Một số vấn đề phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu về Hồ Chí Minh | C. Mác; Ph. Ăngghen; V. I. Lênin; Hồ Chí Minh

PGS, PTS. Hoàng Chí Bảo; GS. Nguyễn Đǎng Mạnh; 
GS, PTS. Đỗ Hữu Châu; PTS. Nguyễn Thanh Tuấn; PGS. Song Thành

 

Lời giới thiệu

“Một số vấn đề phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu về Hồ Chí Minh” là một công trình khoa học ra đời đúng lúc, có giá trị khoa học, có những đề xuất mới đối với môn Hồ Chí Minh học ở nước ta. 

Công trình bắt đầu từ việc xác định hai khái niệm phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu, nói như một nhà phương pháp luận học phương Tây, tác giả cuốn Động thái về nghiên cứu khoa học xã hội (Dynamique de la recherche en sciences sociales) tức là con đường lôgích của sự nghiên cứu mà nhiều người ứng dụng, bao gồm: 

– Hệ quan điểm vận dụng; 

– Thao tác luận trong nghiên cứu, tức hệ trình (ordre) về những biện pháp và cách làm cụ thể. 

Những luận thuyết tác giả đưa ra đều đúng, đã chỉ ra được tiến trình sáng tạo của sự nghiên cứu nhằm đạt được ý đồ khoa học đã được xác định. 

Từ đó, một ưu điểm thứ hai của công trình là xuất phát từ một đối tượng nghiên cứu đặc biệt, tác giả đã tiến lên một bước rất cần thiết là xác định những nguyên tắc phương pháp luận đặc thù của việc nghiên cứu Hồ Chí Minh. Đây là một vấn đề hoàn toàn mới. 

Hồ Chí Minh là một nhân vật vĩ đại, đứng về khoa học, có thể nói đó là một đối tượng nghiên cứu mang tính chất tổng thể: tư tưởng, hành động, nhân cách, đời sống riêng, trước tác về chính trị, báo chí, thơ ca, các hoạt động quốc tế,… Như vậy, phải có một phương pháp luận và phương pháp riêng mới nghiên cứu và làm rõ được tính chất kỳ vĩ toàn diện của Hồ Chí Minh. 

Các tác giả đã thực hiện được điều đó bằng sức suy tư, tìm tòi, tổng kết và đề xuất của mình. Từ những nguyên tắc phương pháp luận đặc thù của việc nghiên cứu, các tác giả đã vận dụng sinh động và nhất quán vào việc tìm hiểu và xác định các phương pháp liên ngành và chuyên ngành trong nghiên cứu về Hồ Chí Minh. 

Các phương pháp nghiên cứu tiểu sử, thơ vǎn, ngôn ngữ,… của Hồ Chí Minh được tác giả trình bày khá tỉ mỉ, cụ thể với nhiều dẫn chứng phong phú, có chọn lọc, theo một lôgích khoa học chặt chẽ, có ý nghĩa chỉ dẫn thiết thực đối với những nhà nghiên cứu trẻ mới đi vào chuyên ngành này. Phương pháp luận liên ngành đã được vận dụng với một hiểu biết khá sâu sắc. 

Với những lý do trên, tôi đánh giá cao công trình này, một công trình chứa đựng nhiều tìm tòi, khám phá mới, có trình độ khái quát cao, một đóng góp rất bổ ích vào việc nghiên cứu Hồ Chí Minh đang được triển khai rộng rãi ở nước ta. 

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc. 

Giáo sư, Viện sĩ. Hoàng Trinh

Lời nói đầu

Trong những nǎm gần đây, công tác nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã không ngừng được mở rộng và phát triển, cả về nội dung nghiên cứu lẫn quy mô nghiên cứu. Từ chức nǎng, nhiệm vụ của một cơ quan, thậm chí của một số ít người chuyên trách, đến nay nó đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Các ngành, các địa phương, các học viện và nhà trường, ít nhiều đã hình thành được những trung tâm nghiên cứu, tổ nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh đã và sẽ được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, trước hết là các trường Đảng và trường đại học, nên việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh có triển vọng trở thành một bộ môn khoa học chuyên ngành của khoa học xã hội nước ta. 

Do đó, cùng với việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác lý luận, việc cải tiến và nâng cao chất lượng nghiên cứu về Hồ Chí Minh cũng đang được đặt ra như một yêu cầu cấp bách. 

Trong mấy chục nǎm qua, thành tựu nghiên cứu về Hồ Chí Minh có thể nói là khá toàn diện và phong phú. ở Việt Nam, có lẽ chưa có một tác giả nào, một nhân vật lịch sử nào lại được giới nghiên cứu trong nước và nước ngoài quan tâm nghiên cứu nhiều như thế, với một khối lượng công trình, luận vǎn, bài báo,… to lớn đến như thế. Trong đó, có không ít những công trình có giá trị, được giới nghiên cứu thừa nhận, nhất là các công trình có tính chất tiểu sử (như các cuốn Hồ Chí Minh của J. Lacouture; Đồng chí Hồ Chí Minh của E. Cabêlép; Hồ Chí Minh với Trung Quốc của Hoàng Tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tiểu sử và sự nghiệp của Viện lịch sử Đảng; Hồ Chí Minh – biên niên tiểu sử của Viện Hồ Chí Minh, v.v.). 

Về nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách … Hồ Chí Minh, trước hết phải kể đến những tác phẩm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã viết về Người, như tác phẩm của các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Vǎn Đồng, Nguyễn Vǎn Linh, Đỗ Mười, Võ Nguyên Giáp,… trong đó có những công trình và luận vǎn, tuy công bố đã lâu, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. 

Trong dịp kỷ niệm lần thứ 100 nǎm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là từ sau Đại hội VII của Đảng ta đến nay, việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã được đẩy mạnh, số lượng tác phẩm và bài viết tǎng nhiều lần so với bất cứ thời kỳ nào trước đây. 

Những kết quả được công bố đã góp phần làm rõ thêm khái niệm và hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp cho toàn Đảng, toàn dân có thêm tài liệu nghiên cứu, học tập để vận dụng tư tưởng của Người vào sự nghiệp đổi mới cũng như vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Mặc dù khẳng định những thành tựu đã qua là to lớn, nhưng điều dễ nhất trí là những gì chúng ta làm được cũng mới chỉ là bước đầu, còn rất nhỏ bé so với tầm vóc của Hồ Chí Minh, so với mong đợi của nhân dân và bạn bè trên thế giới, so với yêu cầu về công tác tư tưởng và lý luận của Đảng ta. 

Nhược điểm dễ thấy nhất là chất lượng nghiên cứu khoa học về Hồ Chí Minh chưa cao, còn ít những công trình chuyên khảo có giá trị tổng kết về mặt lý luận, đưa ra được những dự án lý thuyết, đóng góp vào việc hoạch định và lựa chọn những giải pháp kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước. Một số công trình và bài viết vẫn chưa vượt lên được trình độ chung đã có, chưa hoàn toàn khắc phục được những biểu hiện của chủ nghĩa sơ lược, chủ nghĩa chủ quan, chủ nghĩa kinh nghiệm,… Do đó, tính khoa học, tính thuyết phục trong nghiên cứu chưa cao, chưa sâu, chưa thực đủ hấp dẫn đối với người đọc. 

Để cải tiến và nâng cao chất lượng nghiên cứu về Hồ Chí Minh, có nhiều vấn đề phải bàn, song trước mắt, có hai vấn đề cấp bách cần giải quyết: 

1. Đổi mới công tác tư liệu về Hồ Chí Minh

 

Công tác này bao gồm công tác sưu tầm, bổ sung, xác minh và xã hội hoá hệ thống tư liệu đã có. Muốn nâng cao chất lượng nghiên cứu về Hồ Chí Minh trên phạm vi toàn xã hội, trước hết phải xây dựng được một hệ thống tư liệu đầy đủ, chính xác, đã qua xử lý khoa học và đến tay được đông đủ nhà nghiên cứu. (Bộ Hồ Chí Minh – toàn tập và bộ Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử đã đáp ứng phần nào yêu cầu trên). Tuy nhiên, hiện còn một bộ phận quan trọng tư liệu về Hồ Chí Minh vẫn chưa được sưu tầm và khai thác đầy đủ. Do đó, muốn cải tiến và nâng cao chất lượng nghiên cứu về Hồ Chí Minh thì một trong những công việc quan trọng đầu tiên là phải sưu tầm và khai thác được đầy đủ hệ thống tư liệu chính xác, bảo đảm tính khoa học và tính thuyết phục cao. 

2. Xác lập những nguyên tắc phương pháp luận, cải tiến và đổi mới phương pháp nghiên cứu về Hồ Chí Minh

 

2.1. Lâu nay, các nhà khoa học từ các chuyên ngành khác nhau tham gia vào việc nghiên cứu Hồ Chí Minh, chủ yếu vận dụng kinh nghiệm phương pháp luận của chuyên ngành mình hoặc bước đầu tiến lên sử dụng phương pháp liên ngành ở một mức độ nào đó. Cách làm này đã đem lại những kết quả nhất định. 

Những thành tựu trong công tác nghiên cứu về Hồ Chí Minh đang góp phần hình thành một bộ môn khoa học chuyên ngành, nó có đối tượng nghiên cứu riêng nên cần có phương pháp nghiên cứu thích hợp với đối tượng ấy, dưới sự chỉ đạo của những nguyên tắc phương pháp luận mang tính đặc thù của bộ môn. 

Vì vậy, đã đến lúc cần sớm làm rõ những vấn đề mà thực tiễn nghiên cứu đang đặt ra:

 

Một là, những nguyên tắc phương pháp luận chung chỉ đạo việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh là gì? 

Hai là, có hay không có những nguyên tắc mang tính đặc thù của chuyên ngành nghiên cứu Hồ Chí Minh học? 

Ba là, cần phân biệt các khái niệm sau đây để tránh lầm lẫn trong nghiên cứu: 

– Phương pháp luận của Hồ Chí Minh (của bản thân đối tượng nghiên cứu). Cơ sở phương pháp luận chung của chúng ta là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vậy xây dựng những nguyên tắc phương pháp luận chỉ đạo việc nghiên cứu Hồ Chí Minh cũng cần phải xuất phát từ chính phương pháp luận của Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo. 

– Phương pháp hệ (metthodicat) nghiên cứu về Hồ Chí Minh nên gồm những phương pháp nào để chẳng những kết quả nghiên cứu phải hiện thực mà phương pháp nghiên cứu, con đường dẫn đến kết quả đó, cũng phải hiện thực. Nghĩa là trong nhiều phương pháp hiện có, cần lựa chọn những phương pháp nào được coi là thích hợp và có hiệu quả nhất. 

– Phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh như là những nguyên tắc lý thuyết có ý nghĩa chỉ đạo chuyên ngành Hồ Chí Minh học. 

Các khái niệm này hiện nay chưa được làm rõ và sử dụng thống nhất trong nghiên cứu. 

Bốn là, nếu đối tượng nghiên cứu quyết định phương pháp nghiên cứu, thì công việc trước hết của giới nghiên cứu là phải khám phá đầy đủ, chính xác đối tượng nghiên cứu – ở đây là Hồ Chí Minh – tức là phải tìm hiểu và làm rõ: bản chất, đặc điểm của con người, tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh là gì ? Vấn đề này mấy nǎm qua giới nghiên cứu đã có nhiều cố gắng nhưng đến nay vẫn chưa được lý giải thoả đáng. 

2.2. Cần cải tiến và đổi mới phương pháp nghiên cứu để có được hiệu quả cao. Chung quanh vấn đề này hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau: 

Có ý kiến cho rằng, các phương pháp cũ vẫn cần được khai thác và vận dụng cho tốt hơn, nhưng muốn đạt chất lượng mới, cần có sự đổi mới về phương pháp nghiên cứu. Có đúng như vậy không ? Đổi mới trên cơ sở nào, theo phương hướng nào ? Có thể tiếp thu những kinh nghiệm gì của khoa học nghiên cứu về các vĩ nhân trên thế giới ? Thí dụ, sự ra đời của một vĩ nhân như Hồ Chí Minh, theo chúng ta vẫn quan niệm, là một tất yếu lịch sử, nếu không có Hồ Chí Minh thì nhất định sẽ có một người khác, nhanh hay chậm, “thích hợp ít hay nhiều, nhưng cuối cùng cũng xuất hiện”, như Mác nói. Như vậy, trong cùng một điều kiện lịch sử, trên đất Nghệ – Tĩnh, khả nǎng “Nam Đàn sinh thánh” không phải chỉ có một người, nhưng cuối cùng vĩ nhân đó lại chính là Hồ Chí Minh, chứ không phải là một người nào khác; điều đó đòi hỏi chúng ta phải lý giải một cách cụ thể đủ sức thuyết phục. 

Lại có ý kiến cho rằng, lâu nay ta nghiên cứu vĩ nhân mới chủ yếu tiếp cận từ quan điểm giai cấp, từ những nguyên tắc của chủ nghĩa duy vật lịch sử, điều đó hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ. Con người không chỉ là sự tổng hoà của các quan hệ với tự nhiên nữa. Trong nghiên cứu, ta thường mới chú trọng con người xã hội mà xem nhẹ con người tự nhiên, coi trọng con người công dân mà xem nhẹ con người cá thể, đề cao con người hành động mà bỏ qua con người tâm linh,… Nếu chỉ như thế, thì vẫn chưa hiểu được Hồ Chí Minh, một người cộng sản phương Đông. Thí dụ, chúng ta đều biết Hồ Chí Minh có nhiều dự báo đã được lịch sử chứng nghiệm là đúng. Lý giải rằng, đó là kết quả của việc Người đã nắm bắt được quy luật phát triển của lịch sử kết hợp với một vốn tri thức khoa học phong phú của thời đại nên đã dự kiến được bước đi của tương lai,… Điều đó là hoàn toàn đúng. Nhưng diễn biến cụ thể của lịch sử vốn ngoắt ngoéo và đầy bất ngờ. Chẳng hạn, trong khi các nguyên thủ của phe Đồng Minh tại Hội nghị Têhêrǎng nǎm 1943 dự kiến rằng, phải đến nǎm 1946 mới có khả nǎng đánh bại được lực lượng phát xít, kết thúc chiến tranh, thì Hồ Chí Minh tại Pác Bó nǎm 1941 đã viết: 1945 Việt Nam độc lập! Và lịch sử đã diễn ra đúng như vậy. 

Vì vậy, có người đề nghị: trên cơ sở nắm vững những nguyên tắc và phương pháp của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, nên chǎng có thể tham khảo và vận dụng có mức độ các phương pháp như các phương pháp trực cảm, trực giác, phương pháp thông hiểu (comprehention), v.v. 

Theo chúng tôi nghĩ, vấn đề không phải là được phép hay không được phép sử dụng phương pháp nào với ý nghĩa là một công cụ nghiên cứu, mà cái chính là sử dụng như thế nào, với giới hạn nào để đạt được chân lý khoa học, mà không rơi vào duy tâm, thần bí. 

Lại có ý kiến khác cho rằng, trong nghiên cứu Hồ Chí Minh, tác phẩm và vǎn bản là cần, nhưng không phải là cái quan trọng nhất, mà điều quan trọng hơn là phải tìm hiểu xem tư tưởng của Người đã đi vào thực tiễn như thế nào, đã xâm nhập vào quần chúng, đã tỏ sức mạnh vĩ đại trong cuộc sống ra sao, có thể mới đánh giá được hết những cống hiến, giá trị, tác dụng của tư tưởng của Người đối với dân tộc. 

Đây là một vấn đề thuộc quan điểm thực tiễn trong nghiên cứu, đánh giá tư tưởng – đạo đức Hồ Chí Minh khi đi vào quần chúng, đã trở thành niềm tin, hy vọng, thành sức mạnh vượt qua đầu thù như thế nào ? ở hình thái dân dã, nhiều thế hệ người Việt Nam trước đây và hiện nay vẫn tôn thờ Hồ Chí Minh như một vị thánh. Càng trong hoàn cảnh khó khǎn, gian khổ, trong tra tấn tù đày,… đồng bào và chiến sĩ ta càng hướng về Bác Hồ, tìm thấy ở Người một sự tiếp sức kỳ diệu. Có thể nói, Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ cộng sản hiện đại duy nhất đã được huyền thoại hoá ngay từ khi đang còn sống. Từ lúc trẻ ngay ở Pháp, khi chưa có tên tuổi sự nghiệp gì lớn, các đồng chí cùng hoạt động với Nguyễn ái Quốc ở Pari, qua ánh mắt sáng rực, khuôn mặt thanh khiết, nếp sống khổ hạnh của Nguyễn ái Quốc, đã nghĩ rằng đó là một nhà cách mạng khác thường. Rồi bọn mật thám Pháp, qua các báo cáo theo dõi và nhận xét của chúng, cũng đã đóng góp vào việc huyền thoại hoá con người “có khả nǎng cắm cây thập tự cáo chung lên nền thống trị của Pháp ở Đông Dương”. 

