Nghiên cứu về não bộ: Làm sao để học tốt hơn? | Tomorrow Marketers

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Trong cuốn sách “How We Learn: The Surprising Truth About When, Where, and Why it Happens”, tác giả Benedict Carey đã chỉ ra một số phương pháp học tập hiệu quả dựa trên những phát hiện thú vị về bộ não và khả năng ghi nhớ của con người. Dưới đây là 6 kết luận được rút ra từ cuốn sách nhằm giúp bạn cải thiện khả năng học tập và ghi nhớ của mình.

 1. Sức mạnh của sự quên lãng

Trên thực tế, sự quên lãng không phải là kẻ thù của việc học mà trái lại, nó là quy trình thiết yếu giúp chúng ta tiếp thu những kiến thức mới, đồng thời lưu trữ và tái tiếp thu những kiến thức cũ. Điều này cũng đồng nghĩa rằng những kiến thức đã học không hề mất đi, và bạn hoàn toàn có thể rèn luyện khả năng lưu trữ, nâng cao năng lực trích xuất các thông tin trong quá khứ của não bộ. 

Cụ thể, mỗi khi cần nhớ lại một thông tin nào đó, hãy lấy giấy bút viết ra tất cả những gì bạn có thể nhớ được (lưu ý: không lục lại sách vở hay bất kỳ thứ gì khác giúp bạn gợi nhớ thông tin, chỉ tập trung suy nghĩ và viết). Cứ tiếp tục lặp đi lặp lại việc này sau một khoảng thời gian, bạn sẽ thấy lượng thông tin mà mình có thể nhớ lại tăng lên. Ví dụ, nếu bạn đang đọc một series bài viết Marketing với rất nhiều khái niệm phức tạp, đừng cố nhớ trong 1 lần đọc, hãy thử đóng  bài viết đó lại, cố gắng nhớ những gì còn đọng lại từ lần đọc hôm qua và viết xuống giấy. 

Sử dụng trí nhớ chính là cách hữu hiệu giúp cải thiện khả năng ghi nhớ và học sâu hơn. Mỗi khi bạn quên, não bộ sẽ lọc ra các thông tin gây mất tập trung để bạn bắt đầu nhớ lại, đưa ra một vài đáp án sai, để rồi sau đó kích hoạt năng lực lưu trữ và trích xuất thông tin của bạn lên mức cao hơn.

2. Phá bỏ những thói quen cũ

Bạn sẽ có khả năng học tốt hơn, ghi nhớ lâu hơn nếu biết phá bỏ những thói quen học tập cũ – ví dụ như thiết lập thời gian biểu, hay chỉ học ở một không gian cố định… Có thể bạn sẽ ngạc nhiên, nhưng thay đổi không gian, thời gian học tập sẽ giúp bạn củng cố các kiến thức tốt hơn. 

Nếu giữ nguyên những thói quen cũ, bạn sẽ không thể đạt được những kết quả này. Hãy thử bắt đầu từ những thay đổi nho nhỏ như rời nơi làm việc sang phòng khác, làm việc trong một khung giờ khác trong ngày. Đi ra bên ngoài. Thử một loại cà phê mới. Nghe một thể loại nhạc mới. Hãy thử bất cứ thứ gì khiến trải nghiệm học tập của bạn trở nên thú vị hơn. Nếu bạn đang tìm hiểu về Trade Marketing, đừng chỉ cố gắng nhớ lý thuyết, hãy thử đi đến các cửa hàng thời trang, siêu thị để quan sát cách trưng bày quầy kệ, cách các cửa hàng chạy chương trình khuyến mãi để có đánh giá thực tế hơn.

3. Học giãn cách 

Nếu bạn là sinh viên, TM đoán rằng bạn đã từng trải qua những mùa thi chỉ ôn bài 2 tiếng trước giờ thi, thay vì học đều đều suốt cả kì học? Thói quen học theo kiểu nhồi nhét, học liên tục, dù cho cách này có tác dụng với trí nhớ ngắn hạn, nhưng khả năng truy xuất thông tin sau 1 thời gian dài sẽ rất thấp. Để giải quyết vấn đề này, hãy thử áp dụng hiệu ứng giãn cách (the spacing effect) để giúp tăng khả năng ghi nhớ kiến thức: dành 10 phút mỗi ngày để học các nội dung mà bạn phải ghi nhớ.

Ví dụ, thay vì học về một chủ đề nào đó trong 3 tiếng đồng hồ liên tục, bạn nên chia nhỏ thời gian học ra thành 30 phút hoặc 60 phút trong một vài ngày. Wiseheart và Pashler (2008) đã tính toán được cách phân chia thời gian học tối ưu dựa trên khoảng thời gian mà bạn muốn ghi nhớ một lượng kiến thức như sau:

Thời gian kiểm traKhoảng giãn cách 1 tuần tới1-2 ngày1 tháng tới1 tuần3 tháng tới2 tuần6 tháng tới3 tuần1 năm tới1 tháng

Nếu bạn cần học cách sử dụng Google Analytics để hoàn thành nhiệm vụ của team content marketing vào tuần tới, đừng cố gắng xem hết cả khoá học trong 1 ngày. Mỗi ngày bạn học 3-5  video thì sẽ có khả năng ghi nhớ cao hơn.

