ƠN GỌI LÀ GÌ?

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2022

Ban Lãnh Đạo Dòng Đức Bà Truyền Giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2024

CĐ Hưu Dưỡng Dòng Đức Bà Truyền Giáo

ƠN GỌI LÀ GÌ?

             Mỗi người đều được
Thiên Chúa kêu gọi. Ơn gọi là tiếng gọi yêu thương của Chúa cho con người và
Chúa mời gọi ta đáp lại tình yêu đó. Chính Thiên Chúa gọi ta và Người mong một
ngày nào đó ta nghe được tiếng Người. Đây là tiếng gọi từ muôn thuở, từ lúc chưa
có loài người sống trên mặt đất, chưa có đất trời, núi đồi, biển cả… Ngài yêu
từng người, như thể chỉ có mình họ trên đời; do đó, Ngài cũng gọi từng người và
đặt họ vào những con đường khác nhau từ lúc họ chưa được tạo thành: “Trước khi
cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng
mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” (Gr 1, 5)
“Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi
nhờ ân sủng của Người.” (Gl 1, 15) “Mỗi đời sống là một ơn gọi.” Việc ý thức
đời sống như một ơn gọi sẽ khơi dậy trong con người niềm khát vọng trước tương
lai, đồng thời loại bỏ quan niệm về một đời sống thụ động, buồn nản và tầm
thường. Như thế, đời sống luôn mang giá trị của “ân ban đã lãnh nhận mà theo
bản tính nhằm trở nên điều thiện hảo được ban lại cho kẻ khác.” Thiên Chúa còn
mời gọi con người vào một bậc sống nào đó và trao cho họ một sứ mệnh. Chúa có
thể kêu gọi những người hèn mọn, bất tài, cả những người đang chống lại Chúa,
để làm những công việc vĩ đại cho Ngài. Mỗi đời sống là một ơn gọi, nên có
nhiều ơn gọi khác nhau. Ở đây chỉ bàn đến những ơn gọi chung và chính yếu.

ƠN GỌI LÀ GÌ? NHỮNG ƠN GỌI CHUNG VÀ CHÍNH YẾU
1. Ơn gọi làm người
            Ơn gọi làm người là ơn gọi
đầu tiên và là nền tảng của mọi ơn gọi tự nhiên. Ơn gọi làm người đã được các
triết thuyết, các hệ tư tưởng, các nền văn hóa nói tới. Làm người là một con
đường dẫn tới sự hoàn thiện. Con người luôn phải chiến đấu với thói hư tật xấu
của mình để trở thành người hơn. Nhưng làm người, theo nghĩa tích cực nhất, là
làm người trong mối tương quan với Thiên Chúa. Con người phải tôn kính Trời và
tuân theo sự sắp đặt quan phòng của Thiên mệnh (Ý Trời), vì Thiên mệnh là nguồn
gốc của mọi luật lệ đạo đức. Bởi đó, Khổng Tử nói: “Kẻ nào không nhận biết
Thiên mệnh, sẽ không bao giờ là một hiền nhân.”[3] Sống theo thiên nhiên, tuân
giữ luật của thiên nhiên là sống theo Thiên mệnh.

             Thế nhưng, Kinh thánh nói gì
về mối tương quan này? Từ hư vô con người trở thành hiện hữu do ý muốn của
Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng con người “theo hình ảnh mình và giống
mình.” (St 1, 26) Ngài đã trao vũ trụ cho con người làm chủ và mời gọi con
người bước vào một mối tương quan yêu thương mật thiết với Ngài. Thiên Chúa
nghĩ đến ta trước cả khi Ngài tạo thành vũ trụ. Thực ra đó là lý do Ngài đã tạo
dựng thế giới. Thiên Chúa đã hình thành hành tinh này cho chúng ta để chúng ta
sống và hưởng dùng. “Ðặc tính cao cả nhất của phẩm giá con người nằm trong ơn
gọi con người được hiệp thông với Thiên chúa. Thiên Chúa khởi sự mời gọi con
người đối thoại với Ngài, cùng với sự xuất hiện của họ trên đời. Bởi vì, nếu
con người hiện hữu, là vì yêu thương mà Thiên Chúa đã tạo dựng họ, và cũng vì
yêu thương mà ngài luôn cho họ được sống. Và con người chỉ sống hoàn toàn theo
chân lý, nếu tự do nhìn nhận tình yêu đó và phó thác cho Ðấng tạo dựng nên
mình.” (GS 9).

