Ngộ độc thực phẩm ở trẻ: Dấu hiệu và cách xử trí an toàn

Ngộ độc thực phẩm ở trẻ xảy ra khi trẻ dùng thức ăn hoặc uống nước bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Trẻ dễ bị ngộ độc thức ăn bởi vì hệ miễn dịch của trẻ nhỏ còn khá yếu. Ba mẹ hãy cùng AVAKids tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí kịp thời khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm.

1Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm ở trẻ

Trẻ nhỏ dễ bị ngộ độc thực phẩm

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu nên dễ bị vi khuẩn tấn công

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm ở trẻ là do ăn phải các loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn, chất hóa học hoặc những yếu tố gây hại khác. Vi khuẩn là nguyên nhân gây ngộ độc phổ biến nhất, ngoài ra còn có ký sinh trùng, virus và các độc tố khác như chất bảo quản, chất ép trái cây chín nhanh, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia, hóa chất,…

Trẻ nhỏ có nguy cơ cao mắc bệnh nếu ba mẹ lơ là, không chú ý khi chế biến thức ăn cho trẻ. Ngoài ra, việc không có thói quen thường xuyên rửa tay hoặc giữ vệ sinh tay kém ở trẻ nhỏ lẫn người lớn cũng là yếu tố khiến trẻ dễ bị ngộ độc.

2Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm ở trẻ

Nếu trẻ bị ngộ độc thức ăn, các triệu chứng sẽ xuất hiện trong vòng 2 giờ –  48 giờ sau khi trẻ dùng thức ăn đó. Các triệu chứng ngộ độc thường sẽ kéo dài 1 hoặc 2 ngày hoặc có thể tiếp tục trong tuần hay lâu hơn nếu là trường hợp nghiêm trọng.

Ba mẹ có thể sẽ khó phân biệt ngộ độc thực phẩm ở trẻ với bệnh viêm dạ dày ruột, do các triệu chứng rất giống nhau. Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm ở trẻ thường thấy như: Buồn nôn hay nôn, đau bụng đột nghột, bị bệnh tiêu chảy nhiều lần, quấy khóc quá mức (có thể do đau bụng).

Những triệu chứng ngộ độc thực phẩm ở trẻ nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Nôn mửa hơn 3 ngày.
  • Đau bụng hoặc đau đầu ở trẻ em dữ dội.
  • Có máu trong phân hoặc chất nôn.
  • Bụng căng cứng.
  • Buồn ngủ.
  • Mất nước.

Trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Trẻ bị đau bụng là triệu chứng của ngộ độc thực phẩm

Ngoài ra, khi trẻ nhỏ bị ngộ độc thức ăn có thể bị sốt cao, đối với trẻ lớn hơn thì sốt nhẹ hoặc không bị sốt. Tuy nhiên, trường hợp trẻ bị nôn mửa nhiều và tiêu chảy liên tục sẽ bị mất nước và chất điện giải, nguy hiểm hơn có thể bị trụy tim. Trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh có thể bị kiệt sức rất nhanh do mất nước.

Khi trẻ có những dấu hiệu sau ba mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay:

  • Tiểu ít
  • Môi, miệng khô
  • Lừ đừ
  • Tay chân yếu
  • Khi khóc có ít nước mắt
  • Ngủ li bì
  • Mắt trũng
  • Bứt rứt, khó chịu
  • Tay, chân lạnh
  • Da nhợt nhạt
  • Thở nhanh, thở dốc

Có thể bạn quan tâm: Trẻ bị sốt phải làm sao ? Xem ngay hướng xử trí khi trẻ bị sốt do ngộ độc thực phẩm!

3Cách xử trí khi trẻ bị ngộ độc thức ăn

Khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm ở trẻ, ba mẹ cần nhanh chóng thực hiện những biện pháp sau đây:

Gây nôn

Ba mẹ cần nhanh chóng làm cho thức ăn nhiễm độc trong bụng trẻ đào thải ra ngoài. Gây nôn cho trẻ bằng cách dùng ngón tay ngoáy vào vòm họng ở gốc lưỡi để kích thích nôn.

