Núi Buộc Trốc, nơi nóc nhà Đô Lương.

Núi Buộc Trốc, nơi nóc nhà Đô Lương.

Hôm nay là một sự tình cờ như duyên kỳ ngộ, vào ngày thứ bảy, ngày 9 tháng 4 năm 2022 tức là ngày 9 tháng 3 năm Nhâm Dần (đúng vào giờ Giáp Thìn, ngày Nhân Dần, tháng Giáp Thìn, năm Nhâm Dần). Chúng tôi đã có mặt tại đỉnh núi Buộc Trốc có độ cao so với mặt nước biển là 208,5385 mét,tại tọa độ (X 2093966.0909; Y 561157.1954) được xem là nóc nhà huyện Đô Lương.

      Nắng mùa xuân sáng mai đủ làm cho sự ấm áp rừng cây thông khoe màu xanh phủ kín dãy núi, những cây dổi mới trồng vượt ngang người đi đưởng của Hợp tác xã 19/5 khoe sắc lộc non vươn lên trên diện tích khá rộng đã làm nên một bức tranh xanh cả vùng quê. Thi thoảng ngọn gió thổi nhè nhẹ đưa sương sớm ban mai tan dần, nhìn rõ cảnh vật quê hương qua tầm mắt đứng trên cao nhìn về phương Nam cho ta thấy trọn vẹn cả khu dân cư xã Văn Sơn,Yên Sơn, Đông Sơn. Chếch về hướng Tây Nam là vùng đất trù phú của Thị Trấn Đô Lương đang thay da đổi thịt từng ngày, những ngôi nhà mọc lên san sát, phóng xa tầm mắt ta có thể nhìn thấy cả vùng đất Đà Lạc Trung Thuận Lưu, ngắm phía xa hướng Đông Nam cho thấy cả một vùng rộng lớn các địa phương Văn Thịnh Hòa Tân Xuân Minh Nhân. Phía đông là nhà máy xi măng Sông Lam đang hoạt động suốt ngày đêm. Những ngày đẹp trời quang mây tạnh có thể phóng tầm mắt tới tận ngọn lèn Hai Vai ở Diễn Châu và còn thấy cả biển Đông. Quê hương trong tầm mắt yêu thương và lắng đọng một cảm giác khó tả xốn xang, tự hào về cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ  bên dòng Lam xanh mát, Đô Lương như một lòng chảo khổng lồ có đủ màu sắc nắng xuân yêu thương. Đến đây tự nhiên muốn tìm hiểu đất này, nguồn gốc nó ra sao, vì sao lại gọi là động Buộc Trốc, có người còn gọi là núi Bạc Đầu, dãy Bạc Trốc. Ngày còn nhỏ tôi đã nghe câu dân gian thường nói “Động Giang thì dốc, động bạc trốc thì dài; Không ai chịu khổ như ngài Đông Trung”. Nghe ra khó hiểu nhưng cũng là nét văn hóa của con người và thiên nhiên nơi đây, câu chuyện này sẽ bàn sau, bây giờ chúng ta đi tìm vì sao gọi là núi Buộc Trốc?