Còn nhân dân Việt Nam và thế hệ thanh niên yêu nước ở những thập niên đầu thế kỷ XX đã biết đến Nguyễn ái Quốc qua lời giảng của Cụ Phan về một số câu sấm truyền. Đặc biệt là trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thì hình ảnh Hồ Chí Minh đã đem lại sức mạnh trong lòng đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt là với các chiến sĩ tử tù nơi Côn Đảo. Không phải chỉ chúng ta mà nhiều bạn bè quốc tế đã thừa nhận Hồ Chí Minh là một nhân vật huyền thoại, một vị thánh của cách mạng. 

ở đây ta không bàn đến nguyên nhân, điều kiện xuất hiện của hiện tượng này, nhưng đó là một hiện tượng có thực. Giải hiện tượng huyền thoại hoá này để nhận chân con người, tư tưởng, nhân cách vǎn hoá Hồ Chí Minh như thế nào ? Giữa con người lịch sử – hiện thực và con người tượng trưng (symbol), chung đúc trong đó cả khát vọng, lương tâm, vinh dự của một dân tộc, phần nào là thực, phần nào là màu sắc lung linh của huyền thoại ? 

Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều vấn đề đang được giới nghiên cứu đặt ra chung quanh vấn đề phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các khoa học xã hội và nhân vǎn, khoa học về các phương pháp nghiên cứu cũng đạt được những thành tựu mới ngày càng phong phú. Chuyên ngành nghiên cứu Hồ Chí Minh đang hình thành, vì vậy phương pháp luận nghiên cứu của nó cũng chỉ có thể từng bước hoàn thiện cùng với sự phát triển của môn học. 

Vì là một đề tài rất lớn và khó, nên chuyên đề này không có tham vọng đặt ra và giải quyết toàn bộ những vấn đề đang nảy sinh trong thực tiễn nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Do khả nǎng và trình độ có hạn của các tác giả, chuyên đề này tự hạn chế ở mấy mục tiêu sau đây: 

Về lý luận, nghiên cứu để bước đầu xác lập những nguyên tắc phương pháp luận chung, các phương pháp liên ngành và chuyên ngành,… nhằm sơ bộ tìm ra một hệ phương pháp nghiên cứu thích hợp cho chuyên ngành Hồ Chí Minh học ở Việt Nam, từng bước đưa sự nghiệp nghiên cứu Hồ Chí Minh lên thành một bộ môn khoa học, khắc phục dần những nhược điểm và hạn chế hiện nay. 

Về thực tiễn, từ kết quả nghiên cứu về phương pháp, đưa ra những kiến nghị khôi phục lại tính chân thực lịch sử của trước tác Hồ Chí Minh, kiến nghị thử nghiệm và vận dụng tư tưởng, phương pháp Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. 

Kết quả của công trình sẽ là một tài liệu đóng góp vào việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ đi vào chuyên ngành nghiên cứu Hồ Chí Minh, mở rộng đội ngũ, chuẩn bị cho việc triển khai các đề tài nghiên cứu về Hồ Chí Minh ở các giai đoạn sau. 

Phần thứ nhất 
MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VỀ HỒ CHÍ MINH 

Chương I 
Một số vấn đề lý luận chung về phương pháp 
và phương pháp luận nghiên cứu

Nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nghiên cứu tư tưởng, cuộc đời, sự nghiệp của Người nhằm làm sáng tỏ những cống hiến to lớn và ảnh hưởng sâu rộng của Người đối với dân tộc và đối với thế giới. 

Có tư tưởng Hồ Chí Minh xét về mặt lý luận mà nội dung cốt lõi, chỗ kết tinh và toả sáng của tư tưởng đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. 

Có thời đại Hồ Chí Minh mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Việt Nam xét về mặt thực tiễn. Đó là thời đại phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam cùng với ảnh hưởng của nó đối với phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đối với hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc. 

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh là trọng điểm nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Đây cũng là nội dung và phương hướng chủ đạo trong nghiên cứu chuyên ngành. Nó đặt nền móng cho sự ra đời bộ môn Hồ Chí Minh học với tư cách là một khoa học độc lập, nằm trong hệ thống các môn khoa học xã hội và nhân vǎn ở nước ta. 

Muốn xây dựng hệ thống lý luận và phương pháp nghiên cứu chuyên ngành để có thể sử dụng chúng một cách thành thạo, như những công cụ và những thao tác nghiên cứu, nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu đối với môn khoa học còn rất mới mẻ nhưng đầy triển vọng này, cần thiết phải bắt đầu từ những vấn đề chung sẽ được trình bày dưới đây. 

I. Mối quan hệ giữa lý luận, phương pháp và phương pháp luận

 

Lý luận (teorija), phương pháp (metod) và phương pháp luận (metodologija) là những khái niệm khác nhau nhưng có quan hệ mật thiết với nhau. Chúng thống nhất nhưng không đồng nhất. 

1. Lý luận (hay lý thuyết) theo chữ Hy Lạp: theoria, theorein – có nghĩa là quan sát, khảo sát, nghiên cứu. Lý luận là hệ thống các luận điểm gắn bó chặt chẽ với nhau về mặt lôgích, phản ánh bản chất, quy luật vận động và phát triển của khách thể được nghiên cứu. 

Điểm xuất phát của lý luận là thực tiễn. Những kết quả nghiên cứu dưới dạng khái quát hoá và trừu tượng hoá khoa học, sử dụng các khái niệm, phạm trù khoa học để xác lập hệ thống luận điểm và nguyên lý là để biểu thị bản chất, quy luật của đối tượng. Nó chỉ được coi là lý luận và trở thành lý luận nếu qua sự kiểm tra, đối chiếu trong thực tiễn nó tỏ ra phù hợp với thực tiễn. 

Lý luận, xét theo cách thức sản sinh ra nó, là sản phẩm của tư duy trừu tượng, là kết quả của những nỗ lực chủ quan của người nghiên cứu. Nǎng lực lý luận ở người có trình độ tư duy lý luận cao thống nhất ở hai mặt mâu thuẫn sau đây: 

Một mặt, nó không bám chắc vào thực tiễn cụ thể, sinh động, đứng vững trên mảnh đất hiện thực – ở đó có đối tượng, có khách thể nghiên cứu của mình để tiến hành mọi hoạt động nghiên cứu theo quan điểm thực tiễn và nhất quán với quan điểm thực tiễn. Đó là bảo đảm duy nhất chắc chắn cho lý luận được sinh ra một cách chân thực, khách quan, sống động, không rơi vào tình trạng tư biện, tính chất kinh viện, bệnh chủ quan và giáo điều. 

Mặt khác, nó có khả nǎng bứt ra, tách khỏi cái cụ thể ban đầu, vượt lên trên giới hạn của cái kinh nghiệm để hình thành lý luận, dùng lý luận như là công cụ để nhận thức, khám phá đối tượng ở phía bản chất vốn ẩn giấu bên trong, đằng sau các hiện tượng. Đây là khả nǎng phát hiện và sáng tạo của tư duy lý luận, là ưu thế riêng có của lý luận. 

Thực tiễn làm phát sinh lý luận. Gắn bó và bám sát thực tiễn sẽ làm cho lý luận phải vượt lên để khỏi bị lạc hậu, đồng thời nhờ thực tiễn mách bảo, gợi ý, thúc đẩy mà lý luận có được khả nǎng vượt trước để dẫn đường. Không có thực tiễn thì không có nội dung của lý luận. Nhưng không có tư duy lý luận và hoạt động nghiên cứu lý luận bởi sự nỗ lực của chủ thể thì lý luận cũng không thể hình thành, không thể “lý luận hoá thực tiễn” và “thực tiễn hoá lý luận” được. 

Thấu hiểu sự thống nhất và vai trò của lý luận cũng như của thực tiễn, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý tới luận điểm của Lênin: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Người còn khẳng định rằng: Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc cǎn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, rằng, lý luận không gắn liền với thực tiễn là lý luận suông, thực tiễn không có lý luận là thực tiễn mù quáng. 

Lý luận không tồn tại dưới dạng những luận điểm riêng lẻ, rời rạc mà là một hệ thống chặt chẽ, có trật tự lôgích của các luận điểm đó. Tính hệ thống là một đặc trưng nổi bật của lý luận, là yêu cầu của tư duy lý luận. Tiếp cận hệ thống và phân tích hệ thống là một đặc trưng nổi bật của lý luận, là yêu cầu của tư duy lý luận. Tiếp cận hệ thống và phân tích hệ thống trong nghiên cứu khoa học xuất phát từ đòi hỏi đó. 

Là một hệ thống, lý luận còn được xem xét về mặt kết cấu. Nó bao gồm nhiều thành tố khác nhau nhưng quan trọng nhất là ba thành tố sau đây: 

Thứ nhất, các sự kiện khoa học đã tích luỹ được, kể cả nghiên cứu thực nghiệm. 

Thứ hai, tập hợp các quy tắc, suy lý lôgích và chứng minh được chấp nhận trong khuôn khổ của lý luận. 

Thứ ba, tập hợp các khái niệm, các nguyên lý cơ bản cùng các quy luật, định lý, các khẳng định, các hệ quả được suy ra từ cǎn cứ thực nghiệm, và từ các khái niệm, các nguyên lý cơ bản ấy bằng con đường suy lý lôgích và chứng minh tương ứng. 

Mỗi khoa học có lý luận và cơ sở lý luận riêng của nó. Vì vậy môn Hồ Chí Minh học muốn trở thành một bộ môn khoa học độc lập trước hết nó phải xây dựng được cơ sở lý thuyết về đối tượng nghiên cứu của mình. 

Để nghiên cứu về Hồ Chí Minh trước hết phải xây dưng được lý thuyết về đối tượng nghiên cứu của bộ môn; đó là toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách, lối sống, v.v. của Hồ Chí Minh. Lý thuyết đó bao gồm: 

– Hệ thống sự kiện có tính quy luật về đối tượng, nghĩa là nó phải phổ biến chứ không đơn nhất, phải phản ánh được bản chất chứ không phải hiện tượng bề ngoài, cái ngẫu nhiên phải là sự biểu hiện của cái tất nhiên. Đó là những sự kiện chính xác, đã qua giám định, xác minh khoa học về các giai đoạn của cuộc đời, hoạt động, trước tác của Hồ Chí Minh từ khi sinh ra đến khi từ biệt thế giới này. Những sự kiện đó được đặt trong mối quan hệ tương tác với quê hương, gia đình, dân tộc, thời đại,… Trong cuộc đời 79 mùa xuân của Hồ Chí Minh, có hơn 30 nǎm Người sống và hoạt động ở nước ngoài, lại đi vào huyền thoại từ rất sớm, ngay từ khi còn sống. Vì vậy, xác lập hệ thống sự kiện có tính quy luật về khách thể nghiên cứu ở đây quả là không đơn giản. 

– Những kết quả nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã đạt được trong mấy chục nǎm qua ở trong nước và nước ngoài, những nhận định, đánh giá chính thức của Đảng và Nhà nước ta về Hồ Chí Minh, những suy lý hợp lôgích của các nhà khoa học đã được khảo nghiệm qua thực tế, có thể chấp nhận được. 

– Hệ thống khái niệm, phạm trù như là công cụ, phương tiện của bộ môn để chiếm lĩnh đối tượng, cần sớm được làm rõ và chính xác hóa. Hệ thống khái niệm, phạm trù đó có thể ngày càng được mở rộng cùng với việc mở rộng các lĩnh vực nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các khái niệm cơ bản phải sớm được trao đổi, đi tới nhất trí, làm định hướng cho nội dung và phương pháp nghiên cứu của bộ môn. Thí dụ: tư tưởng Hồ Chí Minh là gì ? (Tư tưởng hay học thuyết, chủ nghĩa ?). Tư tưởng Hồ Chí Minh có phải bao gồm những phạm trù: tư tưởng nhân vǎn, tư tưởng chính trị, tư tưởng kinh tế, tư tưởng quân sự, tư tưởng vǎn hoá, tư tưởng đạo đức,…? Đạo đức Hồ Chí Minh là gì ? Rồi phương pháp Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh, v.v.. 

Tóm lại, có xây dựng được hệ thống lý thuyết về đối tượng nghiên cứu – ở đây là Chủ tịch Hồ Chí Minh – mới có thể từ đó bàn tiếp về phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu Hồ Chí Minh, bởi phương pháp hình thành từ lý luận; lý luận nào phương pháp ấy. 

2. Phương pháp được hiểu là cách thức đề cập tới hiện thực, cách thức nghiên cứu các hiện tượng của tự nhiên và của xã hội. Phương pháp là hệ thống các nguyên tắc điều chỉnh hoạt động nhận thức và hoạt động cải tạo thực tiễn xuất phát từ các quy luật vận động của khách thể được nhận thức. Như vậy, phương pháp là sự thống nhất giữa chủ quan và khách quan, nó không phải là phạm trù thuần tuý chủ quan do lý trí đặt ra mà xuất phát từ những quy luật vận động của khách thể đã được con người nhận thức. 

Cần chú ý là, bản thân các quy luật vận động của khách thể mới chỉ là cơ sở của phương pháp. Cơ sở lý luận trực tiếp của phương pháp không phải là các quy luật vận động của khách thể này mà là những quy luật đã được nhận thức, được diễn đạt thành lý luận. Do đó, lý luận là hạt nhân của phương pháp, là cái lõi mà từ đó hệ thống các nguyên tắc điều chỉnh tạo nên nội dung của phương pháp được xây dựng. 

Tóm lại, phương pháp có nội dung sâu sắc. Nó bị quy định bởi đặc điểm, bản chất của khách thể đồng thời con người là chủ thể sáng tạo ra phương pháp. Cũng chính con người sử dụng phương pháp, mang nó vào hoạt động thực tiễn, dùng nó như một công cụ, một phương tiện để tác động vài đối tượng nhằm đạt tới mục tiêu hoạt động của mình. Nhờ có lý luận khoa học dẫn dắt mà hoạt động của con người trở nên tự giác chứ không mù quáng. Cũng nhờ có phương pháp gắn liền với lý luận mà con người tránh được những mò mẫm, tự phát và đạt được hiệu quả trong hoạt động. Cũng tồn tại như nhau trong môi trường tự nhiên nhưng con vật lệ thuộc tuyệt đối vào tự nhiên và bị bản nǎng, tập tính loài chi phối. Trong khi đó, con người chỉ lệ thuộc vào tự nhiên một cách tương đối. Nó vừa lấy cái có sẵn trong tự nhiên vừa nhào nặn, biến đổi tự nhiên, làm thêm ra và đem vào trong tự nhiên cái mà tự nhiên không có, như Mác nói, “Tự nhiên là thân thể vô cơ của con người” và con người còn “sáng tạo tạo ra một tự nhiên thứ hai như là tác phẩm nghệ thuật của chính mình”. Đó là quá trình nhân loại hoá tự nhiên bởi con người, do có ý thức chi phối bản nǎng. “Con người là một cây sậy trong tự nhiên nhưng là cây sậy có trí tuệ”. Trong định đề ấy của Pãtcan, trí tuệ là cái làm nên sức mạnh bản chất con người, nhờ nó, con người sản xuất ra lý luận, tư tưởng, đồng thời với sản xuất ra phương pháp. 

