Phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm của toàn dân .CÔNG AN TRA VINH

Phóng viên:Thưa Đại tá Nguyễn Văn Trung, ông đánh giá như thế nào về phong trào toàn dân PCCC ở tỉnh ta thời gian qua?

Đại tá Nguyễn Văn Trung: Công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy đã được triển khai rộng rãi, cụ thể là phối hợp với các sở, ban ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, củng cố, nhân rộng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với phương châm “4 tại chỗ”, nòng cốt là lực lượng Dân phòng, phòng cháy, chữa cháy cơ sở.Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập được 1.321 đội PCCC tại chỗ (có 106 đội Dân phòng; 1.215 đội PCCC cơ sở) với 8.139 đội viên, đa số đều được huấn luyện nghiệp vụ PCCC, được trang bị nhiều dụng cụ chữa cháy xách tay đảm bảo phục vụ tốt công tác chữa cháy tại cơ sở. Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, mô hình đảm bảo an toàn PCCC theo hướng tự nguyện, tự phòng tại các cụm dân cư, cụm doanh nghiệp…Qua đó đã xây dựng 03 mô hình như: Mô hình “ 4 tại chỗ” tại Khu công nghiệp Long Đức, “cơ quan an  toàn PCCC” Công ty Điện lực Trà Vinh và Công ty Xăng dầu; mô hình “khu dân cư an toàn PCCC” ở thị trấn Định An, huyện Trà Cú.

Mặc dù phong trào toàn dân PCCC trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có sự chuyển biến so với trước. Tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến cháy, nổ cao; nguyên nhân  do một số nơi chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với công tác PCCC, chưa có sự đầu tư đúng mức; ý thức chấp hành các quy định pháp luật phòng cháy, chữa cháy của một bộ phận người dân,người lao động còn hạn chế, chủ quan, coi nhẹ việc phòng cháy, nhất là công tác quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất nguy hiểm dễ phát sinh cháy, nổ.Phong trào toàn dân PCCC, phương châm “ 4 tại chỗ” ở một số nơi còn mang tính hình thức, các đội Dân phòng, đội PCCC cơ sở không duy trì hoạt động hoặc hiệu quả hoạt động không cao.

Phóng viên: Thưa đại tá, thời gian qua vẫn còn nhiều vụ cháy, nổ xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, cho thấy một bộ phận người dân vẫn chưa quan tâm đến công tác PCCC. Vậy những tồn tại và hạn chế nào được xem là đang tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ thưa ông?

Đại tá Nguyễn Văn Trung:Về nguyên nhân xảy ra các vụ cháy thì có nhiều nguyên nhân cụ thể như về ý thức chấp hành Luật PCCC, những biện pháp an toàn PCCC chưa đảm bảo, còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác mà phần nhiều là thiếu sót, vi phạm để xảy ra cháy, nổ,như trong kinh doanh, mua bán, sử dụng vật liệu dễ cháy như tre, lá, giấy dầu che chắn làm lều, làm quầy chứa hàng hoá, trưng bày lấn chiếm lòng, lề đường; đốt nhang thờ cúng, dùng bếp gas nấu ăn trong quầy, sắp xếp hàng hoá không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC; hệ thống dây dẫn điện mắc kéo không đúng kỹ thuật an toàn dễ dẫn đến chập điện cháy lan, cháy lớn; bếp đun nấu để sát vách lá không có vật liệu che chắn, hệ thống điện câu móc chằn chịt không ống nhựa bảo vệ, thiếu thiết bị bảo vệ an toàn dẫn đến chạm, chập gây cháy; trách nhiệm của thủ trưởng, đơn vị, cơ sở còn xem nhẹ và thiếu sự quan tâm đầu tư cho công tác PCCC, cải tạo hoặc xây dựng mới cơ quan, trụ sở làm việc bỏ qua giai đoạn thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu PCCC, đưa công trình vào sử dụng, đầu tư kinh phí, trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện, nguồn nước phục vụ chữa cháy không đảm bảo, lực lượng chữa cháy tại chỗ vừa thiếu lại vừa yếu, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác PCCC; công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC thiếu thường xuyên, còn nhiều điểm hạn chế, từ đó ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác phòng ngừa cũng như tổ chức cứu chữa kịp thời các vụ cháy, nổ xảy ra; việc khắc phục những tồn tại thiếu sót chưa triệt để,đây là những nguy cơ trực tiếp dễ dẫn đến cháy nổ tại.

Phóng viên: Để hạn chế các vụ cháy, nổ xảy ra, xin Đại tá cho biết những giải pháp và cảnh báo như thế nào về công tác PCCC đối với hộ gia đình, khu dân cư, chợ, các cơ sở, công ty…; và đâu là giải pháp cấp thiết để đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân PCCC ở tỉnh ta?

