Sinh viên “chê” chương trình tiên tiến

Tuy nhiên, đến thời điểm này, bài toán giữa “chất lượng đầu vào” và “học phí” để duy trì mô hình này đang gặp khó.

Ngày 5-4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) về kết quả thực hiện chương trình tiên tiến (CTTT). Nhiều sinh viên của trường đã đặt thẳng những vấn đề nóng, vừa để CTTT có sức lan tỏa và bền vững, vừa để sinh viên có động lực học tập.

Khó tuyển đầu vào

Sinh viên Nguyễn Hoàng Khôi nói: “Em học CTTT nhưng thấy số lượng tuyển sinh càng ít dần. Dạo quanh trường, em thấy chương trình liên kết đào tạo lại được nhiều người biết hơn dù điểm đầu vào thấp, đóng học phí cao hơn. Tất cả là vì chương trình liên kết đào tạo được quảng cáo nhiều hơn”.

PGS-TS Dương Ái Phương, Hiệu trưởng, cho biết lượng sinh viên giảm dần đều qua các năm. Cụ thể, khóa đầu tiên năm 2006 có 55 sinh viên, khóa thứ hai tuyển 49, khóa thứ ba được 33, khóa thứ tư 34 và khóa thứ năm chỉ có 26 sinh viên. Nguyên nhân do chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh nên cản trở trước nhất là ngoại ngữ. Thêm vào đó, sinh viên chưa hiểu được đào tạo theo CTTT là thế nào, trong khi học phí lại cao hơn chương trình học bình thường.

GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, khuyên: “So với sinh viên thường là 5 triệu đồng/năm, sinh viên CTTT được đầu tư mỗi năm 50 triệu đồng. Đối tác tốt, chương trình nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài, giảng viên được đào tạo ở nước ngoài. Thế nhưng số lượng tuyển sinh hằng năm lại giảm so với năm đầu tiên. Những thí sinh sắp thi ĐH cần suy tính lại, vì đầu tư bây giờ là đầu tư cho tương lai. Nếu ngại khó bây giờ thì sau này xã hội phát triển, chúng ta sẽ khó cạnh tranh với thị trường lao động”.

Sinh viên “chê” chương trình tiên tiến ảnh 1

Sinh viên chương trình tiên tiến ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong giờ thuyết trình. Ảnh: QUỐC DŨNG

Cần nhiều chính sách cho sinh viên

Sinh viên Phạm Tuấn Vũ cho biết: “Trăn trở nhất của em là mức đầu tư để chúng em nghiên cứu khoa học hiện rất ít. Để ra một công trình nghiên cứu đòi hỏi phải từ sáu tháng đến một năm nhưng việc đầu tư và hỗ trợ cho nhà nghiên cứu trẻ không nhiều”.

Sinh viên Lê Hoàng Ân kiến nghị: “Hiện giờ học phí chương trình rất cao, nếu chúng em được hỗ trợ cho vay ở ngân hàng và được ưu đãi về lãi suất thì chúng em sẽ “dễ thở” hơn”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Ý tưởng của em rất tốt. Đối với sinh viên học CTTT, chắc chắn khi tốt nghiệp các em có thu nhập cao, vì vậy chúng tôi sẽ bàn riêng với một số ngân hàng lập chương trình cho sinh viên CTTT được vay với lãi suất theo ngân hàng, có thể có cơ chế Nhà nước hỗ trợ lãi suất hoặc doanh nghiệp hỗ trợ”.

Là sinh viên năm thứ nhất nhưng Hà Minh Đức đã có nguyện vọng sau khi học xong sẽ làm giảng viên. Đức kiến nghị: “Vì trình độ tiếng Anh của CTTT và chất lượng đào tạo rất tốt, nếu có thể thì ngay năm 3-4 nên cho tụi em được ra nước ngoài học thạc sĩ, tiến sĩ, sau đó về dạy ở các trường ĐH sẽ nhanh hơn việc thi tuyển như bây giờ”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận: “Chúng ta đang thiếu nhiều giảng viên có ngoại ngữ tốt và đào tạo cao về chuyên môn. Qua ý kiến của em, chúng ta sẽ nghiên cứu để em nào đăng ký học xong sẽ về dạy lại ĐH thì năm thứ ba sẽ cho đi, góp phần đào tạo lực lượng giảng viên có chất lượng cao”.

Mời giáo sư nước ngoài: Khó!

Sinh viên Phạm Tuấn Vũ đặt vấn đề: “Không chỉ trao đổi sinh viên với các trường đối tác mà chúng em cũng mong muốn chương trình có trao đổi giáo sư. Như vậy, ngoài việc sinh viên Việt Nam có thể tiếp cận nền khoa học thế giới mà giáo sư nước ngoài cũng biết trình độ sinh viên Việt Nam”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “CTTT năm thứ nhất, thứ hai thu hút được nhiều giáo sư nước ngoài dạy, nhằm để sinh viên làm quen ngôn ngữ, cũng như học các môn nền tảng. Tuy nhiên, việc mời giảng viên nước ngoài tùy thuộc bản thân từng trường có mối quan hệ với giáo sư và nhất là phải có năng lực tài chính nhất định. Theo thống kê, giảng viên trong nước dạy chương trình này bình quân trả 20 USD/giờ, còn giáo sư nước ngoài 80 USD/giờ. Giáo sư nước ngoài họ rất bận, chỉ dạy vài tuần là họ về nước”.

TS Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cho biết: “Việc mời giáo sư nước ngoài, ngoài trả thù lao, trường phải trả thuế thu nhập rất cao, tới 30%. Do vậy, vô hình trung Nhà nước cấp 10 tỉ đồng thì đã có 1-2 tỉ đồng quay trở lại nộp thuế cho Nhà nước. Làm sao để miễn thuế thu nhập đó thì tiền Nhà nước cấp cho CTTT mới được cấp đúng cho CTTT”.

Điều kiện học chương trình tiên tiến

CTTT là hình thức các trường mua chương trình đào tạo của các ĐH có uy tín trên thế giới về giảng dạy tại trường. Nguồn kinh phí để thực hiện gồm phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (60%), học phí (25%) và các nguồn lực khác do nhà trường huy động.

Về tuyển sinh, sinh viên có nguyện vọng theo học các CTTT vẫn phải đáp ứng các yêu cầu chung về tuyển sinh ĐH: phải trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh ĐH cùng năm thi tuyển, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, sinh viên có thể đăng ký theo học các CTTT. Thông thường, thí sinh có điểm tiếng Anh TOEFL iBT 45 hoặc IELTS 5,0 trở lên không phải kiểm tra tiếng Anh.

Học phí CTTT ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) trọn khóa 6.000 USD (năm nhất: 750 USD/năm, ba năm kế tiếp: 1.500 USD/năm, sáu tháng cuối khóa: 750 USD); ngành hệ thống năng lượng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) là 1.800 USD/năm; ngành hệ thống thông tin Trường ĐH Công nghệ thông tin: 700-1.000 USD/năm… Còn tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, ngành khoa học và công nghệ thực phẩm: 12 triệu đồng/năm, ngành thú y: 20 triệu đồng/năm.

QUỐC DŨNG – ANH PHÚ