Nghi Xuân bát cảnh – Diễn đàn Giáo dục Tiểu học Hà Tĩnh

* Hồng Sơn liệt chướng

Đây là dãy núi phía nam huyện, là phên dậu che chở cho nghi xuân, Hồng Sơn là núi Hồng, là dải Hồng Lĩnh và còn được gọi là Ngàn Hống, cái tên Hồng bắt nguồn từ câu chuyện: Dãy núi xưa có 100 đỉnh, có đỉnh Mồng Gà, đỉnh Đầu Voi, đỉnh Đầu Ngựa…Với tương truyền nổi tiếng là: có Đàn chim Hồng nghe nơi đây có núi trăm đỉnh, bèn gửi 100 con đến tọa lạc, làm đẹp cho dãy núi, tạo cho thế đất càng linh hơn. Sau khi có 99 con hạ cánh đỗ lên 99 đỉnh, còn một con dù biết bên kia là đỉnh Ngọc, đậu lên đấy có thể sáng chói hơn mà cũng chỉ cách có nửa dặm. Nhưng vì không muốn xa bầy, bèn bay lượn quanh. Một nông dân xã Mỹ Dương (nay là xã Xuân Mỹ) nhìn thấy, phần thì thương con chim lẻ loi, phần thì sợ đàn chim bỏ đi nên ông cùng một số bạn bè đến sát chân núi đắp một “cục lịp” (lịp là hình sqazwOL;SO.’`0cái nón) cho chim đậu. Cảm thông, con chim thứ 100 sà xuống đậu, nhưng do đắp vội cục lịp vỡ ra, con chim đành bay. Cả đàn bèn cùng cất cánh bay theo. Sau này núi nuối tiếc mang tên Hồng làm kỷ niệm. Cục lịp vẫn còn với dải Hồng Lĩnh thơ mộng, tạo nên nhiều cảnh đẹp. Có nền Trang Vương xa xưa với chùa Hương Tích đẹp và cổ kính, có dãy Ngũ Mã với đền Củi linh thiêng, có lăng mộ Ngọc Trần vợ vua Lê Lợi ở núi Na, có bàn cờ Tiên, có Đá Ông, Đá Mụ, Đá Nhoi nơi những người có tâm huyết với đất nước ở ẩn, có truông cộng Khánh con đường mà Đại thi hào Nguyễn Du đi tắt vượt Treo Vọt để hát phường vải, có di chỉ văn hóa Phôi Phối…Vì thế chăng mà dải Hồng Lĩnh được khắc lên Anh Đỉnh ở kinh đô Huế để tôn vinh những kỳ quan đẹp nhất nước.

 

Hồng Sơn liệt chướng

* Đan Nhai quy phàm

Rời bến Giang Đình xuôi ra cửa Sông Lam, trước đây gọi là cửa Đan Nhai còn nay gọi là cửa Hội (cửa Đan Nhai là tên của xã Đan Nhai, cửa Hội là tên của xã Hội Thống, còn nay là xã Xuân Hội).

Ngày trước, khi trời chiều buông xuống, ráng đỏ phủ lên cảnh vật, nhiều cánh buồm no gió lướt như đan nhau về bến cửa, những cánh buồm óng ánh đỏ, mặt nước như tím lại, trên nền trời in những bóng hải âu sải cánh… Hơn nữa, cửa Đan Nhai là vùng cát bồi trên chân núi Hồng Lĩnh, sách cũ còn ghi: Cửa Đan Nhai đá chìm lởm chởm, thuyền bè rất khó ra vào cửa sông. Chính vì lẽ ấy, khi thuyền vào cửa lạch không thể chạy theo một đường thẳng, mà còn phải căn cứ vào chớn nước để thay đổi đường đi, lúc “bát”, lúc “cạy” (sang phải, sang trái) làm cho những cánh buồm no gió dập dờn qua lại khác nào đàn bướm đang vờn hoa, đàn cá đang dỡn nước.