Lưu ý:

  • Nếu trẻ nhỏ đang nằm, ba mẹ nên cho trẻ nghiêng đầu sang một bên để tránh bị sặc nước hoặc thức ăn.
  • Trẻ đang ngủ thiếp đi do mệt vẫn có thể nôn thốc rất nguy hiểm, có thể bị sặc thức ăn vào phổi dẫn đến tử vong. Nếu trẻ bị sặc lên mũi, ba mẹ phải nhanh chóng dùng miệng hút vào mũi nhằm tránh bị sặc.
  • Không áp dụng biện pháp gây nôn nếu trẻ bị ngộ độc xăng dầu, axit, kiềm.

Bù nước và chất điện giải

Điều ba mẹ cần làm chính là giữ cho trẻ đủ nước để thay thế lượng chất lỏng mà cơ thể trẻ bị mất do tiêu chảy và nôn mửa. Nếu không kịp thời bù nước và điện giải, trẻ sẽ dần suy kiệt, mệt lả và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Cho trẻ bú mẹ hoặc sữa công thức nếu trẻ còn nhỏ. Đối với trẻ mới biết đi đã lớn có thể cho uống từng ngụm nước hoặc dung dịch oresol.

Trường hợp ngộ độc thực phẩm ở trẻ mà ba mẹ không thể bù được lượng nước cho con, cần nhanh chóng đưa ngay đến viện để trẻ được bù nước.

Không sử dụng thuốc cầm tiêu chảy

Ba mẹ tuyệt đối không sử dụng thuốc cầm tiêu chảy. Bởi vì khi trẻ bị ngộ độc thức ăn chỉ cần tống hết nguồn thức ăn ra khỏi cơ thể sẽ khỏi bệnh.

Khi dùng thuốc có thể khiến độc tố, vi khuẩn gây ngộ độc lưu lại trong hệ tiêu hóa trẻ lâu hơn. Từ đó, khiến trẻ bị chướng bụng, đầy hơi, vô cùng khó chịu.

Hạn chế hoạt động mạnh

Trẻ bị tiêu chảy, nôn mửa sẽ khiến cơ thể rất mệt mỏi. Ba mẹ nên để trẻ nghỉ ngơi thật nhiều, tránh những hoạt động mạnh tại thời điểm này.

Ăn thức ăn loãng và mềm

Để giúp hệ tiêu hóa nhanh chóng hồi phục bình thường, ba mẹ cần cho trẻ dùng thức ăn loãng, mềm như: cháo, súp nghiền,… Đối với những trẻ còn đang bú mẹ/bú bình cần cho bé dùng nhiều hơn lượng thường ngày.

Tránh cho trẻ ăn các loại dầu, mỡ hoặc rau củ quả chưa được nấu chín kỹ.

Đưa trẻ đi khám

Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em

Đưa trẻ đến cơ sở y tế để truyền dịch nếu có triệu chứng nặng

Như đã đề cập, ba mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay nếu có những dấu hiệu nặng như:

  • Nôn nhiều
  • Không thể uống nước hoặc bỏ bú
  • Chất nôn ngả xanh, có máu hoặc trong phân có máu
  • Đau đầu
  • Những dấu hiệu ngộ độc kéo dài trên 2 ngày

Thông thường, ngộ độc thực phẩm ở trẻ nếu được ba mẹ chăm sóc tốt sẽ hồi phục hoàn toàn sau 1 – 5 ngày. Tuy nhiên, để chắc chắn trẻ đã hoàn toàn hồi phục, ba mẹ cần đưa trẻ đi khám để biết thêm về tình trạng của con.

