Phần 1 – Lịch sử thời trang

Chào các bạn,

Vì say thời trang quá nên mình hay lên mạng “vọc” chỗ này chỗ kia, tìm hiểu bất cứ điều gì mình tò mò. Rồi mình nghĩ nếu gom lại, chọn lọc và ghi chép ở đây sẽ tiện cho bất cứ ai hứng thú. Việc hiểu biết hệ thống về ngành công nghiệp thời trang, các kiến thức cơ bản về thời trang cũng giúp bạn có thêm thông tin để lựa chọn gu thời trang của mình một cách chủ động, tinh tế và thông minh, tránh việc chạy theo “mốt ảo” do các tay PR nhãn hiệu “vẽ” ra để bán được hàng, hoặc mặc những  bộ đồ không phù hợp. Nên mình sẽ viết rất tóm tắt thôi, từng chút, từng chút một những kiến thức cơ bản nhất về ngành công nghiệp thời trang.

Các bạn có thể chia sẻ rộng rãi vì hầu hết các kiến thức này đều là do mình cũng học hỏi ở các nguồn mở, miễn phí, hoặc tự rút kết lại trong quá trình mày mò của bản thân. Và quan điểm của mình là những điều thú vị, hữu ích nên được chia sẻ!

68e7828d.png

PHẦN I – LỊCH SỬ THỜI TRANG

Thủa xa xưa, ban đầu mọi người tự may đồ cho mình, tự sửa đồ khi cần và không hề có khái niệm thời trang, xu hướng, phong cách. Đa phần tất cả mặc giống nhau. Thiết kế Haute Couture – những trang phục độc bản được may tay theo số đo riêng của khách hàng bằng những chất liệu thượng hạng với giá thành vô cùng cao, thường chỉ dành cho một số giai cấp thượng lưu trong xã hội. Thời này cũng có một số trào lưu, phong cách ăn mặc nhưng nhỏ lẻ trong giai cấp giàu có. (Từ “haute” trong tiếng Pháp tương đương với “high” trong tiếng Anh, có nghĩa là cao cấp; từ “couture” tương đương “dressmaking”, ý chỉ công việc may vá, thiết kế nên một trang phục, một sản phẩm thời trang. Do đó, “haute couture” có thể hiểu là “high dressmaking” hay “high fashion” – thời trang cao cấp).
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật khiến công nghệ dệt may phát triển mạnh mẽ giúp tạo ra nhiều chất liệu mới, đặc biệt là những loại sợi tổng hợp với độ bền cao và giá thành thấp. Khoảng cách về mặt giá thành và chất lượng giữa trang phục may sẵn và trang phục tự may ngày càng được rút ngắn lại. Để tiết kiệm thời gian, thay vì tự tay may trang phục, người ta đã dần chuyển sang mua những thiết kế may sẵn. Tuy vậy, vị trí tối thượng của Haute Couture vẫn được giữ vững.
Những phong cách thời trang ấn tượng với các nhà thiết kế, may đo nổi tiếng xuất hiện ở những thành phố lớn tại Anh, Pháp, Ý – những nơi tư bản phát triển mạnh tại châu Âu.
Chiến tranh thế giới khiến thời trang không còn nở rộ ở châu Âu nữa, thay vào đó New York, Mỹ trở thành điểm đến thu hút của các nhà thiết kế, nhà may nổi tiếng của châu Âu. Thời trang Hoa Kỳ, thị trường nhộn nhịp nhất thế giới, vẫn phải trông mong vào những nhà thiết kế từ Paris để có được những tổ hợp màu sắc, mẫu vải, và quan trọng nhất là các kiểu dáng. Tuy nhiên, với đặc điểm phức tạp và tinh tế của mình, Haute Couture Pháp không thể bị sao chép trực tiếp để trở thành sản phẩm phục vụ cho hàng nghìn người. Vì thế, những chi tiết nhỏ như một kiểu cổ áo, một hình thêu, một cách phối hợp chất liệu có thể được tách riêng ra và áp dụng cho hàng loạt thiết kế may sẵn khác nhau. Một thiết kế Haute Couture Paris có thể trở thành nguồn cảm hứng cho gần 10 kiểu trang phục may sẵn được bày bán trong các cửa hiệu Mỹ thời ấy.
Ngày 26/9/1966, trên phố Tournon, cửa hàng đầu tiên của thương hiệu Yves Saint Laurent Rive Gauche, Pháp – thuộc nhà mốt Yves Saint Laurent Haute Couture – được mở cửa, đánh dấu việc lần đầu tiên một nhà thiết kế cao cấp trực tiếp giới thiệu dòng trang phục may sẵn của mình.
Yves Saint Laurent đã tạo nên hàng loạt xu hướng như bộ vest safari (mang cảm hứng của các chuyến đi khám phá), áo lông xù, và nổi bật nhất chính là thiết kế huyền thoại đậm tính nữ quyền Le Smoking – bộ vest dành cho phái đẹp (trước đó áo vest chỉ dành riêng cho nam giới). Nhà thiết kế Yves Saint Laurent được coi là cha đẻ của thời trang ứng dụng (ready-to-wear). Tuy giá thành không thể gọi là bình dân, nhưng dòng trang phục may sẵn này vẫn rẻ hơn các mẫu Haute Couture hàng trăm lần và có thể dễ dàng sản xuất trên quy mô rộng rãi, vì thế nó vẫn mang được thời trang đến nhiều đối tượng hơn. Yves Saint Laurent Rive Gauche dần vượt qua dòng Haute Couture về doanh thu.

