Nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án – Yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa

Nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án lại là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà

Mô hình tố tụng hình sự của nước ta hiện nay chủ yếu đang được vận hành theo mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn có kết hợp và vận dụng yếu tố tranh tụng (thuật ngữ dùng trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) là “tranh luận”) khi tiến hành xét xử các vụ án hình sự. Hướng sửa đổi BLTTHS sắp tới là sự kết hợp hài hoà có sự giao thoa giữa mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn với mô hình tố tụng hình sự tranh tụng; trong đó sẽ giữ lại những hạt nhân hợp lý, tích cực của mô hình thẩm vấn và tiếp thu những mặt mạnh, mặt khoa học của mô hình tranh tụng. Theo tinh thần của cải cách tư pháp được quy định tại Nghị Quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị thì phán quyết của Toà án chủ yếu dựa vào kết quả thẩm vấn công khai tại phiên toà trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu, kết quả thu thập chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Ứng với mỗi mô hình tố tụng hình sự hoặc xác định mô hình tố tụng hình sự tức mô hình đó đã định sẵn quy trình điều tra, truy tố, xét xử hoặc có yếu tố quyết định chi phối quy trình này.

Khi nghiên cứu các định hướng lớn của Đảng và Nhà Nước về mô hình tố tụng hình sự được thể chế trong BLTTHS sửa đổi sắp tới cho thấy yếu tố thẩm vấn có phần nổi trội hơn. Dựa vào yếu tố này thì việc điều tra thu thập chứng cứ vẫn là cơ sở quan trọng để đánh giá, xem xét, xác định người phạm tội và tội mà họ đã phạm. Trong thực tiễn xử lý cho thấy quá trình thẩm vấn công khai và kết quả của việc tranh tụng tại phiên toà đã làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề cần được chứng minh trong vụ án, nhưng việc phán quyết của Toà án có sự khác biệt hoặc khác biệt lớn với kết quả điều tra thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra (CQĐT) có trong hồ sơ vụ án là không nhiều và chiếm tỉ lệ thấp. Có thể nói căn cứ để kết luận một người phạm tội, tội danh, có bao nhiêu hành vi phạm tội, có đồng phạm hay không đồng phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các nhân chứng chứng minh tội phạm và khẳng định không phạm tội… về cơ bản đều được điều tra thu thập phản ánh trong vụ án.

Có nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án thì KSV mới có đủ điều kiện viện dẫn các căn cứ, các chứng cứ, công bố lời khai của bị can, nhân chứng… khi tiến hành tranh tụng với Luật sư và người bào chữa khác. Mặt khác, nếu không nghiên cứu kỹ hồ sơ thì bị cáo, người bào chữa viện dẫn các tài liệu được CQĐT tiến hành điều tra, thu thập và phân tích, đánh giá bản cung, giá trị của lời khai nhân chứng và nêu cụ thể lời khai nào, của ai, bút lục nào… thì Kiểm sát viên dễ rơi vào trạng thái lúng túng, bị động.

Các căn cứ pháp luật và thực tiễn tranh tụng cho thấy việc đối đáp giữa các bên buộc tội, gỡ tội tại các phiên toà đều diễn ra liên tục, khép kín, tranh tụng tất cả các nội dung mà các bên đưa ra nên lúc bấy giờ không đủ điều kiện cho KSV lục tìm hồ sơ đọc lại các bút lục. Yêu cầu đặt ra cho KSV khi Luật sư, người bào chữa công bố chứng cứ có trong hồ sơ thì KSV phải nhận biết được, nhận biết ngay tình trạng của tài liệu đó ở bút lục nào, lời khai của ai, tinh thần cơ bản của tài liệu đó… từ đó có thể rút hồ sơ đánh giá tài liệu, viện dẫn tài liệu… để tranh luận với Luật sư và bảo vệ cáo trạng đã truy tố.

Khi nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án đồng thời với việc ghi chép cụ thể nắm được toàn bộ nội dung và các tình tiết có trong hồ sơ tạo nên cho KSV tâm lý thoải mái, tự tin, sẵn sàng tranh luận, đối đáp với người bào chữa và bị cáo. Thường khi có chuẩn bị sẵn nội dung một cách chu đáo tạo niềm tin và cơ sở để KSV tiến hành tranh tụng. Kinh nghiệm cho thấy KSV nào làm tốt công tác chuẩn bị cho phiên toà thì thường đối đáp sắc sảo, tự tin, sức thuyết phục cao. Ngược lại nếu KSV nào chuẩn bị thiếu chu đáo, đọc hồ sơ không kỹ, không ghi chép cụ thể thì thường đuối lý khi tranh tụng, sức thuyết phục không cao, cá biệt có khi phải “cầu cứu” Hội đồng xét xử.

