Review Ròm: Giải mã những biểu tượng ẩn dụ của đạo diễn Trần Thanh Huy – BlogAnChoi

Phải khẳng định Ròm là một bộ phim điện ảnh khó xem, khó cảm. Để có thể xem và hiểu hơn về bộ phim nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay này, hãy cùng BlogAnChoi giải mã phim Ròm và những ẩn ý cài cắm của vị đạo diễn tài ba Trần Thanh Huy nhé.

Ròm – bộ phim giúp Việt Nam được xướng tên trong Liên hoan phim Busan với ngôi vị quán quân. Ròm cũng “gây bão” truyền thông suốt mấy tháng liền khi phim vừa thắng giải đã bị phạt vì đạo diễn Trần Thanh Huy mang phim đi dự thi khi chưa được cấp phép phổ biến. Phim cũng liên tục bị hoãn chiếu do ảnh hưởng của Covid-19.

Ròm đạt giải thưởng cao nhất trong Liên hoan phim Busan. (Nguồn ảnh: Internet)Ròm đạt giải thưởng cao nhất trong Liên hoan phim Busan. (Nguồn ảnh: Internet)

Nhưng cuối cùng, ngày 27/09 vừa qua trở thành mốc thời gian đáng nhớ khi Ròm chính thức ra rạp “diện kiến” công chúng. Phim nhanh chóng thu về hơn 28 tỷ đồng chỉ sau 3 ngày đầu công chiếu.

Thông tin chung về phim Ròm

Poster phim Ròm. (Ảnh: Internet)Poster phim Ròm. (Ảnh: Internet)

  • Thể loại phim: Phim tội phạm, bạo lực
  • Giới hạn tuổi: 18+
  • Đạo diễn: Trần Thanh Duy
  • Diễn viên chính: Trần Anh Khoa, Cát Phượng, Mai Trần, Wowy, Nguyễn Phan Anh Tú
  • Công chiếu: 27/09/2020
  • Số tập: 1 tập
  • Thời lượng: 79 phút

Nội dung phim Ròm

Ròm – tên phim cũng chính là tên nhân vật chính của phim. Cậu bé Ròm (Trần Anh Khoa đóng) là trẻ lang thang đường phố, chuyên bán vé dò cho người dân khu phố soi số lô đề. Ròm đã từng được cả khu phố tin tưởng vì luôn dự đoán những con số thần kỳ mang lại vận may đổi đời. Nhưng đến ngày vận xui đến, Ròm dự đoán sai và chứng kiến nhiều cảnh “tan nhà nát cửa” của dân nghiện lô đề.

Ròm - cậu bé đường phố phải lăn lộn với cuộc sống khó khăn. (Nguồn ảnh: Internet)Ròm - cậu bé đường phố phải lăn lộn với cuộc sống khó khăn. (Nguồn ảnh: Internet)

Phim còn có các nhân vật khác như Phúc (Anh Tú Wilson) luôn tìm mánh khóe cạnh tranh với Ròm. Trùm đại ka cho vay nặng lãi (Wowy) dụ con nợ vào tròng và thực hiên hành vi tội ác. Hay như Ghi (Cát Phượng) – một bà cô thầu đề, trung gian giữa nhà cái và người chơi, bà cô đối xử tốt với Ròm nhưng cũng vì tư lợi riêng. Khắc (Mai Trần) – người đàn ông bất hạnh có vợ con qua đời nhưng vẫn mong họ báo mộng cho một con số để lấy lại căn nhà.

Rapper Wowy đảm nhận vai diễn đại ka - trùm cầm đầu lô đề và cho vay nặng lãi.Rapper Wowy đảm nhận vai diễn đại ka - trùm cầm đầu lô đề và cho vay nặng lãi.

Hầu như các nhân vật trong phim đều là diễn viên “tay ngang” nhưng nhờ tài chỉ đạo diễn xuất của Trần Thanh Huy cùng sự nỗ lực nhập tâm xuất thần, khán giả đều tin rằng họ chính là Ròm, là Phúc, là đại ka mà khó lòng có thể để người nào thay thế.

Đạo diễn Trần Thanh Huy và các diễn viên nhí trong phim ngắn 16:30 - tiền đề tạo nên phim Ròm.Đạo diễn Trần Thanh Huy và các diễn viên nhí trong phim ngắn 16:30 - tiền đề tạo nên phim Ròm.