Như vậy, cũng như lý luận, phương pháp thuộc về nội dung khoa học, nó cũng ở cấp độ lý luận – tư tưởng chứ không phải là hình thức, là cái vỏ thuần tuý để biểu đạt tư tưởng. Phương pháp được xây dựng nên từ trình độ của lý luận chứ không phải bằng kinh nghiệm dù cho sự tích luỹ kinh nghiệm có một vai trò quan trọng to lớn trong sự hình thành phương pháp. Không có lý luận thì không có phương pháp khoa học. Cũng như vậy, kinh nghiệm phải được tổng kết một cách có lý luận, ở trình độ khoa học, được lý luân hoá mới tham dự vào sự hình thành phương pháp. Sự khéo léo, thuần thục do thói quen và kinh nghiệm tạo ra có thể mang ý nghĩa như những phương pháp , song nó thường chỉ dừng lại ở mức độ là những thao tác kỹ thuật thực hành và phạm vi của nó thường là hạn chế trong những tình huống, những giải pháp cụ thể, khó có thể vươn tới tính khái quát – phổ biến. Chỉ có vũ trang bằng lý luân, dựa trên một cơ sở lý luận vững chắc thì phương pháp mới trở thành phương pháp khoa học. 

Hệ thống các phương pháp là đa dạng, tuỳ theo sự phân loại khoa học; có những phương pháp riêng áp dụng trong phạm vi một bộ môn khoa học; có phương pháp chung cho một số bộ môn và có phương pháp phổ biến cho tất cả các bộ môn. 

Ta thường thấy các phương pháp được sử dụng kết hợp trong nghiên cứu như phân tích và tổng hợp, lôgích và lịch sử, mô tả, phân loại, thống kê, phân tích so sánh và phân tích hệ thống, phỏng vấn – điều tra xã hội học, phương pháp điều tra thực địa (trong khoa học lịch sử, khảo cổ học và dân tộc học), phương pháp chuyên gia,… Trong nghiên cứu tư tưởng – cuộc đời – sự nghiệp Hồ Chí Minh, những phương pháp trên đây đều có thể được chọn lọc để áp dụng, trong đó có cả phương pháp phân tích vǎn bản học là phương pháp thường dùng khi nghiên cứu di sản và lịch sử tư tưởng, phương pháp kết hợp phân tích lịch đại với phân tích đồng đại để làm sáng tỏ sự hình thành và phát triển tư tưởng, quan hệ và ảnh hưởng qua lại giữa vĩ nhân và thời đại lịch sử. 

Cùng với những phương pháp chung và riêng đó, phương pháp phổ biến trong nghiên cứu và nhận thức khoa học là phương pháp biện chứng. Đây là một phương pháp triết học mácxít đóng vai trò dẫn đường về thế giới quan và phương pháp luận trong nghiên cứu. 

Phương pháp biện chứng (dialekticheski metod) – đó là một hệ thống các nguyên tắc điều chỉnh hoạt động nhận thức và thực tiễn, xuất phát từ lý luận biện chứng. 

Phương pháp biện chứng của triết học Mác là biện chứng duy vật, trong đó biện chứng của cái khách quan quy định biện chứng của cái chủ quan, tư duy biện chứng phản ánh tính biện chứng vốn có của bản thân cuộc sống. Phương pháp biện chứng duy vật ứng dụng trong nhận thức và nghiên cứu khoa học đòi hỏi người nghiên cứu phải nắm vững và sử dụng thành thạo lôgích biện chứng mà nội dung của nó là hệ thống các nguyên lý (mối liên hệ phổ biến và phát triển), các quy luật nói lên bản chất, cách thức và xu hướng vận động và phát triển và các cặp phạm trù của nhận thức luận (Chung – Riêng, Bản chất – Hiện tượng, Nhân – Quả, Khả nǎng – Hiện thực, Nội dung – Hình thức, Tất yếu – Ngẫu nhiên…). Từ những nguyên lý, quy luật và phạm trù đó, phương pháp biện chứng duy vật hình thành nên các quan điểm, các nguyên tắc chỉ đạo thế giới quan, phương pháp nhận thức và phương pháp tư tưởng mà tiêu biểu là quan điểm toàn diện, quan điểm phát triển, quan điểm thực tiễn, tính khách quan, tính phê phán và kế thừa có chọn lọc,… trong xem xét các sự vật hiện tượng của thế giới. Nó là một thế giới chỉnh thể, vận động và phát triển trong mâu thuẫn, bằng mâu thuẫn. Nó là một hệ thống mở chứ không đóng kín; là một tập hợp những khái niệm, phạm trù động chứ không phải tĩnh. Tóm lại, nó là biện chứng chứ không phải siêu hình. Những đặc điểm nêu trên của phương pháp biện chứng duy vật với tư cách là một phương pháp phổ biến cũng đồng thời là nói ý nghĩa phổ quát của phương pháp này như là phương pháp luận. 

3. Cấp độ cao nhất của lý luận và phương pháp, ở trình độ khái quát sâu sắc nhất cái bản chất của cả lý luận lẫn phương pháp, là phương pháp luận (metodologija). Phương pháp luận là lý luận về các phương pháp nhận thức và cải tạo thực tiễn. Nó xứng đáng được gọi là học thuyết về phương pháp. Là khoa học về phương pháp, phương pháp luận biểu hiện ra như một hệ thống chặt chẽ các quan điểm, các nguyên lý chỉ đạo việc tìm kiếm, xây dựng, lựa chọn và vận dụng các phương pháp. Có thể khái quát mối quan hệ giữa phương pháp luận với các phương pháp như là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng. Tính thống nhất giữa lý luận, phương pháp và phương pháp luận là ở nguồn gốc, nội dung khách quan của nó, là ở sự chế ước lẫn nhau giữa khách quan và chủ quan, là sự chung đúc trong nó cả thế giới quan và hệ tư tưởng. 

Tóm lại, giữa lý luận với phương pháp và phương pháp luận có mối liên hệ nội tại và quy định lẫn nhau. 

Lý luận là hệ thống các tri thức, khái niệm và phạm trù, có chức nǎng vừa phản ánh, vừa dự báo bản chất, quy luật vận động, phát triển của khách thể nghiên cứu. Do đó, lý luận là cơ sở, là đường dây dẫn đến phương pháp. Người đầu tiên đề cập đến mối quan hệ này là Hêghen. Theo ông, lý luận được tóm tắt trong phương pháp, phương pháp là sự vận dụng của lý luận, lý luận nào, phương pháp ấy. 

Phương pháp là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực, cách thức điều chỉnh nhận thức và hoạt động của con người trong việc tiếp cận lý luận và khảo sát thực tế. Phương pháp hình thành từ lý luận, nhưng không phải một chiều. Lý luận đẻ ra phương pháp, phương pháp tác động trở lại lý luận, làm cho lý luận phát triển, hình thành lý luận mới; đến lượt nó, lý luận mới lại đẻ ra phương pháp mới. 

Phương pháp luận là phương thức luận giải, khái quát, lựa chọn và vận dụng các phương pháp, bảo đảm cho sự thiết lập mối quan hệ hài hoà giữa lý luận và phương pháp, giữa khách thể và chủ thể nghiên cứu. Do đó, cũng có thể nói phương pháp luận là cầu nối giữa lý luận và phương pháp. 

Đó là mối quan hệ ba chiều: giữa nhận thức về đối tượng nghiên cứu (lý luận) với công cụ tác động vào đối tượng (phương pháp) và những nguyên tắc lý thuyết giữ vai trò điều chỉnh, giúp cho quá trình tác động của công cụ vào đối tượng đạt được kết quả tối ưu (phương pháp luận). 

Để xâu chuỗi được mối quan hệ trên, cần làm rõ cấp độ của khái niệm nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học là một quá trình khảo sát, phân tích các sự kiện, các mặt, các hiện tượng; thông qua sự mô tả, phân loại và tập hợp các tư liệu và dữ liệu đã thu thập được mà tổng hợp và khái quát thành lý luận. Để tổng hợp và khái quát đúng, người nghiên cứu phải bắt đầu từ chỗ chǎm chú quan sát các hiện tượng, không coi thường và bỏ qua các chi tiết sinh động, cụ thể, những cái tưởng như riêng lẻ, rời rạc, bề ngoài và trên bề mặt của đối tượng, khách thể nghiên cứu. Vì vậy, quan sát khoa học là quá trình tiếp cận đối tượng của chủ thể. Nó mở đường đi tới những ý tưởng nghiên cứu và hình thành những tư tưởng, những luận điểm khoa học. Nó cũng đồng thời gợi ý và mách bảo người nghiên cứu biết chú tâm vào những sự kiện và hiện tượng tiêu biểu giữa vô số những sự kiện, hiện tượng khác, tìm ra mối liên hệ giữa chúng và những dấu hiệu cho phép xác định đặc điểm, đặc trưng hay thuộc tính nào đó của đối tượng sẽ bộc lộ ra trong vận động. Sự quan sát như vậy đòi hỏi ở chủ thể nghiên cứu khoa học một nǎng lực lựa chọn trong những cách (phương pháp) tiếp cận khác nhau để độc lập xác định cho mình một hướng đi, một cách (cũng tức là một phương pháp) tiếp cận mới phù hợp và có hiệu quả tới đối tượng. 

Nghiên cứu khoa học, theo một nghĩa nào đó mà xét, là tìm tòi và phát hiện cái mới, là sản xuất ra tri thức mới ở cấp độ tư tưởng – lý luận khoa học. Do vậy, bản chất của khoa học, của hoạt động nghiên cứu khoa học là sáng tạo, là sự phát triển không ngừng của trí tuệ. 

Thực tiễn phát triển của khoa học hiện đại đã cho thấy, kết quả sáng tạo cái mới trong nghiên cứu của nhà khoa học thường được ủ mầm từ những tìm tòi sáng tạo trong phương pháp tiếp cận (podkhodnyj metod) và ứng dụng phân tích hệ thống (sistemnyj analiz) như một phương pháp nghiên cứu. Điều này đặc biệt rõ và đang có ý nghĩa phổ biến trong nghiên cứu khoa học xã hội, bao hàm cả nghiên cứu lý luận triết học xã hội và chính trị học là lĩnh vực có quan hệ trực tiếp gần gũi nhất với nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Trong quá trình tiếp cận đối tượng, người nghiên cứu thường phải huy động tổng hợp những hiểu biết của mình về kiến thức, phương pháp và kinh nghiệm, cả tư tưởng, lý luận lẫn vốn sống thực tiễn cùng những kỹ nǎng và kỹ xảo nghề nghiệp để tìm hiểu, nắm bắt và làm chủ đối tượng. Cùng với tư liệu và sự kiện được tập hợp để quan sát và phân tích, sự huy động tổng hợp những nhân tố nêu trên có trong vốn liếng khoa học của mình, giúp người nghiên cứu xây dựng các giả thuyết và lôgích nghiên cứu, chứng minh và kiểm tra các giả thuyết đó dựa trên thực tiễn đối tượng và thực tiễn đời sống nói chung. 

Lôgích nghiên cứu sau khi đã thực hiện trong thực tiễn, được kiểm tra, điều chỉnh bởi thực tiễn rồi được chính xác hoá lại và chuyển thành lôgích trình bày các tư tưởng khoa học. 

Hệ thống giả thuyết nghiên cứu sau khi được kiểm chứng bởi thực tiễn và đi qua các thao tác như chứng minh, so sánh, phân tích và tổng hợp để giữ lại cái đúng và bổ sung cái mới, loại bỏ cái không đúng hoặc chưa đủ cǎn cứ vững chắc, chưa có độ tin cậy cần thiết,… trở thành hệ thống các luận điểm khoa học cấu thành nội dung lý luận – tư tưởng khoa học như là sản phẩm nghiên cứu. Các Mác nói tới sự chuyển hoá này bằng tương quan giữa phương pháp nghiên cứu và phương pháp trình bày, giữa đời sống thực tiễn và lý luận, giữa hiện thực và tư tưởng. Tương quan này vừa thống nhất vừa mâu thuẫn, không phải lúc nào cũng trùng hợp, càng không có sự trùng hợp tuyệt đối. 

Trong bộ Tư Bản, Các Mác có một luận đề nổi tiếng: Nếu hiện tượng và bản chất của sự vật là nhất trí (trùng khít) với nhau thì tất thảy khoa học sẽ trở nên thừa. Trong Lời nói đầu tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen (1843), Các Mác đã hình dung rất rõ ràng: “Tư tưởng cố gắng biến thành hiện thực vẫn chưa đủ; bản thân hiện thực cũng phải cố sức hướng tới tư tưởng”. 

Những điều trình bày trên đây về một số đặc trưng của hoạt động nghiên cứu khoa học xuất phát từ cá thể nghiên cứu cũng là để nói về mối liên hệ giữa lý luận, phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu. Đây là những công cụ làm việc mà người nghiên cứu phải trau dồi, mài sắc nó trong suốt cuộc đời nghiên cứu. Đây cũng chính là những cơ sở mà thiếu nó sẽ không thể có bất cứ một kết quả hay một bước tiến nào trong nghiên cứu khoa học. 

II. Phương pháp luận chung của khoa học xã hội và phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh (phương pháp luận chuyên ngành)

 

Khoa học xã hội là một lĩnh vực hết sức rộng lớn bao gồm rất nhiều ngành (lĩnh vực) và chuyên ngành khoa học khác nhau, thậm chí trong mỗi chuyên ngành lại còn có thể phân nhỏ thành những bộ môn, những chuyên môn hẹp đi sâu nghiên cứu từng mặt, từng khía cạnh của đối tượng, nhưng cùng có chức nǎng chung là nghiên cứu về xã hội và con người. Theo nghĩa rộng, khoa học xã hội bao gồm cả khoa học nhân vǎn. Đây là một nhóm, cũng đồng thời là một hệ thống các môn khoa học về con người và những hoạt động tinh thần của con người, gắn liền với những phương thức đặc thù sáng tạo ra các giá trị tinh thần, vǎn hoá, nghệ thuật… gọi chung là khoa học nhân vǎn. 

Chúng ta thống nhất quy ước đặt khoa học nhân vǎn vào hệ thống chung của khoa học xã hội, cũng như nghiên cứu khoa học về Hồ Chí Minh với tư cách là một khoa học chuyên ngành nằm trong khoa học xã hội. Trong một tương lai không xa,” Hồ Chí Minh học” sẽ ra đời và phát triển không chỉ ở nước ta mà sẽ còn được chú ý ở nhiều nước trên thế giới. Chắc chắn sẽ có hàng loạt vấn đề đặt ra phải giải quyết về ngành khoa học này, từ đối tượng, chức nǎng, nhiệm vụ, phương pháp nghiên cứu, hệ thống khái niệm, phạm trù cho đến những hình thức biểu hiện, những khoa học đảm nhận nghiên cứu từng chuyên ngành hẹp của nó. 

Cơ sở lý luận chung nhất để giải quyết những vấn đề đó chính là xác lập mối quan hệ phương pháp luận giữa khoa học xã hội với khoa học chuyên ngành nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Trước hết cần làm sáng tỏ một số vấn đề chủ yếu nhất thuộc về phương pháp luận nghiên cứu khoa học xã hội. 

Thứ nhất, nghiên cứu khoa học xã hội phải dựa vững chắc và nhất quán với quan niệm duy vật lịch sử. Chủ nghĩa duy vật lịch sử với một hệ thống chặt chẽ các nguyên lý, các tư tưởng khoa học là nền tảng lý luận – phương pháp luận chung của tất cả khoa học xã hội. Đây là nguyên tắc chủ đạo, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình nghiên cứu. 

Mỗi nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng như của triết học Mácxít nói chung đều thống nhất trong bản thân nó ý nghĩa bản thể luận và nhận thức luận, đều vừa là nguyên tắc thế giới quan, vừa mang tính chất phương pháp luận. Nó đồng thời biểu đạt về hệ tư tưởng, trong đó có sự gắn bó và thống nhất hữu cơ giữa khoa học và chính trị, tức là giữa tính khoa học và tính đảng. Triết học và tất cả các môn khoa học xã hội, khác về cǎn bản với khoa học tự nhiên trên hai điểm chủ yếu là: Điểm khác thứ nhất là nghiên cứu quy luật và phát hiện ra quy luật xã hội cũng như vai trò của con người, của hoạt động thực tiễn đối với sự vận động, hoạt động của quy luật này. Nó khác xa với sự vận động của tự nhiên, và quy luật tự nhiên là có tính thuần tuý tự nhiên và tự phát. Điểm khác thứ hai là ngay từ khi ra đời, các khoa học xã hội đều mang tính giai cấp, đều phục vụ lợi ích giai cấp trong cuộc đấu tranh giai cấp. (Khoa học tự nhiên trong hình thức thuần tuý của nó không có tính chất này. Giai cấp hoặc lực lượng xã hội nào đó lợi dụng thành quả khoa học tự nhiên phục vụ cho lợi ích của mình là thuộc về vấn đề khác). Chính vì vậy, khoa học xã hội không thể và không bao giờ tách rời khỏi chính trị, khỏi hệ tư tưởng. Đấu tranh trong khoa học xã hội không bao giờ thuần tuý mang tính chất học thuật mà thường là gắn liền với hoặc dẫn tới đấu tranh về hệ tư tưởng và quan điểm chính trị. 

