mọc và nở nơi thiên đường mà mọc ở nơi bùn lầy.

Chúng ta muốn hết phiền muộn, khổ đau thì phải tu, phải sửa,
cái gì hư hỏng thì sửa lại cho tốt đẹp. Những gì có hình tướng thì ta sửa lại
được, còn sửa tâm thì ta phải từ bỏ những tâm niệm xấu ác có tính cách làm tổn
hại người vật. Cho nên, tu sửa như vậy còn được gọi là chuyển hóa; chuyển phiền
não tham-sân-si thành vô thượng trí tuệ từ bi; chuyển bất hạnh, khổ đau thành
an lạc, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. 

Mục đích của tu là sửa những thói quen xấu có hại cho mình
và người. Cho nên, ta cần phải dùng pháp của Phật để chuyển hoá phiền não tham-sân-si
bằng cách tụng kinh, sám hối, ngồi thiền, niệm Phật-Bồ tát, bố thí cúng dường,
giúp đỡ sẻ chia với người bất hạnh rồi nghiệm xét, quán chiếu thân tâm, hoàn
cảnh để thấy rõ tất cả đều vô thường.

Đọc tụng là bước đầu để hiểu lời Phật dạy, kế tiếp là chúng
ta phải thực hành nhằm sửa đổi những cố tật phiền não tham lam, giận hờn, ích
kỷ, ganh ghét, tật đố. Càng niệm Phật-Bồ tát tâm ta càng thanh tịnh, vắng lặng,
không bị phiền não tham-sân-si làm xao xuyến, vọng động nên ta hãy siêng năng
tinh tấn nhiều hơn. Càng tụng kinh ta càng hiểu đạo, bớt chấp trước, dính mắc,
đắm nhiễm thì ta nên tụng kinh nhiều hơn nữa. Càng ngồi thiền chúng ta càng cảm
thấy an lạc, hạnh phúc vì biết buông xả các tạp niệm xấu ác thì ta càng phải
ngồi thiền nhiều hơn nữa.

Nhưng đọc kinh, niệm Phật-Bồ tát, niệm hơi thở, ngồi thiền
chỉ là phương tiện buổi đầu, sau đó chúng ta cần dùng thiền quán để xem xét
muôn loài vật mà biết rõ bản chất thật giả của thân tâm và hoàn cảnh, nhờ vậy
ta dễ dàng buông xả mọi chấp trước ở đời. Sau khi đã thuần thục phép chỉ và
quán, chúng ta quay lại chính mình để sống với Phật tính sáng suốt thường biết
rõ ràng, nương nơi mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý mà thành tựu đạo giác ngộ, giải
thoát.

Con người là một chúng sinh có tình thức và sự hiểu biết,
tức là có tình cảm, vì có tình cảm nên mới có buồn thương, giận ghét, phải
quấy, tốt xấu, hơn thua. Trong nhà Phật thường nói đến ba nghiệp “thân-miệng-ý”,
gọi là ba cánh cửa tạo ra vận mệnh tốt xấu của chúng ta. Có ý nghĩ rồi phát
sinh lời nói và dẫn đến hành động thiện cảm hay ghét bỏ. Chúng ta sẽ tu sửa
ngay nơi ý nghĩ, lời nói và hành động của mình. Đây là cái gốc của sự tu hành
chân chánh. Kính mong mọi người ai cũng ý thức được điều này để làm hành trang
trên bước đường tu học của chính mình cho đến khi nào thành Phật viên mãn.