Ngân hàng số Việt Nam năm 2030 – Giải pháp từ nội tại ngân hàng thương mại

Tóm tắt: Từng bước hình thành các nền tảng công nghệ hiện đại hướng tới hình thành ngân hàng số vào năm 2030 là một trong những chiến lược quan trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), được thể hiện trong Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mặc dù các ngân hàng đã gặt hái được nhiều thành công trong quá trình hình thành ngân hàng số; tuy nhiên, con đường tiến đến mục tiêu vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Bài viết khái quát một số nét chính về ngân hàng số, đánh giá thực trạng chuyển đổi số, tiến tới ngân hàng số và đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục hạn chế từ phía ngân hàng thương mại (NHTM) trong quá trình hình thành ngân hàng số vào năm 2030 của Việt Nam.
 

Từ khóa: Ngân hàng số, ngân hàng điện tử, chuyển đổi số.
 

DIGITAL BANKING IN VIETNAM VISION TO 2030 – 

SOLUTIONS FOR OVERCOMING INNER LIMITATIONS IN COMMERCIAL BANKS
 

Abstract: Step by step forming modern technology platforms towards the formation of a digital bank by 2030 is one of the important strategies of the State Bank, which is reflected in Decision No. 810/QD-NHNN, dated 11 May 2021, by the Governor of the State Bank of Vietnam on approving the plan for digital transformation of the banking sector to 2025, with a vision to 2030. Although, banks have achieved many successes in the formation process a digital bank. However, on the way to the goal, there are still many obstacles and difficulties, from three sides: the state, customers and from the banks themselves. The article summarizes some key features of digital bank, assesses the current situation of digital transformation, moves towards a digital bank, and offers some solutions for overcoming the limitations in commercial banks in the process of forming a digital bank in Vietnam by 2030.
 

Keywords: Digital bank, electronic bank, digital transformation.
 

1. Quan điểm ngân hàng số
 

Hiện nay, thuật ngữ “ngân hàng số” (Digital bank) có khá nhiều định nghĩa khác nhau, bài viết tiếp cận theo định nghĩa của NHNN. Theo đó, ngân hàng số là mô hình ngân hàng hoạt động dựa trên nền tảng quy trình công nghệ để cung cấp toàn bộ các dịch vụ cho khách hàng thông qua các thiết bị số kết nối trên môi trường Internet, mạng viễn thông di động hoặc chi nhánh tự phục vụ. 
 

Trên thực tế, thời gian qua đã có những quan điểm, đồng nhất bản chất ngân hàng số với dịch vụ ngân hàng điện tử, tuy nhiên, đây là hai khái niệm khác nhau. Ngân hàng điện tử (bao gồm các dịch vụ Internet Banking, SMS Banking, Mobile Banking) là kênh cung cấp dịch vụ cho khách hàng dựa trên nền tảng quy trình nghiệp vụ xử lý hiện có của ngân hàng. Còn ngân hàng số là ngân hàng hoạt động dựa trên việc số hóa các hoạt động ngân hàng: Từ số hóa các kênh phân phối truyền thống và phát triển các kênh phân phối hiện đại đến tự động hóa các quy trình hoạt động kinh doanh, ứng dụng phân tích dữ liệu lớn phục vụ quá trình ra quyết định và kiến tạo các sản phẩm số, ứng dụng các sản phẩm có tính sáng tạo. Như vậy, ngân hàng số mang tính bao quát, toàn diện, hiện đại hơn ngân hàng điện tử.
 

2. Thực trạng chuyển đổi số hướng tới ngân hàng số tại Việt Nam 
 

Chuyển đổi số đối với ngành Ngân hàng không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thế giới đã chứng kiến ​​sự mở rộng và phát triển nhanh chóng của xu hướng ngân hàng số trong vài năm qua. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, nhu cầu và sự cần thiết các giải pháp công nghệ số đối với ngân hàng mới được khắc họa rõ nét. “Đại dịch đã chứng minh, ngân hàng số là điều cần thiết để người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi tự tin quản lý tài chính của họ”, Allison Beer, Giám đốc phụ trách công nghệ tại JPMorgan Chase1, khẳng định. Khảo sát của JPMorgan Chase đối với 1.500 khách hàng vào cuối năm 2020 cho thấy, 54% người tiêu dùng sử dụng các công cụ kỹ thuật số khi giao dịch ngân hàng nhiều hơn kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
 

Trong thời gian qua, để chuyển đổi sang mô hình kinh doanh nền tảng số, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động tài chính – ngân hàng, như: Trí tuệ nhân tạo (AI), xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt), trợ lý ảo (Chatbot)… hợp tác thành công với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) để ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động. Chuyển đổi số ở các NHTM đã làm tăng tính bảo mật, nâng cao sự trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng và đạt được những kết quả đáng kể trong thanh toán.
 

Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số ngân hàng nhanh hơn từ 3 – 5 năm, tạo bước nhảy vọt cho thanh toán số. Tính đến cuối tháng 4/2021, kết quả không dùng tiền mặt trong toàn hệ thống ngân hàng: 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet; 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; mạng lưới ATM/POS phủ sóng cả nước với hơn 271.000 POS và hơn 19.000 ATM; giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng và 31,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh QR tăng tương ứng 95,7% về số lượng và 181,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 20202. 
 

Ngoài ra, theo thống kê của NHNN, tính đến quý IV năm 2021, số tài khoản tiền gửi thanh toán của cá nhân trên cả nước là 115.191 nghìn tài khoản; tổng lượng thẻ lưu hành đạt 129,37 triệu thẻ (trong đó có 105,92 triệu thẻ nội địa và 23,45 triệu thẻ quốc tế). Tính đến hết tháng 4/2022, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 32,37% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2021. Đây là con số được công bố tại họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng “Ngày không tiền mặt 2022” do NHNN phối hợp với báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 20/5/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo thống kê của NHNN, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% về số lượng và 32,76% về giá trị; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% về số lượng và 86,68% về giá trị; qua QR Code tăng tương ứng 56,52% về số lượng và 111,62% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
 

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số chính là giải pháp quan trọng để hạn chế tiếp xúc người với người trong giao dịch kinh tế, thúc đẩy giao dịch không tiếp xúc trực tiếp, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội. Việt Nam hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng qua Internet mỗi ngày; tốc độ tăng trưởng về lượng giao dịch trên Mobile Banking tại Việt Nam là 200%; giá trị giao dịch tiền với riêng kênh điện thoại di động hiện đạt khoảng 300 nghìn tỷ đồng/ngày. 
 

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, dự báo lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên thế giới giai đoạn 2019 – 2023 sẽ tăng thêm 19,3%. Khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán mới nhiều hơn, 41% khách hàng bắt đầu sử dụng thẻ thanh toán không chạm, 35% khách hàng kết nối thẻ thanh toán với ví điện tử, 27% thử nghiệm các hình thức thanh toán qua QR Code. Dự báo đến năm 2024, thanh toán qua Mobile-Money, ví điện tử, ví số trở thành công cụ thanh toán không tiền mặt rất quan trọng. Nếu năm 2020 thanh toán qua ví số chiếm khoảng 44,5%, đến năm 2024 dự báo thanh toán qua ví số chiếm khoảng 51,7%3.
 

Hạ tầng, nền tảng, những điều kiện giúp phát triển nền kinh tế số của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á được thể hiện trong Nghiên cứu về nền kinh tế số các nước Đông Nam Á của Ngân hàng Thế giới (2020). Nghiên cứu đã đánh giá những tiến bộ các nước trong khu vực đạt được trong việc xây dựng nền tảng và các yếu tố thúc đẩy nền kinh tế số, trong đó có Việt Nam. Các yếu tố bao gồm: Mức độ kết nối, phương thức thanh toán, logistics, kỹ năng, chính sách và quy định hiện hành cần thiết cho một nền kinh tế số phát triển. (Hình 1)
 

Hình 1: Các chỉ báo kinh tế kỹ thuật số chính của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á

Ghi chú: *Chỉ số năm 2018; **Chỉ số năm 2020

Nguồn: Nghiên cứu về nền kinh tế số các nước Đông Nam Á của Ngân hàng Thế giới
 

Mặc dù đã có những thành công, nhưng thực tế triển khai chuyển đổi số để hình thành ngân hàng số vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn, đặc biệt từ phía ngân hàng.
 

3. Những hạn chế trong quá trình tiến tới ngân hàng số của NHTM Việt Nam
 

3.1. Về công nghệ 
 

Thứ nhất, triển khai ứng dụng công nghệ ngân hàng còn ở mức hạn chế.
 