Có những chiều, đây đó như mái tóc dài bay lất phất trước trời biển biếc, mắt đắm nhìm xa xăm, mong đợi như gửi lời cho gió, cho cánh chim mang… Cảnh đẹp này được Nguyễn Hành (1771-1824) tả, Thanh Minh dịch:

Cánh buồm thấp thoáng vành trăng khuyết

Ánh sáng xa xa ngọn núi nhoà…

 

Đan Nhai quy phàm

* Song Ngư hý thuỷ:

Đứng trên cửa biển Đan Nhai xưa, nay là đất xã Xuân Hội, nhìn về phương bắc ta mới nhận ra hòn đảo sao lại mang tên Song Ngư. Đảo như hai con cá lớn đầy đủ thân và đuôi, đang châu đầu vào nhau như đùa giỡn trên biển. Nhất là những hôm sóng to, vỗ vào thân núi trắng xoá như hai con cá đang lội. Còn đứng trong làng nhìn ra, bị cây che lấp phía dưới, phía thân núi còn lại như thân hai con trâu, lưng oằn xuống, chắc đang gục đầu vào nhau thử sức. Xin trích 4 câu thơ của tiến sỹ Bùi Dương Lịch (1757-1828) vịnh đảo Song Ngư:

Sơn thể liên hành khoả vĩ hư

Dược như sinh ý hữu hà như

Càn khôn bất hạn đông tây ngoại

Tạo hoá nan cùng hỗn độn sơ.

Mai Xuân Hải dịch: Thế núi đâm ngang vượt biển Đông

Như con cá dỡn đẹp vô cùng

Đông tây đâu hạn vòng trời đất

Hỗn độn nằm ngoài ý hoá công…

Trong Nghi Xuân bát cảnh có những cảnh “Thiên phú”, như Hồng Sơn liệt chướng, Song Ngư hý thuỷ sẽ tường tồn với thời gian. Có những cảnh thiên nhiên và con người cùng tác động đến như: Cô Độc lâm lưu, Quần Mộc bình sa. Có những cảnh do con người tác động đến mới có như: Hoa Phẩm thắng triền, Uyên Trừng danh tự, Giang Đình cổ độ, Đan Nhai quy phàm.

Song Ngư – Nguyễn Tất Minh đã có thơ viết về Nghi Xuân bát cảnh, các cảnh đẹp của quê hương thật đáng suy nghĩ:

“… Tám cảnh đó còn đương đòi hỏi

Đòi hỏi ai sống cõi Lam Hồng

Nên cùng nhau tô điểm lấy non sông

Cho xứng đáng với con Hồng cháu Lạc

Thời thế khác nhưng giang sơn không khác

Nhớ câu thơ “Chim hạc Đỉnh Linh Uy (1)

Thành quách như cổ, nhân dĩ phi”

Song Ngư ngày nay thuộc địa phận tỉnh Nghệ An.

 

 

 

Song Ngư hý thuỷ

* Cô Độc lâm lưu:

Từ chợ Củi, xuôi xuống chút nữa ta gặp hòn núi Cô Độc (thuộc nhóm Ngũ Mã trong dải Hồng Lĩnh, địa phận xã Xuân Hồng). Nhìn cả nhóm núi như đàn trâu đang cúi mình và một con nghé đứng riêng. Chuyện kể: Trong lúc cả đàn đang ăn cỏ, một chú nghé non ngẩng đầu nhìn sang bên kia sông, nơi ấy cỏ hình như xanh hơn, mịn màng hơn, êm ả hơn, ngon lành hơn. Chú lặng lẽ tách khỏi đàn định vượt sông, khi hai chân trước vừa bước xuống sông, điều không may đã đến, trời bắt chú hoá đá. Thế là có một ngọn núi đá nằm bên bờ sông, lại có một phần chân núi cắm ra ngoài sông, nước chảy lồng phía dưới, thuyền chạy luồn thú vị biết bao…

Nhưng người xưa không muốn nhâm nhi chỉ có vậy, bèn đặt tên “Cô Độc lâm lưu”. Đất mẹ rộng lòng thương, chắt chiu từng chút đất lấp xong khoảng trống đó. Một ngôi đền ở trên sườn núi được hương khói làm thơm lây hòn núi. Trên núi có nhiều tảng đá lớn, mấy hòn có miệng lõm xuống gọi là đá cối (dấu tích của Ninh quận công giã gạo chăng!). Đứng trên núi nhìn bốn phía phong cảnh thật thơ mộng. Cụ Song Ngư – Nguyễn Tất Minh (1890-1971) người quê Hội Thống – Nghi Xuân nói hộ:

Bên bờ sông một hòn núi xinh xinh

Đứng xa ngắm tựa hình con nghé lội…

Còn nay, các ngôi nhà ấm áp đã vây quanh chân núi.