Vấn đề đặt ra ở đây lại phải nghiên cứu “kỹ” hồ sơ vụ án. Vậy thế nào là nghiên cứu “kỹ”, chưa có duy danh định nghĩa về khái niệm này. Nhưng qua thực tiễn công tác chúng tôi thấy nghiên cứu “kỹ” hồ sơ vụ án là nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, cụ thể, chi tiết tài liệu có trong hồ sơ. Sau khi nghiên cứu KSV phải ghi chép lại (nội dung này chúng tôi sẽ đề cập vào phần sau) theo một trình tự và phương pháp khoa học. Có thể khái quát lại nghiên cứu “kỹ” hồ sơ vụ án yêu cầu KSV phải “thuộc án”, không chỉ nắm được toàn bộ nội dung vụ án như hành vi và diễn biến của hành vi phạm tội, đối tượng phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và các tình tiết có liên quan đến việc xử lý vụ án, bị can mà yêu cầu còn nắm rõ, đầy đủ, cụ thể tình tiết của hồ sơ vụ án như từ bút lục nào đến bút lục nào của hồ sơ phản ánh cái gì, nội dung ra sao… Khi cần thiết KSV có thể chỉ ra ngay bút lục, vật chứng, lời khai của bị can hoặc các bị can (nếu có), lời khai của nhân chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, các tài liệu và kết luận giám định khác (nếu có)…

Các phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án

Hiện nay, chưa có giáo trình hướng dẫn cách thức, phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự và không thể đề ra một phương pháp nào có thể ứng dụng và giải mã cho tất cả các loại án, các loại tội. Tuỳ vào tính chất hồ sơ vụ án như phức tạp hay đơn giản, án nhiều hành vi hay ít hành vi, án có đồng phạm hay không có đồng phạm hoặc tuỳ tội danh và cả phương pháp, sở trường, năng khiếu của KSV mà đề ra phương pháp nghiên cứu khác nhau. Tuy vậy, qua thực tiễn công tác chúng tôi đúc rút kinh nghiệm và cố gắng khái quát hoá để đề ra một số phương pháp nghiên cứu hồ sơ có thể dựa vào các tiêu chí: Từ tổng thể đến chi tiết, từ nội dung đến hình thức và phân chia dựa theo chức năng nhiệm vụ công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, phân chia theo tội danh…

Phương pháp thứ nhất: Nếu dựa vào tiêu chí “từ tổng thể đến chi tiết” tức là nghiên cứu để nắm nội dung cơ bản của vụ án bao gồm diễn biến chính của hành vi phạm tội, sự tham gia của bị can và các bị can, những điểm chính của phương thức, thủ đoạn phạm tội, hậu quả của tội phạm. Sau khi nắm được các nội dung cơ bản nêu trên thì đi sâu nghiên cứu từng phần, từng chi tiết để minh chứng cho nội dung hành vi phạm tội và người phạm tội. Cụ thể đi sâu xem xét các chứng cứ, quy trình thu thập chứng cứ để khẳng định tội và đối tượng phạm tội. Phương pháp nghiên cứu này gần như trở thành “truyền thống”, thường được KSV sử dụng hàng ngày, nhất là các vụ án phức tạp về chứng cứ, tội danh, những vụ án có nhiều hành vi, có đông người tham gia…

Phương pháp thứ hai: Nếu đưa vào tiêu chí “nội dung và hình thức” thì có thể hình thành phương pháp nghiên cứu nội dung trước, tức là nghiên cứu về chứng cứ, sau đó nghiên cứu về thủ tục tố tụng. Nhưng cũng có những trường hợp, những vụ án có thể làm song song hai nhiệm vụ này, vừa nghiên cứu về chứng cứ đồng thời nghiên cứu cả thủ tục tố tụng cùng một lúc. Thường áp dụng phương pháp nghiên cứu này cho các loại án đơn giản, rõ ràng, án quả tang, án không có đồng phạm hoặc đồng phạm giản đơn, án chỉ một hay vài hành vi đơn giản…

Phương pháp thứ ba: Dựa vào chức danh, nhiệm vụ công tác có thể phân chia nghiên cứu hồ sơ ở giai đoạn kiểm sát điều tra và giai đoạn kiểm sát xét xử. Cách phân chia này có ý nghĩa tương đối vì về mặt lý luận và thực tiễn ít khi phân giai đoạn, khi thụ lý vụ án, nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ vụ án là việc thường xuyên, liên tục, không thể ngắt quãng. Thông thường khi chuẩn bị cho việc xét xử, nhất là vấn đề tranh tụng thì KSV nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện để làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố.