Nhìn chung, ứng dụng CNTT trong phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam thời gian qua đã và đang làm thay đổi cấu trúc, phương thức hoạt động và cung cấp nhiều dịch vụ hiện đại của hệ thống ngân hàng, hình thành những sản phẩm, dịch vụ tài chính mới, tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiết kiệm chi phí giao dịch. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report4 2021 cho thấy, 58,33% ngân hàng đang triển khai trên quy mô, 16,67% ngân hàng đã triển khai một phần và 25% ngân hàng đang ở giai đoạn củng cố hệ thống vận hành. Bên cạnh đó, khảo sát cũng chỉ ra nền tảng dữ liệu di động, dữ liệu lớn (Big Data), ngân hàng mở, tự động hóa quy trình bằng Robot, AI, Chatbot… được nhiều ngân hàng áp dụng ở mức cao và rất cao để phân tích hành vi, nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, ứng dụng Blockchain triển khai còn ở mức hạn chế (Vietnam Report, 2021). Ngoài ra, ứng dụng CNTT trong nâng cao năng lực quản trị điều hành cũng như kiểm soát rủi ro theo chuẩn mực của Basel II còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án CNTT ở một số NHTM còn bị kéo dài do các NHTM này chưa thực sự được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế.
 

Thứ hai, chi phí đầu tư công nghệ số lớn, đòi hỏi các NHTM phải có tiềm lực tài chính.
 

Hệ thống ngân hàng lõi truyền thống phức tạp đang là rào cản lớn đối với sự thành công của ngân hàng số. Hệ thống CNTT lỗi thời với cấu trúc không linh hoạt và hoạt động nguyên khối cũng đang cản trở các ngân hàng phát triển lên ngân hàng số, trong khi đó việc thay đổi hệ thống rất phức tạp mất nhiều thời gian và chi phí.
 

Công nghệ là một thách thức lớn, thị trường luôn xuất hiện những nhân tố mới đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia cần đầu tư cho công nghệ, cập nhật thường xuyên. Theo Gartner, công ty nghiên cứu và tư vấn về CNTT hàng đầu thế giới, các dự án chuyển đổi số đang là ưu tiên của rất nhiều doanh nghiệp trên thị trường, trong đó có các ngân hàng. Cụ thể, có tới 87% nhà lãnh đạo đánh giá số hóa quy trình đang là ưu tiên số 1, 40% các tổ chức đã và đang triển khai rộng rãi các hoạt động nhằm số hóa quy trình kinh doanh, quy trình quản trị và có tới 91% lãnh đạo doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động số hóa trong từng phạm vi nhất định. Thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Market Research Future cho thấy, vào năm 2018, mức đầu tư cho chuyển đổi số toàn cầu đạt 205,65 tỷ USD. Ước tính tới năm 2025, con số này sẽ đạt khoảng 817,05 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng mức đầu tư trung bình hằng năm đạt tới 18,87%. (Biểu đồ 1)
 

Biểu đồ 1: Tăng trưởng mức đầu tư cho các hoạt động chuyển đổi số

Nguồn:  viindoo.com – eBook Hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Việt Nam

do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID biên soạn

5

 

Ngoài ra, để áp dụng ngân hàng số, vấn đề chi phí đầu tư cũng là một trở ngại của NHTM Việt Nam, các chi phí để đầu tư nghiên cứu và phát triển AI là khá cao, chi phí chuyển đổi ngân hàng lõi hay chi phí đầu tư hệ thống công nghệ mới rất tốn kém, thời gian hoàn vốn lâu.
 

Bên cạnh đó, công nghệ ứng dụng trong ngân hàng số thường có tốc độ phát triển nhanh và dễ dàng thay thế bởi các công nghệ mới. Do đó, chi phí cho công nghệ không dừng lại ở mức đầu tư ban đầu, mà còn phải thường xuyên cải tiến, bảo trì, nâng cấp hệ thống, thay mới công nghệ để đáp ứng cạnh tranh. Điều này tạo áp lực rất lớn cho các NHTM, đặc biệt là những ngân hàng có quy mô trung bình và nhỏ. Đây chính là thách thức đối với việc đầu tư công nghệ cho quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng. 
 