              Chúng ta sẽ sống một cuộc
sống thanh thản hơn, có ý nghĩa và tốt đẹp hơn, nếu chúng ta biết rằng Thiên
Chúa đang điều khiển và quan phòng mọi sự. Ngài hài lòng với việc chúng ta tôn
thờ Ngài, coi Ngài là trung tâm của cuộc sống. Và như vậy chúng ta phải luôn
tiếp xúc với Ngài bằng cầu nguyện, lắng nghe tiếng Ngài, hiệp thông với Ngài.
Chúng ta được tạo dựng để làm đẹp lòng Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta được tạo
dựng một cách độc đáo, không ai giống ai, cả về thể xác, tâm hồn, tính tình và
năng khiếu. Bởi đó, không có ơn gọi nào giống ơn gọi nào. Mỗi người là tác phẩm
nghệ thuật độc đáo và độc nhất vô nhị của Thiên Chúa.

                 Thiên Chúa quan tâm đến từng chi tiết của
thân thể chúng ta: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong
dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết
bao kỳ diệu!” (TV 139, 13-14) “Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con
được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu.” (TV
139, 15)

             Không những Chúa tạo hình
ta, Ngài còn tiếp tục tiến trình định hình ta. Ngài đã lên kế hoạch trước những
ngày sống của đời ta khi ấn định chính xác ngày ta sinh ra và ngày ta chết:
“Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều
thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự.” (TV 139,
16). Ngài thấu suốt những công việc ta làm, ngay cả tư tưởng của ta Ngài cũng
am tường hết: “Lạy Chúa, Người đã dò xét con và Người biết rõ, biết cả khi con
đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Người thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi,
Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Người quen thuộc cả…Người bao bọc con
cả sau lẫn trước, bàn tay của Người, Người đặt trên con.” (Tv 138, 1-5). Ngài
luôn nâng đỡ và hướng dẫn ta trên mọi nẻo đường đời: “Ta đã nâng các ngươi từ
trong lòng mẹ, đã hứng các ngươi từ lúc chưa chào đời. Cho đến khi các ngươi
già nua tuổi tác, trước sau gì Ta vẫn là Ta; cho đến khi các ngươi da mồi tóc
bạc, Ta vẫn còn gánh vác các ngươi. Như xưa nay Ta vẫn từng đối xử: Ta sẽ nâng
niu, gánh vác các ngươi, và ban ơn cứu thoát.” (Is 46, 3-4)

                Qua đó nói lên rằng không
gì xẩy ra trong đời ta mà lại không mang một ý nghĩa gì. Chúa uốn nắn ta theo
mục đích tạo dựng của Ngài. Làm một công việc gì, chúng ta đều nhắm tới mục
đích nào đó. Người không có mục đích cũng giống như con thuyền không bánh lái,
như lục bình trôi sông. Khi tạo nên chúng ta, Thiên Chúa cũng có mục đích của
Ngài và Ngài muốn chúng ta hoàn thành. Nếu chúng ta không hoàn thành, thì ai sẽ
thay thế chúng ta, vì mỗi người đều có công việc của riêng mình. 