Phương pháp thứ tư: Nghiên cứu theo từng tội danh của Bộ luật hình sự. Thường thì đối với mỗi tội danh, Cơ quan điều tra thu thập chứng cứ theo quy trình riêng biệt, nhiều khả năng lặp đi lặp lại nhiều lần. Qua công tác giải quyết án tuy có thể định hình cách nghiên cứu của từng tội danh.

Qua phần trình bày trên cho ta thấy có nhiều phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án nhưng trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đi sâu phân tích phương pháp nghiên cứu thứ nhất, vì phương pháp này được KSV sử dụng rộng rãi, thường xuyên, có khả năng áp dụng cho mọi loại án, loại tội. Nghiên cứu nắm nội dung vụ án, nắm những điểm chính, điểm chung nhất của vụ án và nắm được hành vi của bị can, của các bị can (nếu có) và diễn biến chính của hành vi phạm tội thường được thể hiện vào các tài liệu sau đây:

Trước hết, KSV phải đọc bản kết luận điều tra vụ án. Về mặt lý luận và thực tiễn, bản kết luận điều tra vụ án phải đúng với quá trình điều tra thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra, trong đó trình bày toàn bộ diễn biến hành vi phạm tội, chứng cứ để chứng minh tội phạm và căn cứ để đề nghị truy tố. Như vậy, bản kết luận điều tra vụ án đã chứa đựng đầy đủ thông tin về tội phạm, người phạm tội và các thông tin khác để đề nghị truy tố. Với việc nghiên cứu kết luận điều tra vụ án, KSV đã có cách nhìn tổng thể “bức tranh” tội phạm. Từ đó giúp cho việc định hướng các nội dung nghiên cứu về sau.

Thường trước khi kết thúc điều tra vụ án, Điều tra viên (ĐTV) tiến hành hỏi bản cung tổng hợp mà KSV, ĐTV vẫn thường gọi là tổng cung. Trong các biên bản này ĐTV hỏi có tính chất tổng hợp lại hành vi phạm tội của bị can hoặc các bị can, có tính chất đúc kết lại toàn bộ lời khai của bị can từ khi khởi tố đến thời điểm hỏi cung.

Trong các bản tổng cung này có thể không nhắc lại toàn bộ diễn biến của từng vụ án, từng hành vi nhưng những điểm chính, điểm chủ đạo vẫn được Điều tra viên điểm xuyết và nhấn mạnh hỏi sâu vào điểm cần thiết. Có thể coi bản cung tổng hợp này là “xương sống”, “nét vẽ chính” của bản kết luận điều tra nêu về hành vi phạm tội của bị can đã bị khởi tố. Đây là nguồn tài liệu mà theo chúng tôi, KSV cần có sự tiếp xúc sớm trong khi nghiên cứu hồ sơ vụ án.

Ngoài hai nguồn tài liệu nêu trên thì cần thiết phải nghiên cứu đầu tiên lời khai của bị can chính, bị can với vai trò là chủ mưu, cầm đầu hoặc có mặt suốt trong thời gian gây án hay có mặt lâu nhất, ở vị trí hay đủ điều kiện để quan sát biết được hành vi phạm tội không chỉ của chính mình mà biết được hành vi phạm tội của các bị can khác. Với vai trò và các điều kiện nêu trên các bị can này còn giúp xác định phương thức, thủ đoạn phạm tội, phương tiện gây án (nếu có)…

Từ thực tiễn công tác cho thấy nhìn chung các tài liệu ban đầu như lời khai của các bị hại, nhân chứng, bị can, thu giữ vật chứng… có ý nghĩa trong việc xác định tội phạm, người phạm tội, giúp định hướng cho công tác điều tra. Độ “trong trẻo” của tài liệu ban đầu nhìn chung là khách quan, trung thực, đầy đủ, chính xác…. phản ánh đúng bản chất của sự vật, hiện tượng như ai phạm tội, giúp xác định phạm tội gì, có hay không có đồng phạm…. Chính ý nghĩa của tài liệu ban đầu này như vậy nên KSV cũng cần quan tâm lưu ý đưa vào tốp tài liệu ban đầu để nghiên cứu.