Đối với những nhà khoa học xã hội theo lập trường của chủ nghĩa Mác thì việc nắm lấy chủ nghĩa duy vật và biện chứng về lịch sử là nắm lấy công cụ nhận thức khoa học triệt để và vũ khí sắc bén nhất của đấu tranh về hệ tư tưởng, ý thức. Đây là một thực tế khách quan được kiến giải tường minh về lý luận và được chứng thực rõ ràng về mặt thực tiễn lịch sử. Nó tuyệt nhiên không phải là một thái độ thiên khiến và lập trường biệt phái như những sự xuyên tạc đã xảy ra. 

Như Lênin đã tổng kết: Chủ nghĩa duy vật lịch sử do Mác – Ǎngghen sáng lập ra là thành quả vĩ đại bậc nhất của tư tưởng khoa học. Lần đầu tiên nó đem lại trong lịch sử nhân loại một cách kiến giải khoa học hoàn toàn mới mẻ về bản chất của đời sống xã hội và phát hiện ra các quy luật khách quan của lịch sử, cái mà trước đó, xã hội học tư sản đã đẩy nó vào tình trạng hỗn độn, chất đống các sự kiện hoặc làm cho nó trở nên thần bí, có tính chất tôn giáo. Với quan niệm duy vật và biện chứng về lịch sử, Mác và Ǎngghen đã khắc phục được “ba cái quên” lớn nhất trong lịch sử triết học: quên điểm xuất phát, quên thế giới khách quan của chủ nghĩa duy tâm, và quên không biết đến con người (sự hoạt động của chủ thể) của chủ nghĩa duy vật trước Mác (siêu hình). Chủ nghĩa duy vật lịch sử đóng vai trò vũ trang phương pháp luận nghiên cứu cho khoa học xã hội. Nó được biểu hiện qua lý luận, học thuyết kinh điển trong di sản đồ sộ và uyên bác này mà trực tiếp và nổi bật là mấy nét tổng quát sau đây: 

– Vạch ra quy luật chung, phổ biến của mọi thời đại lịch sử là quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Trên cơ sở quy luật này, chủ nghĩa duy vật lịch sử nhìn nhận lịch sử như một quá trình lịch sử – tự nhiên. Và lý luận về phương thức sản xuất, về hình thái kinh tế xã hội đã làm sáng tỏ rằng, lôgích của cái tất yếu kinh tế đi xuyên qua mọi biến thiên của lịch sử, xét đến cùng, kinh tế là nhân tố quyết định của lịch sử. Triệt để và biện chứng hơn, các tác giả kinh điển còn nhìn thấy ở kinh tế cái vai trò quyết định cuối cùng chứ không phải duy nhất. Tư tưởng này phải được coi một trong những chìa khoá đối với người nghiên cứu khi đi vào giải phẫu cái cơ thể phức tạp là xã hội. 

– Vạch ra quy luật đấu tranh giai cấp như là sự phản ánh về mặt xã hội những mâu thuẫn của quan hệ kinh tế (của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất). Hơn nữa, chủ nghĩa duy vật lịch sử xem đấu tranh giai cấp là một động lực của sự phát triển xã hội có giai cấp. Dĩ nhiên, đấy là một trong nhiều động lực chứ không phải là động lực duy nhất, vĩnh viễn. Cách mạng cộng sản chủ nghĩa (theo cách nói của Mác) là có nội dung kinh tế, thâm sâu trong nội dung chính trị của nó. Biện chứng của kinh tế và chính trị, kinh tế và xã hội là biện chứng của phát triển trong cách mạng và trong tổ chức xã hội, kể cả tổ chức đời sống xã hội về lĩnh vực vǎn hoá – tinh thần. 

– Vạch ra lý luận về vai trò của quần chúng và của cá nhân đối với hoạt động lịch sử van hoá và vǎn minh. Lý luận này, lần đấu tiên xác lập vị thế chủ động, tích cực của quần chúng lao động (mà tiêu biểu là giai cấp vô sản cách mạng với sứ mệnh lịch sử thế giới của nó) như là một chủ thể của lịch sử. Đó là sự kết hợp giữa vai trò quyết định thuộc về quần chúng với cống hiến có tác dụng to lớn đặc biệt của lãnh tụ và các thiên tài, trong tiến trình lịch sử. Lý luận này đặt cơ sở niềm tin khoa học vào sức mạnh nhân dân trong cách mạng, đặc biệt là cách mạng vô sản. Nó tôn vinh con người lao động với tầm cao của chủ nghĩa nhân đạo hiện thực. Nó làm sáng tỏ bản chất của sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng giai cấp và nhân loại. Nó vạch ra mối liên hệ biện chứng giữa xã hội và cá nhân, giữa quần chúng và lãnh tụ trong chiến lược phát triển. Nó hướng tới mục tiêu thực hiện sự phát triển tự do và toàn diện của từng cá nhân, và sự phát triển của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển của tất cả, xem đó là mục đích tự thân của lịch sử. 

– Chủ nghĩa duy vật lịch sử, bao quát mọi sự vận động xã hội hiện thực đã khái quát lên nguyên lý về tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, đồng thời thể hiện tính nǎng động và tính độc lập tương đối của ý thức xã hội. Gắn liền với nó là lý luận về con người hiện thực mang bản chất xã hội trong tính thống nhất với bản chất sinh học, về biện chứng giữa con người, nhân cách, cá nhân và cá thể với xã hội, với môi trường và hoàn cảnh, chỉ ra quy luật hình thành con người mới trong những thời đại lịch sử mới thông qua cải tạo và xây dựng… 

Đó là bốn nét tổng quát cǎn bản nhất của phương pháp luận duy vật lịch sử. Nó cho ta những sợi dây dẫn đường, cho ta kim cỉ nam hành động trong khi tiếp cận và giải quyết các vấn đề về con người, xã hội trong nghiên cứu khoa học xã hội. 

Thứ hai, nghiên cứu khoa học xã hội trên lập trường mác xít, trên quan điểm và phương pháp biện chứng duy vật đòi hỏi phải xuất phát từ hiện thực khách quan của đời sống vật chất và các quan hệ kinh tế để giải thích trạng thái hiện thực của ý thức tư tưởng và các quan hệ tinh thần. Nói rộng hơn, người nghiên cứu phải xử lý một cách biện chứng giữa quyết định luận kinh tế với quyết định luận xã hội trong sự phát triển của con người và xã hội. 

Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị (1859), Các Mác đã từng viết: “Không thể nhận định về một thời đại đảo lộn như thể cǎn cứ vào ý thức của thời đại ấy. Trái lại, phải giải thích ý thức ấy bằng những mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sự xung đột hiện có giữa các lực lượng sản xuất xã hội và những quan hệ sản xuất xã hội. Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ…”. Tư tưởng trên đây của Mác chứa đựng ý nghĩa cực kỳ sâu sắc về tính quy định chế ước lẫn nhau giữa kinh tế và xã hội, về tất yếu kinh tế là cái giá đỡ vật chất cho mọi tất yếu chính trị, xã hội và tư tưởng. Thấu triệt tư tưởng biện chứng này là một đảm bảo phòng ngừa không sa vào duy ý chí, duy tâm chủ quan về lịch sử trong khi giải quyết thực tiễn các nhiệm vụ xã hội. Tư tưởng này còn thấy ở các tác phẩm khác của Mác: Sự thống trị của thực dân Anh ở ấn Độ và Ngày 18 tháng Sương mù của Luy Bônapactơ. Đây là những tá phẩm chứa đựng những luận đề tư tưởng phương pháp luận khoa học với hàm lượng triết học cao, có giá trị và ý nghĩa phổ biến trong nghiên cứu khoa học lịch sử, khoa học xã hội nói chung. 

Thứ ba, nghiên cứu khoa học xã hội, đặc biệt là nghiên cứu lý luận và lịch sử tư tưởng phải tuân thủ phương pháp hệ thống, phải khảo sát mọi hiện tượng và quan hệ trong sự vận động, phát triển của nó và không nên quên rằng lôgích tư tưởng chỉ là sự phản ánh lôgích hiện thực, là tái hiện cái khách quan trong cái chủ quan mà thôi. 

Lênin đòi hỏi rằng, toàn bộ tinh thần của chủ nghĩa Mác, tất cả hệ thống của nó đều phải được nghiên cứu với yêu cầu là: Đối với mỗi nguyên lý đều phải khảo sát về mặt lịch sử, có liên hệ với các nguyên lý khác và có kinh nghiệm với kinh nghiệm lịch sử cụ thể. Chỉ như vậy mới nhận thức được một cách chân thực một tư tưởng khoa học, không chia cắt nó khỏi hoàn cảnh lịch sử, không cắt xén tuỳ tiện hoặc cô lập nó ra khỏi hệ thống để xuyên tạc nó. 

Mối liên hệ giữa lịch sử và tư tưởng cũng là mối liên hệ giữa đời sống hiện thực với ý thức tư tưởng. ở đó, mọi nghiên cứu về khoa học xã hội đòi hỏi sự thấm nhuần sâu sắc tinh thần tôn trọng thực tiễn, tôn trọng sự thật khách quan, sự “phân tích cụ thể một tình hình cụ thể”, hướng mọi sự phân tích đối tượng và sự kiện theo quan điểm toàn diện, lịch sử – cụ thể và quan điểm phát triển. Chính ở đây, Ǎngghen có một chỉ dẫn quan trọng là: “Lịch sử bắt đầu từ đâu thì quá trình tư duy cũng phải bắt đầu từ đó, và sự vận động tiếp tục của nó chẳng qua chỉ là sự phản ánh quá trình lịch sử dưới một hình thái trừu tượng và nhất quán về lý luận”. 

Để nắm được bản chất sự vật và phát hiện được quy luật sinh thành, phát triển của nó – mà đây là điểm cốt yếu của nghiên cứu khoa học xã hội, Lênin cho rằng, phải tránh sa lầy vào những chi tiết vụn vặt, biết vạch ra mối liên hệ lịch sử cǎn bản bên trong. Đó là cái quyết định sự phát triển và tự phát triển. Ông xem nó như là điều kiện quan trọng nhất của nghiên cứu. “Trong vấn đề thuộc về khoa học xã hội, phương pháp chắc chắn nhất và cần thiết nhất để thực sự có được thói quen xem xét vấn đề đó một cách đúng đắn và để không lạc hướng trong rất nhiều chi tiết, hoặc trong rất nhiều ý kiến đối lập nhau, điều kiện quan trọng nhất của một sự nghiên cứu khoa học là không nên quên mối liên hệ lịch sử cǎn bản; là xem xét mỗi vấn đề theo quan điểm sau đây: một hiện tượng nhất định đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào, hiện tượng đó đã trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu nào, và đứng trên quan điểm của sự phát triển đó để xem xét hiện nay nó đã trở thành như thế nào…”. 

Thứ tư, nghiên cứu khoa học xã hội là nghiên cứu xã hội và loài người trong cơ cấu, tổ chức và các mối quan hệ của nó gắn với một thời đại lịch sử nhất định, với một chế độ kinh tế và chế độ chính trị xác định cùng với hệ tư tưởng chi phối xã hội và thời đại đó. Xét đến cùng, lợi ích và quyền lực của con người là điểm nhậy cảm nhất. Đó là vấn đề thường trực trong các quan hệ giai cấp, diễn ra trong xung đột và đấu tranh giai cấp. Do đó, mọi nghiên cứu về xã hội phải xuất phát từ đời sống hiện thực, từ các quan hệ lợi ích thực tiễn vật chất, từ quan hệ quyền lực kinh tế và chính trị để lý giải các quan hệ tư tưởng và đời sống tinh thần của con người và xã hội trên quan điểm giai cấp. Đi chệch khỏi quan niệm và quan điểm đó không tránh khỏi tính chất duy tâm về lịch sử, tính mơ hồ và sự không tưởng trong việc nhận thức bản chất thực sự của con người và xã hội, của vận động lịch sử. Về vấn đề này, trong tác phẩm Gia đình thần thánh (1845), Mác đã viết: Tư tưởng một khi đã tách rời khỏi lợi ích thì tự nó sẽ làm nhục bản thân nó. Và, hoạt động của lịch sử bởi con người trước hết là hoạt động sản xuất để thực hiện lợi ích, để tái sản xuất cao hơn các nhu cầu, để giải phóng và tǎng lên quyền lực của con người trước tự nhiên và lịch sử. Chính hoạt động đó đã quy định vai trò của quần chúng. Ông viết: Hoạt động lịch sử càng đi sâu thì khối quần chúng cũng sẽ mở rộng mà hoạt động lịch sử chính là sự nghiệp của họ. 

Nhận thức được điều đó là nhận thức được cái cǎn bản, sâu xa của lịch sử tức là nắm sự vật từ gốc và đối với con người, cái gốc chính là bản thân con người. 

Còn có nhiều điểm khác nữa trong lý luận – phương pháp luận duy vật lịch sử. Song đây là những vấn đề cốt yếu nhất chi phối trực tiếp tới nghiên cứu khoa học xã hội. Đây cũng là những vấn đề cần được vận dụng, cụ thể hoá trong phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh. 

Vậy có hay không có một phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh ? 

Có ý kiến cho rằng: Phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh chính là phương pháp luận của các khoa học xã hội. Các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau, từ giác độ khoa học chuyên ngành của mình, vận dụng phương pháp luận của khoa học ấy để nghiên cứu từng lĩnh vực, từng chuyên đề, từng giai đoạn trong cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. 

Tất nhiên, bằng con đường đó, thời gian qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì tình hình cũng không tiến triển hơn được bao nhiêu. 

Phương pháp luận nghiên cứu Hồ Chí Minh về cơ bản là thuộc phạm trù phương pháp luận của các khoa học xã hội. Các khoa học xã hội có cơ sở phương pháp luận chung cho nhận thức và hoạt động của nó là triết học Mác – Lênin (chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử). Phương pháp luận nghiên cứu Hồ Chí Minh tất nhiên có vận dụng những nguyên tắc phương pháp luận của các khoa học xã hội như các nguyên tắc tính khách quan khoa học, tính toàn diện, tính hệ thống, nguyên tắc chủ nghĩa lịch sử, v.v. song không đồng nhất với nó. 

Mặt khác, phương pháp luận nghiên cứu Hồ Chí Minh, trong hệ thống cấu tạo các cấp độ của nó, cũng bao gồm sự vận dụng phương pháp luận của các khoa học cụ thể, chuyên biệt vào việc nghiên cứu từng lĩnh vực khác nhau trong di sản của Hồ Chí Minh, nhưng không phải là sự cộng lại giản đơn của các phương pháp đó. 

Vậy, phương pháp luận nghiên cứu Hồ Chí Minh được quy định bởi cái gì?

 

Với trình độ và thành tựu hiện nay của khoa học nghiên cứu về các phương pháp, cho phép chúng ta vượt lên trên quan niệm cho rằng các khoa học chuyên ngành chỉ cần áp dụng phương pháp của phép biện chứng duy vật là đủ, không cần phải phát triển phương pháp luận riêng của mình. Quan niệm rằng chỉ triết học mới có phương pháp luận là quan niệm đã được khoa học vượt qua. Đa số các nhà khoa học ngày nay cho rằng, đối tượng quyết định phương pháp, và mỗi khoa học cụ thể, mỗi chuyên ngành nghiên cứu có phương pháp luận riêng của nó. Mỗi khoa học cụ thể là cả một hệ thống phức tạp, vừa kết cấu theo phương thẳng đứng, vừa theo phương nằm ngang, và trong mỗi hệ thống, lại có những tiểu hệ thống nhất định. Do đó, triết học không thể đóng vai trò phát hiện và nghiên cứu thay cho các khoa học cụ thể được, nghĩa là không thể xông vào bất cứ lĩnh vực nào và ở đâu cũng có thể đưa ra những kiến nghị đúng đắn, nếu không hiểu tường tận đối tượng đặc thù của khoa học chuyên biệt đó. 