3.2. Về nhân lực tham gia chuyển đổi số
 

Để thực hiện chuyển đổi số, các NHTM rất cần đến nguồn nhân lực có đủ năng lực vận hành, phát triển các sản phẩm, dịch vụ số trên các nền tảng công nghệ hiện đại. Các ngân hàng Việt Nam hiện nay đang đối diện với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong việc xây dựng và phát triển ngân hàng số. Đây là vấn đề đặt ra đối với các cơ sở đào tạo và các ngân hàng tại Việt Nam khi chưa thực sự theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ.
 

Theo nhận định chung của các lãnh đạo ngân hàng, số lượng nhân sự có đủ kiến thức, tầm nhìn và kỹ năng hiện thực hóa công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng tại Việt Nam chưa nhiều, trong khi thị trường lại rộng, không chỉ các ngân hàng phải số hóa mà các công ty Fintech, các tổ chức tín dụng khác, các doanh nghiệp cũng rất năng động trong quá trình số hóa, việc nhân sự “nhảy việc” là điều không thể tránh khỏi, làm ảnh hưởng xấu đến quá trình số hóa của từng ngân hàng.
 

3.3. Về bảo mật thông tin khách hàng
 

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), với sự bùng nổ của công nghệ, như: Big Data, Cloud Services, AI, kết nối vạn vật (IoT) thông qua Internet… các ngân hàng đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro và hiểm họa về mất an toàn thông tin. Sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số kéo theo sự gia tăng những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao, tin tặc hoạt động. 
 

Do đó, bên cạnh nhiều tiện ích mang lại cho khách hàng, phát triển ngân hàng số đang đối diện với vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, khi ngành Ngân hàng luôn là mục tiêu số một của tội phạm công nghệ. Khi số đông người sử dụng ngân hàng cài ứng dụng (App) giao dịch trên điện thoại, thì cũng là lúc các ngân hàng liên tục đưa ra cảnh báo về lừa đảo. Tại Việt Nam, các rủi ro về bảo mật như: Gian lận, lừa đảo khách hàng, tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng của ngân hàng và dữ liệu người dùng bị rò rỉ đang tăng lên. Theo khảo sát của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, hơn 50% các cuộc tấn công mạng là nhắm vào các tổ chức tài chính, ngân hàng. Trong khi đó, theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong năm 2021, cơ quan này đã ghi nhận 9.700 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 42,42% so với năm 2020.
 

Những khảo sát này cũng cho thấy, hệ thống ngân hàng đang đối mặt với một số thách thức về an ninh mạng: Hacker tấn công vào hệ thống dữ liệu ngân hàng qua các đối tác của ngân hàng; tấn công trực tiếp vào Website thay đổi giao diện để tống tiền, lấy dữ liệu; thâm nhập hệ thống để thực hiện lệnh chuyển tiền nhằm chiếm đoạt thông tin, tài sản của ngân hàng và cả khách hàng; lập các Website mạo danh ngân hàng để lừa đảo khách hàng… 
 

Như vậy, cả ba chủ thể tham gia không gian ngân hàng số: Ngân hàng, khách hàng và các đối tác liên kết của ngân hàng đều có thể trở thành “cửa ngõ” để tội phạm mạng tấn công. Vấn đề nằm ở chỗ, trong khi các ngân hàng đã chú trọng đến bảo đảm an toàn an ninh mạng thì bên đối tác lại không đặt nặng vấn đề này và nhiều trường hợp không đủ năng lực, hạ tầng về an toàn thông tin. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp khách hàng sử dụng dịch vụ không đúng cách, bị lừa vào những trang ngân hàng giả mạo… khiến cho kẻ gian lợi dụng và chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng. Điều này đặt ra không chỉ với ngân hàng mà cả với bản thân khách hàng phải tự trang bị kiến thức về công nghệ số để tránh rủi ro. Còn về phía ngân hàng, để có được đội ngũ chuyên gia an ninh mạng có hiểu biết về vận hành doanh nghiệp vẫn là còn là thách thức cần giải quyết. 
 