Sau khi nắm được những điểm chính, điểm cốt lõi nêu trên có một câu hỏi đặt ra cho tất cả KSV khi làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra và trước, trong giai đoạn thực hành quyền công tố tại phiên toà là dựa vào đâu, cơ sở nào, tài liệu gì, ở đâu, ở bút lục nào trong hồ sơ vụ án mà Cơ quan điều tra kết luận điều tra, kết luận bị can phạm tội…

Đến đây KSV phải nghiên cứu và đánh giá chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Tuỳ từng vụ án và tội danh mà quá trình thu thập chứng cứ của ĐTV và của KSV có thể khác nhau nhưng cần phải nghiên cứu chứng cứ để trả lời những nội dung sau đây:

Thứ nhất, nguồn chứng cứ đã được thu thập đầy đủ, toàn diện, cụ thể chưa, có thiếu nguồn chứng cứ nào không? Chứng cứ ở đây có thể là lời khai của bị can, bị cáo, công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu giám định, biên bản khám nghiệm hiện trường, tử thi…. Cách kiểm tra và phát hiện vấn đề này là dựa vào chính các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Lấy ví dụ ở vụ án cố ý gây thương tích có đồng phạm, tại các tài liệu ban đầu, người bị tình nghi, nhân chứng khai có rất nhiều đối tượng tham gia, thậm chí có hàng chục người có hành vi đánh đập người bị hại. Nhưng KSV có thể lập danh sách những người thực hiện hành vi phạm tội, nhân chứng rồi đối chiếu với tài liệu điều tra để xác định đã lấy được lời khai của ai, thiếu lời khai nào của bị can, nhân chứng…

Thứ hai, đánh giá chất lượng của chứng cứ. Cần xem xét các chứng cứ có đủ cơ sở để phản ánh tính khách quan của sự vật, hiện tượng, có đầy đủ thông tin pháp lý cần thiết để đánh giá, xác định tội danh, người phạm tội, diễn biến hành vi phạm tội, căn cứ pháp lý để xử lý người phạm tội. Ở đây chúng ta đã xác định “tiếng nói” của chứng cứ như thế nào. Lấy ví dụ trong vụ án trốn thuế, cơ quan CSĐT làm công văn gửi Cục thuế tỉnh đề nghị xác định hành vi trốn thuế của bị can gây thiệt hại cho ngân sách ở mức độ nào, số tiền bao nhiêu, cách và phương pháp tính thuế được thực hiện như thế nào? Trong trường hợp này KSV cần xem xét công văn của Cơ quan điều tra đã đầy đủ nội dung để xác định số thuế bị trốn, cách tính số thuế trốn hay chưa? Công văn trả lời của Cục thuế đã giúp xác định tội danh này hay chưa?

Thứ ba, nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án có đủ cơ sở để kết luận khung, khoản điều luật truy tố chưa? Các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được điều tra, thu thập đầy đủ chưa. Các yêu cầu về bồi thường dân sự (nếu có), kết quả bồi thường dân sự trong vụ án hình sự như thế nào.

Tất cả các nội dung nêu trên là chúng tôi đang đề cập đến pháp luật về nội dung, điểm cần tập trung nghiên cứu là pháp luật về hình thức, tức nghiên cứu về trình tự, thủ tục thực hiện việc điều tra của ĐTV, một số hoạt động điều tra của KSV và trình tự, thủ tục hoạt động KSĐT của kiểm sát điều tra đã đảm bảo các quy định của BLTTHS hay chưa? Gần đây, khi tiến hành tranh tụng với KSV, Luật sư và người bào chữa nói chung đang nhấn mạnh và cho rằng tại nhiều vụ án quy trình, trình tự, thủ tục thu thập tài liệu, chứng cứ của CQĐT có nhiều vi phạm. Trong đó có nhiều vụ án do vi phạm thủ tục tố tụng mà cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm huỷ án. Vì vậy, đòi hỏi KSV phải nghiên cứu cụ thể để có biện pháp, yêu cầu CQĐT chấn chỉnh, khắc phục. Các vi phạm chủ yếu thường xảy ra là: Không gạch chéo phần giấy thừa của bản cung và biên bản ghi lời khai; sửa chữa, tẩy xoá các biên bản; các quyết định xử lý vật chứng, công văn đề nghị giám định ghi thiếu các dữ kiện như ngày, tháng, năm, số văn bản; do không đọc kỹ và kiểm tra lại nên nhiều biên bản lập trùng giờ, ngày, tháng, năm trong khi chỉ do một cá nhân thực hiện; ghi phần tên và lót đệm tên của nhân chứng, người bị hại; ghi các đặc điểm, thông số kỹ thuật, tên gọi của máy móc thiết bị thiếu thống nhất….