                 Vì thế, chúng ta phải
luôn tự hỏi mình: Tôi sống ở trên đời này để làm gì? Đâu là ý nghĩa của sự hiện
hữu của tôi? Nếu ta muốn biết lý do tại sao ta được đặt trên hành tinh này, ta
phải bắt đầu từ Thiên Chúa. Ta không tạo dựng được chính ta; do đó, ta không
thể bảo rằng tôi được tạo dựng để làm gì? Tôi muốn trở nên thế nào? Đâu là
những mục tiêu, những tham vọng, những kế hoạch, những ước mơ của tôi? Tập
trung vào mình như vậy ta sẽ không bao giờ biết được mục đích chính của đời
sống ta. Chính Thiên Chúa tạo dựng nên ta và Ngài có mục đích của Ngài. Ta
không thể biết được mục đích của một phát minh mới, nếu người phát minh không
nói cho ta biết. Ta không thể đạt tới mục đích đời ta bằng cách bắt đầu tập
trung vào chính mình. Ta phải bắt đầu với Thiên Chúa, Đấng tạo hình nên ta. Ta
chỉ hiện hữu vì Thiên Chúa muốn ta hiện hữu. Chỉ trong Thiên Chúa ta mới khám
phá ra được nguồn gốc, căn tính, ý nghĩa, mục đích, cách thể hiện và số phận
của ta. Tất cả các con đường khác đều dẫn đến bế tắc. Ta được tạo dựng cho
Thiên Chúa; và vì thế, cuộc sống của ta là để Ngài sử dụng cho các mục đích của
Ngài, chứ không phải ta sử dụng Ngài cho mục đích riêng của ta. Nếu ta chỉ tập
trung vào chính mình, kiên trì và quyết tâm theo đuổi những mục tiêu ta đề ra,
ta có thể đạt được thành công rực rỡ, nhưng vẫn còn thiếu những mục đích Thiên
Chúa mong muốn khi tạo dựng nên ta.

Con người được tạo dựng cho vĩnh cửu. Chính Thiên Chúa đã tạo dựng ta theo hình
ảnh Ngài, để sống trong cõi vĩnh hằng. Cuộc đời này không phải là tất cả. Nó là
một sự chuẩn bị cho đời sống mai hậu. Mạnh giỏi lắm ta có thể sống một trăm năm
trên trái đất này, nhưng ta sẽ sống muôn đời trong cõi đời đời. Đời sống chúng
ta trên dương thế này chỉ là tạm bợ nơi đất khách quê người. Quê hương chúng ta
là ở trên trời; do đó, đừng quá dính bén vào những của phù vân, đừng lo chiếm
đoạt mọi thứ trên đời. Tất cả rồi sẽ qua đi… Mối giây liên hệ của ta với Thiên
Chúa trên trần thế này sẽ xác định mối giây liên hệ với Ngài trong cõi đời đời.
Nếu đo bằng cây thước vĩnh cửu, thời gian của chúng ta trên cõi đời này tựa như
một chớp mắt, nhưng hậu quả của nó sẽ kéo dài vô tận.

                 Nhiều người để cho tiền
bạc, danh vọng, lạc thú, tội lỗi, sự sợ hãi,… điều khiển đời sống của họ. Và
kết quả là họ luôn sống trong bất an, tầm thường và vô nghĩa. Nếu ta tin tưởng
và phó thác vào Thiên Chúa, các mục đích của Ngài sẽ dẫn dắt đời sống chúng ta:
“Thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của
Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi.” (1Ga 2, 17)

                      Nếu không có Thiên Chúa,
hẳn tất cả sự hiện hữu của chúng ta đều là do “ngẫu nhiên.” Đó là kết quả của
may rủi do thiên nhiên vận hành bừa bãi trong vũ trụ. Và như thế, đời sống
chẳng có ý nghĩa gì, chẳng có tốt xấu, đúng sai, chẳng có hy vọng… Nhưng có
Thiên Chúa, Đấng đã tạo hình ta; và vì thế, đời sống của ta có một ý nghĩa sâu
xa.
                