Đại tá Nguyễn Văn Trung:Để đảm bảo an toàn PCCC, không để cháy nổ xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Phòng cảnh sát PCCC và CNCH yêu cầu mọi người trong cộng đồng xã hội cần nâng cao ý thức hơn nữa trong công tác PCCC, cảnh giác không để xảy ra cháy, nếu có cháy xảy ra thì kịp thời tổ chức chữa cháy nhanh chóng khi đám cháy còn nhỏ, đó là một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định của mục tiêu là kiềm chế, kéo giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, đặc biệt là số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Vì vậy, mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân cần thực hiện một số biện pháp PCCC như sau:

– Mỗi cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ, Trung tâm thương mại, khu tập trung dân cư, các hộ kinh doanh mua bán trong toàn tỉnh phải thường xuyên tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở mình để kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót không đảm bảo an toàn PCCC; có phương án bố trí lực lượng và phương tiện, dụng cụ PCCC, hệ thống cấp nước chữa cháy tại chỗ; từng hộ gia đình phải có lu, thùng chứa nước và bình chữa cháy trong nhà để khi có cháy xảy ra cứu chữa kịp thời không để cháy lan, cháy lớn.

– Tại các chợ, Trung tâm thương mại phải tách điện phục vụ kinh doanh, sinh hoạt, bảo vệ và chữa cháy thành từng hệ thống riêng biệt; sắp xếp các hộ kinh doanh, ngành hàng đáp ứng yêu cầu an toàn phòng cháy chữa cháy; phải có phương án thoát nạn và giải tỏa hàng hóa khi có cháy xảy ra. Trong kinh doanh mua bán, hàng hóa không để lấn chiếm lòng lề đường, lối đi lại; không sử dụng tre lá, giấy dầu dựng lều làm quầy; không đốt nhang, đốt vàng mã thờ cúng trong quầy hàng, không mua bán xăng dầu, sang chiết gas và các chất dễ cháy, nổ trong khu vực chợ, Trung tâm thương mại.

– Tại các kho, phải tách điện phục vụ sản xuất, bảo vệ và chữa cháy thành từng hệ thống riêng biệt; sắp xếp vật tư hàng hóa đáp ứng yêu cầu an toàn PCCC. Kho chứa các chất nguy hiểm cháy, nổ phải là kho chuyên dùng.

– Tại các hộ gia đình, các khu dân cư : Hệ thống dây dẫn điện phải đảm bảo đúng kỹ thuật an toàn PCCC, không mắc chằng chịch qua vách lá hay vật liệu dễ cháy, nổ khác, phải có bộ ngắt điện tự động, cầu dao, cầu chì riêng biệt. Bếp nấu ăn phải đặt cách xa vách lá hoặc xây tường gạch, tol che chắn, trong đun nấu phải trông coi cẩn thận; không để củi, rơm, vật liệu dễ cháy trong khu vực bếp nấu ăn; tắt hết lửa, đèn, quạt điện hoặc cúp cầu dao điện mới ra khỏi phòng, khỏi nhà.
Trước diễn biến cháy, nổ phức tạp, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ như, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức và pháp luật về PCCC. Vận động cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và nhân dân hiểu rõ trách nhiệm tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC, tình nguyện tham gia tích cực vào công tác PCCC và CNCH bằng các hình thức như: Tuyên truyền miệng, xe loa cổ động, chiếu phim phóng sự, các tin bài về công tác PCCC phát trên đài truyền hình tỉnh, báo Trà Vinh, đài truyền thanh các huyện, thành phố; lồng ghép kiến thức kỹ năng phòng cháy và chữa cháy vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục để cảnh báo nguy cơ cháy, nổ và các biện pháp phòng ngừa; kết hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác hướng dẫn – kiểm tra an toàn PCCC đối với các khu, cụm dân cư, hộ gia đình và các cơ sở; nhất là hướng dẫn việc tự kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC của cơ quan, đơn vị, cơ sở; chỉ đạo dứt điểm khắc phục các tồn tại, thiếu sót không đảm bảo an toàn về PCCC. Đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi quạm các quy định về PCCC; tăng cường công tác củng cố, xây dựng mới các đội PCCC cơ sở và dân phòng, tổ chức huấn luyện cho lực lượng này nắm vững kiến thức, sử dụng thành thạo phương tiện chữa cháy tại chỗ để cứu chữa kịp thời các đám cháy mới phát sinh và thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ); tổ chức diễn tập nhiều phương án chữa cháy, cứu nạn ở các cơ sở trọng điểm, chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư để tạo sự phối hợp tốt giữa lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp với lực lượng chữa cháy tại chỗ nhằm tạo bước chuẩn bị, chủ động xử lý tốt tình huống khi xảy ra cháy, không để cháy lan, cháy lớn.

Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đảm bảo thường trực 24/24 giờ, luôn ở tư thế chủ động, sẵn sàng chữa cháy trong mọi tình huống.

Phóng viên: Xin cám ơn Đại tá Nguyễn Văn Trung!.
 
 

Xuân Thảo