Nhìn chung do KSV nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa và đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để thực hành quyền công tố tại phiên toà nên giúp cho chất lượng tranh tụng của KSV đạt được nhiều kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, còn nhiều trường hợp do không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án nên nhiều vụ KSV tranh tụng đạt chất lượng thấp, lúng túng khi tranh luận; nhiều trường hợp không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án nên khi diễn biến của cuộc thẩm vấn tại phiên toà khác với hồ sơ vụ án và Luật sư lên tiếng về nội dung này thì KSV không nhận biết cụ thể khác ở chỗ nào, tài liệu nào, bản cung nào. Không ít vụ do không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án nên khi Luật sư viện dẫn những mâu thuẫn về tài liệu có trong hồ sơ thì KSV lúng túng không giải thích được. Do có những nội dung quan trọng nhưng KSV không làm rõ được khi tranh tụng nên Hội đồng xét xử phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Chúng tôi nêu một vụ án cụ thể để chứng minh cho nội dung này và để rút kinh nghiệm chung.

Vụ THT, PVP và PPL phạm tội “cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự. Nội dung vụ án như sau: Khoảng 20h ngày 01/10/2012 do nghi ngờ THT ném đá lên nhà mình nên khi T vừa đi ra ngõ nhà mình thì bị Phương, PVL giữ lại, từ đó xảy ra xô xát giữa ba người nên mọi người đến can ngăn. Do bức xúc nên T dùng con dao thái rau của một người dân chém anh Phương 02 nhát trúng cổ bên trái và mõm vai bên trái. Sau đó T kêu to nên PVP và PPL là người nhà của T chạy ra. PVP dùng côn gỗ đánh vào lưng của Phương, PPL dùng gậy đánh một nhát trúng vào đầu bên trái của Phương làm Phương ngã xuống đường. Qua điều tra xác định được anh Phương có ba vết thương tại vùng thái dương, mõm vai trái (do T chém), một vết thương ở vùng đầu bên trái do L đánh. Vết thương ở mõm vai trái tỉ lệ thương tật là 10%, vùng thái dương 0,8% và đầu bên trái là 1% (do PVP đánh).

Trích sao Bệnh án số 65702 ngày 02/11/2012 của bệnh viện TA đối với bệnh nhân Phương có 02 vết thường gồm vết thương ở vùng đầu dài 3cm, một vết thương vùng vai trái dài 6cm. Nhưng tại Bản kết luận giám định số 35/KLPC54 ngày 22/12/2012 của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Nghệ An thì chiều dài 02 vết thương nêu trên là 4cm x 0,2cm và 12cm x 2,5cm. Ngoài ra, Kết luận giám định còn xác định thêm một vết sẹo mờ kích thước 5,3cm x 0,1cm. Trong Bản kết luận giám định này còn ghi căn cứ vào Biên bản xem xét dấu vết (có 3 vết thương) do Công an xã lập khi sự việc vừa xảy ra. Như vậy, tại hai tài liệu nêu trên có sự mâu thuẫn về vết thương. Bệnh án nêu 02 vết thương nhưng kết luận giám định và biên bản xem xét dấu vết bản đầu nêu có 3 vết thương. Vậy, tài liệu nào đúng, tài liệu nào sai? Trong khi đó kết quả điều tra cho thấy các bị can đều nhận tội gây ra 03 vết thương trên thân thể người bị hại. Nếu chỉ có 2 vết thương như bệnh án thì tỉ lệ thương tật của anh Phương là 10,8% tức là chỉ phạm vào khoản 1 Điều 108 BLHS. Do KSV không nghiên cứu và nắm rõ hồ sơ vụ án nên khi tiến hành xét xử Luật sư bào chữa cho bị can T H T đề nghị KSV cho biết vì sao có sự mâu thuẫn nêu trên thì KSV không giải thích được. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xử T khoản 1 Điều 108 BLHS theo hướng có lợi cho bị cáo. Tại phiên toà, Luật sư cũng nêu trong hồ sơ vụ án không có biên bản xem xét dấu vết ban đầu nhưng bản kết luận giám định nhắc đến tài liệu này. Do tại phiên toà không làm rõ được các nội dung nêu trên nên Toà án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Một số vấn đề cần chú ý khi nghiên cứu hồ sơ vụ án