Phương pháp luận của một bộ môn khoa học chuyên ngành trước hết phải được khảo sát trên thực tiễn trực tiếp của những công việc nghiên cứu cụ thể chứ không phải bằng cách rút ra một cách hợp lôgích những phương pháp từ những nguyên lý chung của triết học. Trong lĩnh vực phương pháp luận, thứ lý luận suông không gắn liền với đối tượng trực tiếp của một môn khoa học nhất định sẽ chỉ là một việc làm giáo điều và vô bổ. 

Như đã trình bày ở trên, nghiên cứu Hồ Chí Minh phải biết vận dụng thấu đáo và nhuần nhuyễn những nguyên tắc phương pháp luận chung của khoa học xã hội. Song, sự nghiệp nghiên cứu khoa học về Hồ Chí Minh chỉ có thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình, nếu nó biết xuất phát từ chính bản thân đối tượng và xây dựng được những nguyên tắc phương pháp luận cụ thể trên cơ sở lý thuyết về đối tượng đó. 

Tiểu sử – sự nghiệp – tư tưởng – lý luận,… của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là đối tượng nghiên cứu của chúng ta, một đối tượng có thể nói là đa dạng và phong phú bao gồm trong đó những vấn đề không phải chỉ thuộc về một khoa học mà của nhiều khoa học, không phải chỉ gồm một hệ thống mà nhiều hệ thống. Người vừa là một trong những tinh hoa vǎn hoá nhân loại, vừa là người khai sinh cho một thời đại mới trong lịch sử dân tộc: thời đại Hồ Chí Minh. Người vừa là nhà tư tưởng, nhà lý luận cách mạng, vừa là người tổ chức, vị chỉ huy của cách mạng; vừa là chiến sĩ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc, vừa là nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; vừa là nhà chiến lược quân sự, nhà chính trị, nhà ngoại giao,… tài giỏi, vừa là nhà vǎn, nhà thơ, nhà báo,… xuất sắc. 

Về phương diện khoa học, Hồ Chí Minh là người mở đường và đặt cơ sở mácxít – lêninít cho sự phát triển của hầu hết các bộ môn khoa học xã hội chủ yếu ở nước ta. Ngay trong mỗi tác phẩm lớn của Người cũng bao gồm nhiều vấn đề, có thể trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau. Bản án chế thực dân Pháp có thể được nghiên cứu từ giác độ của nhà chính trị, nhà sử học, luật học, vǎn học, v.v.. Điều đó có nghĩa là để nghiên cứu tác phẩm của Hồ Chí Minh như một chỉnh thể cần có những công trình cụ thể, liên ngành. Khoa học, sau quá trình phân ngành, cũng đang diễn ra quá trình lập ngành. Nghiên cứu Hồ Chí Minh như là một nhà tư tưởng, nhà lý luận hoặc chỉ nghiên cứu một tác phẩm của Người như một chỉnh thể, cần thiết phải có những công trình liên ngành. Một khi các nhà khoa học cùng nghiên cứu một tác phẩm của Người thì cần có một phương pháp luận chung để làm việc đó. Từ nhu cầu thực tiễn đó, cần phải tìm tòi, trao đổi, tiến tới nhanh chóng xác lập được những nguyên tắc phương pháp luận chỉ đạo việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh. 

Những nguyên tắc đó, như đã phân tích ở trên, không phải là những nguyên tắc phương pháp luận của khoa học xã hội. Sự nghiệp nghiên cứu về Hồ Chí Minh ở nước ta đang phát triển như một chuyên ngành nghiên cứu cụ thể, có tổ chức nghiên cứu với những mục đích và nhiệm vụ xác định, có một đối tượng nghiên cứu xác định . Phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh phải xác lập được những nguyên tắc phương pháp luận của mình để giúp nhà nghiên cứu chiếm lĩnh được đối tượng về phương diện lý thuyết cũng như về phương diện thực hành, trên cơ sở đó mà hoàn thành được mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu đã đề ra. Nội dung của vấn đề này sẽ được đề cập đến một cách cụ thể và chi tiết ở chương II. 

III. Mấy khái niệm cần phân biệt trong nghiên cứu về Hồ Chí Minh từ cách nhìn phương pháp luận

 

Bàn về phương pháp luận nghiên cứu Hồ Chí Minh, để tránh nhầm lẫn, có một số khái niệm cần làm rõ và sử dụng thống nhất trong nghiên cứu. Vì vậy, cần thiết phải phân biệt: 

– Phương pháp luận của Hồ Chí Minh, tức là của bản thân đối tượng đang được nghiên cứu. 

– Phương pháp hệ (methodicat), tức hệ thống các phương pháp được chọn lọc, vận dụng vào nghiên cứu về Hồ Chí Minh, nghĩa là những công cụ tác động vào đối tượng được coi là thích hợp và có hiệu quả nhất. 

– Phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh, ở đây cũng chỉ quy ước như là những nguyên tắc lý thuyết có ý nghĩa chỉ đạo việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh. 

Mỗi khái niệm này có một nội dung riêng, đồng thời có mối liên hệ với nhau trong việc lĩnh hội, nghiên cứu cũng như giảng dạy, giáo dục, tuyên truyền về Hồ Chí Minh. 

1. Phương pháp luận của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng, nhà lý luận, đương nhiên Người có phương pháp luận của mình. Phương pháp luận của Hồ Chí Minh cũng bắt nguồn từ phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin mà ra, nhưng được vận dụng và chuyển hoá vào thực tiễn Việt Nam, để xử lý, giải quyết những vấn đề do thực tiễn Việt Nam đặt ra. Đó là phương pháp luận chỉ đạo Hồ Chí Minh trong nhận thức, trong đấu tranh cách mạng, trong các hoạt động lãnh đạo và quản lý, đối nội và đối ngoại mà Người phải xử lý trên cương vị lãnh tụ Đảng và nguyên thủ quốc gia; trong lĩnh vực hoạt động vǎn hoá – tinh thần, sáng tạo vǎn học nghệ thuật; trong vǎn hoá ứng xử của Người với tư cách một con người, như mọi người của đời thường, với tất cả những niềm vui và nỗi buồn, những dằn vặt đau khổ, những suy tư, chiêm nghiệm và hành động trước những hạnh phúc và bất hạnh của cuộc sống. 

Không nên quên một thực tế: Người là một nhà tư tưởng, nhà lý luận lớn, nhưng Người không coi học thuyết, chủ nghĩa, triết thuyết là cứu cánh. Người không để lại những trước tác lớn, đơn thuần bàn về lý luận và phương pháp luận. Đặc biệt là Người không dùng ngôn ngữ bác học, vǎn phong hàn lâm để biểu đạt ý tưởng của mình. Người quen nói và viết mộc mạc cho dân mình phần đông còn mù chữ, thất học hoặc học thức còn ít đều hiểu được. Thế nhưng mức độ sâu sắc của các ý tưởng của Người thì ngay các bậc học giả uyên thâm cũng vẫn phải ngạc nhiên. Giải thích thế nào về mức độ sâu sắc đó ? Cũng như vậy, trong lĩnh vực báo chí, Người là một nhà báo cách mạng nổi tiếng trên nhiều diễn đàn thế giới; trong vǎn học, Người là nhà thơ lớn đã đem vào trong thơ ca không ít những mẫu mực cổ điển. ấy thế mà Người chỉ xem những cái đó như là phương tiện cho tranh đấu; cảm xúc thi hứng của Người lớn lao như vậy, Người cũng chỉ xem nó là chuyện thoáng qua, như đi đường, tiện tay hái một nhành hoa ! Còn ở cương vị lãnh tụ, nguyên thủ quốc gia, Người vẫn chỉ coi mình là một công dân bình thường, một người lính vâng lệnh quốc gia ra mặt trận phục vụ dân chúng, nếu đồng bào cho nghỉ Người sẽ thanh thản sống trong gian nhà nhỏ để trồng rau, câu cá! Cũng như vậy, là một chính khách lớn của thế giới, đến ngay kẻ thù cũng phải kính phục và trọng nể, Người vẫn chỉ nhận mình là một người yêu nước, từ chối tất cả mọi huân chương, tước hiệu. 

Tất cả những điều tưởng như khó hiểu đó đã trở nên rõ ràng khi ta hiểu câu nói của Người: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ǎn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là chỗ lớn lao nhất của Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời của Người đã minh chứng cho điều chân thật sau đây: “Mỗi người có một nỗi khổ riêng. Cộng tất cả nỗi khổ đau của mọi người, của muôn nhà thì đó là nỗi đau của riêng tôi”. Đây là chỗ sâu sắc nhất của Hồ Chí Minh. Chung đúc lại, đủ hiểu vì sao, Hồ Chí Minh làm xúc động và có sức cảm hoá con người mãnh liệt đến như vậy. Phải dựa trên thực tiễn này mới có thể tìm thấy đâu là phương pháp luận của Hồ Chí Minh. Đó chính là phương pháp luận của sự nghiệp lớn, hành động lớn vì động cơ và mục tiêu cao cả nhất: Phương pháp luận của đấu tranh cách mạng vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội; vì giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng nhân loại cần lao. Vì sự nghiệp cao cả đó Hồ Chí Minh nguyện làm tất cả và dâng hiến tất cả. Chữ “DÂN” và “DÂN vận” của Hồ Chí Minh quy tụ tất cả mọi điều ấy. Đó là phương pháp luận của nhà triết học – hành động, nhà chính trị – thực tiễn và lãnh tụ sáng suốt của nhân dân. Người tìm đến chủ nghĩa Mác – Lênin, Người lựa chọn chủ nghĩa xã hội, chủ trương làm cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản là vì tìm thấy ở đấy con đường tốt nhất, hữu hiệu nhất để thực hành cái đạo lớn lao ấy. 

Do đó, có thể hình dung một vài nét trong phương pháp luận của Hồ Chí Minh như sau: 

– Xuất phát từ thực tiễn dân tộc (đất nước, lịch sử, con người Việt Nam), lấy mục tiêu độc lập của dân tộc, tự do của nhân dân, hạnh phúc của đồng bào làm chuẩn mực hành vi, thước đo của hoạt động, tiêu chuẩn của chân lý. Xuất phát từ mục tiêu đó mà xử lý hài hoà các mối quan hệ dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, tự lực và ngoại viện, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa nhân vǎn… 

– Thống nhất hữu cơ giữa lý luận và thực tiễn. Học tập chủ nghĩa Mác – Lênin là nắm lấy tinh thần và phương pháp của nó để xử lý độc lập, sáng tạo mọi quan hệ với con người và công việc. 

– Thấu hiểu quy luật khách quan để hành động đúng đắn và thành công. Kiên trì nguyên tắc kết hợp với mềm dẻo, linh hoạt trong phương pháp. Chiến lược đúng phải có sách lược hay; khoa học kết hợp với nghệ thuật trong việc tạo thời cơ, chớp thời cơ; “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”; “Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ, kiên quyết không ngừng thế tiến công”; “Biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự”; “Thế và lực trong cách mạng và trong phát triển là ở Đại Đoàn kết”,… 

– Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội là do nhân dân tự làm lấy dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, mọi điều phải xuất phát từ dân, lấy dân làm gốc. Nói, viết sao cho giản dị, dễ hiểu cốt để quần chúng hiểu ngay và làm được; nắm cái tinh thần của sự vật, đi ngay vào cái cốt lõi của vấn đề. ở Hồ Chí Minh, những chân lý lớn của thời đại được hiện ra trong những câu nói giản dị và hàm súc. 

– Cán bộ là vốn quý của Đảng, của cách mạng. Cán bộ tốt quyết định tất cả. Muốn vậy phải rèn luyện cán bộ trong đấu tranh, hết lòng vì dân, vì nước, diệt trừ chủ nghĩa cá nhân, trau dồi đạo đức cách mạng, phải phát hiện và trọng dụng nhân tài qua thực tiễn và qua sự tín nhiệm của quần chúng,… 

Đó là một vài nét phác thảo sơ bộ về phương pháp luận của Hồ Chí Minh. Tuy Người không để lại cho chúng ta một công trình hoàn chỉnh nào về phương pháp luận, nhưng chúng ta có thể nghiên cứu và tìm ra phương pháp luận của Người từ hai hướng: dựa vào câu chữ (sách vở), gọi là tư tưởng – phương pháp; và dựa vào cách làm, lời dặn, gọi là hành động – phương pháp (chữ dùng của giáo sư Lê Trí Viễn). 

2. Hệ phương pháp nghiên cứu về Hồ Chí Minh (tức là các công cụ tác động vào đối tượng). Điều cần nói là, những phương pháp này không tự sản sinh ra, không tách rời chính đối tượng. Mức độ hiểu biết về đối tượng, yêu cầu nghiên cứu đối tượng sẽ quy định việc lựa chọn những phương pháp thích hợp. Đồng thời chủ thể sử dụng phương pháp phải đổi mới chính mình để đổi mới phương pháp đáp ứng yêu cầu tǎng tiến hiệu quả nghiên cứu. Tác dụng của phương pháp chỉ bộc lộ ra mặt tích cực của nó thông qua sáng tạo của chủ thể sử dụng phương pháp đó. Đây vừa là trình độ tư tưởng, nǎng lực khoa học vừa là trình độ kỹ thuật – công nghệ đạt được trong nghiên cứu. Tất cả các phương pháp và thao tác đã có và thường thấy như: phân tích, tổng hợp, khái quát và trừu tượng hoá, so sánh, hệ thống, điều tra xã hội học, thực nghiệm, nghiên cứu vǎn bản, hiện vật, thống kê, phân loại… đều có thể ứng dụng vào nghiên cứu chung và nghiên cứu loại biệt về Hồ Chí Minh. Cái quan trọng là nghệ thuật lựa chọn và xử lý phương pháp trong nghiên cứu. 

Có thể nói, toàn bộ triết học thâu tóm vào phương pháp. Mỗi bước tiến về khoa học được đánh dấu bằng một phương pháp mới. Do đó, sáng tạo về phương pháp là một sáng tạo lớn, có tầm cỡ trong nghiên cứu khoa học. Song đến lượt nó, áp dụng phương pháp nào nghiên cứu, lại đòi hỏi ở người nghiên cứu nǎng lực sáng tạo trong việc sử dụng phương pháp. Đòi hỏi ấy đang đặt ra và thử thách các nhà khoa học trong chuyên ngành nghiên cứu về Hồ Chí Minh. 

3. Phương pháp luận nghiên cứu về Hồ Chí Minh là những nguyên tắc chỉ đạo việc nghiên cứu, mà những nguyên tắc này, ở cấp độ lý thuyết, sẽ được bàn kỹ ở chương sau. 

Chương II 
Những nguyên tắc phương pháp luận chung 

chỉ đạo việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh

Nói nguyên tắc phương pháp luận nghiên cứu chính là nói cái chung, cái phổ biến ở trình độ bản chất, có tính ổn định và sự sâu sắc cần thiết đủ sức làm cơ sở dẫn dắt việc nghiên cứu đi tới mục tiêu đã định hướng. Việc vận dụng những nguyên tắc chung đó vào chuyên ngành nghiên cứu Hồ Chí Minh để giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu đã vạch ra còn tuỳ thuộc vào trình độ, kỹ nǎng của người nghiên cứu vốn rất khác nhau và tuỳ thuộc vào mức độ, phạm vi, giới hạn của mỗi đề tài cũng như những tình huống nghiên cứu cụ thể, xác định. Trong chương này, chúng tôi đề cập tới ba nguyên tắc cơ bản sau đây: 

– Nắm vững những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. 

– Quán triệt những quan điểm của Đảng và chỉ dẫn của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta trong nghiên cứu về Hồ Chí Minh. 

– Kế thừa có hoặc chọn lọc kinh nghiệm và thành tựu của khoa học nghiên cứu về các vĩ nhân trên thế giới. 

I. Nắm vững những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử

 

Nguyên tắc này có tầm quan trọng hàng đầu đối với nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu khoa học xã hội và nhân vǎn, trong đó có nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Về thực chất, đây là sự quán triệt tinh thần và phương pháp triết học mácxít vào công tác nghiên cứu. 

