Người yêu dấu ơi..!

Phụ nữ – người “sinh ra thi nhân và anh hùng” luôn là cảm hứng  tràn đầy của thi ca – nhạc – họa. Riêng trong lĩnh vực âm nhạc xứ ta, suốt từ hai cuộc kháng chiến chống xâm lược cho tới nay, bóng hình người Mẹ, người Chị, người Em luôn hiển hiện rạng ngời, nồng thắm,  gần gũi nhất, thân thương nhất, yêu dấu nhất trong những nhạc phẩm đi cùng năm tháng, ghi dấu ấn thời gian mà mỗi khi nhắc tới, lòng ta cứ ngân lên rạo rực, thao thiết khôn nguôi…

Có thể nói, Nguyễn Văn Tý là nhạc sĩ có nhiều ca khúc thành công nhất về hình tượng người phụ nữ Việt Nam. Giai điệu thiết tha đằm thắm của nhạc phẩm “Mẹ yêu con” đi vào lòng người nhuần nhụy như một khúc hát ru của những người mẹ nựng con ngủ, trải lòng mình với bé thơ “Mẹ yêu con, con có hay chăng, yêu từ khi thai nghén trong lòng…“.

Người mẹ ấy cũng là cô gái nhí nhảnh trong “Em đi làm tín dụng”, là người phụ nữ đảm đang ở “Bài ca năm tấn”, là “Cô nuôi dạy trẻ” hết lòng vì các con, là một “Dáng đứng Bến Tre” kiên trung, là người mẹ tấm lòng thảo thơm với bộ đội trong “Tấm áo mẹ vá năm xưa” và  kết đọng thành hình tượng ngời ngợi trong khúc hát nổi tiếng, tiêu biểu “Bài ca phụ nữ Việt Nam”: “Dòng dõi Bà Trưng vốn xưa nay anh hùng/ Giáp mặt kẻ thù chẳng một giây nao núng/ Như cánh lúa  cho đời bao sức sống/ Xứng danh đã trao tặng người trung hậu đảm đang”.

Ca sĩ Trọng Tấn trình bày ca khúc “Mẹ tôi” tại đêm nhạc “Ngẫu hứng Hữu Ước”.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp qua bài thơ “Mẹ đào hầm” của Dương Hương Ly đã khắc họa sâu đậm hình ảnh người mẹ trong cuộc kháng chiến gian lao khốc liệt, bên cạnh cái chết rình rập: “Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh/ Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc/ Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác/ Bao năm rồi tiếng cuốc vọng năm canh...”. Lòng mẹ rộng vô cùng.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn miêu tả người mẹ kháng chiến bình dị mà như những thiên thần che chở những đứa con chiến sĩ: “Mẹ về đứng dưới mưa/ Che đàn con nằm ngủ”,  “Mẹ  lội qua con suối/ Duới mưa bom không ngại/ Mẹ nhẹ nhàng đưa lối/ Tiễn con qua núi đồi“. 

Nét nhạc êm trầm như tấm lòng biết ơn sâu nặng vô cùng của các con với mẹ: “Mẹ là gió uốn quanh/ trên đời con thầm lặng/ Trong câu hát thanh bình…Mẹ làm gió chứa chan/ Trôi giùm con phiền muộn/ Cho đời mãi trong lành”.  Người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến đã trở thành huyền thoại. “Huyền thoại Mẹ” mãi là một huyền thoại bất tử trong lòng chúng con, trong lòng đất nước.

Biết bao bà mẹ hy sinh lặng thầm suốt đời vì chồng con, vì vận mệnh sống còn của Tổ quốc thân yêu. Hàng triệu bà mẹ đã dâng hiến những đứa con rứt ruột đẻ ra, dưỡng dục con thành người, trở thành anh chiến sĩ quả cảm đi chiến trường,  xông pha dưới bom rơi đạn nổ. Và đã biết bao đứa con yêu của giống nòi, của mẹ hiền ra đi không bao giờ trở lại.

Một người con, hai người con, có mẹ hy sinh đến tám, chín người con. Nhạc sĩ An Thuyên đã nói giùm chúng ta lòng biết ơn của Tổ quốc, của tất cả những người hôm nay trong  khúc nhạc xúc động sâu xa lòng người “Hát về mẹ Việt Nam anh hùng”. Hát lên mà lòng khắc khoải, rưng rưng: “Nhìn mái tóc mẹ bạc phơ và ánh mắt mẹ như mơ là biết mấy chờ mong mỏi mòn/ Từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại“.