                   Việc tìm hiểu ý định của
Thiên Chúa kéo dài suốt đời ta. Chúng ta chỉ biết được ý nghĩa và mục đích của
đời sống chúng ta khi chúng ta biết được Thiên Chúa là ai và Ngài làm gì cho
chúng ta: “Khởi đầu mỗi bước đường ơn gọi, đều có Ðấng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa
ở-cùng-chúng-ta. Chính Ngài mặc khải cho chúng ta biết, chúng ta không đơn độc
khi xây dựng đời sống mình, bởi vì Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta giữa
những biến cố liên tiếp, và nếu ta muốn, Ngài sẽ xây dựng với mỗi người chúng
ta một cuộc tình kỳ diệu, độc nhất và không giống nhau, nhưng đồng thời lại phù
hợp với con người và vũ trụ. Khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch
sử đời mình, sẽ không cảm thấy mình mồ côi nữa, nhưng biết rằng mình có một
Người Cha mà ta có thể hoàn toàn tin cậy nơi Ngài: đó là khúc rẽ quan trọng có
thể biến đổi triển vọng con người, và như Hiến chế Gaudium et Spes quả quyết,
con người ‘chỉ nhận ra mình cách trọn vẹn, nhờ việc hiến thân chân thành’ (Số
24)”[4] Định hướng này sẽ chiếu sáng cho cách sống của ta, cách ta thi hành
công việc hằng ngày, cách đối xử với người khác, cách đánh giá sự việc,… Ta sẽ
sử dụng thời giờ và tiền bạc một cách khôn ngoan hơn. Nhiều công việc, kế hoạch,
mục tiêu và ngay cả nhiều vấn đề xem ra quan trọng, sẽ trở thành tầm thường,
nhỏ nhặt và không đáng quan tâm nữa. Ta càng sống gần Thiên Chúa, các sự vật
càng trở nên tầm thường, nhỏ bé.

 

2. Ơn gọi làm Kitô hữu
               Ơn gọi thứ hai và cũng là nền
tảng cho mọi ơn gọi siêu nhiên là ơn gọi làm Kitô hữu. Thiên Chúa không chỉ là
điểm khởi đầu của cuộc sống chúng ta, Ngài còn là nguồn mạch và đích điểm của
đời sống chúng ta. Để khám phá ra mục đích đời ta, ta phải qui chiếu về Lời của
Ngài, chứ không phải về những lẽ khôn ngoan của con người. Lời của Ngài đã chỉ
cho chúng ta thấy: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn
của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của
Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Chúa Ki-tô, chúng
tôi ngợi khen vinh quang Người.” (Eph 1, 11- 12). Bản văn Kinh thánh này đã chỉ
cho chúng ta thấy rằng chúng ta khám phá ra căn tính và mục đích của chúng ta
nhờ liên kết với Chúa Giêsu Kitô. Khi ta liên kết với Chúa Kitô, đời sống của
ta sẽ thay đổi, mọi giá trị sẽ đảo lộn như thánh Phaolô nói: “Những gì xưa kia
tôi cho là có lợi, thì nay, vì Chúa Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi.” (Pl 3, 7).

                  Từ sự hiện hữu đơn
thuần nhân loại, con người được mời gọi bước vào một sự hiện hữu thần linh, do
công trình tái tạo của Thiên Chúa trong Chúa Kitô: “Vì được dìm vào trong cái
chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như
Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì
chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Rm 6, 4) Thật vậy, qua phép Rửa,
chúng ta được tái sinh trong Chúa Kitô, từ bỏ con người cũ để mặc lấy con người
mới, cùng vác thập giá với Người để rồi cùng được hưởng vinh quang với Người. Ý
định cứu chuộc này đã được Thiên Chúa hoạch định từ trước cho chúng ta: “Ân
sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Chúa Ki-tô Giê-su, nhưng
giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Chúa Ki-tô Giê-su đã xuất
hiện.” (2Tm 1, 9-10) “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng
nên trong Chúa Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa
đã chuẩn bị cho chúng ta.” (Ep 2:10) “Chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm
mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định
từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển. Không một ai trong các thủ lãnh
thế gian này đã được biết lẽ khôn ngoan ấy, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh
Đức Chúa hiển vinh vào thập giá. Nhưng, như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy,
tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã
dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.” (1Cr 2, 7-9)