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã luôn đề cao vai trò dẫn đường của lý luận Mác – Lênin đối với hoạt động thực tiễn. Người nhấn mạnh tới nét đặc sắc của chủ nghĩa Mác – Lênin là tính biện chứng, là khoa học và cách mạng, là sự thống nhất hữu cơ giữa lý luận và thực tiễn. Lênin cũng xác định rằng, nếu chỉ dùng độc một từ thôi mà có thể nói lên được tiêu điểm của từ “duy vật lịch sử” của Mác, Ǎngghen thì từ đó chính là phép biện chứng. Theo Lênin, chủ nghĩa duy vật lịch sử là thành quả vĩ đại bậc nhất của lịch sử tư tưởng. Nếu xem chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử là một thể thống nhất, cái này ở trong cái kia và ngược lại thì áp dụng triết học này vào nghiên cứu đời sống xã hội, con người, như nghiên cứu Hồ Chí Minh chẳng hạn, ta thấy đó chính là áp dụng quan niệm duy vật và biện chứng về lịch sử vào nghiên cứu Hồ Chí Minh. Lâu nay, cách nói tắt: quan niệm duy vật về lịch sử hay “chủ nghĩa duy vật lịch sử” thường dẫn đến chỗ không hiểu đầy đủ, dần dần trở thành hiểu sai theo khuynh hướng siêu hình, xa dần bản chất mácxít vốn là biện chứng. Trước Mác đã từng có thế giới quan duy vật, chủ nghĩa duy vật, mà tiêu biểu nhất là Phoiơbắc, một trong những đại biểu của nền triết học cổ điển Đức thế kỷ XIX. Ông đã có công lao to lớn trong việc khôi phục chủ nghĩa duy vật. Cũng đã từng có nhiều triết gia trước Mác đến được lịch sử với cách nhìn duy vật chủ nghĩa, nhưng phải đến Mác thì lịch sử mới được soi sáng bởi một thế giới quan khoa học hoàn bị, triệt để, đó là duy vật và biện chứng, tạo thành chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật. Phát kiến về bản chất của lịch sử của Mác sở dĩ có tính vạch thời đại vì ông đã lý giải một cách đúng đắn và triệt để bản chất của lịch sử, ông không chỉ thấy nhân tố kinh tế là quyết định cuối cùng, rằng xét đến cùng, mọi biến thiên của lịch sử đều có cǎn nguyên kinh tế (= CNDV) mà còn thấy kinh tế không phải là cái duy nhất quyết định lịch sử (= DVBC). Mác còn nhìn rất sâu phép biện chứng giữa vật chất và tinh thần, khách quan và chủ quan. Cũng như vậy, Lênin đã đem lý thuyết biện chứng đó soi vào thực tiễn cách mạng để vạch rõ sợi dây liên hệ giữa kinh tế và chính trị. 

Phải nhân chân lịch sử từ cơ sở triết học của nó là duy vật biện chứng, đặt tất cả mọi sự kiện, sự vật, hiện tượng, quá trình lịch sử dưới ánh sáng duy vật biện chứng để tìm cǎn nguyên, bản chất, động lực thúc đẩy nó. Đó là quan điểm và phương pháp mácxít. Vậy quan điểm duy vật biện chứng về lịch sử bao gồm những nội dung, những yêu cầu gì? Cần phải có một hệ thống các quan điểm như thế nào để có thể xem mỗi quan điểm đó đồng thời là nguyên tắc, là phương pháp chỉ đạo việc nghiên cứu. Đó là 

1. Quan điểm khách quan

 

Đây là điểm xuất phát xác định mọi quan điểm nghiên cứu về xã hội và lịch sử. Quan điểm này có cơ sở từ việc giải quyết đúng đắn vấn đề cơ bản của triết học, coi bản chất của thế giới là vật chất, là cái có trước, tồn tại độc lập với ý thức con người và ý thức con người có khả nǎng nhận thức, phản ánh cái vật chất khách quan ấy. Mác đã từng định nghĩa, ý thức con người ta chẳng qua chỉ là cái tồn tại được ý thức (tức là sự phản ánh tồn tại). 

Dưới ánh sáng của triết học Mác, phạm trù cái khách quan được cắt nghĩa tường minh trên cả hai phương diện Bản thể luận và Nhận thức luận. Theo Mác và Ǎngghen, cái khách quan là cái tồn tại bên ngoài con người, độc lập và không phụ thuộc vào ý thức, nhận thức của con người. Do đó, hoạt động nhận thức chủ thể phải bắt đầu từ chỗ có một đối tượng cho chủ thể nhận thức, cái đối tượng ấy tác động vào chủ thể, làm nảy sinh nhu cầu nhận thức của chủ thể. Kết luận phương pháp luận mà các ông rút ra là không thể giải thích tư tưởng của thời đại, ý niệm tư tưởng của con người mà lại cǎn cứ vào bản thân tư tưởng, ý niệm ấy. Đó là một thứ duy tâm lịch sử. Phải cắt nghĩa nó xuất phát từ toàn bộ hiện trạng, sự kiện, các quan hệ sản xuất – vật chất, cái trạng thái kinh tế đã dẫn đến sự phát sinh của tư tưởng đó. ở đây có biện chứng nhân – quả của đời sống hiện thực và hoạt động tư tưởng của con người. 

Tính khách quan bảo đảm cho mọi nghiên cứu đạt được sự chân thật, đúng đắn, đến gần với chân lý và quy luật. Do đó, chỉ những nghiên cứu nào tuân thủ tính khách quan mới có thể đem lại kết quả mang độ tin cậy. Nó xa lạ với những suy đoán chủ quan thoát ly thực tiễn, những kết quả không chân thực. Ǎngghen có nói một câu nổi tiếng: Hãy gọi tên sự vật đúng như bản thân nó. Đó chính là một đòi hỏi nghiêm ngặt trong việc tôn trọng tính khách quan của đời sống hiện thực. Yêu cầu tính khách quan của chủ nghĩa duy vật biện chứng là khách quan trong xem xét nhận thức, đánh giá, phát hiện bản chất, quy luật; trong sự sinh thành, biến đổi, phát triển, chuyển hoá, tương tác biện chứng giữa các mặt, các sự vật, hiện tượng. Nó khác về bản chất với chủ nghĩa khách quan tư sản vốn là một chủ nghĩa tự nhiên, mô tả chất đống sự kiện, che lấp bản chất tất yếu bằng một sự mô tả tuỳ tiện các hiện tượng thứ yếu, vụn vặt. 

Một nét đặc sắc khác về nhận thức trong phạm trù cái khách quan là ở chỗ, triết học Mác tôn trọng cái khách quan trong tính thống nhất với việc đề cao nǎng lực chủ quan con người. Đây là biện chứng của sự thâm nhập, chuyển hoá lẫn nhau giữa cái khách quan và cái chủ quan theo lôgích phát triển. Nó là sự thống nhất hai mặt của cùng một quá trình: mặt thứ nhất, khách quan hoá chủ quan, đó là quá trình chính xác hoá kết quả tư duy và hành động, làm cho cái chủ quan ngày càng phù hợp hơn với cái khách quan, tri thức ngày càng đúng đắn hơn do phản ánh đúng đắn thế giới đối tượng khách quan. Mặt thứ hai, chủ quan hoá khách quan, đó là quá trình con người mở rộng phạm vi, đối tượng nghiên cứu, cái mà ta đã nói ở trên, rút ngắn khoảng cách giữa chủ thể và đối tượng, chủ thể tiến sát tới đối tượng, chiếm lĩnh đối tượng. 

Quan điểm khách quan có ý nghĩa sâu sắc đối với nghiên cứu các vĩ nhân, xem xét mối liên hệ xã hội – lịch sử của sự sản sinh ra các thiên tài, xem họ là sản phẩm của lịch sử, con đẻ của thời đại. Chúng ta thấy rất rõ điều này khi nghiên cứu các nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. 

2. Quan điểm thực tiễn

 

Lý luận nhận thức của triết học Mác – Lênin cho rằng, thực tiễn là nguồn gốc và động lực của nhận thức, là cơ sở và tiêu chuẩn của chân lý. Một trong những dấu hiệu cǎn bản chứng tỏ sự ra đời của triết học Mác như một cuộc cách mạng trong lịch sử triết học là ở chỗ, triết học Mác đã khẳng định và luận chứng đúng đắn, triệt để nhất vai trò và bản chất của thực tiễn. Quan điểm mácxít về thực tiễn thống nhất trong bản thân nó tính khách quan thuộc về nguồn gốc và nội dung của chân lý với tính nǎng động chủ quan, tính tích cực sáng tạo của chủ thể là con người trong hoạt động nhận thức và cải tạo thực tiễn để đạt tới chân lý. Do đó, quan điểm thực tiễn, dưới ánh sáng của chủ nghĩa duy vật biện chứng là thực tiễn hoạt động của con người, một hoạt động vật chất cảm tính, có mục đích, có tính lịch sử – xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội. Đó là thực tiễn và hoạt động thực tiễn của con người hiện thực trong sự phát triển. Nó khác về nguyên tắc với chủ nghĩa duy vật trực quan, tách rời nhận thức với hoạt động thực tiễn, trong đó, con người chỉ ở trong giới hạn của con người sinh vật, là những cá thể thụ động và thế giới đối tượng là tĩnh tại. Nó cũng đối lập với chủ nghĩa duy tâm về thực tiễn chỉ tuyệt đối hoá yếu tố tinh thần, tư tưởng; xem hoạt động thực tiễn chỉ là hoạt động tinh thần, hoạt động lý luận và con người chỉ là một con người ý thức. 

Có thể nói, quan hệ đầu tiên, khởi nguyên của con người đối với thế giới xung quanh là quan hệ thực tiễn. Con người hoàn toàn không bắt đầu từ chỗ họ đứng ở quan hệ lý luận với các đối tượng của thế giới bên ngoài mà là tác động một cách tích cực vào thế giới đó. Nhận thức là hoạt động đặc trưng của con người nhưng sự xuất hiện và bản chất của nhận thức chỉ có thể được hiểu một cách đúng đắn trong mối quan hệ của của con người với hoạt động thực tiễn. Không ở trong thực tiễn thì không có bất cứ một nhận thức nào được nảy sinh. Cũng như vậy, không có bất cứ một sự biến đổi tích cực nào của thực tiễn nếu không thông qua hoạt động của con người dựa trên cơ sở nhận thức khoa học (giác ngộ quy luật) về thực tiễn của bản thân nó. Lênin đã từ đó rút ra kết luận: “Quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức”. 

Tính chuẩn xác và hiện thực của lý luận đòi hỏi phải gắn liền lý luận với thực tiễn; lý luận phải ở trong thực tiễn và thường xuyên xuất phát từ nhu cầu nhận thức và cải tạo thực tiễn; mặt khác phải đặt tất cả mọi lý luận trong sự khảo nghiệm của thực tiễn và tổng kết thực tiễn để bổ sung và phát triển lý luận mới. 

Lý luận rọi sáng thực tiễn và thực tiễn kiểm tra, đánh giá lý luận. Thực tiễn thúc đẩy lý luận và lý luận cung cấp cơ sở khoa học cho mọi hành động cải tạo thực tiễn của con người. Lý luận một khi đã hình thành thì ổn định một cách tương đối. Thực tiễn thì thường xuyên biến đổi. Nó biến đổi nhanh hơn so với sự biến đổi của lý luận. Lênin đã khái quát bản chất mối quan hệ này của thực tiễn và lý luận trong nhận xét: “Thực tiễn cao hơn nhận thức (lý luận) vì nó có ưu điểm không những của tính phổ biến, mà cả của tính hiện thực trực tiếp”. Đại thi hào Gớt nói một cách hình ảnh rằng: mọi lý thuyết đều là màu xám còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi. 

Quan điểm thực tiễn chẳng những cho ta nhìn nhận đúng đắn, bản chất của lý luận xuất phát từ thực tiễn, thống nhất với thực tiễn, mà còn cho ta hiểu rõ biện chứng của tính tương đối và tuyệt đối của chân lý tức là của những tri thức lý luận phù hợp với khách quan. Chân lý là cụ thể, không có chân lý trừu tượng mặc dù trên con đường nhận thức chân lý, chủ thể nhận thức phải thông qua sự trừu tượng hoá khoa học. Đó là phương thức đạt tới tư duy lý luận, đưa nhận thức ngày càng đi sâu vào bản chất bên trong của cái cụ thể được nhận thức. Nhờ tư duy lý luận – khoa học mà cái cụ thể cảm tính ban đầu được lấy làm điểm xuất phát của sự nghiên cứu, là hình ảnh bề ngoài về một cái toàn bộ chuyển thành cái cụ thể với tư cách là kết quả của tư duy lý luận, của sự nghiên cứu khoa học phản ánh cái cụ thể trong hiện thực trong hệ thống những khái niệm, phạm trù, quy luật. ở trình độ bản chất này, cái cụ thể, như Mác nói, là sự tổng hợp của nhiều định nghĩa, là sự thống nhất của cái muôn vẻ, là một tổng thể phong phú của rất nhiều quy định và quan hệ. Nhận thức đi xa cái cụ thể là để nhận thức cái cụ thể sâu sắc hơn và đúng đắn hơn. Tính sâu sắc và đúng đắn hơn của quá trình nhận thức chân lý khách quan và cụ thể đó chính là sự đạt dần tới cái tuyệt đối trong cái tương đối như một quá trình “phân tích cụ thể một tình hình cụ thể” mà Lênin xem như bản chất, linh hồn sống của chủ nghĩa Mác. Theo Hêghen, chân lý không còn là sự gom góp những nguyên lý giáo điều đã có sẵn, những nguyên lý mà người ta chỉ có việc học thuộc lòng một khi đã tìm ra nó. Chân lý nằm trong bản thân quá trình nhận thức, trong sự phát triển lâu dài của khoa học. Đánh giá cao quan niệm biện chứng này của Hêghen, Lênin xem mỗi chân lý khoa học dù là có tính tương đối vẫn chứa đựng một yếu tố của chân lý tuyệt đối và “mỗi giai đoạn phát triển của khoa học lại đem thêm những hạt mới vào cái tổng số ấy của chân lý tuyệt đối”. 

Quan điểm thực tiễn như đã trình bày trên đây cần được quán triệt và vận dụng vào nghiên cứu Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là nét đặc sắc nổi bật trong phương pháp luận của Hồ Chí Minh với tư cách một nhà tư tưởng, nhà biện chứng thực hành. 

Hồ Chí Minh đến với lý luận bắt đầu từ hoạt động thực tiễn và nghiên cứu sâu sắc thực tiễn đã giúp Người tổng kết thành lý luận, có những phát hiện tư tưởng và lý luận mới mẻ, đầy sáng tạo. Câu nói nổi tiếng, phản ánh sự quan tâm sâu sắc của Người đối với lý luận và sự chú ý đặc biệt của Người tới thực tiễn và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn là: thống nhất lý luận với thực tiễn là bản chất của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn không có lý luận là thực tiễn mù quáng và lý luận không gắn với thực tiễn là lý luận suông. Người đòi hỏi lý luận phải gắn liền với thực tiễn và học phải đi đôi với hành. Hồ Chí Minh hình dung thấy lý luận, học thuyết, chủ nghĩa là cái cần thiết hàng đầu cho một đảng cách mạng tiên phong, nó như bàn chỉ nam cho con tầu trên biển. Do đó, học lý luận cốt thâu cái tinh thần và phương pháp của nó để ứng xử đúng, hành động phù hợp với hoàn cảnh. Người cũng biết rất rõ một nhược điểm lớn của cán bộ, đảng viên ta là yếu về lý luận. Song không thể vì mà học lý luận theo kiểu nhớ chữ, thuộc sách, xem lý luận là cứu cánh, lấy lý luận để giải thích lý luận. Người đòi hỏi phải đứng trên quan điểm thực tiễn mà đề cao, mà tôn trọng lý luận. Vì vậy chỉ có trên quan điểm thực tiễn của Hồ Chí Minh mới có thể vừa khắc phục chủ nghĩa hình thức và bệnh giáo điều, chủ nghĩa kinh nghiệm và thói thực dụng tầm thường, lại vừa khắc phục được bệnh sách vở, lý thuyết suông xa rời thực tiễn; phát huy tính độc lập tự chủ, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam để giải quyết đúng đắn các vấn đề của cách mạng Việt Nam. Không chỉ thấm nhuần thực tiễn trong công tác tư tưởng, lý luận, Hồ Chí Minh còn thường xuyên chú trọng thực tiễn, công việc thực tế hàng ngày và hiệu quả của hành động. Người coi tính thiết thực là một phẩm chất cần thiết trong tư duy và hành động của người cách mạng. Lập luận của Hồ Chí Minh là muốn thực sự phục vụ nhân dân, vì nhân dân thì nói và làm bất cứ cái gì cũng phải thiết thực, không phù phiếm, khoa trương. 

