Nếu là người Lai Châu, bạn nên đọc bài viết này để hiểu và tự hào về Lai Châu

Lai Châu nổi tiếng với rất nhiều cảnh đẹp nhưng song hành với nó chính là lịch sử hào hùng. Là người con Lai Châu, bạn có biết về lịch sử hào hùng của quê hương không?

1. Lai Châu qua các thời kỳ lịch sử

Lai Châu là tỉnh nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, nơi đây là địa bàn có con người cư trú từ rất sớm. Thời Hùng Vương, Lai Châu thuộc bộ Tân Hưng; thời Lý thuộc lộ Đà Giang; thời Trần thuộc châu Ninh Viễn; thời Lê thuộc trấn Gia Hưng. Đời Lê Cảnh Hưng (1740-1768) miền đất này có 6 châu: Tùng Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Tuyền, Tuy Phụ, và Khiêm bị nhà Thanh (Trung Quốc) đánh chiếm. Phủ An Tây chỉ còn 4 châu: châu Chiêu Tấn, châu Quỳnh Nhai, châu Lai và châu Luân. Ngày 28/6/1909, Toàn quyền Đông Dương Klobukowski ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu gồm: Đạo Lai (châu Lai, châu Quỳnh Nhai và phủ Luân Châu) và châu Điện Biên với phủ Tuần Giáo, dân số khoảng 4 vạn người. Đến ngày 27/3/1916, tỉnh Lai Châu lại chuyển thành Đạo quan binh thứ tư theo chế độ quân quản. Mãi tới ngày 4/9/1943, chế độ quân quản ở Lai Châu mới bị bãi bỏ.

Ngã ba sông Đà trước ngày giải phóng Điện Biên Phủ

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới chính thể mới của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Lai Châu có một số thay đổi về địa giới hành chính; Khi cuộc kháng chiến toàn quốc mới bùng nổ, Lai Châu nằm trong chiến khu 2. Sau đó Lai Châu nhập vào chiến khu 10 và một phần chiến khu 1 thành liên khu Việt Bắc. Năm 1948, Lai Châu và Sơn La hợp nhất thành tỉnh Sơn Lai. Ngày 12/1/1952, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 145-TTg tái lập lại hai tỉnh Lai Châu và Sơn La. Ngày 26/1/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 134-SL thành lập Khu Tây Bắc gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu tách khỏi Liên khu Việt Bắc.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954, Lai Châu được giải phóng. Ngày 29/4/1955, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh 230 – SL thành lập Khu tự trị Thái – Mèo, các châu (huyện trước đây) trực thuộc Khu, không có cấp hành chính tỉnh. Ngày 27/10/1962, kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa II đã ra Nghị quyết đổi tên Khu tự trị Thái – Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc và thành lập lại 3 tỉnh trong khu là: Lai Châu, Nghĩa Lộ và Sơn La. Ngày 27/12/1975, Khu tự trị Tây Bắc giải thể. Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XI, (tháng 11/2003) đã ra Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Tỉnh Lai Châu mới được chia tách gồm 4 huyện của tỉnh cũ và tiếp nhận huyện Than Uyên của tỉnh Lào Cai.

2. Kinh tế – xã hội Lai Châu trước năm 1954

Thời Phong kiến, kinh tế của Lai Châu rất lạc hậu, hoàn toàn là nông nghiệp; nghề trồng trọt trở thành nguồn sống chủ yếu; chăn nuôi, thủ công nghiệp là nghề phụ. Trình độ sản xuất của các dân tộc ở các khu vực không đồng đều, nhiều dân tộc đã biết sử dụng cày bừa, con dao, cái cuốc nhưng vẫn còn có dân tộc dùng gậy để chọc lỗ tra hạt. Đời sống của nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Nhiều dân tộc vẫn quen lối sống du canh, du cư. Nền kinh tế còn mang nặng tính tự cấp, tự túc; kinh tế hàng hóa chưa phát triển. Do vậy, cuộc sống của đồng bào không ổn định, thiếu đói thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, đồng bào phải chịu áp bức bóc lột của chế độ phong kiến phải đi lính, đi ở, cống nạp theo luật tục nên nền kinh tế Lai Châu rất trì trệ, kém phát triển.

Thời thuộc Pháp, thực dân Pháp và tay sai đã áp dụng nhiều biện pháp để tăng thuế, nhằm vơ vét thêm nhiều tài sản của nhân dân đã có rất nhiều người bị chết, nhiều người bị bắt đi lao dịch làm gia đình, vợ con ly tán. Kinh tế xã hội lạc hậu, kém phát triển, giao thông khó khăn. Năm 1933, do nhu cầu khai thác tài nguyên ở Sơn La, Lai Châu, thực dân Pháp cho mở con đường số 41 (nay là quốc lộ 6). Đến năm 1939, con đường này nối liền Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Lai Châu. Ngoài ra, còn có đường dân sinh Sa Pa – Lai  Châu được mở vào năm 1939; đường đi Trung Quốc qua đường A Pa Chải được xây dựng vào năm 1940 và một số sân bay tại trung tâm tỉnh lỵ Điện Biên, Quỳnh Nhai, Phong Thổ được xây dựng chủ yếu phục vụ cho quân sự và vận chuyển hàng hóa. Sân bay Mường Thanh (Điện Biên Phủ hiện nay) do Pháp xây dựng năm 1939 chủ yếu phục vụ cho mục đích quân sự. Các sân bay dã chiến như Bình Lư, Phong Thổ, Tuần Giáo, thị xã Lai Châu dùng để vận chuyển hàng hóa, binh lính, chiến sự. Nhìn chung việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thực dân Pháp nhằm mục đích phục vụ quân sự và đàn áp bóc lột đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Giáo dục, y tế, khoa học không được người Pháp quan tâm. Đa số nhân dân các dân tộc không được học hành, một số trường lớp được xây dựng chủ yếu phục vụ con em quan lại phong kiến địa phương. Bên cạnh đó, thực dân Pháp còn dùng chính sách chia rẽ dân tộc, du nhập truyền bá lối sống văn hoá thực dân, khuyến khích dùng rượu cồn, thuốc phiện nhằm làm suy nhược nòi giống, làm mai một truyền thống văn hoá các dân tộc trong tỉnh. Vì vậy người dân rất bất bình, căm ghét bọn thực dân, phong kiến nên khi có Đảng lãnh đạo, đồng bào đã một lòng, một dạ theo Đảng để xây dựng cuộc sống mới độc lập, tự do, hạnh phúc.