4. Giải pháp từ nội tại NHTM giúp hoàn thiện ngân hàng số
 

4.1. Giải pháp về công nghệ
 

Trong xu thế nền kinh tế nước ta đang từng bước thực hiện cuộc CMCN 4.0, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ của NHTM là yêu cầu cấp thiết, cần có những bước đi kịp thời, phù hợp trong giai đoạn hiện nay. So với những ngành khác, việc phát triển công nghệ trong khu vực ngân hàng đã được chú trọng và có những tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên so với yêu cầu quản lý hoạt động hệ thống ngân hàng hiện đại theo tiêu chuẩn khu vực thì các NHTM Việt Nam còn phải đầu tư rất lớn cho lĩnh vực này. Để ứng dụng công nghệ số trong phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam trong thời gian tới, các NHTM cần quan tâm đến một số giải pháp sau:
 

Thứ nhất, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 để từng bước hiện đại hóa, hỗ trợ hiệu quả cho việc chuyển đổi cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực quản trị, điều hành; tăng tỷ trọng dịch vụ phi tín dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng sự minh bạch.
 

Thứ hai, hiện nay, công nghệ ngân hàng còn có khoảng cách đáng kể so với trình độ của khu vực và thế giới, hệ thống ngân hàng lõi ở hầu hết các ngân hàng tương đối lạc hậu, không đủ điều kiện để tích hợp ứng dụng số hóa dựa trên Big Data, hoặc có chuyển đổi nhưng không mua hết các tính năng của ngân hàng lõi hiện đại. Vì vậy, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi thế hệ mới theo thiết kế của ngân hàng số, với các quy trình được số hóa, quản trị thông minh, tự động hóa xử lý và kiểm soát rủi ro, gian lận dựa trên các công nghệ AI, phân tích Big Data và Robot tự động, để hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, điều hành, kinh doanh và phòng ngừa rủi ro, đáp ứng lộ trình áp dụng Basel II.
 

Thứ ba, tăng cường hợp tác với các tập đoàn, công ty CNTT trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, chuyển giao công nghệ, cập nhật các xu thế phát triển CNTT phù hợp cho ngành Ngân hàng. Đặc biệt, NHTM cần tăng cường hợp tác với các công ty Fintech. Bởi các công ty Fintech luôn có lợi thế về công nghệ, ý tưởng sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức, còn các NHTM Việt Nam luôn có một độ trễ nhất định về mặt công nghệ so với các công ty Fintech. Trong thời gian qua, đa số các NHTM Việt Nam đều ký kết với một vài công ty Fintech để cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền cho khách hàng. Nhờ có sự hợp tác với các công ty Fintech, đã giúp các ngân hàng giảm bớt được gánh nặng về tài chính khi khả năng tài chính còn eo hẹp, triển khai ứng dụng ngay công nghệ hiện đại, phù hợp với ngân hàng và đạt được các mục tiêu chiến lược trong chuyển đổi số. Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng Việt Nam đang hướng tới mô hình ngân hàng số, vì vậy, các ngân hàng rất cần phải trang bị thêm các công nghệ hiện đại, nâng cấp ngân hàng lõi, với khả năng như hiện nay của các NHTM thì tăng cường hợp tác với các công ty Fintech vẫn là giải pháp tối ưu nhất.
 

Thứ tư, NHTM nên ưu tiên đầu tư vốn cho ứng dụng và phát triển CNTT, đặc biệt là đối với các ngân hàng đang còn lạc hậu về công nghệ. Ứng dụng CNTT đạt hiệu quả cao, trước hết phải đặt vấn đề cải tiến, chỉnh sửa các quy trình nghiệp vụ trước khi xây dựng kế hoạch mua sắm trang bị kỹ thuật. Không thể ứng dụng CNTT đạt hiệu quả cao trên nền tảng các quy trình kỹ thuật thủ công hoặc được chỉnh sửa nửa vời. Với các ngân hàng nhỏ, cần chủ động tìm nguồn vốn phát triển công nghệ cho chính mình, hoặc liên kết, hợp tác với các ngân hàng có trình độ công nghệ cao hơn; tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các dự án CNTT từ các nguồn tài trợ trong và ngoài nước.
 

Ngoài ra, để triển khai chương trình phát triển công nghệ, các NHTM cần rà soát lại các quy định, quy chế, tiêu chí thống kê – kế toán bất hợp lý đang cản trở việc ứng dụng công nghệ hiện đại trình NHNN xem xét, sửa đổi trong thời gian tới.
 

4.2. Giải pháp về nhân lực đáp ứng công nghệ số, chuyển đổi số
 

Các NHTM Việt Nam cần dựa vào nhu cầu nhân lực thực tế và nguồn nhân lực hiện có của mình để có kế hoạch tuyển dụng và đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số. Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, đòi hỏi các ngân hàng phải có một đội ngũ nhân sự có trình độ, kiến thức về CNTT, an ninh mạng, kỹ năng số, sự nhạy bén trong kinh doanh và kỹ năng xã hội.
 