Ròm là phim truyện dài phát triển từ phim ngắn tốt nghiệp 16:30 của Trần Thanh Huy. Dự án phim 16:30 từng đạt giải Cánh Diều Vàng 2012 và được chiếu trong hạng mục Góc phim ngắn của Liên hoan phim Cannes 2013. Từ 16:30 đến Ròm là cả một chặng đường dài 8 năm của ekip làm phim. Họ dành thanh xuân, tuổi trẻ với đam mê điện ảnh và thật hạnh phúc vì họ đã thành công.

Trailer phim Ròm

Ròm – những cái tên cũng có dụng ý

Tên nhân vật chính Ròm là một từ độc lạ khó có thể tìm thấy ở đâu. Với cái tên một chữ và cách phát âm khác thường, khán giả dễ dàng ghi nhớ ngay từ lần đọc đầu tiên. Ròm có thể đọc gần với Còm, Dòm… đều là những từ dễ hình dung về một người nào đó yếu thế hoặc có hành động lén lút – hoàn toàn phù hợp với nét đặc trưng giao vé dò của nhân vật.

Công việc giao vé dò khiến Ròm có thu nhập nhưng kéo theo nhiều hệ lụy. (Nguồn ảnh: Internet).Công việc giao vé dò khiến Ròm có thu nhập nhưng kéo theo nhiều hệ lụy. (Nguồn ảnh: Internet).

Phúc cũng là trẻ đường phố mồ côi như Ròm, không biết cha mẹ là ai thì cũng không thể biết tên mình là gì. Cuộc hội thoại giữa Phúc và đại ka đã hé lộ về nguồn gốc tên cậu. Trong một lần đi giao vé dò, cậu nghe mấy người Tây nói “Fuck, Fuck”, dù không hiểu nghĩa đó là một câu chửi thề nhưng nghe gần với từ Phúc nên cậu tự đặt tên luôn cho mình.

Cái tên “cười ra nước mắt” này giống như một ẩn ý sâu cay về sự hội nhập ngày càng mạnh mẽ của văn hóa phương Tây đến các đô thị lớn phương Đông (cụ thể trong phim là Sài Gòn). Nhưng dù có hội nhập đến đâu, sự khác biệt văn hóa cũng vô cùng lớn và những đứa trẻ đường phố là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên.

Ròm và Phúc vừa là đối thủ cạnh tranh vừa là những đứa trẻ cùng cảnh ngộ. (Nguồn ảnh: Internet)Ròm và Phúc vừa là đối thủ cạnh tranh vừa là những đứa trẻ cùng cảnh ngộ. (Nguồn ảnh: Internet)

Ông Khắc, bà Ghi có lẽ là cách đặt tên theo đặc trưng nhân vật. Ông Khắc đang đi tìm bia mộ của vợ con đã mất, điều đó luôn khắc sâu trong lòng ông. Bà Ghi làm nghề thầu đề, việc ghi các con số lô đề là việc hàng ngày của bà ta.

Đại ka, vợ chồng ham cờ bạc trong chung cư đều không có tên cụ thể. Không chỉ đơn giản vì họ là nhân vật phụ nên bị đạo diễn “bơ”. Có lẽ Trần Thanh Huy muốn ẩn ý rằng những tên cho vay nặng lãi, những nạn nhân số đề đâu đâu cũng có thể bắt gặp giữa đời thực nên không cần đặt tên vì họ có thể là người mà ta quen hoặc chính là ta nếu một lần lầm lỡ sa vào cờ bạc.

Ròm – góc máy nghiêng và lối cắt dựng nghệ thuật

Trải dài phim là những góc máy nghiêng lần đầu tiên xuất hiện trong phim Việt. Sự nghiêng ngả của góc máy giống như cuộc sống của Ròm luôn bấp bênh, không bằng phẳng, nay đây mai đó, lên voi xuống chó chỉ trong một đêm.

Bạn còn nhớ cảm giác khi đang chạy không? Mọi vật xung quanh trở nên nghiêng ngả không như lúc ta đứng yên. Linh hồn của phim Ròm là những cảnh chạy xuyên suốt nên lựa chọn góc máy nghiêng là hoàn toàn phù hợp.

Ròm có góc máy nghiêng đặc trưng. (Nguồn ảnh: Internet).Ròm có góc máy nghiêng đặc trưng. (Nguồn ảnh: Internet).

