Siêu thị tại thành phố Đà Nẵng mở cửa muộn nhất đến 19h ngày 27/9

Theo Chỉ đạo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng – ông Lê Trung Chinh, từ 12h trưa nay, tất cả các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đóng cửa.

Siêu thị tại thành phố Đà Nẵng mở cửa muộn nhất đến 19h ngày 27/9 Hiện đã có 2 siêu thị (Vinmart và Go Đà Nẵng) tạm đóng cửa để ứng phó với bão số 4, các siêu thị còn lại linh hoạt thời gian, MM Mega Market là siêu thị đóng cửa muộn nhất, dự kiến lúc 19h tối nay

Đối với các cửa hàng tiện lợi và siêu thị trên địa bàn thành phố, thời gian đóng cửa do các đơn vị chủ động quyết định.

Ghi nhận đến thời điểm 14h ngày 27/9, các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn mở cửa phục vụ khách.

Riêng đối với các siêu thị, thời gian đóng cửa tùy theo kế hoạch phòng chống bão của từng đơn vị.

Cụ thể như:

Siêu thị Vinmart Đà Nẵng (quận Sơn Trà) sẽ tạm đóng cửa từ 12h trưa nay.

Siêu thị Go Đà Nẵng (tên cũ là siêu thị Big C Đà Nẵng) (quận Thanh Khê) đóng cửa từ 14h chiều nay.

Siêu thị Coopmart Đà Nẵng (quận Thanh Khê) đóng cửa muộn nhất là 17h chiều nay, hoặc đóng cửa sớm hơn nếu có yêu cầu từ phía thành phố.

Siêu thị MM Mega Market (quận Hải Châu) sẽ dự kiến đóng cửa lúc 19h tối nay, hoặc sẽ sớm hơn nếu thời tiết mưa to, có gió sớm, và ít khách hàng.

Bà Võ Thị Thu Thủy – Giám đốc siêu thị Go Đà Nẵng cho biết, đơn vị đóng cửa sớm để các nhân viên về nhà có thời gian chuẩn bị ứng phó với bão số 4.

Đại diện các siêu thị cho biết hiện công tác gia cố, chằng chống bảo vệ tài sản tại siêu thị đã hoàn tất. Các siêu thị sẽ mở cửa lại ngay sau khi có thông báo của chính quyền thành phố về việc bão số 4 đã đi qua.

Trước đó, bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, trong sáng 27/9, Sở cũng đã có văn bản về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 4. Theo đó, Sở đề nghị các siêu thị, các đầu mối cung ứng hàng hóa thiết yếu tiếp tục triển khai các phương án phòng chống lụt bão của đơn vị; theo dõi, kịp thời khắc phục thiệt hại (nếu có), sớm tổ chức hoạt động trở lại khi bão đi qua.

Tăng cường dự trữ hàng hóa, đặc biệt đề nghị các đơn vị đầu mối sẵn sàng bố trí con người, phương tiện để cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, nhu yếu phẩm, lương thực… nhằm kịp thời ứng cứu cho người dân tại các khu vực bị chia cắt, vùng bị sơ tán hoặc buộc phải di dời khi có yêu cầu huy động từ thành phố trong các tình huống khẩn cấp.