4. Giá trị tiềm ẩn của sự thiếu hiểu biết

Ảo giác về sự trôi chảy (the fluency illusion) có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập của bạn: Một khi bạn cảm thấy mình có thể ghi nhớ thông tin ngay trong lúc học, bạn thường sẽ không tiếp tục học thêm về nó. Điều này sẽ không mang lại lợi ích gì cho việc ghi nhớ. 

Do đó, hãy kiên nhẫn đợi và tự ghi nhớ lại thông tin bằng lời lẽ của chính mình lúc về sau. Hoạt động truy xuất các thông tin trong quá khứ của bộ não là một hoạt động khó, và nó khác hẳn so với hoạt động tiếp nhận lại một thông tin lúc ban đầu (khi bạn vừa học vừa lặp đi lặp lại thông tin đó). Cố gắng nhớ lại những nội dung đã học sẽ giúp bạn tăng cường khả năng lưu trữ và truy xuất thông tin của bộ não, bởi thực tế là một khi bạn nhớ lại, thông tin sẽ được lưu trữ trong bộ não theo một cách rất khác. Lúc này, bộ não hình thành các kết nối mới về thông tin, giúp bạn ghi nhớ nó tốt hơn và lâu hơn về sau.

Để rèn luyện thói quen này, bạn có thể áp dụng tỷ lệ Gates: dành 30 – 40% thời gian cho việc đọc (reading)/ ghi nhớ (memorization) thông tin và dành phần còn lại cho việc tường thuật (recitation)/ gợi nhớ lại (recall) thông tin. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự đặt câu hỏi để kiểm tra khả năng ghi nhớ thông tin của mình sau khi đọc một cuốn tài liệu chẳng hạn. Kỹ thuật này cũng rất hữu ích trong việc củng cố khả năng ghi nhớ dài hạn. 

Học và ghi nhớ thông tin với tâm thế của một kẻ thiếu hiểu biết – giống như khi bạn làm bài trắc nghiệm và chọn phải đáp án sai, bạn sẽ học được nhiều hơn, nhớ lâu hơn, và xác suất lựa chọn được đáp án đúng trong tương lai sẽ tăng lên. 

5. Học đan xen 

Nếu quá trình lặp lại kiến thức giúp bạn cải thiện kỹ năng nhanh chóng và sau đó duy trì ở mức ổn định, thì việc thực hành các bài tập đa dạng sẽ giúp bạn tích lũy được nhiều kiến thức hơn theo thời gian (mặc dù tốc độ cải thiện của bạn trong từng giai đoạn sẽ chậm hơn). Kỹ thuật này được gọi là kỹ thuật học đan xen (interleaving), tức là bạn cùng lúc sử dụng nhiều tài liệu khác nhau nhưng có liên quan đến nhau trong lúc học. Quá trình này sẽ giúp bạn thấy rõ sự khác biệt giữa các tài liệu, đồng thời nắm bắt rõ ràng hơn nội dung của từng loại. Ngoài ra, bạn cũng nên học từ cả tài liệu mới và tài liệu cũ – những tài liệu mà đã lâu bạn không đụng tới.

Ví dụ, trong quá trình tự học Marketing, bạn có thể kết hợp giữa việc đọc sách, học từ tài liệu, hãy lên mạng tìm đọc thêm các case-study, các thông tin mới cập nhật về Marketing, về thị trường trên một số website, blog về Marketing (như Tomorrow Marketers) 😀

6. Nghỉ ngơi đầy đủ

Giấc ngủ giúp cải thiện sức bền và khả năng nắm bắt những kiến thức đã học từ ngày hôm trước. Do đó, trước ngày đi thi, bạn nên tránh học nhồi nhét quá nhiều, hoặc phải đảm bảo cho não được nghỉ ngơi giữa quá trình học và quá trình đi thi. Nếu bạn cần ghi nhớ lại các kiến thức trong giờ kiểm tra vào ngày mai, hãy đi ngủ sớm và dậy sớm để xem lại các nội dung một lượt. Những giấc ngủ ngắn kéo dài từ 1 – 1,5 tiếng thường chứa cả 2 giai đoạn: giấc ngủ sâu sóng chậm (slow-wave deep sleep) và giấc ngủ nghịch (REM sleep). Do đó, những người học vào buổi sáng sẽ làm bài kiểm tra vào buổi tối tốt hơn nếu trải qua một giấc ngủ ngắn chừng 1,5 tiếng trước đó.

Nhiều bạn sinh viên ngày nay khi tham gia các cuộc thi về Marketing đều dành rất nhiều thời gian để giải case-study và chuẩn bị bài thuyết trình cho các vòng thi. Có những nhóm còn thức xuyên đêm để hoàn thành bài dự thi, thời gian ngủ bị rút ngắn lại. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn và làm giảm khả năng ghi nhớ, do đó hãy phân bổ thời gian học và nghỉ ngơi phù hợp nhé! 

Tạm kết

Việc học không chỉ dừng lại ở những kiến thức trong nhà trường mà còn là lượng kiến thức rộng lớn xung quanh ta. Hi vọng những phát hiện thú vị về bộ não trên đây có thể giúp bạn cải thiện khả năng học tập và ghi nhớ của mình trong cuộc sống. Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn về bản thân và khám phá các cơ hội nghề nghiệp trong ngành Marketing, hãy tham khảo khoá học Career Coaching của Tomorrow Marketers để được hướng dẫn cách thiết kế lộ trình sự nghiệp trong ngành Marketing bởi các Manager nhé!