Siêu thị Beemart: Nhiều sản phẩm không có nhãn mác vì… bị rơi?

Siêu thị Beemart trên đường Nguyễn Khánh Toàn. Ảnh: K.O

Siêu thị Beemart trên đường Nguyễn Khánh Toàn. Ảnh: K.O

Tem, nhãn không thấy

Ngày 05/09, phóng viên Báo Gia đình & Xã hội đã đến siêu thị Beemart tại địa chỉ số 5, ngõ 26, đường Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội để tìm hiểu thực tế.

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy tại siêu thị Beemart, bên cạnh những sản phẩm có nhãn mác đầy đủ thì cũng có khá nhiều sản phẩm không có nhãn mác, như: sản phẩm mứt bí gói 100gr, hạt hướng dương gói 100gr, lá bay leaves, bột Gelatine loại 1kg,… Các sản phẩm này đa số được đóng trong túi nilon, không có những thông tin về sản phẩm cũng như nhà sản xuất.

Một số sản phẩm khác, như bột làm bánh dẻo 1kg, bột gạo đỏ 20gr, bột socola không đường Puratos 100gr, hạt dưa tách vỏ loại 100gr…tuy có nhãn mác nhưng chỉ ghi là: “Xuất xứ Việt Nam” hay “Xuất xứ Beemart”. Trên các sản phẩm này không có thông tin liên quan đến tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa.

Cầm trên tay lọ nước đường bánh nướng loại 500gr, phóng viên hỏi nhân viên bán hàng về nguồn gốc sản phẩm thì được giới thiệu: “Loại này bên em tự sản xuất, có giá là 30.000 đồng. Ngoài ra bọn em còn có các loại nước đường của chị Chu Thanh Thơ – một người có tên tuổi trong nghề làm bánh hay các loại nước đường của Hàn Quốc”. Khi chúng tôi thắc mắc Beemart có xưởng sản xuất đặt ở đâu thì người này nói: “Bên em có lớp dạy làm bánh nên các bạn làm để bán luôn phục vụ cho khách hàng, dùng loại này rất tiện, không mất công làm lỉnh kỉnh”.

Tiếp đến, tại quầy hàng bán các loại khuôn làm bánh Trung thu, chúng tôi thấy nhiều sản phẩm không có nhãn mác. Các loại khuôn này cũng được bọc trong những chiếc túi nilon. Qua lời giới thiệu của nhân viên bán hàng, tại Beemart có 3 loại khuôn chính là khuôn lò xo, khuôn V.T và khuôn Sing. Các sản phẩm khuôn lò xo chằng chịt chữ, trông giống chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Với những sản phẩm của Sing, được giới thiệu là hàng cao cấp, với mức giá khá cao, nhưng cũng không có các thông tin liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Một số sản phẩm khác, như các loại màu thực phẩm, được giới thiệu là hàng nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng cũng không có nhãn phụ. Cầm một chai mật ngô trên tay, chúng tôi hỏi về công dụng cũng như thông tin của sản phẩm, nhân viên bán hàng loay hoay một hồi rồi trả lời: “Cái này hình như dùng để trộn vào nhân bánh, em cũng không rõ lắm”(?).

Không chỉ tại cơ sở số 5, ngõ 26, đường Nguyễn Khánh Toàn, mà tại siêu thị Beemart ở số 6, ngõ 68 Quan Nhân (quận Thanh Xuân, Hà Nội), khi phóng viên đến tìm hiểu, tình trạng cũng tương tự.

Lãnh đạo siêu thị nói gì?

Một số sản phẩm không nhãn mác hoặc nhãn mác không đầy đủ tại siêu thị Beemart

Một số sản phẩm không nhãn mác hoặc nhãn mác không đầy đủ tại siêu thị Beemart

Để làm rõ các thông tin, ngày 07/9, chúng tôi liên hệ với lãnh đạo siêu thị Beemart, thì được một nhân viên tên Vũ Thúy Liên tiếp đón. Trước những thông tin phóng viên đưa ra, bà Liên cho hay: “Một số sản phẩm có thể rơi tem nhãn trong lúc giao hàng hoặc do khách trộn sản phẩm lên (trong quá trình mua bán – PV) khiến tem nhãn rơi ra. Lỗi này là do các bạn nhân viên không kiểm soát hết được”. Bà Liên khẳng định, tất cả sản phẩm của Beemart đều yêu cầu có tem, có hạn sử dụng, có thông tin về sản phẩm trên tem nhãn.

Tuy nhiên, vẫn theo bà Liên, có một số sản phẩm gói to 25kg, khách chỉ mua một chút, do đó siêu thị bắt buộc phải chia nhỏ ra cho khách. “Thay bằng việc lúc khách yêu cầu bọn em mới đong ra thì bọn em sẽ đong ra trước để phù hợp với nhu cầu của khách hàng và vừa đảm bảo tốc độ bán hàng. Cơ sở bên Quan Nhân bọn em không quản lý được vì có người đã mua lại thương hiệu”, bà Liên nói.

Bà Liên cũng nói rằng, Beemart không hề sản xuất bất kì một sản phẩm nào mà chỉ mua đi bán lại. “Vì muốn sản xuất phải có giấy phép sản xuất, có đăng kí sản xuất mà bọn em không có nhân sự để lo việc đấy nên bọn em không làm” bà Liên cho hay.

Vào sáng ngày 08/09, qua điện thoại, bà Tống Thị Ngọc Ánh, Giám đốc hệ thống siêu thị Beemart trả lời chúng tôi như sau: “Về các mặt hàng bên em cố gắng đảm bảo nhất cho người tiêu dùng. Các mặt hàng do nhu cầu của người tiêu dùng nhỏ nên bọn em có chia ra, còn các mặt hàng bên em đều chọn những mặt hàng tốt nhất để bán cho người tiêu dùng. Việc bao bì bọn em chưa nắm được hết, và sẽ rút kinh nghiệm cho những mặt hàng sau. Do là doanh nghiệp trẻ nên còn có những thiếu sót…”.

Qua trả lời của siêu thị Beemart có thể thấy, họ khá thành thật. Tuy nhiên, khi đã kinh doanh những mặt hàng thực phẩm, thì cần tuân thủ các quy định của pháp luật. Bởi, chỉ một sai sót nhỏ, có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe khách hàng. Vấn đề này, thiết nghĩ cơ quan chức năng vẫn cần phải làm rõ, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Kim Oanh