Truyền thống xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước của nhân dân các dân tộc Lai Châu
Từ bao đời nay, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã kề vai sát cánh bên nhau để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Vào thế kỷ XIII, công trình phòng thủ được các Chúa Lự xây dựng ở phía nam cánh đồng Mường Thanh (nay thuộc xã Sam Mứn, huyện Điện Biên) để chống lại những cuộc tấn công của kẻ địch.

Thế kỷ XV, trước sự xâm lăng của giặc Minh (Trung Quốc), vua Lê Lợi đã đem quân lên Lai Châu đánh dẹp quân xâm lược. Quân đội triều đình đi đến đâu cũng được nhân dân ủng hộ, giúp đỡ. Khi một giải đất biên cương của tổ quốc được bình yên, vua Lê Lợi đã nhắc nhở người đời sau về nơi “phên dậu” của tổ quốc, vào mùa đông năm Tân Hợi 1431, Lê Lợi đã khắc bài thơ ở vách đá Pú Huổi Chò mà sử sách gọi là Bia cổ Hoài Lai (Đại Nam nhất thống chí) gần thị xã Lai Châu trên đường vào huyện Mường Tè, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc.
Thế kỷ XVIII, triều đình phong kiến trung ương bạc nhược, không còn đủ sức kiểm soát miền Tây Bắc nước ta. Nhân cơ hội đó, giặc Phẻ do Phạ Chậu Tin Tòng cầm đầu từ miền Thượng Lào tràn sang đánh chiếm Mường Thanh. Năm 1754 hay tin Hoàng Công Chất, lãnh tụ phong trào nông dân vùng Sơn Nam (Thái Bình, Nam Định) đang từ miền thượng du Thanh Hóa tiến lên Tây Bắc, hai thủ lĩnh người Thái là Ngải và Khanh đã liên kết, phối hợp với nghĩa quân tổ chức tiến công thành Tam Vạn. Giặc Phẻ chống trả quyết liệt. Nghĩa quân Hoàng Công Chất và hai thủ lĩnh Ngải, Khanh được nhân dân ủng hộ đã chiến đấu dũng cảm và giành thắng lợi quan trọng. Tướng giặc Phạ Chậu Tin Tòng bị giết chết, số còn lại bỏ chạy sang Lào.

Thế kỷ XIX, trong suốt thời kỳ nhà Nguyễn cai trị, cả nước hầu như không lúc nào yên ổn. Miền Tây Bắc, nhất là Mường Thanh cũng nằm trong tình trạng chung như vậy. Hết giặc Lự, giặc Muông lại đến giặc Xiêm (Thái Lan), giặc Cờ Vàngsang cướp phá, làm cho bản làng tan hoang, bệnh dịch, nạn đói liên tiếp xảy ra. Nhân dân đã nhiều lần nổi dậy chống quan quân triều đình và bọn phong kiến tay sai địa phương, đồng thời tự động tổ chức, tập hợp dưới cờ của tù trưởng Mường Muổi Bạc Cầm Ten chống giặc Xiêm ở Mường Thanh, của tù trưởng người Khơ Mú tên là Chương Han chống lại giặc Cờ Vàng.

Trong suốt gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã kề vai sát cánh cùng nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh chống ách áp bức bóc lột của kẻ thù, nổi bật là các cuộc đấu tranh của Tuần phủ Hưng Hoá Nguyễn Quang Bích và các thủ lĩnh người địa phương và khu vực Tây Bắc là Đèo Văn Trì, Nguyễn Văn Quang, Lường Sám, Giàng Tả Chan…đã tập hợp lực lượng, xây dựng phòng tuyến tổ chức chiến đấu chống thực dân Pháp. Nhiều cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt giữa lực lượng kháng chiến với kẻ thù, làm cho thực dân Pháp thiệt hại rất nhiều về người và của. Chúng vô cùng hoảng sợ trước tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, vì vậy với thủ đoạn thâm độc chúng vừa mua chuộc, dụ dỗ những người trong lực lượng kháng chiến, vừa tập trung lực lượng quân đội tổ chức đàn áp để tiêu diệt các cuộc đấu tranh ở Lai Châu và khu vực Tây Bắc. Các cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh rất anh dũng, kiên cường nhưng cuối cùng đều thất bại. 

Đến năm 1954 khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, quê hương Lai Châu sạch bóng quân thù, đồng bào các dân tộc trong tỉnh phấn khởi được sống trọn vẹn trong độc lập, tự do, hạnh phúc.

Tự hào lắm, Lai Châu ơi!