Nhiều tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư lớn tại Việt Nam

Việt Nam đang có nhiều lợi thế để thu hút nguồn vốn đầu tư trên thế giới và nhiều tập đoàn lớn thể hiện mong muốn mở rộng kinh doanh, đầu tư dài hạn.

Sáng 17/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng chủ trì một hội nghị lớn dành riêng cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Mặc dù 8 tháng qua bối cảnh thế giới lạm phát cao và tăng trưởng thấp, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khá tích cực. Nếu không có biến động lớn thì tăng trưởng GDP quý III dự kiến cao hơn quý II và cả năm có thể đạt mức khoảng 7%.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

“Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam, góp phần đề cao của chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, chung tay, chung sức đồng lòng, vì một Trái Đất yên bình và xanh, vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, không để ai lại phía sau”, Thủ tướng phát biểu.

Bảy yếu tố thu hút đầu tư

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã đầu tư vào Việt Nam.

Quy mô vốn và chất lượng các dự án tăng lên đã góp phần tạo việc làm cho người lao động; nâng cao trình độ và năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách Nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ trưởng nhấn mạnh dù có những thách thức địa chính trị nhưng cũng mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.

FDI,  dau tu nuoc ngoai,  thu hut dau tu anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận thấy hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thứ nhất, điều này là nhờ kinh tế chính trị xã hội ổn định, đặc biệt được cộng đồng quốc tế đánh giá cao khi thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

Thứ hai, nền kinh tế có độ mở lớn và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã tham gia và ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có tất cả các nền kinh tế lớn và phát triển nhất trên thế giới.

Thứ ba là nguồn nhân lực dồi dào, cơ cấu lao động trẻ và có chi phí cạnh tranh. Thị trường nội địa với gần 100 triệu dân giàu tiềm năng và đang tăng nhanh về sức mua. Tầng lớp trung lưu chiếm 15% dân số và theo Ngân hàng thế giới sẽ đạt 50% vào năm 2030.

Thứ tư, Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và các cam kết tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đồng thời xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh đất nước.

Thứ năm, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư và tiếp tục hoàn thiện. Chính phủ đang triển khai quyết liệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư phục vụ phục hồi phát triển kinh tế xã hội như đường cao tốc, các trục ven biển, sân bay, cảng biển…

Thứ sáu, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược, trung tâm trong khu vực với chỉ 3-5 giờ bay có thể kết nối với các nền kinh tế năng động trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Thứ bảy là sự quan tâm, đồng hành và quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn.

Doanh nghiệp nước ngoài cam kết mở rộng

Chia sẻ tại hội nghị, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và các tập đoàn lớn đều đánh giá cao nền tảng ổn định, chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp FDI, đồng thời cam kết các hoạt động đầu tư mở rộng tại Việt Nam.

Kết quả khảo sát của JETRO năm ngoái cho thấy có 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động. Đây là con số cao nhất trong các nước ASEAN.

Dòng vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam đã tăng hơn 59% vào năm 2021 và trên 45% năm 2022. Một cuộc khảo sát với hơn 1.700 công ty mẹ của doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy Việt Nam xếp thứ 2 trong số các nước công ty Nhật muốn mở rộng đầu tư, sau Mỹ.

FDI,  dau tu nuoc ngoai,  thu hut dau tu anh 2

Đại diện JETRO thông tin phần đông doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Trong khi đại diện Eurocham cho biết nhiều nhà đầu tư châu Âu vẫn trong trạng thái chờ đợi và xem diễn biến tiếp theo như thế nào trước khi quyết định đầu tư mở rộng, trong đó có đầu tư vào Việt Nam.

“Chúng tôi có thể đầu tư cơ sở hạ tầng như năng lượng, đường sá, hàng không, tuy nhiên có một số lĩnh vực đầu tư ở Việt Nam mà chúng tôi vẫn còn ngại ngần”, đại diện Eurocham thông tin.

Ông Micheal Vũ Nguyễn, Giám đốc Quốc gia Boeing tại Việt Nam cho biết đang làm việc tích cực với 5 hãng hàng không của Việt Nam trong việc tăng cường đội tàu bay, huấn luyện phi công, đào tạo lãnh đạo, chuyên gia trong ngành hàng không, kỹ sư và nhân viên tu bổ, bảo trì và sửa chữa máy bay.

Boeing tạo cơ hội và khuyến khích các nhà cung cấp chính đầu tư thêm hoặc đầu tư mới vào Việt Nam và liên kết sâu rộng với các nhà cung cấp Việt Nam để tạo ra một chuỗi cung ứng đầy đủ.

Giá trị hàng sản xuất tại Việt Nam cho Boeing trong các năm qua là 200 triệu USD. Hãng sản xuất máy bay nhấn mạnh sẵn sàng hỗ trợ đào tạo chuyên gia ngành hàng không và mong đợi Việt Nam trở thành nguồn cung ứng quan trọng cho ngành hàng không vũ trụ.

Ông Sebastian Hald Buhl – Giám đốc quốc gia Tập đoàn Orsted tại Việt Nam – chia sẻ có thể mang lại lợi ích đáng kể của điện gió ngoài khơi đến với Việt Nam khi đang xây dựng phát triển danh mục dự án hàng chục GW điện gió tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Thái Bình, Hải Phòng.

“Chúng tôi đang triển khai hoạt động để có thể đưa vào hoạt động 2 GW điện gió ngoài khơi đầu tiên trước năm 2030. Chúng tôi ước tính mục tiêu này có thể mang lại 5,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và tạo ra khoảng 25.000 việc làm chất lượng cao”, ông Sebastian cam kết.

Trong lĩnh vực cảng biển, tập đoàn CMA-CGM đang khai thác 31 dịch vụ vận chuyển trên 7 cảng tại Việt Nam; cam kết nắm giữ cổ phần tại cảng Gemalink và cảng VICT, dự định bắt đầu khai thác đường hàng không giữa Việt Nam và Pháp.

Hãng tàu hàng đầu thế giới cũng định hướng đạt mức phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050. CMA-CGM có kế hoạch chi 1,5 tỷ USD để thúc đẩy quá trình khử carbon trong các hoạt động vận tải biển nội địa và logistics trên toàn cầu.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài.

Đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng, áp dụng những mô hình quản lý mới, thực hiện đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh, công nghệ xanh và phát triển bền vững.

Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển; đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề mới có giá trị gia tăng cao; công nghệ kỹ thuật, khoa học hiện đại.