Phỏng vấn tuyển dụng: Coi chừng bị lừa! | CareerBuilder.vn

Phỏng vấn tuyển dụng: Coi chừng bị lừa!

Ngày 28/10, sau khi được đăng lên mục “Lao động nữ tự giới thiệu” ở báo P.N, Thanh Vân (chúng tôi đổi tên) đã được một “nhà tuyển dụng” gọi điện thoại mời dự phỏng vấn. Điều bất thường là ở chỗ, địa điểm phỏng vấn lại là… một quán cà phê.

Lý do “nhà tuyển dụng” này đưa ra khá thuyết phục: “Anh muốn sơ vấn trước, nếu đạt yêu cầu, mới báo cáo cho sếp và nhận vào làm việc luôn”.

Các chiêu lừa

Sáng hôm sau, trên đường đến điểm hẹn, Vân được “nhà tuyển dụng” (tự giới thiệu tên Phương) gọi điện, hẹn gặp ở một địa điểm khác, mời vào nhà “phỏng vấn”. Phương hỏi Vân về công việc của một thư ký văn phòng, rồi giảng giải: “Một thư ký văn phòng hiện đại là phải làm tất cả các công việc mà sếp yêu cầu, có khi còn phải ủi đồ cho sếp”. Anh ta hứa hẹn sẽ trả lương 2 triệu đ/tháng, dù mức lương đề nghị của Vân chỉ 1,2-1,5 triệu đ/tháng.

Sau đó, anh ta lại kêu Vân ủi đồ để anh ta đi công chuyện gấp. Rồi anh ta đi… tắm và gọi cô mang quần áo (vừa ủi) vào cho anh ta và lộ nguyên hình… dê cụ. Khi anh ta dở trò, Vân dọa tri hô, “dê cụ” bèn lịch sự xin lỗi: “Tại anh sống một mình quá cô đơn. Để anh mở cửa cho. Hy vọng chúng ta vẫn hợp tác” (?).

Ngày 10/8/2005, chị Nguyễn Thị Kim Loan (ngụ 136/4 Vạn Kiếp, P.3, Bình Thạnh) đến một văn phòng dịch vụ việc làm (DVVL) trên đường Phan Văn Trị, P.14, Bình Thạnh thì được văn phòng này giới thiệu đến công ty Ánh Dương (78 Nguyễn Văn Thủ, Q.1) gặp ông Hoàng để được phỏng vấn nhận vào bán hàng, lương 900.000đ/tháng.

Sáng 11/8, chị Loan đến địa chỉ trên thì được Hoàng đón ngay trước cổng, mời qua quán nước bên cạnh để “xem hồ sơ”. Viện cớ xe hư, Hoàng quá giang xe chị Loan đến “chi nhánh công ty trên đường Nguyễn Thị Minh Khai”.

Dọc đường Hoàng bảo chị ghé tiệm photo một số giấy tờ để bổ sung hồ sơ. Lợi dụng lúc chị Loan sơ hở, Hoàng nhảy lên xe máy của chị Loan chạy mất. Hoá ra, công ty Ánh Dương không hề có nhu cầu tuyển người và “ông Hoàng” kia cũng không phải là nhân viên của công ty.

Xung quanh các vụ lừa này, trong tháng 9/2005, đã có 2 văn phòng DVVL bị đình chỉ hoạt động, phải bồi thường phân nửa tài sản bị mất của người tìm việc. Ông Trần Anh Tuấn – phó giám đốc kiêm trưởng phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm DVVL TPHCM – cho rằng, chiêu thức của bọn lừa đảo tuy có khác nhau nhưng tựu trung đều nhắm vào niềm khát khao có việc làm, của người tìm việc.

Nhận diện bọn lừa đảo

Cần lưu ý: không có nhà tuyển dụng đàng hoàng nào lại hẹn phỏng vấn ở bên ngoài cơ quan (quán nước, ngoài cổng công ty, nhà riêng…). Khi được hẹn đến phỏng vấn ở một cơ quan, cần lưu ý xem cơ quan đó có bảng hiệu, bàn ghế, thiết bị, nhân viên gì không (vì đã có trường hợp thuê mặt bằng tạm bợ để làm “trụ sở” lừa).

Một điểm nữa là phải “thận trọng với những lời hứa”: những kẻ lừa đảo thường vẽ ra những vị trí tốt, thu nhập vượt quá khả năng của người dự tuyển, đưa ra thật nhiều hứa hẹn tốt lành trong buổi đầu gặp gỡ. Đó là điều bất thường mà người tìm việc cần bình tĩnh xem xét. Đồng thời đang xuất hiện những “nhà tuyển dụng” mượn các trung tâm DVVL để làm điểm giao dịch trực tiếp với người tìm việc, cho địa chỉ nào đó để “phỏng vấn”.

Bà Đinh Kim Hoàng – Phó GĐ Sở LĐ – TBXH TPHCM khẳng định: Các TT DVVL phải có trách nhiệm kiểm chứng thông tin tuyển dụng và phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho người lao động nếu giới thiệu người lao động đến những nhà tuyển dụng lừa.

  (Theo PN TP HCM)