 

Cô Độc lâm lưu

* Giang đình Cổ độ:

“Giang Đình cổ độ” cùng cặp đối với “Quần Mộc chiển trường”,là cặp đối thứ 3 trong Nghi Xuân bát cảnh. Giang Đình cổ độ, có nghĩa là bến cổ Giang Đình. Đây là bến đò có từ xưa là bến đò chung của làng Tả Ao (Xuân Giang) và làng Uy Viễn (nay là tổ dân phố 1- Thị trấn Nghi Xuân). Vào năm 1770, Xuân quận công Nguyễn Nghiễm thân sinh Đại thi hào Nguyễn Du về quê Tiên Điền nghỉ việc quan, nhân dân trong vùng dựng Giang Đình trên bến để tổ chức đón rước, mở hội ăn mừng. Người ta coi việc này là vinh dự, nên đã đổi tên đò Tả Ao thành bến đò Giang Đình. Chợ Văn ở làng Uy Viễn do ông Đặng Hiến phó (Đặng Thái Bàng) lập cũng được gọi là chợ Giang Đình. Về sau Nguyễn Du nhắc lại việc ngày trong bài thơ Giang Đình hữu cảm” có câu thơ:

Tích ức ngô công tạ lão thì

Phiêu phiêu bồ tử thử giang mi

(Nhớ cụ ta xưa cáo lão về

Mé sông này rạo rực ngựa xe

Vị trí đình bên sông ngày ấy bây giờ thuộc khu vực dân cư xóm 10 tổ dân phố 1- Thị trấn Nghi Xuân. Nơi ngày xưa dân lập Giang Đình đón rước Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm chỉ còn lại một cây đa cổ thụ, gọi là cây đa chợ Giang Đình. 

Trên thực địa, bến đò Giang Đình cổ trải dài khoảng 2 km, điểm mở đầu là khe Tay Vươn ( chợ Vạn hoặc chợ Hôm phía tây nam đền Huyện),điểm cuối ở bến Cây Bần gần khe Tân Khuyết(Hói Lở). Bến đò này có nhiều bến nhỏ như bến Miệu, bến Nâu, bến Chợ Hôm, bến Cột Đèn (bến Than) bến Giếng, bến Mành, bến Đá (Lò Vôi), bến Bè , bến Chợ, bến Bần.  Trong dân gian lưu truyền, thuyền buôn miền xứ Nghệ, xứ Thanh…và các làng nghề đệt lụa Cương Gián, dệt vải Đồng Môn, làm gốm sành, sứ Bát Tràng, Thổ Hà, Cẩm Trang, Mỹ Dương, Cổ Đạm…chở lụa, vải, nồi, chõ, bình, chum, vại về Giang Đình buôn bán, rồi mua tôm, cá ngư dân đánh bắt được trên sông và biển, nước mắm Cương Gián sản xuất, sừng hươu, xạ hương, gạc nai do các phường săn Tiên Điền, Xuân Viên săn bắt được vận chuyển đi buôn bán. Người dân Giang Đình cũng lập hội thương thuyền chở hàng hóa đi khắp mọi miền đất nước để trao đổi, buôn bán đặc sản của quê hương. Trước cách mạng tháng 8 -1945, thương nhân các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, cũng dong buồm đến buôn bán ở chợ Giang Đình.