 

                   Đây là ơn gọi căn bản và phổ
quát, vì là ơn gọi đầu tiên và là ơn gọi chung cho mọi Kitô hữu. Ơn gọi này là
ơn Chúa ban cho chúng ta cách nhưng không, là một món quà vô giá mà không phải
ai cũng nhận được.
Chúng ta được tạo hình cho gia đình của Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng con
người để trở nên các phần tử trong gia đình của Ngài và Ngài sai Con Một của
Ngài, Chúa Giêsu, đến trần gian để hướng dẫn chúng ta nhận biết Ngài là Người
Cha nhân hậu và chúng ta là con cái của Ngài, là anh em với nhau. Chúng ta được
tạo dựng trở nên giống Chúa Giêsu. Như vậy, mục tiêu tối hậu của cuộc sống
không phải là xây dựng cho mình một cuộc sống đầy đủ tiện nghi về vật chất,
nhưng quan trọng hơn chính là việc phát triển đời sống tâm linh. Làm sao để
cuộc sống mình biến đổi theo hình ảnh Chúa Giêsu và những lời giảng dậy của
Ngài. Giáo hội chính là gia đình thiêng liêng của Ngài. Mục đích của đời sống
chúng ta là học hỏi lòng yêu thương của Ngài. Sống đạo không chỉ là tin, nhưng
quan trọng hơn cả là thuộc về Ngài, thuộc về Giáo hội của Ngài. Sống đạo là
sống tình thân hữu với Thiên Chúa và với mọi người. Do đó, chúng ta được tạo
hình là để phục vụ Thiên Chúa. Sống được như vậy, mỗi Kitô hữu cần loại bỏ não
trạng lo vun xới cho chính mình để hiến thân phục vụ người khác. Lời thánh
Phaolô luôn nhắc nhở chúng ta: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải
biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý
Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12, 2)

 

                   Ơn gọi luôn gắn liền với sứ
vụ. Chúng ta được Chúa kêu gọi là để sống với Ngài và để được Ngài sai đi (x.
Mc 3, 13- 15). “Sống chứng nhân là cách thế biểu thị sống động nhất về sức mạnh
yêu thương cứu độ của Thiên Chúa. Cũng như Chúa Giêsu đã đến trần gian không để
tìm vinh quang cho chính mình, nhưng là để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu độ
con người, Kitô hữu bước theo Chúa Giêsu để được Tin Mừng của Người biến đổi,
và qua đó họ trở nên những người đem Tin Mừng cho thế giới này.” (HĐGMVN, Thư
Mục vụ 2006, số 4) Bậc sống giáo dân cũng có nhiều “ơn gọi” khác nhau: đó là
những cách sống và việc tông đồ khác nhau tùy theo môi trường sống của mỗi
người: “Mỗi người tùy theo ơn Chúa ban mà phục vụ kẻ khác, như những người quản
lý trung tín giữ mọi ân sủng của Thiên Chúa.” (1 Pt. 4:10)
Mọi ơn gọi khác đều phát xuất từ ơn gọi làm người và một cách rõ nét trong ơn
gọi làm Kitô hữu. Có nhiều loại ơn gọi: có loại ơn gọi dành cho hết mọi người,
có loại chỉ dành cho một số ít người; có loại ơn gọi cho cả đời người, có loại
ngắn hạn… Loại ơn gọi cho cả đời người chính là ơn gọi bậc sống của mỗi người:
sống độc thân, lập gia đình, hoặc tu trì. Với cuốn sách mỏng này, người viết
chỉ nói sơ qua về ơn gọi sống đời hôn nhân và bàn sâu hơn về ơn gọi tu trì.