Nhiều người nhận định phim có lối cắt dựng khó hiểu, đứt đoạn và thiếu liên kết. Có ý kiến cho rằng đó là do phim đã bị cắt trong khâu kiểm duyệt. Nhưng nếu bạn nghĩ theo hướng khác, phim thực chất là những lát cắt từ cuộc sống của Ròm – chúng đời thường như chính cuộc đời ngoài kia, lộn xộn, vội vàng và đứt đoạn.

Không chỉ với kết phim mơ hồ, xuyên suốt bộ phim, đạo diễn đâu giải quyết bất kỳ sự việc nào đến nơi đến chốn mà đều để ở trạng thái lưng chừng. Vì vốn cuộc sống này đâu thể biết trước điều gì và nhất là với những cậu bé lang thang như Ròm, sống qua ngày đã là một phép màu, càng khó biết tương lai sẽ ra sao.

Nụ cười hiếm hoi của Ròm trong phim. (Nguồn ảnh: Internet).Nụ cười hiếm hoi của Ròm trong phim. (Nguồn ảnh: Internet).

Trần Thanh Huy khiến khán giả tự đặt ra câu hỏi, tự nhận xét về nhân vật, tình huống truyện mà không hề đặt thái độ phán xét áp đặt vào bất kỳ cảnh nào. Thái độ trung dung của nhà làm phim khiến khán giả tạo ra những giả thuyết riêng cho mình.

Trong phim Ròm, xuất hiện những cảnh phim trong 16:30. (Nguồn ảnh: Internet).Trong phim Ròm, xuất hiện những cảnh phim trong 16:30. (Nguồn ảnh: Internet).

Trong phim cũng xuất hiện những hình ảnh lấy từ phim ngắn 16:30, chúng trở thành hồi ức tuổi thơ của Ròm. Khi Ròm còn bé soi hòn bi ve lên ánh nắng mặt trời, nhà làm phim đã cắt dựng ngay đến cảnh lúc lớn, Ròm đang đi đi lại lại trên đường phố. Góc máy chao nghiêng, dập dềnh liên tục như một thế giới chao đảo trong hòn bi ve.

Sự hòa lẫn giữa quá khứ và thực tại là tâm lý thường trực trong mỗi con người. Nhất là với Ròm, khi hiện tại ngày càng tàn khốc, cậu lại nhớ về những kỷ niệm khiến cậu thấy yên bình.

Ròm – nhân vật luôn ở tình thế nguy hiểm

Ròm bị đẩy xuống sông nhưng không biết bơi. Ròm và Phúc đang đánh nhau trên đường ray thì có con tàu lao đến rất nhanh. Ròm và cả khu chung cư cũ lọt thỏm trong đám cháy. Tên đại ka đòi nợ thuê luôn cầm theo chiếc búa đung đưa đe dọa đập đầu con nợ…

Trong phim, Ròm và Phúc tranh giành địa bàn nhưng ngoài đời hai diễn viên rất thân thiết. (Nguồn ảnh: Internet).Trong phim, Ròm và Phúc tranh giành địa bàn nhưng ngoài đời hai diễn viên rất thân thiết. (Nguồn ảnh: Internet).

Đó là hàng loạt tình huống tạo cho khán giả cảm giác nhân vật đang bị nguy hiểm, họ bị tấn công từ mọi phía. Đó là không khí chủ đạo của phim, khi các nhân vật vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm trong chính cuộc đời họ.

Ròm – khi nhân vật luôn bị dìm xuống

Trong các tình huống hồi hộp nhất, Ròm luôn bị tác động kéo xuống. Cảnh chèo thuyền khi Phúc đưa Ròm đến chỗ bà Ghi, Phúc cũng “lựa đòn” đẩy Ròm xuống sông. Một phân đoạn khác, để trả thù Ròm bắn súng cao su vào mình, Phúc lén phục kích Ròm và phang cậu một gậy khiến cậu ngã từ cầu thang xuống.

Hậu trường cảnh đánh nhau trong bùn đất. (Nguồn ảnh: Internet).Hậu trường cảnh đánh nhau trong bùn đất. (Nguồn ảnh: Internet).

