Phật bụng bự của tôi

Nhớ ngày bé theo má lên chùa, tôi liền ba chân bốn cẳng chạy lại tượng đức Di Lặc mà sờ sờ cái bụng. Lúc ấy, dại khờ, tôi xem đó là ông Phật vui nhất chùa với nụ cười tỏa nắng khiến ai nhìn cũng thấy được vui lây.

Mời Đạo hữu ngắm và cung thỉnh tôn tượng Đức Thích Ca Mâu Ni
tại đây.

Audio

Càng nhìn càng thích, càng thấy bị chinh phục bởi nụ cười của Ngài. Nói thiệt hồi đó, hễ mà có chuyện gì buồn hay những khi bị má rầy vì tội trốn học là te te qua chùa lại kiếm ông Phật bụng bự để méc và ngó ổng cười mà tự nhiên hết buồn hồi nào không biết…Lớn lên, khi có cơ hội tìm hiểu về đạo Phật, tôi mới hiểu ẩn sâu bên trong biểu tướng nụ cười và cái bụng của Ngài Từ Thị  là một nền tảng triết lí tu tập hết sức thâm thúy và siêu việt “Bụng lớn năng dung, dung chứa những điều khó dung trong thiên hạ/Miệng cười thoải mái, cười hoan hỉ, buông bỏ mọi chấp trước trong đời”. Có lẽ, đạo Phật trong trái tim tôi mãi mãi là hình ảnh tuổi thơ nên chùa quê có ông Phật vui vẻ.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Ngày bé, chùa quê mỗi buổi chiều

Tôi sang thăm Phật, gió hiu hiu

Thương chiếc bụng to năng chứa đựng…

Nụ cười hỉ lạc biết bao nhiêu!

Càng lớn, đứng trước sự hơn thua đố kỵ của cuộc sống, áp lực từ học tập, sự hối thúc của thời gian, tôi dường như đã ít về thăm “điểm tựa ngày thơ” của mình. Và rồi…nụ cười đã vụt tắt trong tôi từ bao giờ, tôi cũng chẳng biết! Ừ thì, đôi lúc cũng có cười…nhưng cười vì giao tế, cười qua loa, một cách nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt. Nhiều lúc tôi thèm, thèm lắm nụ cười hồn nhiên ngày bé!

Tưởng đâu mình cứ thế sẽ mãi trôi dạt trong những dòng cảm xúc mông mênh tiêu cực ấy, nhưng chắc có lẽ nhờ duyên lành được huân tập từ ngày bé qua những lần lên lễ sám cùng má, tôi được quy y Tam bảo chính thức trở thành người đệ tử Phật. Giây phút thiêng liêng ấy, lòng tôi lắng lại, tim như thắt, trong tôi hình như có điều gì mới lạ lắm, có một sự chuyển biến khác thường xưa nay chưa từng có. Tại đó, tôi thấy hạt mầm hạnh phúc, yêu thương trong mảnh đất tâm hồn đã được gieo, hành trình tìm lại nụ cười dưới chân lý Phật đang được bắt đầu. Và trong lúc tìm về nghe lại những dòng pháp nhũ để chữa vết thương lòng bao năm rồi dai dẳng, tôi gặp gỡ những bài pháp thoại của Sư ông Nhất Hạnh, tôi may mắn đọc được những bài thơ mang thi vị hương thiền thanh mát giàu chất liệu hạnh phúc “bây giờ và tại đây”. Một trong số đó, tôi nằm lòng và xem bốn câu thơ sau là một bài học để rèn luyện chính mình:

“Thức dậy miệng mỉm cười

Hai bốn giờ tinh khôi

Xin nguyện sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời”

Ôi nhiệm mầu làm sao! Giá trị làm sao những dòng thơ là lời vàng ý ngọc chất chứa niềm an vui hỷ lạc của Sư ông. Tôi biết với độ tuổi đôi mươi, mình không làm sao hiểu và thực tập được hết tất cả. Nhưng tự nhắc mình sẽ phải thật cố gắng. Qua bài thơ, tôi học được ở Sư ông cách để được thật cười là phải có “mắt thương”. Đời chúng ta nằm trong vòng chữ thương, chỉ có tình thương mới là gam màu tươi sáng để vẽ nên bức tranh đời mình, đời người thật ý nghĩa, chỉ có tình thương mới là những nốt nhạc ấm áp, những âm vị nhu hòa trong tấu khúc hoan ca. Chữ thương nói thì dễ, nhưng mấy ai thương đúng cách, thương bền vững đâu! Chúng ta chắc đã quá quen thuộc với biểu tượng tình thương cao quý của Bồ-tát Quán Thế Âm thông qua hạnh nguyện lắng nghe bình đẳng, tịch tĩnh. Và như thế, lắng nghe để hiểu, hiểu để thương, thương để ban tặng nụ cười hạnh phúc. Hồi chưa làm Phật tử, chưa được tiếp cận nền minh triết của Như Lai, tôi thường đố kị, ghen tị, ganh đua, hơn thua từng những điều nhỏ nhặt với người từ học tập đến cuộc sống. Chính vì vậy, tôi tự đeo gông vào cổ, tự mang nỗi khổ niềm đau cột chặt dày vò tâm lý chính mình. 

Nhờ căn lành, tôi gặp Phật, gặp được những bài kinh là những toa thuốc tâm linh chữa trúng bệnh sân, bệnh chấp của mình. Kể từ đó, tôi bớt hí luận vô bổ, bởi tôi hiểu mỗi người đều có những dòng biệt nghiệp riêng nên thay vì áp đặt tôi biết cởi mở hơn, nhìn thoáng hơn một chút. Sự thắng thua với người bớt hẳn trong tôi, bởi Phật dạy: “Chiến thắng vạn quân không bằng tự thắng chính mình. Chiến thắng chính mình mới là chiến công oanh liệt”. “Đôi mắt thương” chất chứa cả trời an lạc, gom cả biển vui tươi. Ngày xưa, lúc buồn, tôi lại nhìn Đức Di Lặc tha thiết van xin Ngài ban cho một nụ cười, nhưng được học Phật, tôi biết rằng chẳng ai cho mình được nụ cười cả, quá chăng giáo lý nhà Phật dạy chúng ta cách để cười và tự thân mình phải thực tập để có an vui. Nhờ đó, tôi thấy rằng, tuổi trẻ có Phật là một diễm phúc vô cùng to lớn. Tôi được nương tựa Ba ngôi tâm linh để hồn mình thêm vững chãi, tương lai cuộc đời dưới ánh sáng Phật cũng tốt đẹp hơn. Thuở còn ngây dại, tôi đến với Phật bằng tín ngưỡng, cầu cúng. Nay lớn hơn chút, tôi học Phật bằng con đường ứng dụng. Bởi “Đạo Phật là thiết thực hiện tại, không có thời gian và không gian, đến để mà thấy, được người trí tự mình giác hiểu”. 

Ừ thì đơn giản thế thôi, đạo Phật trong trái tim tôi chỉ có vậy! Phật trong tôi chính là nụ cười bình an, hỷ lạc. Phật trong tôi là sự yêu thương, nghe và hiểu cuộc đời. Phật trong tôi là sự ứng dụng thiết thực không hứa hẹn, chờ đợi. Phật trong tôi là ánh sáng chiếu soi đời tuổi trẻ không lạc lầm, sa đọa. Còn bạn, Đạo Phật trong trái tim bạn là gì?

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Nguyễn Thái Dương; địa chỉ: Xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: [email protected]