Không biết nơi đâu trên thế giới, suốt hơn ba mươi năm chiến tranh giữ nước, dành độc lập tự do, có nhiều tượng đài Bà Mẹ, nhiều ca khúc về Mẹ như ở xứ sở đau thương quật khởi này? Lòng Mẹ “mênh mông như biển Thái Bình”. Hãy “Hát về mẹ Việt Nam anh hùng”! Ca “Bài ca phụ nữ Việt Nam”!

Mỗi chúng ta ai chẳng có một người Mẹ. Mẹ của làng quê “xứ sở ngàn cánh đồng” đều lam lũ vất vả một nắng hai sương, bú mớm nâng niu nuôi con thành người. Nhiều nhạc sĩ đã sáng tác về người Mẹ từ bà mẹ đẻ của mình với những hình ảnh dung dị thân thương, trong đó nhạc phẩm “Mẹ tôi” của  nhà văn Hữu Ước đã gây sự xúc động mạnh trong trái tim khán thính giả. Tôi đã được nghe ca sĩ Trọng Tấn hát, nhưng ấn tượng lưu mãi trong tâm tưởng là buổi do chính tác giả trình bày.

Giọng Hữu Ước không có kỹ thuật thanh nhạc như chàng ca sĩ chuyên nghiệp nhưng chân thành, dào dạt cảm xúc của người con tỏ bày với bậc sinh thành. Giai điệu chậm rãi với ca từ mộc mạc chân chất: “Mẹ tôi cả đời đi chân đất/ Một tấm áo nâu sồng/ Một chiếc váy lấm bùn quanh năm“. Mẹ của anh nhưng cũng là bóng hình mẹ của bạn, của tôi, những đứa con từ đất quê sinh ra, lớn lên và trưởng thành.

Kể về mẹ đôi nét mộc mạc vậy thôi bỗng lòng con ngân lên nỗi nhớ Mẹ, thương Mẹ vô cùng: “Tuổi thơ mẹ ở đâu/ Tuổi trẻ mẹ ở đâu, con nào có biết/Mẹ ơi/ nơi nào mưa, nơi nào nắng/ Nắng mưa là chuyện của trời/ Thương con mẹ chấp cả trời bão giông“. Giọng nhạc bỗng dịu lại, sâu lắng như lời Mẹ ru năm nào con còn ấu thơ, con xin tri ân công trời biển của Mẹ: “Lời ru của mẹ con cất vào tuổi thơ/ Lời ru của mẹ con khắc vào trong tim“. Nghe mà lòng the thắt đến rưng rưng…

Nói đến phụ nữ, những người thân gần nhất trong gia đình, ngoài người Mẹ là người Chị. Đối với nhiều người, mẹ đã khuất núi thì người chị là bóng hình mẹ, thay mẹ tảo tần nuôi dưỡng đàn em, hy sinh cả hạnh phúc riêng tư vì tương lai của các em.

Nhạc sĩ Trần Tiến nói về “Chị tôi” với tấm lòng như thế: “Chị thương hai đứa em, thương mẹ già còn đau í a/ Chị tôi chưa lấy chồng”. Giọng nhạc nấc lên: “Rồi mẹ tôi khuất xa, chúng tôi còn thơ ngây/ Chị lại lo các em chuyện chồng con/ Ngày chia tay bến sông thấy chị buồn mà thương í a/ Chị tôi chưa lấy chồng“.

Và người Bà, bà ngoại, bà nội. Có những ca khúc viết về bà thật cảm động, nhưng ám ảnh tôi nhất là nhạc phẩm “Bà tôi” của nhạc sĩ trẻ Nguyễn Vĩnh Tiến. Tuổi đời còn trẻ nhưng Nguyễn Vĩnh Tiến đã tấu một bài “niệm” về người bà của mình với những ca từ đau đáu lòng người: “Bà tôi đưa tôi ra đầu làng/ Một mình bà đội cả trời nắng to/ Này là gió cuốn mây trôi đưa tôi về làng/Này là bóng nắng liêu xiêu theo tôi đường làng/ Làng tôi quanh co quanh co quanh co có sợi rơm khô“. Chỉ hình tượng đó thôi đã thấy sự sinh thầm lặng cùng bao nỗi vất vả lầm lũi của bà dành cho cháu. Điệp khúc cứ thao thiết, thao thiết chảy trôi trong thăm thẳm lòng người, ám ảnh mãi không dứt.