Khi Ròm đi tìm bia mộ vợ con nhà ông Khắc và bị rơi xuống huyệt, trời đổ mưa tầm tã, Ròm càng leo lên thì bùn đất trơn trượt càng kéo cậu xuống. Trong phân đoạn đáng nhớ khi Phúc và Ròm vật lộn trong đám bùn đất, Ròm liên tục bị kéo lê và vùi mặt xuống nước bẩn.

Ròm có những phân đoạn đánh nhau khốc liệt. (Nguồn ảnh: Internet).Ròm có những phân đoạn đánh nhau khốc liệt. (Nguồn ảnh: Internet).

Tất cả những phân đoạn Ròm bị kéo xuống như ám chỉ cậu bé dưới đáy xã hội luôn bị vùi dập, đã thấp hèn lại càng thấp hèn hơn. Mà phần lớn, người kéo Ròm xuống cũng có hoàn cảnh giống cậu, vì nghèo nên họ đánh mất lương tri và tìm cách hãm hại nhau.

Ròm – khi nhân vật ở trên cao

Nhưng đạo diễn Trần Thanh Huy cũng không “triệt đường sống” của Ròm, anh vẫn ưu ái viết cho Ròm những phân đoạn ấn tượng khi cậu được đôi lần đi lên phía cao. Nơi Ròm sống là một chỗ tạm bợ, như một gác xép lộn xộn nối với mái nhà. Ròm phơi quần áo, hóng gió và dự đoán hên xui về những con số trên chính mái nhà ấy.

Có một phân đoạn khi cậu đang ngắm cảnh buổi tối trên mái nhà thì xa xa có bóng máy bay thấp thoáng ngang qua. Đây là dụng ý của nhà làm phim khi tạo sự đối lập giàu nghèo giữa máy bay – nóc nhà khu ổ chuột. Máy bay là một thứ xa vời, xa xỉ với Ròm.

Hậu trường cảnh Ròm và Phúc ngồi trên nóc ô tô tải. (Nguồn ảnh: Internet).Hậu trường cảnh Ròm và Phúc ngồi trên nóc ô tô tải. (Nguồn ảnh: Internet).

Trong một cảnh hiếm hoi khi Phúc và Ròm cùng trò chuyện như hai người bạn trên nóc chiếc xe ô tô tải đi qua những dãy phố Sài Gòn, hai cậu bé và bầu trời xanh ngát gần như chạm nhau. Nhưng cảnh thơ mộng ấy chấm dứt ngay khi họ bị đuổi xuống và lại tiếp tục đua tranh vé dò. Được lên cao chốc lát nhưng cũng là lén lút – thật buồn cho khoảnh khắc ngắn ngủi của Ròm.

Ròm – bộ phim tạo ra hình tượng tương phản

Cảnh đường phố xa hoa, nhộn nhịp, tràn ngập ánh đèn và âm thanh vũ trường tương phản với cách Ròm cù bơ cù bất chạy “bán sống bán chết” trong các ngõ hẻm hẹp để rao vé dò.

Ròm thường đến góc phố nơi mình đã từng bị bố mẹ bỏ lại để vẽ ký họa gia đình. Bức tường nham nhở với những giấy quảng cáo trên nền màu sơn vàng loang lổ. Nhìn sang bên kia đường là những mái nhà lụp xụp núp sau những tòa cao tầng với các ô cửa kính bóng loáng.

Ròm và Phúc rượt đuổi nhau trên đường phố Sài Gòn đông đúc. (Nguồn ảnh: Internet).Ròm và Phúc rượt đuổi nhau trên đường phố Sài Gòn đông đúc. (Nguồn ảnh: Internet).

Ròm trong cơn mưa ngập lụt của thành phố đi lang thang vô định trong khi sát kề bên cậu là một chiếc ô tô con sang chảnh đi vụt qua.

Muốn đến căn nhà của bà Ghi để ghi số lô đề, Ròm và Phúc phải vượt qua dòng sông. Phía bên này sông là đô thị, phía bên kia sông là khu ổ chuột của tầng lớp lao động nghèo.

Phim Ròm không tạo nên những mâu thuẫn nặng nề như trong Ký Sinh Trùng nhưng nếu bạn để ý kỹ vẫn nhận ra rất nhiều ẩn ý của đạo diễn cài cắm trong từng cảnh phim.

Ròm – khi âm thanh cuộc sống bao trùm bộ phim

Trong phim chỉ sử dụng duy nhất bản rap Chạy của Wowy, beat xuất hiện trong các phân đoạn rượt đuổi còn lời xuất hiện dưới tư cách bài hát phát ra từ một quán ven đường nào đấy.