Sự tỉ mỷ, cụ thể trong công việc và cách thức giải quyết công việc, sự ân cần chu đáo trong quan hệ với con người của Hồ Chí Minh từ việc lớn đến việc nhỏ, đối với mọi người, mọi giới, mọi lứa tuổi… đã từ lâu trở thành nét bản chất và bản sắc riêng của Hồ Chí Minh. Bản chất và bản sắc đó có cơ sở sâu sắc trong nhận thức, trong đạo đức, lối sống và nhân cách của Hồ Chí Minh. Thấm nhuần quan điểm thực tiễn, vận dụng nhất quán quan điểm đó vào nghiên cứu Hồ Chí Minh là điều kiện để hiểu đúng bản chất đối tượng nghiên cứu. 

3. Quan điểm hệ thống và quan điểm phát triển

 

Sự ra đời của phương pháp hệ thống – cấu trúc đánh dấu một bước thay đổi quan trọng trong tư duy khoa học. Xét trên ý nghĩa phương pháp luận, đây cũng là quan điểm tiếp cận và quan điểm nghiên cứu đối tượng. Đó là quan điểm hệ thống, phức hợp được áp dụng không chỉ trong nghiên cứu khoa học tự nhiên mà còn trong khoa học xã hội. 

Phương pháp hệ thống – cấu trúc xem xét sự vật, hiện tượng như một hệ thống có cấu trúc bên trong. Phương pháp này hình thành từ kết quả của sự thống nhất hai quan điểm: hệ thống và cấu trúc. Hệ thống là một tập hợp các yếu tố có liên hệ và tác động qua lại với nhau. Mỗi yếu tố chỉ tồn tại trong quan hệ với những yếu tố khác. Sự biến đổi của một yếu tố trong hệ thống sẽ gây nên sự biến đổi nhất định của những yếu tố khác của hệ thống, cũng như gây ảnh hưởng đến sự biến đổi của cả hệ thống nói chung. 

Chỉ ở trong hệ thống, sự vật mới biểu hiện ra là cái gì, mới có thể định tính được cái thuộc về bản chất của nó. Cũng chỉ ở trong hệ thống, mỗi yếu tố, mỗi bộ phận, mỗi mặt cấu thành của nó mới xác định được vị trí, vai trò, chức nǎng và tác dụng của chúng đối với những cái khác và đối với cả hệ thống. Nói một cách khác, mỗi phần tử chỉ xác lập ý nghĩa của nó ở trong hệ thống. Sự biệt lập, tách rời khỏi hệ thống làm mất đi ý nghĩa, làm suy yếu cái sức mạnh của nó, thậm chí có thể triệt tiêu cả ý nghĩa lẫn sức mạnh ấy. Cũng như vậy, sức mạnh của hệ thống được tạo ra từ sự tổng hợp các sức mạnh cá thể trong mối liên hệ với hệ thống, tức là từ một tổng hợp những lực tác động cùng chiều của các phần tử hợp thành. Hệ thống là đặc trưng bản chất của sự vật, là điều kiện tất yếu để sự vật vận động và bộc lộ bản chất. Cùng với tính hệ thống, sự vật vận động và biến đổi dù phức tạp như thế nào, đặc biệt là sự vận động xã hội – lịch sử, cuối cùng cũng tự vạch ra cho mình sự phát triển tiến lên không ngừng. Phát triển là khuynh hướng, xu hướng chung của mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới. Lênin nói tới hai quan niệm về sự phát triển, sự phát triển coi như là giảm đi và tǎng lên, như là lặp lại, và sự phát triển coi như là sự thống nhất của các mặt đối lập… Theo Lênin, quan niệm thứ nhất là chết cứng, nghèo nàn, khô khan. Quan niệm thứ hai là sinh động, nó cho ta chìa khoá của sự tự vận động, của những bước nhảy vọt, của sự gián đoạn tiệm tiến, của sự chuyển hoá thành mặt đối lập, của sự tiêu diệt cái cũ và nảy sinh ra cái mới . 

Quan điểm hệ thống và phát triển, đòi hỏi khi nghiên cứu các đối tượng, các quá trình xã hội phải có cái nhìn toàn diện, lịch sử cụ thể và phát triển. Các tác giả kinh điển của chủ nghĩa Mác đã đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa và vai trò phương pháp luận của các quan điểm này. Yêu cầu cơ bản của lôgích biện chứng là muốn thực sự hiểu được sự vật, cần thiết phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả sự liên hệ và “sự trung gian” của vật đó. Chúng ta không thể làm được điều đó một cách hoàn toàn đầy đủ, nhưng sự cần thiết phải xem tất cả mọi mặt sẽ phòng cho chúng ta khỏi phạm sai lầm và sự cứng nhắc. Đó là yêu cầu hàng đầu của lôgích biện chứng. 

Vận dụng quan điểm phát triển vào việc nghiên cứu nhằm phát hiện cái mới về mặt lý luận, nhằm bổ sung và phát triển lý luận mácxít cho phù hợp với đà biến đổi của thực tiễn, Lênin cũng chỉ rõ: Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì xong xuôi hẳn hoặc bất khả xâm phạm. Trái lại chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng của môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống. 

Là một nhà mácxít sáng tạo, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng quan điểm hệ thống và quan điểm phát triển trong hoạt động lý luận và đấu tranh chính trị, trong chỉ đạo các công tác thực tiễn hàng ngày. Do đó, để hiểu đúng và đánh giá chính xác về Hồ Chí Minh, đặc biệt trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải ra sức trau dồi quan điểm phương pháp luận quan trọng này, mà bản thân Hồ Chí Minh đã là một mẫu mực trong tư duy lý luận và thực hành đấu tranh cách mạng. Nhờ nhất quán với quan điểm hệ thống, quan điểm phát triển, Người đã phát hiện từ rất sớm mối liên hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, giữa các mục tiêu của cách mạng dân tộc dân chủ với cách mạng xã hội chủ nghĩa, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. 

Hồ Chí Minh với những đóng góp thiên tài về lý luận cách mạng giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân đã chứng tỏ tầm nhìn sâu rộng của Người trong khi phát hiện thấy mối liên hệ giữa cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước thuộc địa với phong trào vô sản ở ngay trong lòng các nước tư bản đế quốc (chính quốc). Người cũng thấy rõ từ cách tiếp cận hệ thống, chỉnh thể, tính tất yếu của đoàn kết quốc tế bởi sự gắn liền giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, phối hợp thành mặt trận chung giữa đoàn kết quốc tế với đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc. Chỉ khi nào biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, như hình tượng của “một con chim hai cánh”, thì mới đủ sức chiến thắng chủ nghĩa tư bản thực dân, cùng một lúc chặt đứt hai cái vòi của con đỉa hút máu – một vòi ở chính quốc và một vòi ở các thuộc địa. Đồng thời với sự phân tích khoa học – thực tiễn và lịch sử – cụ thể, nhìn thấu suốt xu hướng phát triển của lịch sử trong thời đại cách mạng vô sản được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười, Hồ Chí Minh đã nhìn thấy ở Việt Nam, nhiệm vụ lịch sử hàng đầu là giải phóng dân tộc, giành lấy độc lập tự do, xem đó là tiền đề, điều kiện để giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng xã hội và con người. Tất cả những cuộc giải phóng ấy là để từng bước tiến tới chủ nghĩa xã hội; và chỉ có đặt cách mạng giải phóng dân tộc vào quỹ đạo của cách mạng vô sản do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến theo mục tiêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thì sự nghiệp cách mạng mới thành công. Người quyết định lựa chọn chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội vì tìm thấy ở học thuyết và con đường ấy các nhân tố đảm bảo tốt nhất, chắc chắn nhất, hợp quy luật lịch sử để thực hiện hoài bão, khát vọng lớn lao nhất: độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, hoà bình hữu nghị và sự phồn vinh, hạnh phúc cho tất cả các dân tộc trên trái đất. Là một nhà chiến lược và sách lược xuất sắc nhất của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã sử dụng quan điểm hệ thống và phát triển để phân tích khoa học những chuyển biến qua từng thời kỳ lịch sử các mâu thuẫn, các tương quan và thế lực, những khả nǎng xuất hiện và chín muồi của tình thế và thời cơ cách mạng, của các nhân tố “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà” để từ đó vạch ra khẩu hiệu đấu tranh, điều chỉnh biện pháp, lấy sự biến hoá khôn lường của các biện pháp để giành thế chủ động trong việc thực hiện nguyên tắc, mục tiêu phù hợp với từng hoàn cảnh, từng thời điểm. Hồ Chí Minh đã tỏ rõ trong thực tiễn sự vận động, biểu hiện của khoa học và nghệ thuật cách mạng. Chỉ đạo trực tiếp các cuộc đấu tranh giành và giữ chính quyền, các chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ và xã hội chủ nghĩa trong nhiều thập kỷ, Hồ Chí Minh đã làm nổi bật cả trong lý luận lẫn thực tiễn tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sự kết hợp trong chỉnh thể các vấn đề về mục tiêu, bản chất, động lực, bước đi và biện pháp (cách làm) của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. 

Quan điểm hệ thống và phát triển đã đặt cơ sở cho những luận chứng của Hồ Chí Minh về xây dựng kinh tế gắn với phát triển vǎn hoá, bảo vệ an ninh quốc phòng; phát triển nông nghiệp, nông thôn với xây dựng công nghiệp và đời sống đô thị; giữa cải tạo và xây dựng; giữa sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước; giữa tập trung và dân chủ; giữa tổ chức bộ máy với chất lượng cán bộ; giữa pháp luật và kỷ luật với đoàn kết và dân chủ; giữa phát huy và bảo tồn truyền thống với cách tân, đổi mới theo hiện đại và thời đại… Câu thơ nổi tiếng của Người: “Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ, kiên quyết không ngừng thế tiến công” là sự thâu tóm muôn ý tưởng sâu sắc ấy. 

4. Quan điểm kết hợp cái lịch sử với cái lôgích và quan điểm so sánh

 

Nhận thức khoa học đòi hỏi phải nắm được bản chất, quy luật của sự vật, đồng thời nắm lịch sử của sự vật, quá trình phát sinh, phát triển của nó. 

Mỗi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội đều có quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của nó. Quá trình đó biểu hiện ra trong toàn bộ tính cụ thể của nó, bao gồm cả những sự thay đổi và những bước quanh co của sự phát triển với những ngẫu nhiên phức tạp của hoàn cảnh nhiều hình vẻ. Đó chính là lịch sử của sự vật. 

Đối với lịch sử, tính quy luật của nó, có đặc điểm là: tính liên tục của những sự kiện, sự biến trong thời gian và quá trình, nó bao gồm cả những ngẫu nhiên. Phương pháp lịch sử đòi hỏi sự phản ánh trong tư duy quá trình lịch sử – cụ thể của sự phát triển đó. Phương pháp lịch sử còn đòi hỏi phải nắm lấy sự vận động lịch sử trong toàn bộ tính phong phú của nó, phải bám sát sự vật – đối tượng nghiên cứu, theo dõi mọi bước phát triển của nó theo trình tự thời gian. Nhưng đồng thời quá trình phát triển lịch sử của sự vật, dù có phức tạp, muôn vẻ và có nhiều ngẫu nhiên đến đâu thì bao giờ cũng bị chi phối bởi cái tất nhiên, cái chung, cái quy luật phổ biến, nội tại và khách quan của nó. Đó chính là lôgích khách quan của lịch sử của sự vật. Lôgích của tư duy, lý luận là phản ánh cái lôgích khách quan đó. Vì vậy, phương pháp lôgích là hình thức đặc biệt phản ánh quá trình lịch sử. Phương pháp lôgích phải vạch ra bản chất , tính tất nhiên, tính quy luật của sự vật, dưới hình thức lý luận trừu tượng và khái quát. So với phương pháp lịch sử, phương pháp lôgích có ưu thế hơn ở chỗ, nó không những phản ánh bản chất, tính tất nhiên, quy luật của sự vật mà đồng thời còn phản ánh được lịch sử phát triển của sự vật ở những nét chủ yếu. 

Nhờ vậy, phương pháp lôgích có khả nǎng kết hợp trong bản thân nó hai yếu tố của sự nghiên cứu: kết cấu (cấu trúc) của sự vật và lịch sử của nó trong sự thống nhất chặt chẽ của chúng. 

Phương pháp lôgích cũng phản ánh lịch sử nhưng phản ánh một cách tóm tắt, khái quát, với những mốc chính, những giai đoạn chủ yếu của sự phát triển chứ không bám sát chi tiết tiến trình các sự kiện lịch sử. 

Bộ Tư bản của Mác là một kiểu mẫu của sự phân tích lôgích đối với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Bằng sự phân tích lôgích, bằng một hệ thống khái niệm, phạm trù kinh tế, Mác đã vạch ra quy luật phát sinh, phát triển và dự báo sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản. Lênin nhận xét rằng, chính sự phân tích lôgích này đã giúp ta hình dung rõ lịch sử của chủ nghĩa tư bản và sự phân tích những khái niệm tóm tắt lịch sử ấy. 

Phương pháp lịch sử và phương pháp lôgích trong sự kết hợp chỉnh thể của nó đã bao hàm cả phương pháp (quan điểm) so sánh, phân tích. Chúng là những phương pháp khác nhau nhưng thống nhất với nhau, quy định và biểu hiện lẫn nhau. 

Theo Ǎngghen, phương pháp lôgích không phải cái gì khác là phương pháp lịch sử, chỉ có điều là nó đã thoát khỏi những hình thức lịch sử và những ngẫu nhiên pha trộn. Lịch sử bắt đầu từ đâu, quá trình tư duy cũng phải bắt đầu từ đó. Và sự vận động tiếp tục thêm nữa của nó chẳng qua chỉ là sự phản ánh quá trình lịch sử dưới một hình thức trừu tượng và nhất quán về mặt lý luận. Nó là sự phản ánh đã được uốn nắn lại nhưng uốn nắn theo những quy luật mà bản thân quá trình lịch sử thực tế đã cung cấp, hơn nữa mỗi một nhân tố đều có thể xem xét ở cái điểm phát triển mà ở đó quá trình đạt tới chỗ hoàn toàn chín muồi, đạt tới cái hình thái cổ điển của nó. 

Cần nhấn mạnh rằng phương pháp lôgích là sự phân tích khoa học biện chứng của sự phát triển thực tế của sự vật chứ không phải rút một khái niệm này từ một khái niệm khác một cách tư biện Sự phù hợp giữa lôgích và lịch sử là một nguyên tắc phương pháp luận của lôgích biện chứng mácxít. 

Muốn hiểu bản chất, quy luật của sự vật thì phải hiểu lịch sử phát sinh, phát triển của nó. Ngược lại, chỉ có nắm được bản chất và quy luật của sự vật thì mới nhận thức được lịch sử của nó một cách đúng đắn. 

Dựng lại cái lôgích khách quan của sự phát triển của sự vật là nhiệm vụ của phương pháp lôgích. Muốn vậy, khi nghiên cứu sự vật phải bắt đầu từ hình thức phát triển tương đối hoàn thiện và chín muồi nhất của nó chứ không thể tuỳ tiện. 

Nếu lịch sử chính là bản thân cuộc sống thì lôgích là bản chất của cuộc sống do nghiên cứu lý luận chỉ ra 

Không có sự khác nhau về nguyên tắc giữa lịch sử và lôgích. Vấn đề đặt ra là ở chỗ sự kết hợp giữa chúng một cách nhuần nhuyễn trong nghiên cứu đối tượng sao cho đối tượng được hiện ra với một diện mạo lịch sử trung thực, đúng như bản thân nó và trong đó nổi bật lôgích về sự vận động, sinh thành, phát triển của nó. 

Phương pháp phân tích so sánh là sự hỗ trợ cần thiết làm nổi bật tính thống nhất giữa lịch sử và lôgích. Đó là sự so sánh giữa đối tượng này với đối tượng khác trong những điều kiện, hoàn cảnh xác định chi phối chúng, cho phép nhìn rõ nét tương đồng và sự khác biệt, nhận rõ những cái riêng có cùng một cái chung bản chất hoặc những dấu hiệu phân biệt cái riêng này với cái riêng khác. 