Thứ nhất, sử dụng tối ưu nguồn nhân lực hiện có. Để đáp ứng được những yêu cầu công việc trong chuyển đổi số của ngân hàng, việc tuyển dụng nhân sự, các NHTM Việt Nam cần dựa vào khả năng đáp ứng công việc hiện nay của nguồn nhân lực. Những vị trí đòi hỏi nhân sự phải có chuyên môn sâu về CNTT mà ngân hàng không thể đáp ứng trong một thời gian ngắn, thì ngân hàng tuyển dụng từ bên ngoài. Những vị trí cần bổ sung nhân sự có kỹ năng về kỹ năng số, sự nhạy bén trong kinh doanh và kỹ năng xã hội ngân hàng nên lựa chọn trong số nhân sự hiện có, tổ chức đào tạo để nâng cao các kỹ năng cho họ. Ngoài ra, để có được đội ngũ kỹ sư an ninh mạng vững mạnh trong tương lai, có kiến thức về vận hành ngân hàng số và khả năng xử lý các rủi ro không ngừng biến đổi về an ninh mạng, giúp ngân hàng thích ứng và vượt qua những thay đổi nhanh chóng trong thời đại số, thì việc đào tạo nâng cao kỹ năng cho các kỹ sư an ninh mạng sẵn có là biện pháp tối ưu đối với các NHTM.
 

Thứ hai, cần có chính sách thu hút và “giữ chân” nhân tài phục vụ công nghệ số. Duy trì và phát triển nhanh nguồn nhân lực CNTT là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc ứng dụng và phát triển CNTT ngành Ngân hàng. Các NHTM nên từng bước phát triển đội ngũ nhân sự để đáp ứng công việc khi triển khai áp dụng ngân hàng số. Hiện nay, nhân sự vừa am hiểu về lĩnh vực tài chính – ngân hàng và công nghệ trong các NHTM đang khan hiếm. Do đó, đòi hỏi các NHTM phải đảm bảo các lợi ích phù hợp cho nhân sự chất lượng cao, xây dựng cơ chế chi trả lương phù hợp để thu hút nguồn nhân lực công nghệ ngân hàng, cũng như để họ yên tâm cống hiến và gắn bó lâu dài với ngân hàng. 
 

Thứ ba, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên về vai trò công nghệ số ngân hàng, vai trò ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sự nghiệp đổi mới, hiện đại hóa ngân hàng. 
 

Thứ tư, cần có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực. NHTM nên thường xuyên đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ sư CNTT ngân hàng đủ năng lực thực hiện chuyển giao công nghệ hiện đại và làm chủ được khoa học kỹ thuật, đủ khả năng, trình độ thiết kế và sản xuất những gói phần mềm chuyên dụng cho hoạt động ngân hàng, đảm bảo chất lượng, an toàn. Nguồn nhân lực CNTT ngân hàng ngoài những cán bộ kỹ sư chuyên trách – là hạt nhân chính trong việc quản lý hệ thống và phát triển ứng dụng cần được đào tạo chuyên sâu, còn phải chú ý, chăm lo cho đội ngũ cán bộ nghiệp vụ và cán bộ quản lý – là lực lượng đông đảo khai thác ứng dụng CNTT vào tác nghiệp hằng ngày cần được trang bị đầy đủ kiến thức tin học cơ bản và nâng cao để khai thác có hiệu quả các chương trình ứng dụng. Do đó, các NHTM cần thường xuyên phổ cập kiến thức CNTT cho đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ nghiệp vụ ngân hàng đáp ứng yêu cầu của kỹ thuật công nghệ mới, từng bước chuẩn hóa về trình độ CNTT đối với cán bộ ngân hàng. Bên cạnh đó, các NHTM cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ sở đào tạo về tài chính, ngân hàng để giúp định hướng đào tạo cho nguồn nhân lực trẻ, đáp ứng yêu cầu thực tế.
 

4.3. Giải pháp về bảo mật dữ liệu
 

Hiện nay, có rất nhiều loại dữ liệu trong hệ thống; logic nghiệp vụ phức tạp; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; khuôn khổ pháp lý hỗ trợ công tác khai thác Big Data, bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu cho khách hàng… chưa đầy đủ. Do đó, NHTM cần có giải pháp để bảo mật thông tin, bảo vệ khách hàng.
 