Cây đa, bến Giang Đình và chợ Giang Đình, đã trải qua nhiều lần binh hỏa, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử về sự thay đổi thời đại. Năm 1893, chợ Giang Đình bị giặc Pháp đốt phá, tàn sát, khủng bố tinh thần yêu nước của các nhà nho làng Uy Viễn tham gia phong trào Cần Vương. Vào năm 1908 thực dân Pháp và quan lại triều đình nhà Nguyễn giết chí sỹ yêu nước Trịnh Khắc Lập (thủ lĩnh phong trào chống sưu thuế Trung kỳ ở Nghi Xuân) bêu đầu (treo lên cây đa) ở chợ Giang Đình trong 3 ngày để thị chúng (đe dọa nhân dân). Trong phong trào cách mạng Xô-viết Nghệ-Tĩnh 1930-1931, cờ Đảng nhiều lần được treo lên cây đa chợ Giang Đình. Truyền đơn của Đảng vận động đấu tranh cách mạng được rải xuống chợ này. Ngày 19/8/ 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, nhân dân Nghi Xuân kéo về huyện đường đóng ở đất Giang Đình, bắt tri huyện Nguyễn Dự, tích thu ấn tín giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong các cuộc kháng chiến, chợ Giang Đình là một mục tiêu đánh phá. Trong kháng chiến chống Pháp, vào những năm khoảng 1949 -1953 chợ Giang Đình chuyển đến lòi lim cọc ở chùa Hàn,( xã Tiên Điền). Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, chợ lại về họp ở vị trí cũ. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ phá hoại miền Bắc, bến Giang Đình trở thành điểm trung chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược và nơi đóng quân của bộ đội. Vùng Giang Đình trở thành trọng điểm đánh phá của máy bay, tàu chiến Mỹ-ngụy. Khoảng tháng 7 năm 1965, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, chợ phải sơ tán đến khu vườn bỏ hoang ở cồn Dài khu vực Cửa Triều. Sau lại sơ tán đến gần lòi Tri Nhượng,( Lam Thủy) rồi chạy vào lùm phi lau đồng Rấy trên ở thôn Hồng Khánh, xã Xuân Giang. Năm 1971, chợ trở về vị trí cũ. Đến năm 1972, máy bay Mỹ đánh phá lần 2, chợ Giang Đình sơ tán lên cầu Sắt, phia đông trường tiểu học Xuân Giang ngày nay. Sau năm 1975, theo huyện chủ trương nhập với chợ Xuân Tiên, chợ Giang Đình được chuyển đến xóm làng Nghè, phía đông bắc vị trí chợ Giang Đình hiện nay.

Hiện nay, năm 2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án khôi phục bến Giang Đình và đầu tư xây dựng lại chợ Giang Đình tại vị trí chợ hiện nay tại tổ dân phố 3 Thị trấn Nghi Xuân, (cách chợ Giang Đình năm 1965 về trước khoảng 500 m về phía đông). Dự án được chia làm 2 phân khu. Quy mô khu vực bến Giang Đình có các hạng mục: 1 ngôi đình, khu trưng bày sản phẩm văn hóa, thương mại, nông sản, hải sản truyền thống của địa phương, khu bến đầu thuyền, khu biệt thự resort bungallar ven sông Lam, khu nhà hàng ẩm thực, bể bơi, ao cá, đường giao thông. Khu chợ Giang Đình có tổng thể diện tích khoảng 2 ha gồm các hạng mục: Khu quầy hàng 3 tầng; Khu quầy hàng 2 tầng; Khu quầy hàng 1 tầng. Tổng vốn đầu tư khoảng 256,5 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và các nguồn vốn vay hợp pháp khác.

 

Giang đình Cổ độ

* Quần Mộc bình sa (hay Cồn Mộc bình sa)

Từ chùa Uyên Trừng trở ra Sông Lam, xuôi qua Bến Thuỷ ta trông thấy cồn nổi giữa sông, đó là Quần Mộc (nay thuộc xã Xuân Giang). Xưa Quần Mộc là bãi cát bồi bằng phẳng, viền quanh là rừng bần tươi xanh, trông như đang nổi bồng bềnh giữa sông, cứ chiều đến là hàng ngàn cò trắng về đậu trên rừng bần, trông như những đoá hoa trắng và buổi bình minh đàn chim lại bay kiếm ăn xa, dưới ánh nằng ban mai, cánh chim rực hồng lan toả. Ở đây xưa còn là bàn đạp để tấn công sang hai bờ và trở thành bãi chiến trường. Có người gọi là Cồn Mộc cũng vì từ “Cồn” khi viết chữ Hán là “Quần” (bản chữ Hán chép tay của cụ Võ Hồng Huy đọc là Quần Mộc).

Ngày trước, Quần Mộc có khi còn chọn làm trường thi an toàn, dễ kiểm soát. Thời Tây Sơn ở đây còn đắp thành luỹ.

Cồn nổi bồng bềnh đậu giữa sông

Rừng bần cát phẳng ngút tầm trông

Chiều về chim đến ngàn hoa trắng

Gió sớm bay lên vạn đốm hồng

(Văn Thuận)

Còn nay, đây là vùng dân cư, đất đai màu mỡ, cây cối xanh tốt quanh năm. Trong làng có nhà thờ họ Hồ nổi tiếng. Với không khí trong lành, mát mẻ, chắc sẽ là điểm du lịch trong tương lai.

 

                             Quần Mộc bình sa (hay Cồn Mộc bình sa)

* Uyên Trừng danh tự

Chùa còn có tên Hoa Tàng, “Ba Tàng”. Tên nôm thường gọi là Chùa Dằng, một trong Nghi Xuân bát cảnh. Đây là ngôi chùa thờ cổ nhất trong huyện, chùa có từ đời Lý với 3 toà nhà nguy nga và là trung tâm phật giáo của cả vùng.