      Sau khi vượt qua con đường nhựa bằng phẳng rộng rãi từ xóm Tân Trung Thịnh thuộc xã Yên Sơn, vào đến chân núi con đường bắt đầu dốc dựng đứng với độ dốc khoảng 200. Rừng cây che bóng mát, hai bên đường có hoa sim, hoa mua nở tím dọc đường lên, với sự háo hức ngắm cảnh đẹp hoa rừng làm quên đi sự mệt nhọc, vượt qua độ cao khoảng 200 mét là đến đỉnh sườn núi được gọi là Động Tiến. Con đường leo dốc sau gần một giờ đi bộ đã đưa chúng tôi đến đỉnh núi, nhìn xuống phía dưới đập nước Yên Thế thuộc xã Thịnh Sơn, một hồ nước tự nhiên trong xanh, tỏa hơi nước cho rừng cây xanh mướt cả một vùng rộng lớn hàng chục ha rừng. Trên đỉnh có vùng đất khá bằng như yên ngựa, phía Bắc có rừng thông vi vu lộng gió từ Bài Sơn vươn tới đất này. Chúng tôi đến bên gốc cây đa già xưa còn lại dấu tích một thời xa xưa, nay được trồng mới cây đa khác đã gần 20 năm, dưới gốc đa có một miếu thờ cùng tuổi nay đã được người dân Văn Sơn, Yên Sơn hàng năm đến đây thờ cúng vào dịp đầu năm mới, mong sức khỏe, bình an và hạnh phúc. Theo các bậc tiền nhân kể lại đã từ lâu đây có con đường mòn vắt qua đỉnh núi này sang bên kia là vùng đất xã Bài Sơn, xưa là căn cứ chống Pháp thời Tiến sỹ Nguyễn Nguyên Thành khởi binh chống thực dân Pháp (1885-1887). Theo truyền miệng  được lưu truyền trong Nhân dân “ Cách đây hàng trăm năm Nhân dân làng Yên Tứ, Yên Trung, Hòa Trung, Bỉnh Trung, Văn Tràng, Đông Trung thuộc xã Đô Lương, Phủ Anh Sơn họ đã vào rừng kiếm củ khoai mài, khoai sắn, kiếm củi về đun nấu, sau trồng hoa màu khoai lang, trồng chè, hoa màu ở các vùng Vệ dài, Khe Chuối, Năm Khe, Khe răm. Khi đi qua núi cao này, các cụ đã thấy vùng đất trên đỉnh núi bằng phẳng, chọn làm chỗ nghỉ ngơi, ngắm cảnh quê hương, thiên nhiên, hưởng ngoạm gió mát từ biển từ phía đông thổi vào, cảnh đẹp của dòng sông Lam uốn khúc ôm lấy làng mạc quê hương xứ sở ngàn đời yêu dấu. Họ đã chọn nơi này trồng cây đa để Nhân dân qua lại hóng mát và biểu tượng cây đa là dấu mốc để đi rừng khỏi lạc dễ bị thú giữ làm hại. Từ đồng bằng, làng mạc nhìn lên cây đa trên đỉnh núi như là mốc son của quê hương mình ở đó mỗi khi đi xa quê lâu ngày trở về . Vượt qua đỉnh núi này vào vùng bạt ngàn rừng thông xanh tốt trở thành lối mòn đi lại trong rừng, xưa vùng này còn có cả thú dữ như hổ, báo, voi, chồn, sóc. Trên đỉnh núi này là hội tụ linh khí của đất trời, thiên nhiên, thuộc vùng thổ địa linh Bài Sơn, Đông Sơn, Yên Sơn, Văn Sơn và Thịnh Sơn. Từ khi có cây đa bóng mát mỗi lần qua đây là chỗ nghỉ ngơi sau những lần leo núi, rồi câu chuyện kể rằng “Chuyện kể rằng sau những giờ lao động sản xuất, người leo lên đỉnh mệt nhọc mọi người thường ngồi nghỉ dưới gốc cây đa này, chị em phụ nữ qua đây sau những giờ lao động vất vả, ngồi dưới gốc cây đa chải tóc, nghỉ ngơi, mồ hôi nhễ nhại và buộc lại khăn vấn đầu. Người dân gọi là cây đa buộc trốc và lưu truyền cho đến ngày nay”. Cũng có người cho rằng con đường mòn chạy quanh đỉnh núi như một vòng khăn vấn đầu của người tiên cô năm xưa mỗi khi ngồi nghỉ ngơi hóng mát và đánh cờ bên bàn cờ tiên. Từ đó người dân gọi dãy núi này là dãy núi Buộc trốc hay còn gọi núi Buộc đầu. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên đỉnh núi này là nơi đặt hệ thống cảnh báo phòng không của đơn vị Trung đoàn 222 thuộc (Đoàn Ba Đình) quân chủng Phòng không – Không Quân, đã đặt đài quan sát để cảnh báo máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời Đô Lương cách xa hàng chục km trong những năm chiến đấu ác liệt, nhất là giai đoạn (1965-1973) Mỹ đánh phá Miền Bắc, vẫn còn giếng nước hoang sơ của bộ đội pháo năm xưa còn lại dấu tích, giếng nước ngọt bộ đội, hệ thống công sự hầm hào trú ẩn của trung đoàn pháo Ba Đình. Vượt xuống phía bắc có 3 tảng đá bàn bằng phẳng, nơi có bàn cờ tiên nay Nhân dân xã Bài Sơn đang lưu giữ.