Tình yêu đôi lứa từ buổi hồng hoang tới nay vẫn là tình cảm đẹp nhất, lung linh nhất trong các mối quan hệ giữa con người với con người, là tiếng gọi thần bí huyền diệu cho tâm hồn đến với tâm hồn, trái tim đến với trái tim đồng điệu. Trong thời chiến tranh khốc liệt đã có biết bao chàng trai, cô gái gặp nhau trên đường hành quân, trên những tuyến đường khói lửa, bất chợt thôi, tình yêu xuất hiện đã làm “trái tim loạn nhịp”, để nhung nhớ, chờ mong, để khắc khoải.

Nhạc sĩ Phan Nhân ngày ấy ở Trường Sơn gặp cô gái đi mở đường “chỉ nghe tiếng hát, chỉ nghe có tiếng hát” mà đã “đem lòng yêu thương“, rồi tác giả cứ mải mốt đi tìm em, qua bao nhịp cầu, qua bao suối, qua bao dòng sông, qua bao đèo mây trên dải Trường Sơn điệp trùng với câu hỏi xé lòng “Em ở nơi đâu”? Em ở đâu cô giao liên ngày ấy? Em ở nơi đâu cô gái thanh niên xung phong đi mở đường ngày ấy, ơi cô gái anh “chỉ nghe tiếng hát mà đem lòng yêu thương“? Tình yêu trong trẻo, hồn nhiên. Tình yêu thời chiến đẹp biết bao.

Nhắc đến những ca khúc nói về tình yêu trong chiến tranh, chúng ta làm sao có thể  quên bản “Tình ca” nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Việt. Hoàng Việt là một trong những nhạc sĩ đi đầu trong việc phát triển nhạc giao hưởng của Việt Nam với bản giao hưởng số 1 “Quê hương”, sau khi tu nghiệp âm nhạc ở Bungari.

Ông viết bản “Tình ca” đầy tâm huyết gửi cho người vợ thân yêu ngày chia tay ở đất mũi Cà Mau. Ca sĩ Quốc Hương biểu diễn thành công nhạc phẩm tuyệt vời này tại Hà Nội vào năm 1957. Hoàng Việt trở về chiến trường miền Nam và đã hy sinh cuối năm 1967.

Có lẽ “Tình ca” là nhạc phẩm tình yêu đầu tiên ra đời sau khi đất nước tạm chia làm hai miền. Mở đầu là tiếng nói mạnh mẽ từ một trái tim  rừng rực: “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta/ Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba/ Em có nghe tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa/ Đã biến tình đôi ta/ thành những ánh sao tỏa sáng/ Vượt băng băng qua đêm tối tìm hương hoa”.

Càng về cuối dòng nhạc như có lửa cháy, cháy lên bao khát vọng: “Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa/ Xua kẻ thù đi mau/ Dập tắt chiến tranh đẫm máu/ Đập tan ngay bao đau khổ và chia ly/ Giữ lấy đức tin bền vững em ơi/ Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời /Làm một bản tình ca của đôi lứa ta/ Dâng cả bao người“.

Nhạc phẩm “Tình ca” bất hủ có số phận long đong. Sáng tác năm 1957, nhưng phải đến 10 năm sau bài hát mới được phổ biến rộng rãi trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, đến với đông đảo công chúng. Bao chiến binh trên đường ra trận, bao nhiêu người con miền Nam tập kết ra Bắc, nhớ về người vợ, người yêu còn trong tay giặc đã tự hát khúc ca đẫm đặc tình yêu thương cháy lửa ấy. Hơn 40 năm qua, “Tình ca” được nhiều thế hệ ca sĩ biểu diễn thành công, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán thính giả, xanh mãi với thời gian.

Ngày nay có nhiều bản tình ca chiếm cảm tình của giới trẻ. Nhưng cũng không ít những não tình, vơ vẩn tình kiểu như “Sống với một người, lại nghĩ đến một người/ Anh ơi có biết em vẫn khóc thầm trong đêm“. Phù phiếm, giả tạo, lạc lõng làm sao?

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, xin điểm đôi nét các nhạc phẩm ngợi ca, tôn vinh người phụ nữ Việt Nam, những Mẹ Việt Nam anh hùng, những người Bà, người Chị, người Em, những người Yêu một lòng thủy chung son sắt, nhẫn nhịn hy sinh cả cuộc đời vì Đất nước, vì hạnh phúc của những người thân yêu.

“Người yêu dấu ơi, hãy về đây với tôi” – Giai điệu dịu dàng thẫm đẫm tình yêu cứ lặng lẽ vang ngân, như suối nguồn trong lành cao khiết trôi chảy trong tâm hồn không bao giờ cạn vơi…