Quy định về thủ tục tổ chức diễn tập PCCC tại doanh nghiệp

Những đối tượng phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy? Nội dung của huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy? Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp? Trách nhiệm tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy? Thủ tục tổ chức diễn tập và đề nghị cấp chứng nhận huấn luyện phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp?

Dạo gần đây, các vụ cháy ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở những nơi như quán karaoke, nơi làm việc, khu dân cư và khi xảy ra cháy nổ thì việc kiểm soát đám cháy là điều khá là khó khăn. Theo đó, sau khi xảy ra sự kiện cháy nổ thì đã có những thiệt hại nghiêm trọng mà con người không thể kiểm soát được. Vì vậy có thể thấy việc bảo đảm về an toàn cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm an toàn về những tài sản của công ty, an toàn về tính mạng, sức khoẻ cũng như là việc làm của người lao động.

Căn cứ pháp lý:

– Luật Phòng cháy chữa cháy 2001, sửa đổi năm 2013;

– Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568

1. Những đối tượng phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy:

Theo quy định của pháp luật thì những đối tượng sau đây sẽ phải thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy:

– Những đối tượng là người mà có chức danh chỉ huy chữa cháy theo quy định của pháp luật

– Những đối tượng là thành viên của đội dân phòng, thành viên của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở

– Những đối tượng là thành viên của đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;

– Những đối tượng là người làm việc trong những môi trường mà có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với những hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;

– Những đối tượng là người điều khiển phương tiện, người làm việc trên các phương tiện giao thông cơ giới mà vận chuyển hành khách trên 29 chỗ ngồi và các phương tiện giao thông cơ giới mà vận chuyển các hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ

– Những đối tượng là người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại các cơ sở mà pháp luật quy định.

– Những đối tượng là thành viên đội, thành viên đơn vị phòng cháy và chữa cháy rừng.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì những doanh nghiệp thực hiện việc kinh doanh trong môi trường mà có nguy hiểm về cháy nổ hoặc doanh nghiệp kinh doanh trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với những hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thì phải thực hiện huấn luyện về phòng cháy chữa cháy (tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp)

2. Nội dung của huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy:

Nội dung của buổi huấn luyện, diễn tập phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp bao gồm những nội dung sau:

– Phổ biến kiến thức pháp luật, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.

– Phổ biến những phương pháp tuyên truyền toàn dân tham gia vào phòng cháy và chữa cháy;

– Phổ biến các biện pháp phòng cháy; các biện pháp, chiến thuật và kỹ thuật chữa cháy;

– Phổ biến các phương pháp xây dựng và thực tập các phương án chữa cháy;

– Phổ biến các phương pháp bảo quản, cách sử dụng những phương tiện phòng cháy và chữa cháy;

– Phổ biến các phương pháp kiểm tra an toàn về công tác phòng cháy và chữa cháy.

3. Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp:

– Thời gian doanh nghiệp tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy lần đầu: Từ 16 giờ đến 24 giờ

– Đối với thời gian doanh nghiệp tổ chức huấn luyện lại: sau khi giấy chứng nhận lần đầu hết thời hạn sử dụng thì doanh nghiệp phải tổ chức lại huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy tối thiểu là 16 giờ

– Thời gian bồi dưỡng bổ sung hàng năm của doanh nghiệp về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy tối thiểu 08 giờ

4. Trách nhiệm tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy:

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, những người đứng đầu cơ quan, tổ chức hay những người đứng đầu cơ sở phải có trách nhiệm tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ (tổ chức diễn tập) phòng cháy và chữa cháy cho những đối tượng thuộc phạm vi quản lý của mình;

– Những cơ quan, tổ chức hay cơ sở hoặc các cá nhân mà có nhu cầu để được huấn luyện hay bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy thì phải đề nghị cơ quan Công an hoặc đề nghị cơ sở huấn luyện, hướng dẫn về các nghiệp vụ phòng cháy,chữa cháy mà đã được xác nhận là đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy tổ chức để huấn luyện. Kinh phí để tổ chức huấn luyện do các cơ quan, tổ chức, cơ sở hoặc cho các cá nhân tham gia huấn luyện chịu trách nhiệm.

Như vậy, các doanh nghiệp thực hiện việc kinh doanh trong môi trường mà có nguy hiểm về cháy nổ hoặc doanh nghiệp kinh doanh trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với những hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thì phải có trách nhiệm tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ (tổ chức diễn tập) phòng cháy và chữa cháy còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khác thì có nhu cầu để được huấn luyện hay bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy thì phải đề nghị cơ quan Công an hoặc đề nghị cơ sở huấn luyện, hướng dẫn về các nghiệp vụ phòng cháy,chữa cháy mà đã được xác nhận là đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy tổ chức để huấn luyện.

5. Thủ tục tổ chức diễn tập và đề nghị cấp chứng nhận huấn luyện phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp:

Chủ các doanh nghiệp thực hiện việc kinh doanh trong môi trường mà có nguy hiểm về cháy nổ hoặc doanh nghiệp kinh doanh trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với những hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ hoặc các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khác có nhu cầu thì chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm những giấy tờ như sau:

– Văn bản đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp chứng nhận huấn luyện

– Danh sách trích ngang lý lịch của chính người đăng ký huấn luyện

Sau khi chuẩn bị hồ sơ thì chủ doanh nghiệp nộp bộ hồ sơ đó cho cơ quan có thẩm quyền bằng phương thức nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền hoặc nộp trực tuyến tại cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền hoặc nộp hồ sơ thông qua dịch vụ bưu chính hoặc thông qua thuê dịch vụ của các doanh nghiệp, cá nhân hoặc ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp đó chính là Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thuộc cấp tỉnh, Công an thuộc cấp huyện

Sau khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp thì phải có trách nhiệm kiểm tra thành phần và tính hợp lệ của hồ sơ đó, sau đó thực hiện các bước như sau:

– Nếu hồ sơ của doanh nghiệp đầy đủ thành phần và đã hợp lệ theo đúng quy định của pháp luật thì cán bộ tiếp nhận và phải ghi thông tin vào Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về vấn đề phòng cháy và chữa cháy

– Nếu hồ sơ của doanh nghiệp chưa đầy đủ thành phần hoặc là chưa hợp lệ theo đúng quy định của pháp luật thì cán bộ tiếp nhận hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật và phải ghi thông tin vào Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về vấn đề phòng cháy và chữa cháy.

Sau khi cán bộ đã tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp thì sẽ phải thông báo kết quả xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp và phải tuân thủ như sau:

– Trong trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp tới Bộ phận Một cửa của các cơ quan có thẩm quyền thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp đó phải giao trực tiếp cho doanh nghiệp 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về vấn đề phòng cháy và chữa cháy hoặc là Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về vấn đề phòng cháy và chữa cháy cho những người đến nộp hồ sơ và lưu 01 bản;

– Trong trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ qua cổng Dịch vụ công của cấp cơ quan chức năng có thẩm quyền thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp phải gửi thông báo qua thư điện tử hoặc qua tin nhắn điện thoại về việc đã tiếp nhận hồ sơ hoặc hướng dẫn doanh nghiệp bổ sung hồ sơ đến các cơ quan, tổ chức hay cá nhân đã nộp hồ sơ;

– Trong trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp hay cá nhân hoặc qua ủy quyền cho người khác theo đúng quy định của pháp luật thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp phải gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về vấn đề phòng cháy và chữa cháy hoặc là Phiếu hướng dẫn, bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về vấn đề phòng cháy và chữa cháy cho các cơ quan, tổ chức hay cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó và lưu lại 01 bản.