      Khi trao đổi với ông Trương Hồng Phúc, nguyên bí thư Huyện ủy Đô Lương càng củng cố thêm niềm tin với vùng đất này. Cứ thuận theo tự nhiên, hàng năm người dân nơi đây lên đây làm lễ cúng Thần Cây Đa Buộc Trốc. Chuyện kể rằng, ngày xưa ở đây có một cây đa già hàng trăm tuổi, tỏa bóng mát một vùng có chiều cao trên 20 mét, bị bọn trẻ trâu đốt gốc sưởi ấm những ngày đông, rồi một ngày cây đa bị chết và đến năm 1982 cơn bão đổ bộ vào Miền Trung với sự mưa to gió lớn đã làm bật gốc cây đa, từ đó không còn chỗ bóng mát mỗi khi vượt dốc qua đây. Mãi đến đầu tháng hai năm 2004 (Giáp Thân) mới được Nhân dân Yên Sơn tổ chức trồng lại vào dịp đầu xuân. Nay cây đa đã xanh tốt và vươn xa cành lá, cũng là lúc các nhân vật trồng cây đa trưởng thành trong công việc của mình, người thì lên đỉnh và nghỉ hưu, người thì đang tại vị những vị trí cao trong xã hội, chuyện tưởng như đùa nhưng đó là có thật. Từ năm 2015-2019 được sự đồng ý của huyện con đường này được mở rộng, xe cơ giới có thể lên được, có bậc bê tông lên đỉnh núi nơi di tích trận địa năm xưa còn lại dấu tích, giếng nước ngọt bộ đội, bàn cờ tiên phía bắc dãy núi vẫn còn đây.

       Xưa kia xã Đô Lương bao gồm các xã Lưu Sơn, Liên Sơn, Thị Trấn, Đông Sơn, Yên Sơn, Văn Sơn nay sắp trở thành vùng nội thị của Đô thị Đô Lương loại IV. Ngày nay vùng đất này huyện Đô Lương đang phấn đấu trở thành huyện Nông thôn mới trong năm 2022; hướng tới trở thành Thị xã Đô Lương trước năm 2030. Sự thay đổi bộ mặt đời sống Nhân dân nhưng không làm thay đổi nóc nhà Đô Lương là sự linh nghiệm của người dân nơi đây, hàng năm vào ngày 5 tháng giêng người dân quanh vùng thường lên thắp hương tại miếu thờ cây đa. Mong ước được nhìn thấy cột cờ Đô Lương bay phấp phới bởi sự tồn tại và vươn xa trước gió biển khơi thổi về quê hương Đô Lương anh hùng. Nơi này cha ông ta xưa đã từng đi trên con đường lên dãy núi Buộc Trốc khá dài, nhưng lòng người không nản chí, bởi độ cao này xưa cha ông lấy làm điểm tựa cho sự sống còn khi bảo vệ và xây dựng quê hương. Trong tương lai không xa một tiềm năng du lịch sinh thái sẽ hình thành. Khi lên đỉnh núi này chúng ta được ngắm nhìn quê hương ngày càng giàu đẹp, hạnh phúc và văn minh. Thiết nghĩ đây là tài sản vật chất tự nhiên hiếm có, phong cảnh hữu tình nên thơ, có núi, có rừng, có hồ nước và rất phong thủy, phải chăng cũng là sự linh thiêng của vùng đất này. Là nguồn động lực tinh thần của người dân, di sản văn hóa chung của người dân Đô Lương không một ai có quyền xâm phạm, mà phải tu bổ, tôn tạo và phát huy ngôi nhà chung của chúng ta./.

 Tiết thanh minh Nhâm Dần

Xuân Thanh.

Phòng VH&TT