Thứ nhất, từng KSV phải nghiên cứu, xây dựng phương pháp nghiên cứu hồ sơ khoa học, thiết thực và hình thành các cách thức phương pháp nghiên cứu hồ sơ cho bản thân mình dựa trên đặc điểm của vụ án, tội danh, sở trường của cá nhân… Trên cơ sở đó, hình thành một phương pháp nghiên cứu hồ sơ có tính ổn định, liên tục nhằm giúp cho việc nghiên cứu hồ sơ sâu, cụ thể, tạo điều kiện làm tốt công tác tranh tụng tại phiên toà.

Thứ hai, nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự là việc làm thường xuyên liên tục của KSV, thời điểm thực hiện và kết thúc là từ khi có tin báo tội phạm cho đến khi vụ án được đưa ra xét xử. Đó là các “chặng đường” nghiên cứu hồ sơ để phê chuẩn quyết định tạm giữ, quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn các biện pháp ngăn chặn và các quyết định phê chuẩn khác; nghiên cứu hồ sơ để đề ra bản yêu cầu điều tra, chuẩn bị cho kết thúc điều tra; nghiên cứu hồ sơ để thực hành quyền công tố tại phiên toà. Chống và khắc phục tư tưởng chỉ nghiên cứu hồ sơ khi phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn và một số quyết định khác sau đó KSV không làm nhiệm vụ kiểm sát sát điều tra, không tiếp tục nghiên cứu hồ sơ vụ án mà chờ cho CQĐT kết thúc điều tra vụ án chuyển hồ sơ sang VKS thì mới nghiên cứu để xây dựng cáo trạng và chuẩn bị cho việc thực hành quyền công tố tại phiên toà. Nếu làm như vậy là không thực hiện đúng nhiệm vụ của kiểm sát điều tra, các sai sót được chậm phát hiện, khắc phục. Để cho CQĐT kết thúc điều tra mới nghiên cứu nếu có sai sót, vi phạm  trong hồ sơ vụ án thì đó là trách nhiệm của KSV. Nhiều KSV tiến hành kiểm sát điều tra chặt chẽ, nghiên cứu kỹ hồ sơ đến mức thuộc án, sau khi bàn bạc, thống nhất với ĐTV đủ điều kiện để kết luận điều tra vụ án thì tiến hành ngay việc dự thảo cáo trạng. Sau đó nhận được hồ sơ vụ án đã kết thúc điều tra chỉ cần kiểm tra thêm là ban hành cáo trạng được ngay. Do vậy, thời hạn truy tố thực hiện đúng quy định và sớm hơn quy định nêu trong BLTTHS.

Thứ ba, nghiên cứu hồ sơ gắn liền với ghi chép và ghi chú khi cần thiết; trách việc chỉ đọc không tiến hành ghi chép mà đọc với mọi nghiên cứu đến đâu cần ghi chép đến đó. Trong trường hợp cần thiết thì ghi chép và ghi chú đến từng bút lục. Để phục vụ cho việc tranh tụng thì tuỳ từng trường hợp khi nghiên cứu hồ sơ vụ án ghi chép cẩn thận các căn cứ, tài liệu như lời khai nào, của ai, bút lục số mấy, dòng thứ mấy từ trên xuống hay dưới lên… để phục vụ đánh giá chứng cứ, tranh tụng.

Thứ tư, để giúp cho việc tranh tụng đạt kết quả tốt khi nghiên cứu hồ sơ vụ án KSV cần kết hợp nghiên cứu lại lý luận về tội danh đã truy tố. Đây là điều cần thiết vì lý luận về tội cụ thể phần lớn được trang bị khi học tại các nhà trường, KSV ít khi đọc lại, nghiên cứu lại. Thực tiễn tranh tụng cho thấy do chỉ nghiên cứu hồ sơ vụ án, nắm rõ chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ nên phải đối đáp với người bào chữa liên quan đến lý luận tội phạm thì KSV tỏ ra lúng túng, vì quên khái niệm hoặc nhớ không đầy đủ đặc trưng của tội phạm, các yếu tố cấu thành cơ bản của tội.

 

Trần Thanh Thuỷ

(Nguồn: Tạp chí Kiểm sát số 12/2014)