Thứ nhất, tăng cường hoạt động xây dựng và hoàn thiện quản trị dữ liệu ngân hàng. Về dữ liệu, các NHTM cần xây dựng cơ sở Big Data, thiết lập hệ thống kho dữ liệu chuyên biệt (điện toán đám mây). Về quản trị dữ liệu, các NHTM cần quan tâm xây dựng tổ chức – bộ máy; lựa chọn và bố trí hợp lý các chuyên gia về CNTT, phân tích và quản lý dữ liệu; ban hành chính sách, quy trình quản lý và khai thác dữ liệu.
 

Thứ hai, các NHTM cần tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin. Đối với ngành Ngân hàng an toàn thông tin có ảnh hưởng lớn đến uy tín và quyết định đến 90% thành bại của ngân hàng. Vì vậy, để ngăn chặn truy cập bất hợp pháp và các cuộc tấn công, chống thất thoát các dữ liệu nhạy cảm qua các máy trạm và thiết bị đầu cuối, mạng, email, truy cập Internet, các NHTM Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phòng, chống lộ lọt dữ liệu trên toàn bộ hệ thống thông tin; tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình, các khâu có tiềm ẩn phát sinh rủi ro về an toàn thông tin. Ngoài ra, ngân hàng và các công ty Fintech cũng phải xây dựng các quy trình, kịch bản và tổ chức diễn tập định kỳ ứng phó với các sự cố, rủi ro mất an toàn thông tin để nâng cao năng lực ngăn chặn, giảm các tác động tiêu cực, hậu quả của các cuộc tấn công mạng.
 

1

 JPMorgan Chase & Co. là một ngân hàng đầu tư đa quốc gia của Mỹ và công ty cổ phần dịch vụ tài chính có trụ sở chính tại Thành phố New York và được thành lập tại Delaware. Tính đến ngày 31/12/2021, JPMorgan Chase & Co. là ngân hàng lớn nhất tại Hoa Kỳ, ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo giá trị vốn hóa thị trường và là ngân hàng lớn thứ năm trên thế giới về tổng tài sản, với tổng tài sản là 3,831 nghìn tỷ USD. 

2

 Bài viết: “Cơ hội và triển vọng Ngân hàng Việt Nam năm 2021”, https://diendandoanhnghiep.vn/infographic/co-hoi-va-trien-vong-ngan-hang-viet-nam-nam-2025-205462.html

3+4

 TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại buổi Tọa đàm trực tuyến Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, gia tăng trải nghiệm khách hàng, cơ hội dành cho ngân hàng số, Fintech và Mobile – Money, chiều ngày 23/8/2021, do IDG Việt Nam tổ chức.

5

 Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam, https:a//vietnamreport.net.vn/

6

 https://erponline.vn/vi/blog/blog-6/xu-huong-chuyen-doi-so-cua-viet-nam-va-the-gioi-224

7

 “Hơn 50% các cuộc tiến công mạng nhắm vào các tổ chức tài chính, ngân hàng” https://vietnamnet.vn/hon-50-cac-cuoc-tien-cong-mang-nham-vao-cac-to-chuc-tai-chinh-ngan-hang-684170.html

Tài LIỆU THAM KHẢO:
 

1.  “Cơ hội và triển vọng Ngân hàng Việt Nam năm 2021”, https://diendandoanhnghiep.vn/infographic/co-hoi-va-trien-vong-ngan-hang-viet-nam-nam-2025-205462.html

2.  “Hơn 50% các cuộc tiến công mạng nhắm vào các tổ chức tài chính, ngân hàng” , https://vietnamnet.vn/hon-50-cac-cuoc-tien-cong-mang-nham-vao-cac-to-chuc-tai-chinh-ngan-hang-684170.html

3. “Xu hướng ngân hàng số trong năm 2022”, https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/xu-huong-ngan-hang-so-trong-nam-2022-345635.html

4. NHNN (2021), Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 về việc phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

TS. Hà Thị Tuyết Minh

Khoa Tài chính – Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội 
 

PGS., TS. Hoàng Xuân Lâm

Giám đốc Trung tâm Tin học – Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội 

5. eBook “Hướng dẫn Chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, USAID biên soạn.