Nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, chơi ở đâu tại Hà Nội?

Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch có nhiều hoạt động, điểm vui chơi trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đa dạng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão kéo dài 7 ngày (từ 20/1 đến hết ngày 26/1), là thời gian để nhiều gia đình thực hiện kỳ nghỉ dài, vui chơi, thư giãn. Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch có nhiều hoạt động, điểm vui chơi trong dịp này.

Khu vực hồ Hoàn Kiếm luôn là địa điểm thu hút đông du khách đổ về mỗi dịp lễ, Tết. Chào đón Tết Nguyên đán Quý Mão, nơi đây được trang trí với hoa, cây cảnh, các biểu tượng chào năm mới.

Nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, chơi ở đâu tại Hà Nội? 1

Mô hình mèo chơi đùa với bóng được đặt ở bờ hồ Hoàn Kiếm, đoạn giao giữa phố Đinh Tiên Hoàng và Hàng Khay thu hút sự chú ý của người dân. Ảnh: Tiền Phong

Nổi bật có linh vật mèo với hình dáng ngộ nghĩnh xuất hiện ở khu vực bờ hồ Gươm cũng đã thu hút nhiều người quan tâm, chụp ảnh. Linh vật mèo được đặt tại vườn hoa, đoạn ngã tư Hàng Khay – Hàng Bài. Đây cũng là điểm xem bắn pháo hoa đêm Giao thừa truyền thống ở Hà Nội.

Đêm 30 Tết (tức ngày 21/1), Hà Nội sẽ có 30 điểm bắn pháo hoa với 31 trận địa, trong đó có 4 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp và hỏa thuật; 3 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp tầm thấp và 24 trận địa bắn pháo hoa tầm thấp.

Dịp này, Văn miếu Quốc Tử Giám cũng tổ chức Hội chữ xuân tại Hồ Văn, từ 15-29/1 (tức 24 tháng Chạp năm Nhâm Dần – 8 tháng Giêng năm Quý Mão), với chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm”, quy tụ 50 ông đồ, bà đồ đến từ ba miền trong cả nước.

Ngoài các “lều chữ”, còn có các gian hàng giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống như giấy dó, tơ lụa, sơn mài, gốm sứ… BTC cũng có nhiều trò chơi dân gian, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và lễ hội thả đèn hoa chữ tại Hồ Văn.

Nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, chơi ở đâu tại Hà Nội? 2

Ông đồ người Pháp cho chữ ở Văn Miếu. Ảnh: Vnexpress

Phố sách Xuân Quý Mão 2023 diễn ra từ ngày 16-29/1 (tức từ ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão), với chủ đề “Ươm mầm tri thức – Nảy lộc sắc xuân” cũng là địa điểm vui Xuân lý tưởng.

Chương trình gồm nhiều hoạt động triển lãm, giới thiệu sách, biểu diễn văn nghệ, đặc biệt là các góc “check-in” được trang trí ấn tượng, đậm không khí xuân Hà Nội hứa hẹn thu hút nhiều người tham quan.

Năm nay, các hội chợ, đường hoa, chợ Tết được tổ chức trở lại sau thời gian dài phòng, chống dịch Covid-19. Đường hoa 2023 được tổ chức từ ngày 13 đến 25/1 (ngày 22 tháng Chạp đến mùng 4 tháng Giêng) tại Bắc An Khánh (đại lộ Thăng Long, Hoài Đức, Hà Nội) là không gian tuyệt vời để các bạn trẻ chụp ảnh, khoe nét tươi mới trong mùa Xuân 2023…

Năm nay, Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long sẽ đóng cửa nghỉ Tết Nguyên Đán vào ngày 20 – 22/1 (tức 29 đến mùng 1 Tết). Từ 23/1 (mùng 2 Tết), Hoàng Thành mở cửa đón khách bình thường. Đây cũng là một không gian du khách có thể đến tham quan thưởng lãm và chụp ảnh đầu Xuân mới.

Xem gì dịp Tết Nguyên đán năm nay?

Tết Quý Mão, 7 đơn vị nghệ thuật của Hà Nội gồm: Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Múa Rối Thăng Long, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Trung tâm Văn hóa thành phố thực hiện 14 buổi biểu diễn vào tối 21/1 (tức 30 Tết Nguyên đán) và tối 2/2 chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong số đó, 6 buổi diễn ra vào tối 21/1, 8 buổi diễn ra vào tối 2/2. Địa điểm biểu diễn là trung tâm các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Cũng trong tối 2/2, tại sân khấu Tượng đài Cảm tử thuộc khu vực đền Bà Kiệu, quận Hoàn Kiếm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức chương trình nghệ thuật “Đảng là niềm tin tất thắng” chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, chơi ở đâu tại Hà Nội? 3

Một cảnh trong phim “Chị chị em em” 2

Nếu là những khán giả “nghiền phim”, mùng 1 Tết Quý Mão, rạp Việt sẽ ra mắt 2 bộ phim mới là: “Chị chị em em” 2 của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và “Nhà bà Nữ” do Trấn Thành đạo diễn.

“Chị chị em em” 2 kể về giai thoại của 2 mỹ nhân nức tiếng Sài Gòn những năm 1930: Ba Trà (Minh Hằng đóng) và Tư Nhị (Ngọc Trinh thủ vai). Phim còn là câu chuyện của cô gái nghèo toan tính vươn lên đỉnh cao danh vọng, tiền bạc.

Trong khi đó, “Nhà bà Nữ” quy tụ dàn diễn viên quen thuộc: Trấn Thành, Uyển Ân, Song Luân, NSND Ngọc Giàu, Lê Giang, Lê Dương Bảo Lâm, Khả Như, Quỳnh Lý…. Phim là câu chuyện về những góc khuất trong đời sống gia đình 3 thế hệ.

Các phim nước ngoài cũng “đổ bộ” vào các rạp từ mùng 1 Tết Nguyên đán để khán giả thưởng thức, như: “Phi vụ toàn sao”, “Xác ướp: Cuộc phiêu lưu đến London”, “Pororo: Cuộc phiêu lưu đến dinh thự rồng”, “Mèo béo siêu đẳng”, “M3gan”, “Quý ông số đỏ”, “Ước gì được nấy”, “Bậc thầy kiếm “dạo”…

Các phim Tết cũng đã đồng loạt phát hành trên nền tảng số và truyền hình, tiêu biểu có “Ai là chưởng lễ”, “Đại gia chân đất 13”, “Làng ế vợ 9”, “Tết ơi là Tết 6”…