Soạn bài: Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ (Ngữ văn 9) – Edison Schools

Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là phần kiến thức quan trọng trong chương trình ngữ văn lớp 9. Qua bài học dưới đây, các em sẽ được tìm hiểu về khái niệm, cách phân tích cũng như bố cục trình bày của một bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

  I. Kiến thức cần nhớ:

a.  Khái niệm:

Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là nêu lên những nhận xét, đánh giá của mình về cả nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ ấy.

b. Cách phân tích:

Bài nghị luận cần phân tích các yếu tố như ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu,… để có những nhận xét, đánh giá xác đáng, cụ thể về đoạn thơ, bài thơ.

c. Yêu cầu:

Bài viết nghị luận về đoạn thơ, bài thơ cần phải đáp ứng được các yêu cầu:

+ bố cục mạch lạc, rõ ràng

+ lời văn gợi cảm, thể hiện được tình cảm của người viết.

   II. Hướng dẫn soạn bài:

a. Câu a: Vấn đề nghị luận

Vấn đề nghị luận của văn bản là: Tình yêu với thiên nhiên đất nước và nguyện ước được cống hiến cho đời của tác giả bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.

Vấn đề nghị luận được thể hiện qua câu: “Bài thơ toát lên một không khí vừa rạo rực vừa trong sáng … và một nguyện ước cống hiến thật đáng trân trọng”.

b. Câu b: Văn bản đã nêu những luận điểm gì về hình ảnh mùa xuân? Tác giả đã sử dụng những luận cứ nào để làm rõ những luận điểm đó?

Văn bản đã nêu ra các luận điểm:

Luận điểm 1: Hình ảnh mùa xuân có nhiều ý nghĩa nhưng mùa xuân nào cũng vô cùng đẹp.

+ Luận cứ 1 : Hình ảnh mùa xuân thiên nhiên đất nước tươi đẹp trong lao động và chiến đấu.

+ Luận cứ 2: Hình ảnh “Mùa xuân nho nhỏ – Lặng lẽ dâng cho đời” thể hiện ước nguyện được cống hiến.

Luận điểm 2: Bức tranh mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất nước tươi đẹp qua cái nhìn thiết tha của một người thi sĩ.

+ Luận cứ 1: Bức tranh được vẽ bằng các màu sắc tươi vui, gợi cảm xúc tươi sáng : “dòng sông xanh”, “bông hoa tím biếc”, màu xanh non của lộc biếc.

+ Luận cứ 2: Bức tranh thiên nhiên được vẽ bằng âm thanh chim chiền chiện hót vang trời.

+ Luận cứ 3: Thể hiện qua tư thế “hứng” – tư thế đầy nâng niu, trân trọng từng giọt mưa xuân rơi.

Luận điểm 3: Từ tình yêu với mùa xuân thiên nhiên, nhà thơ đi đến tình yêu đất nước và ước nguyện được dâng hiến, hòa mình vào Tổ Quốc.

+ Luận cứ 1: Nguyện ước dâng hiến “làm con chim hót”, “làm một nhành hoa”.

+ Luận cứ 2: Nguyện ước hòa nhập vào mùa xuân lớn của dân tộc “nhập vào hòa ca”.

c. Câu c: Hãy chỉ ra: Mở bài, Thân bài, Kết bài của văn bản; nêu nhận xét về bố cục của bài viết.

Mở bài: Đoạn văn số 1: Từ “Mùa xuân là mùa của thiên nhiên thắm tươi…” đến “…và một nguyện ước cống hiến thật đáng trân trọng”

→ Nêu vấn đề nghị luận

Thân bài: Đoạn văn số 2, 3, 4: Từ “Hình ảnh mùa xuân trong bài thơ của Thanh Hải…” đến “…chính là sự láy lại các hình ảnh ấy của mùa xuân”

→ Cảm nhận về hình ảnh mùa xuân và tình cảm thiết tha của tác giả

Kết bài: Đoạn văn còn lại.

→ Khái quát và nêu cảm xúc của người viết

Nhận xét: Bố cục bài văn mạch lạc, các luận điểm được nêu ra rõ ràng.

d. Câu d: Cách diễn đạt trong đoạn văn có giúp làm rõ luận điểm không?

Cách diễn đạt của người viết đã giúp các luận điểm trong bài văn được làm rõ.

– Người viết sử dụng các phương pháp chứng minh (lấy dẫn chứng), phân tích, bình luận để làm rõ các luận điểm.

– Người viết sử dụng giọng văn chân thành và giàu cảm xúc, thể hiện sự đồng điệu, trân trọng đối với nhà thơ và bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.

– Cách trình bày mạch lạc, rõ ràng giúp làm nổi bật ý của từng đoạn văn.

III. Luyện tập:

Ngoài những luận điểm về hình ảnh mùa xuân trong bài “Mùa xuân nho nhỏ”đã được nêu ở văn bản trên, em hãy nêu thêm những luận điểm khác về bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.

– Sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của tác giả dành cho Đất nước.

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc..”

– Nghệ thuật bài thơ: Bài thơ sử dụng cách xưng hô “Tôi – ta”, các hình ảnh “câu Nam ai, Nam bình”, “nhịp phách tiền” với giọng điệu trong sáng, gần gũi, bình dị.