Trong các phân đoạn đánh nhau căng thẳng, những âm thanh vang lên thực chất là tiếng đàn từ nhạc cụ dân tộc khiến khán giả không bị chi phối bởi ca từ mà tập trung vào cảm xúc của nhân vật.

Nhạc phim chính của Ròm là bài rap Chạy của Wowy. (Nguồn ảnh: Internet).Nhạc phim chính của Ròm là bài rap Chạy của Wowy. (Nguồn ảnh: Internet).

Bài hát Buồn được dân chung cư hát khi nhậu say thể hiện sự mong muốn của họ vào vận may lô đề. Thay vì lồng ghép nhạc nền như cách làm phổ biến trong phim Việt gần đây, Trần Thanh Huy cho các diễn viên tự hát tạo ra không khí chân thực cho phim.

Hậu trường dân chung cư "hát chay" bài "Buồn". (Nguồn ảnh: Internet)Hậu trường dân chung cư "hát chay" bài "Buồn". (Nguồn ảnh: Internet)

Bà Ba sau khi cầm cố căn nhà của mình để chơi lô đề đã mở nhạc giao hưởng bằng đĩa than lên nghe. Đây là thứ nhạc sang trọng của nhà giàu có nghe để thư giãn căng thẳng. Bà Ba như muốn tận hưởng cảm giác thưởng thức nghệ thuật hàn lâm trước giờ công bố trúng số lô đề.

Ròm – thành công ở những tiểu tiết nhỏ

Khâu thiết kế mỹ thuật trong Ròm chỉnh chu trong từng đạo cụ, tiểu tiết nhỏ. Để mô tả cuộc sống thiếu thốn của con nghiện lô đề, nhà làm phim khiến khán giả chú ý vào chiếc radio mất tín hiểu và chiếc ti vi nhiễu sóng.

Bức tranh vẽ gia đình của Ròm trên góc tường không chỉ thể hiện ước mơ thầm kín tìm lại bố mẹ của cậu mà còn tác động tới lương tri của bà Ghi khi bà ta trộm tiền của Ròm.

Chỗ ở của Ròm tràn ngập những con số. (Nguồn ảnh: Internet).Chỗ ở của Ròm tràn ngập những con số. (Nguồn ảnh: Internet).

Chiếc áo thể thao cũ của Ròm vẫn mặc trên người ghi con số 7 mà trong nhiều phân đoạn chạy có thể bị nhầm lẫn thành con số 1. Từ vị trí con số đứng đầu chuyển sang số 7 mà theo dân gian 7 nghĩa là “thất” tương ứng với vận xui, đây là dấu hiệu ám chỉ cuộc đời của nhân vật Ròm gian nan, vất vả.

Chiếc đồng hồ cũ của Ròm, điếu thuốc trên vành tai của tên đại ka cũng đều là vật dụng gắn liền với nhân vật, vừa tạo ấn tượng riêng vừa có thể sử dụng trong các tình huống tiếp theo.

Tạm kết

Phim Ròm tuy đạt giải cao nhất của Busan và gặt hái thành công về mặt doanh thu trong những ngày đầu phát hành nhưng lại tạo ra luồng ý kiến trái chiều từ khán giả. Có người cho rằng phim rất hay, có người lại nói phim không đạt kỳ vọng như mong đợi.

Đạo diễn Trần Thanh Huy và nhạc sĩ Tôn Thất An đang tiến hành hậu kỳ cho Ròm tại Pháp. (Nguồn ảnh: Internet).Đạo diễn Trần Thanh Huy và nhạc sĩ Tôn Thất An đang tiến hành hậu kỳ cho Ròm tại Pháp. (Nguồn ảnh: Internet).

Dù bạn có cảm thấy Ròm như thế nào thì đây vẫn là một tác phẩm quan trọng của điện ảnh Việt Nam mà nhiều năm sau khán giả vẫn trân trọng giá trị cốt lõi của phim. Đó là điện ảnh góp phần tái hiện bức tranh thực tại về lớp người nghèo khổ dưới đáy xã hội – mà không phải ekip phim nào cũng can đảm thực hiện.

Bạn đã xem phim Ròm chưa? Bạn cảm nhận như thế nào về bộ phim này, hãy chia sẻ với BlogAnChoi nhé!