3. Ơn gọi sống đời hôn
nhân hay tu trì

                  Sau ơn gọi nền tảng tự
nhiên và siêu nhiên, chúng ta có bổn phận đi tìm thánh ý Chúa cho ơn gọi riêng
của mình. Đối với những người lập gia đình, họ có thêm ơn gọi sống đời đôi bạn
hay làm cha mẹ. Ngoài ra, một số người còn có ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ. Ơn
gọi đời sống hôn nhân hay tu trì, không mâu thuẫn với ơn gọi làm Kitô hữu; trái
lại, nó củng cố, làm thăng tiến và phong phú hơn. Hai ơn gọi này dẫn đến hai
bậc sống khác nhau: bậc sống tu trì và bậc sống hôn nhân. Nhưng tất cả đều được
kêu gọi trở nên trọn lành (x. Mt 5, 48). Công đồng Vatican II cũng đã khẳng
định mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh trong bậc sống của mình và có
nhiều con đường để nên trọn lành (x. LG 11, 42), chứ không chỉ qua con đường tu
trì.

                 
Ở đây, chúng ta cần phân biệt “nên thánh” trong bậc giáo dân và “nên
thánh” trong bậc tu trì: sự thánh hiến phổ quát và sự thánh hiến riêng biệt, ơn
gọi phổ quát nên thánh và ơn gọi cụ thể nên thánh theo từng bậc sống. Trong Cựu
ước, có sự thánh hiến của toàn thể dân Chúa và cũng có sự thánh hiến của riêng
các ngôn sứ. Cũng vậy, trong Tân ước, ngoài sự thánh hiến phổ quát dựa trên bí
tích Rửa tội, còn có sự thánh hiến đặc biệt của bí tích Truyền chức (x. CCC [5]
1535, 1556-1559), của bí tích Hôn nhân (x. GS 48; CCC 1535), của các hình thức
tu trì (x. CCC 916, 931; LG 44; PC 5). Mỗi người phải sống theo đặc sủng đã
nhận được (x. 1Cr 7, 7- 20). Chính Chúa Thánh Thần làm cho Giáo hội trở thành
một mối hiệp thông hữu cơ, trong sự đa dạng về các ơn gọi, các đặc sủng và các
thừa tác vụ (x. AG 4; LG 4, 12, 13; GS 32, CL 30-31).

               
Nói chung, nên thánh là con đường của đức ái. Càng yêu nhiều, càng thánh
thiện. Ơn gọi là một lời mời gọi để sống trong tình yêu với Thiên Chúa và để
minh chứng tình yêu đó. Dù sống trong bậc sống nào, chúng ta cần phải hiểu rằng
TÌNH YÊU là sức sống nền tảng của mọi ơn gọi: “Một cách đơn giản, ơn gọi là một
tiếng gọi để tôi hoàn toàn lệ thuộc vào Ðức Kitô, với ý thức rằng, không gì có
thể tách tôi ra khỏi Tình yêu của Người. Ơn gọi là một lời mời gọi để sống
trong tình yêu với Thiên Chúa và để minh chứng tình yêu đó. Tôi yêu mến Chúa
thế nào? Tôi minh chứng tình yêu của tôi cho Thiên Chúa thế nào? Thưa, bằng
cách làm thật tốt đẹp công việc được trao phó, bằng cách thực hiện một cách đơn
sơ những gì Chúa ủy thác cho tôi dưới bất kỳ dạng thức nào. Như thế, dù bạn
được trao phó cho bất kỳ công việc gì, với tư cách một tu sĩ, hay một giáo dân
– đó là phương tiện cho bạn để bạn dành tình yêu của bạn cho Thiên Chúa trong
một hành vi sinh động, trong một hành vi của tình yêu… Bất kỳ khi nào bạn mỉm
cười với một người nào đó, nụ cười đó là một hành vi của tình yêu, là một món
quà cho người đó, một cái gì thật đẹp… Do đó, nếu tôi biết làm thế nào để yêu
mến Ðức Kitô, nếu tôi muốn biết tôi có thực sự ở trong tình yêu với Thiên Chúa
không, tôi chỉ cần nhìn xem tôi đã làm công việc Ngài đã trao phó cho tôi như
thế nào – Có bao nhiêu tình yêu tôi đã đặt vào trong công việc của tôi.