Hoàng giáp Bùi Dương Lịch đã có bài vịnh:

Thế núi nhoài sang chặn mé sông

Ngang lưng nhô một đoá sen hồng

Đất lừng tăm tiếng say bao khách

Chùa dựng xa xưa biết mấy đông?

Nối tiếp đường đời hòn “Ruổi Nghé”

Veo trong gương Phật vực “Nuôi Rồng”

Trèo non há bận lòng nhân quả

Ngàn Hống trời riêng một mảnh trong.

Ngôi chùa được dựng trên Rú Dằng (Uyên Trừng Sơn) phía bắc núi Ngũ Mã thuộc xã Tam Đăng Hạ, nay là xã Xuân Thành Hồng, huyện Nghi Xuân. Chùa tựa lưng Ngàn Hống, phía trước có Rú Cóc, có tiểu khê cầu bắc, có am viện, có ao đá.

Tiểu khê ở đây là Uyên Trừng khê tức là khe Dằng bắt nguồn từ Ngàn Hống chảy qua trước chùa rồi đổ ra sông Lam. Chiếc cầu bắc qua khe trên đường quốc lộ 1A khá rộng với tên gọi xưa nay là cầu Dằng.

Dân ca ở đây truyền lại câu:

“Tiễn anh ra đến Cầu Dằng

Tình so Ngàn Hống, nghĩa bằng Lam Giang

Nhớ ai bắc nhịp cầu sang

Cho mình lễ Phật tìm đàng lại qua”.

Theo truyền ngôn, chùa có từ đời nhà Lý nhưng cũng không rõ được xây từ năm nào. Các sách “Hoàng Việt nhất thống địa dư chí”, “Đồng Khánh địa dư chí”, “Địa dư Hà Tĩnh” đều chép lại tương tự như vậy.

Đến triều Nguyễn, đầu đời Thiệu Trị vì kiêng huý tên mẹ vua nên chùa Hoa Tàng phải đổi tên thành chùa Ba Tàng.

Chùa Dằng gắn liền với địa danh rú Dằng, cầu Dằng.

Trong kháng chiến chống Mỹ đây là khu vực bị máy bay Mỹ ném bom rất ác liệt, chùa và cả một vùng rộng lớn ở đây bị tàn phá.

Ngày nay, di tích chùa Uyên Trừng và những cảnh quan vùng này đã khác hẳn xưa, bởi chiến tranh và thời gian làm đảo lộn. Song di tích chùa Uyên Trừng vẫn còn lưu mãi trong sử sách và tâm trí nhân dân Tam Đăng Hạ và cả một vùng rộng lớn của Nghi Xuân.

 

 

 

Uyên Trừng danh tự

* Hoa Phẩm thắng triền

Hoa Phẩm là tên chợ nằm trước chân núi Na (trong dải Hồng Lĩnh, thuộc địa phận xã Xuân Lam), chợ nằm gần sông, gần đường cái quan, thông thương nam bắc, là cảnh “Chênh vênh quán lá chen hoa tím. Vắt vẻo đường quan hương thoáng bay”, chợ lại ở một bên trạm nơi dừng chân của cả cuộc kinh lý, cũng gần nhà quản nên sấm uất. Sau này, khi táng bà Lê Nguyên Phi (vợ vua Lê Lợi) ở núi Na, chợ đời đến bãi Chế sát bờ sông, cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập, trù phú, nên đã có những câu ngợi ca “chợ Chế một tháng sáu phiên. Một quan mà bán tám tiền cũng đi” (một quan = mười tiền).

Năm Canh Dần (1470), trong chuyến tuần du phương nam, vua Lê Thánh Tông dừng lại ở đây, thấy cảnh đẹp lại sầm uất, đã có thơ vịnh:

Bóng ác non đoài ban xế xế

Bỗng đâu đã đến miền Tam Chế

Mênh mang khóm nước nhuộm màu lam

Chất ngất đỉnh non lồng bóng quế

Chợ họp bên sông gẫm khó chiều

Thuyền bày trên đất xem nhiều thế

Cảnh vật bằng đây hoạ có hai

Vì dân khoan dãn bên tô thuế.

 

Hoa Phẩm thắng triền

 

 


 

Số lượt xem: 177

Số lượt thích:

0 người