4Thực phẩm tốt cho trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm ở trẻ khá thường gặp, bên cạnh việc ba mẹ nhanh chóng có biện pháp xử trí thì chế độ ăn uống trong giai đoạn này cũng vô cùng quan trọng. Dưới đây là những món ăn mà AVAKids khuyên ba mẹ nên cho trẻ bị ngộ độc thức ăn dùng.

Thức ăn ít chất béo và chất xơ

Khi ba mẹ chuẩn bị bữa ăn cho trẻ bị ngộ độc thực phẩm, nên chọn những loại ít chất béo và ít chất xơ, sẽ giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn. Các thực phẩm nên được ưu tiên trong thực đơn của trẻ bao gồm: lòng trắng trứng, khoai tây, bánh mì, cơm,…

Trái cây như chuối và táo

Trong chuối có chứa kali, giúp làm giảm cảm giác buồn nôn ở trẻ. Chuối dễ tiêu hóa nên phù hợp với những trẻ đang bị ngộ độc thức ăn.

Bên cạnh đó, táo giúp trẻ bớt khó chịu bởi những triệu chứng của ngộ độc gây ra. Tuy nhiên, ba mẹ nên chú ý cho trẻ dùng ở mức vừa phải, không nên ép trẻ ăn quá nhiều sẽ khiến tình trạng tệ hơn.

Sử dụng gừng

Gừng hỗ trợ rất hiệu quả với những bệnh lý về đường tiêu hóa. Khi ba mẹ chế biến thức ăn cho trẻ, có thể cho thêm chút gừng để làm dịu dày, giảm triệu chứng buồn nôn và khó chịu của trẻ.

Ba mẹ cũng có thể cho trẻ uống một ít nước gừng pha loãng, hoặc ép gừng pha mật ong, hỗn hợp này mang lại hiệu quả khá tốt. Nước gừng pha loãng là một trong những biện pháp hỗ trợ giảm triệu chứng ngộ độc thực phẩm ở trẻ.

5Cách chăm sóc khi trẻ bị ngộ độc thức ăn

Ngộ độc thực phẩm ở trẻ nhỏ

Ba mẹ nên cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng khi tình trạng ngộ độc thuyên giảm 

Chế độ ăn uống:

  • Với trẻ sơ sinh đang bú: nếu xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thực phẩm ở trẻ, mẹ nên cho bé bú ít lại nhưng bú nhiều lần, mỗi lần cách nhau 30 phút – 1 tiếng. 8 Giờ sau đó, nếu trẻ không còn nôn ói thì mẹ cho trẻ bú bình thường.
  • Ba mẹ có thể cho trẻ uống nước biển khô, ăn thức ăn lỏng và dễ tiêu hóa. Cho trẻ ăn chậm, từng chút một và quan sát biểu hiện của trẻ, đề phòng trẻ bị sặc. Nếu trẻ bị sặc thì ba mẹ nên ngừng ngay, khi nào ổn định hãy cho bé ăn tiếp.
  • Trường hợp trẻ vẫn bị nôn ói, ba mẹ không nên cho bé ăn, uống. Sau đó khoảng 1 giờ, có thể cho trẻ ăn ít. Nếu không bị ói thì cho trẻ ăn lượng thức ăn như bình thường.

Dỗ dành, an ủi trẻ:

Trẻ khó chịu, đau bụng, đau đầu,… ba mẹ nên dỗ dành, ôm ấp bé và cho uống thêm nước ấm. Cho trẻ mặc những bộ đồ thoải mái, dễ chịu, cho bé chơi những món đồ chơi yêu thích có thể giúp bé quên đi cơn đau bụng khó chịu.

6Khi nào trẻ ăn uống bình thường được?

Trẻ ăn uống bình thường lại được khi tình trạng tiêu chảy và nôn mửa giảm đi. Lúc này, trẻ đã có thể dung nạp thức ăn nên ba mẹ hãy tiếp tục cho trẻ ăn chế độ giống như bình thường càng sớm càng tốt để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ.