          
Bạn thấy đó, vấn đề của ơn gọi không hệ tại ở chính công việc – ơn gọi
của chúng ta là thuộc trọn về Ðức Giêsu với ý thức rằng, không gì có thể tách
lìa chúng ta ra khỏi tình yêu của Người. Ơn gọi không phải là những gì chúng ta
đang làm, hay chúng ta làm được bao nhiêu việc, mà là bao nhiêu tình yêu tôi đã
đặt vào công việc tôi đã được trao phó. Những gì bạn đang làm, có thể tôi không
làm được… Những gì tôi đang làm, có thể bạn không làm được, nhưng tất cả
chúng ta đều có thể làm cái gì đó thật đẹp cho Thiên Chúa.” (Mẹ Têrêxa Calcutta)

              Cha mẹ của thánh nữ Têrêxa
Hài đồng Giêsu, ông Martin và bà Guerine, đã đi tìm hiểu ơn gọi tu trì, nhưng
Chúa không muốn cho họ đi con đường ấy và họ đã bước vào cuộc sống hôn nhân và
nên thánh. Chúng ta phải nhấn mạnh rằng hôn nhân Kitô giáo là một ơn gọi nên
thánh và gương của những cha mẹ thánh thiện là điều kiện thuận lợi đầu tiên cho
việc nở hoa những ơn gọi linh mục và tu sĩ.

             Từ khởi nguyên, Chúa đã muốn
con người sống có đôi: “Ðàn ông ở một mình không tốt.” (St 2, 18) Nhưng Chúa,
nhất là trong Tân ước, cũng mời gọi chúng ta bước đi trên con đường hẹp của Tin
Mừng, sống hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa bằng một tình yêu không chia sẻ
(x. Mt 19, 12; VC 88). Cũng như ơn gọi làm Kitô hữu, ơn gọi làm linh mục hay tu
sĩ là ơn Chúa ban nhưng không. Chúa là người đi bước trước, là người đưa ra
sáng kiến kêu gọi chúng ta theo Ngài: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng
chính Thầy đã chọn các con.” (Ga 15, 16) 

                   Bởi đó, mỗi người đều
được đặt trước một sự chọn lựa. Hạnh phúc cả cuộc đời tùy thuộc vào sự lựa chọn
này. Sự chọn lựa luôn bao gồm trách nhiệm. Chọn lựa cũng bao gồm sự hy sinh và
dấn thân. Hy sinh và dấn thân để theo đuổi điều mình chọn lựa. Chúng ta chọn
lựa một cách dứt khoát, nhưng hy sinh và dấn thân thì kiên trì, bền bỉ và kéo
dài suốt cuộc đời. Nếu chọn lựa sống đời Kitô hữu hoàn hảo đã phải chiến đấu
nhiều với chính bản thân, thì chọn lựa sống đời tu trì còn phải chiến đấu nhiều
hơn nữa. Vì chọn lựa ấy đòi buộc sống giữa đời nhưng không để bị vương vấn mùi
đời.

       Trước khi lựa chọn, ta cần suy
nghĩ, tìm hiểu về từng ơn gọi, rồi tự xét xem mình tự nhiên hướng chiều mạnh mẽ
về đời sống nào? Đối với việc tìm hiểu về đời sống hôn nhân, thiết tưởng chúng
ta đã biết nhiều rồi, ở đây chỉ xin bàn về ơn gọi tu trì.

Lm. JB Trần Hữu Hạnh fsf