Khái niệm “thời trang xoay vòng” cũng được nâng lên một tầm nghĩa mới khi Yves Saint Laurent tiên phong cho xu hướng mặc lại thời trang của những thập niên trước. Cho đến nay, việc tái sử dụng này vẫn rất phổ biến, khi các xu hướng có tuổi đời 20 năm liên tục được hồi sinh. Nếu những năm 1990, thời trang hippie thập niên 1970 quay trở lại, thì với những năm 2000, đó là sự hào nhoáng của thập niên 1980 và không lạ gì khi các xu hướng của thập niên 1990 – grunge và tối giản – tràn ngập trên các sàn diễn từ New York đến Paris cho đến các trang blog những năm gần đây – thập niên 2010.

Các thương hiệu khác cũng bắt đầu chuyển sang kinh doanh trang phục may sẵn, thậm chí là đóng cửa luôn dòng Haute Couture. Để mở rộng tầm phủ sóng của thương hiệu, các nhà mốt còn cho phép xuất bản mẫu cắt một số thiết kế nổi bật của mình trong các ấn phẩm như Vogue Pattern. Như vậy mọi tầng lớp đã có thể tiếp xúc với thời trang và Yves Saint Laurent đã kết thúc thời hoàng kim của Haute Couture, mở ra một kỷ nguyên mới cho thời trang: kỷ nguyên của trang phục may sẵn với số đo được chuẩn hóa (tức may đo hàng loạt trong nhà máy với các số đo đã quy chuẩn sẵn như X, XL, XXX).

Tất yếu là điều này kéo theo sự phát triển của hàng loạt ấn phẩm (tạp chí) thời trang lớn nhỏ. Các ấn phẩm này cùng những nhà thiết kế đóng vai trò tạo nên và phổ biến xu hướng đến với đông đảo công chúng.

Một kỷ nguyên mới của thời trang được bắt đầu, với xu hướng/hợp mốt là yếu tố tiên quyết nhất. Đồng thời, sự phổ biến của những xu hướng lại tạo nên “phản xu hướng,” gọi nôm na là thời trang phản kháng. Xuất hiện từ xa xưa, với thập niên 1920, thời trang phản kháng không chỉ nằm ở cách phục trang mà còn thể hiện ở âm nhạc, nghệ thuật và lối sống. Thập niên 1970 đánh dấu sự trỗi dậy của punk. Và grunge, được nàng thơ Daphne Guinness nhận xét là phong trào nổi loạn thực sự cuối cùng của thời trang, là nét đặc trưng của thập niên 1990.

Sinh ra với mục tiêu chống lại xu hướng, đặc trưng của phong trào này được Jean Paul Gaultier mô tả “không gì khác ngoài cách chúng ta ăn mặc thời không xu dính túi.” Những phong trào này được giới thời trang đón nhận như một nguồn cảm hứng, và mâu thuẫn thay, chính chúng lại trở thành xu hướng.

Tuy nhiên, việc Saint Laurent cho ra mắt bộ sưu tập âm hưởng grunge với giá lên đến hàng chục nghìn đôla cho một chiếc áo flannel đã làm mất đi hoàn toàn những gì “phản xu hướng” đại diện, thu hẹp những phong trào mang tính cách mạng kia về chỉ đơn thuần là một trào lưu thời thượng.

Hơn 20 năm sau, thời trang vẫn chạy theo xu hướng với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết, và nó là hệ quả của sự thao túng các thương hiệu bởi những tập đoàn toàn cầu cùng trào lưu fast-fashion – giống như fast-food: nhanh, rẻ tiền và… độc hại – được sản xuất chỉ trong vài tuần, và để mặc trong một khoảng thời gian còn ngắn hơn.

Ngày nay, các bộ sưu tập Haute Couture thường không làm để bán mà chỉ để trình diễn tại các tuần lễ thời trang hai lần trong năm. Chúng được xem như những tác phẩm nghệ thuật, thể hiện tài năng sáng tạo không giới hạn của các nhà thiết kế.

(Phần II – Quy luật xu hướng)

Advertisement

Share this:

Like this:

Like

Loading…