Các nghiên cứu cho thấy, ngộ độc thực phẩm ở trẻ có thể nhanh chóng khỏi nếu ba mẹ cho trẻ áp dụng lại chế độ ăn uống tiêu chuẩn bình thường sớm. Nguyên nhân là do thức ăn sẽ giúp nhanh chóng cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để chống lại nhiễm trùng. Lưu ý: ba mẹ nên đảm bảo cho trẻ uống đủ nước.

7Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm ở trẻ

Cẩn thận khi chuẩn bị thức ăn tránh ngộ đọc thực phẩm ở trẻ

Ba mẹ nên cẩn thận trong việc chuẩn bị thức ăn nhằm tránh trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Ba mẹ sẽ không thể bảo vệ con khỏi tất cả các vi khuẩn có trong thực phẩm. Tuy nhiên, ba mẹ có thể làm giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở trẻ bằng cách tuân thủ các khâu chuẩn bị và bảo quản an toàn thực phẩm. Bên dưới là một số lưu ý trong cách phòng ngừa trẻ bị ngộ độc thức ăn:

  • Rã đông thực phẩm trong ngăn mát tủ lạnh, không được để trong bồn rửa hoặc trên mặt bếp.
  • Không dùng thực phẩm quá hạn sử dụng, đồ hộp bị móp méo hoặc những thực phẩm đóng gói bị vỡ niêm phong.
  • Không cho trẻ dùng những thức ăn nguội lạnh.
  • Đảm bảo làm sạch nắp đồ hộp trước khi mở.
  • Bảo quản những thức ăn đã qua chế biến hoẵ chưa chế biến trong tủ lạnh với nhiệt độ phù hợp.
  • Không được để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm đã nấu chín.
  • Không nên để thức ăn đã được nấu chín ở nhiệt độ thường quá 2 giờ. Đặc biệt vào mùa hè, không nên để thức ăn ở bên ngoài quá 1 giờ.
  • Ba mẹ phải luôn rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn.
  • Trái cây và rau quả phải được rửa sạch dưới vòi nước.
  • Sử dụng thớt và dao riêng khi sơ chế các loại thịt sống, hải sản và trứng.
  • Không được đặt thức ăn đã nấu chín trở lại đĩa/thớt đựng thức ăn chưa nấu chín.
  • Không dùng thức ăn có chứa độc tố như khoai tây mọc mầm, thịt cá nóc, các loại nấm lạ, thực phẩm bị nấm mốc, thực phẩm nhiễm chất độc hóa học.
  • Đảm bảo thức ăn cho bé được nấu chín hoặc hâm nóng thật kỹ. Ba mẹ có thể sử dụng nhiệt kế đo nhiệt độ thịt (Thịt bò ít nhất 160 độ, cá ít nhất 145 độ và thịt gia cầm ít nhất 165 độ).
  • Khi ăn bên ngoài, cần chọn những nơi sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh những nơi bụi bặm, ẩm thấp.
  • Khi pha sữa công thức, ba mẹ nên làm theo các hướng dẫn chính xác để tránh ngộ độc thực phẩm ở trẻ.
  • Đối với những trẻ đã lớn, ba mẹ nên thường xuyên nhắc nhở trẻ rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn uống.
  • Ngoài ra, trường hợp trong gia đình có người bị bệnh, hãy khử trùng các khu vực trong nhà bằng chất tẩy rửa gia dụng. Lưu ý: để chất tẩy lên khu vực đó ít nhất 5 phút, sau đó làm sạch lại bằng xà phòng và nước nóng.

8Đôi lời từ AVAKids

Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu nên thường rất dễ bị ngộ độc. Hy vọng qua những thông tin mà AVAKids chia sẻ đã giúp ba mẹ có thêm kinh nghiệm nhận biết triệu chứng ngộ độc thực phẩm ở trẻ. Từ đó, có biện pháp xử trí, can thiệp kịp thời và đúng cách, hạn chế những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Các bài viết của AVAKids/Vũ Trụ Bỉm Sữa chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ngọc Hà tổng hợp