Phương pháp phân tích so sánh cũng có thể dựa trên những cái mốc của sự kiện và thời gian của cùng một cái trục vận động lịch sử để lần tìm ra sự phát triển khác nhau của cùng một đối tượng, chỉnh thể trong những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau. Sự kết hợp lịch đại và đồng đại trong nghiên cứu sự phát triển của một đối tượng, của những đối tượng khác nhau trở nên cần thiết một cách khách quan. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với nghiên cứu quá trình hình thành tư tưởng, sự chuyển đổi thế giới quan của một nhân vật lịch sử, hoặc những cống hiến khác nhau của những nhân vật khác nhau trong cùng một thời đại cũng như trong những thời đại lịch sử khác nhau. 

Nghiên cứu Hồ Chí Minh nằm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học các vĩ nhân, các danh nhân, cần đến sự ứng dụng những phương pháp này. 

Phương pháp lịch sử được ứng dụng vào đây cho phép vạch ra tiến trình các sự kiện hoạt động trong cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp Hồ Chí Minh, cho thấy quá trình hình thành và phát triển tư tưởng của Người. 

Phương pháp lôgích cho phép hình dung những nhân tố khách quan và chủ quan, những ảnh hưởng qua lại của dân tộc, truyền thống, thời đại, vǎn hoá và lịch sử tạo nên giá trị, bản lĩnh, bản sắc, phong cách Hồ Chí Minh – một lãnh tụ kiểu mới của giai cấp vô sản trong thời đại cách mạng vô sản. 

Phương pháp so sánh cho phép vạch ra mối liên hệ chung – riêng, phổ biến và đặc thù giừa Hồ Chí Minh với các vĩ nhân, danh nhân vǎn hoá khác. ở đây, phương pháp so sánh trên cơ sở phân tích cụ thể một tình hình cụ thể cho phép nhân chân những đóng góp và cống hiến riêng có của Hồ Chí Minh đối với lịch sử… 

Đó là những nét đại thể về các quan điểm duy vật biện chứng về lịch sử cần được áp dụng vào nghiên cứu Hồ Chí Minh. 

II. Quán triệt những quan điểm của Đảng và chỉ dẫn của các nhà lãnh đạo cao cấp trong nghiên cứu về Hồ Chí Minh

 

Nghiên cứu về Hồ Chí Minh không những cần xuất phát từ các quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử mà còn phải quán triệt những chỉ dẫn của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, Những chỉ dẫn đó có trong các bài nói và viết, các phát biểu chính thức thành vǎn của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhân những lễ kỷ niệm ngày sinh hoặc ngày mất của Hồ Chí Minh. Đặc biệt là, cần chú ý khai thác những đánh giá về công hiến của Hồ Chí Minh qua tư tưởng và sự nghiệp của Người, những nhận xét, đánh giá về ảnh hưởng uy tín đạo đức nhân cách, lối sống, phong cách ứng xử vǎn hoá của Hồ Chí Minh đối với xã hội và các tầng lớp nhân dân qua các thời kỳ phát triển của cách mạng Việt Nam. Đây là những đánh giá chính thức và là quan điểm chính thống của Đảng ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh được ghi trong các vǎn kiện chính trị của Đảng, nhất là các vǎn kiện ở thời kỳ đổi mới, từ Đại hội VI, VII, VIII cho tới nay. 

Cùng ở trong hệ thống nguồn tài liệu này còn có các bài nghiên cứu, các công trình lý luận chính trị đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp về Hồ Chí Minh của các nhà lãnh đạo vốn là học trò và bạn chiến đấu của Người, cùng sống và hoạt động bên cạnh Người, có điều kiện hiểu biết khá cặn kẽ về cuộc đời Hồ Chí Minh; về những quan điểm, tư tưởng và lý luận của Người; về phương pháp công tác và quan hệ con người rất mực bao dung và nhân ái của Hồ Chí Minh. 

Nguồn tài liệu này cung cấp cho người nghiên cứu về Hồ Chí Minh không chỉ về mặt tư liệu khoa học mà còn cả những gợi mở về phương pháp luận, quan điểm và thái độ chính trị bảo đảm cho công việc nghiên cứu những định hướng đúng đắn, hữu ích. Việc nghiên cứu thấu đáo những tài liệu này để nắm vững nội dung tư tưởng và phương pháp trình bày, trên cơ sở đó tiến hành một sự phân loại, sắp xếp nguồn tài liệu theo vấn đề và theo thời gian, trong đó chú trọng khai thác những luận điểm lớn có ý nghĩa chỉ đạo nhận thức hoặc gợi mở phương hướng nghiên cứu, tìm tòi… cần được xem là một yêu cầu nghiêm túc cả về mặt tư tưởng chính trị lẫn chuyên môn, học thuật đối với người nghiên cứu trong tình hình hiện nay. 

Để thực hiện yêu cầu này, người nghiên cứu ngoài công phu lao động tìm tòi còn phải có nǎng lực phân tích và tổng hợp, hệ thống hoá và khái quát hoá cao. Về mặt thao tác nghiên cứu, không nên bỏ qua một nhận xét là, có một sự thâm nhập đồng thời những chỉ dẫn, gợi ý này cùng với sự thâm nhập các tác phẩm của Hồ Chí Minh (xét từ giới hạn nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh bằng phương pháp phân tích vǎn bản), hoặc khai thác sự kiện, niên biểu, tư liệu lịch sử, tư liệu vǎn học, tư liệu thực tiễn về Hồ Chí Minh (xét từ góc độ các lĩnh vực nghiên cứu khác, mang tính chuyên biệt về đối tượng – khách thể Hồ Chí Minh theo những hướng đích khác nhau của nghiên cứu. Thí dụ: Nghiên cứu biên niên tiểu sử, nghiên cứu tiểu sử khoa học, nghiên cứu các phương diện đạo đức, lối sống, vǎn hoá Hồ Chí Minh hay những tác động, ảnh hưởng của Hồ Chí Minh trong thực tiễn con người và lịch sử…). Sự thâm nhập này có tác động hỗ trợ, thúc đẩy, điều chỉnh lẫn nhau mà điều quan trọng đối với người nghiên cứu là, phải bắt đầu từ đó để tiến lên một cách độc lập, tự chủ và sáng tạo trong những lập luận, kiến giải riêng của mình. 

Càng nắm vững đối tượng càng phải vượt qua những sự mô tả bề ngoài về đối tượng ấy để vạch ra lôgích của những mối liên hệ bản chất về đối tượng. Càng tiếp cận với các nguồn tài liệu, những nhận xét, nhận định và kết luận về đối tượng càng phải đề phòng nguy cơ rơi vào sự khuôn sáo, cứng nhắc, thái độ lệ thuộc vào tài liệu và thụ động trước những lập luận đã có. Nó có thể dẫn tới tình trạng coi những chỉ dẫn vốn là một trong những điểm tựa gợi ý nghiên cứu thành những kết quả nghiên cứu, trong khi việc nghiên cứu của chính mình chỉ vừa mới bắt đầu. 

Cùng với việc đổi mới toàn diện đất nước như một đường lối chiến lược của sự phát triển để xây dựng một xã hội Việt Nam hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đặc biệt coi trọng yêu cầu đổi mới tư duy, nhận thức, thực hiện dân chủ hoá để giải phóng tinh thần, ý thức xã hội, kích thích những tìm tòi sáng tạo để hình thành những tư tưởng khoa học mới, khắc phục sự chậm trễ của lý luận so với thực tiễn, sự lạc h ậu của khoa học xã hội trước cuộc sống. Quan điểm đổi mới ấy của Đảng ta phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, việc thấm nhuần các quan điểm của Đảng, việc tìm hiểu các chỉ dẫn nghiên cứu Hồ Chí Minh của các đồng chí lãnh đạo của Đảng phải dẫn tới những thúc đẩy tích cực nghiên cứu chứ không phải hạ thấp vai trò, chức nǎng nghiên cứu xuống trình độ mô tả, thuyết minh cái có sẵn một cách thông thường, cho dù thuyết minh, tuyên truyền là rất quan trọng và cần thiết trong hoạt động tư tưởng. Dưới đây là một số điểm chú ý được rút ra từ các vǎn kiện Đảng và các tác phẩm của các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian gần đây có ý nghĩa chỉ dẫn nghiên cứu về Hồ Chí Minh mà chúng tôi có thể lĩnh hội, vận dụng vào các đề tài nghiên cứu. 

1. Mọi thắng lợi và thành tựu của cách mạng Việt Nam đều gắn liền mật thiết với tính đúng đắn, sáng tạo trong đường lối của Đảng, của tư tưởng Hồ Chí Minh. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh mà những nét nổi bật và bao trùm là: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao nǎng lực, trí tuệ, phát huy sức mạnh chiến đấu của Đảng, truyền thống đoàn kết của Đảng và của dân tộc… đó là những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng, của sự nghiệp đổi mới. Học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những vấn đè quan tâm hàng đàu của Đảng trên lĩnh vực công tác tư tưởng – lý luận, giáo dục và tuyên truyền của Đảng đối với toàn xã hội. Đó là cách đặt vấn dề của Đảng ta tại Đại hội VI – Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, tạo ra bước ngoặt trong sự phát triển của cách mạng nước ta trong tình hình mới.

2. Cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta và của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện và hoàn cảnh lịch sử – cụ thể của nước ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ của sự phát triển xã hội ta, sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, vǎn minh. Đây là những nét chủ đạo được đề cập trong Cương lĩnh, Chiến lược, Vǎn kiện Đại hội VII và trong Nghị quyết các Hội nghị Trung ương (khoá VII) của Đảng. 

3. Kiên trì sự lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong đổi mới kinh tế – xã hội, gương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội xây dựng chế độ mới do dân lao động làm chủ, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đây là những định hướng của công tác tư tưởng và lý luận dược nêu lên trong Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị gần đây cùng với các Nghị quyết Trung ương về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh; về đổi mới và chỉnh đốn Đảng, về Đảng lãnh đạo Nha nước, về phát huy vai trò của nhân tố con người trong xây dựng kinh tế, phát triển vǎn hoá – giáo dục, xây dựng nông thôn, thực hiện từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá… Đó là sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 

4. Trong hàng loạt các bài nói và viết của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng ta, từ các đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh, Đỗ Mười, đến các đồng chí cố vấn Nguyễn Vǎn Linh, Phạm Vǎn Đồng, và nhiều đồng chí khác, đã gợi mở nhiều ý kiến phong phú về nghiên cứu, đánh giá tư tưởng Hồ Chí Minh, những nội dung cấu thành tư tưởng Hồ Chí Minh, vè phương pháp cách mạng, chiến lược đại đoàn kết, về xây dựng Đảng, Nhà nước và quân đội, về giáo dục con người, đào tạo cán bộ cách mạng, về đạo đức và lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Ngoài ra, còn cả một mảng tư liệu phong phú, sinh động về Hồ Chí Minh dưới hình thức hồi ký, chuyện kể, sự kiện liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Người. Đó là những cứ liệu xác thực hỗ trợ rất nhiều cho việc nghiên cứ toàn diện, hệ thống về Hồ Chí Minh. 

Vì tất cả những lẽ đó, cần thiết phải khẳng định vị trí và tầm quan trọng của những quan diểm của Đảng được ghi trong các vǎn kiện, các chỉ dẫn của các nhà lãnh đạo cao cấp, trong hệ thống các nguyên tắc phương pháp luận chung chỉ đạo việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Các khoa học lịch sử Đảng và xây dựng Đảng đã đề cập trực tiếp tới các vấn đề đã nêu trên. Bộ môn “Tư tưởng Hồ Chí Minh” với tư cách một môn khoa học đang trong quá trình hình thành, đặt nền móng cho sự ra đời một chuyên ngành khoa học mới – ” Hồ Chí Minh học” ở nước ta – chắc chắn sẽ hỗ trợ tích cực về công cụ và phương pháp nghiên cứu cho những ai quan tâm đến lĩnh vực này. 

III- Kế thừa có chọn lọc những kinh nghiệm và thành tựu khoa học nghiên cứu về các vĩ nhân trên thế giới 

Hồ Chí Minh được thế giới thừa nhận là một danh nhân vǎn hoá. Hồ Chí Minh là một vĩ nhân của thế kỷ XX mà tên tuổi và sự nghiệp của người Người đã trở nên gần gũi, thân thiết đối với các dân tộc trên thế giới. Riêng đối với cách mạng Việt Nam và lịch sử dân tộc Việt Nam, công lao vĩ đại của Hồ Chí Minh là ở chỗ, Người đã mở ra cả một thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh. Đó là thời đại rực rõ nhất của dân tộc ta, đưa dân tộc ra tới độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như vậy. 

Do đó, nói một cách ngắn gọn, nghiên cứu Hồ Chí Minh là nghiên cứu một vĩ nhân, một danh nhân vǎn hoá. ở nhiều nước trên thế giới, từ lâu đã ra đời khoa học nghiên cứu về các vĩ nhân. Khoa học này có những hình thái biểu hiện của nó dưới các dạng nghiên cứu tiểu sử, nghiên cứu học thuyết tư tưởng, nghiên cứu lịch sử cuộc đời và sự nghiệp. Trong lĩnh vực vǎn học nghệ thuật, các vĩ nhân và danh nhân còn là đối tượng của những sáng tạo để dựng nên các hình tượng trong tiểu thuyết lịch sử, trong sáng tác thơ ca và điện ảnh, âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc… 

Đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, việc tham khảo, kế thừa có chọn lọc những kinh nghiệm và thành tựu nghiên cứu nói ở đây chủ yếu là ở những công trình khảo cứu dưới góc độ lịch sử và lý luận. 

ở nước ta, tiếp cận tới những tác phẩm thuộc loại này còn rất mới, thường vấp phải không ít khó khǎn về tư liệu. Đó là chưa kể đến những khác biệt rất cǎn bản về thế giới quan, về lập trường chính trị và ý thức hệ của những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học chuyên biệt này. Đối với một vĩ nhân, tức là cùng một đối tượng nghiên cứu, song tuỳ thuộc sự khác nhau ở chỗ đứng và cách nhìn mà mỗi học giả nghiên cứu lại có những lǎng kính rất khác nhau trong đánh giá và cam thụ. Vì vậy, nguyên tắc phương pháp luận cần phải đặt ra trong việc nghiên cứu, kế thừa có chọn lọc các kinh nghiệm và thành tựu của khoa học nghiên cứu về các vĩ nhân là quan điểm mácxít trong việc đánh giá vai trò cá nhân trong lịch sử. Quan điểm mácxit (duy vật lịch sử) thừa nhận vai trò, tác dụng của các cá nhân, ảnh hưởng quan trọng của các cá nhân thiên tìa, kiệt xuất trong tiến trình lịch sử, thậm chí trong những tình huống đặc biệt, họ có thể có những vai trò quyết định đối với tiến trình lịch sử. Song có hai điểm đặc biệt phải lưu ý: 

Một là, dù vĩ đại đến đâu các vĩ nhân cũng đều là con đẻ của một thời đại lịch sử nhất định. Là sản phẩm của lịch sử, ở thời đại mình, họ không thể không bị những quy định, những chế ước, những ràng buộc của chính lịch sử đó. Tài nǎng cũng như hạn chế của họ là sự phản ánh cái giới hạn của trình độ phát triển lịch sử đương thời của thời đại đã sản sinh ra họ. Do đó, tính chân thực, khách quan về mặt lịch sử đòi hỏi phải nghiên cứu các vĩ nhân với tư cách là một cá nhân, một con người hiện thực. Không nắm vững quan điểm lịch sử – cụ thể này có thể rơi vào tình trạng huyền thoại hoá (thổi phồng, tuyệt đối hoá, lý tưởng hoá) làm suy giảm tính hiện thực của đối tượng nghiên cứu. Nó còn có thể dẫn tới quan điểm sùng bái cá nhân, mang màu sắc tôn giáo, do đó không tái tạo được diện mạo lịch sử chân thực, mà còn xuyên tạc, bóp méo cá nhân đó. ở một khuynh hướng khác của sự thoát ly quan điểm lịch sử là tình trạng hiện đại hoá các nhân vật lịch sử. Nó có biểu hiện là đem các chuẩn mực đánh giá, các thước đo giá trị của thời kỳ hiện đại để đo lường các vĩ nhân của những thời kỳ trước đây, tạo ra những cách hiểu gượng ép, nhân tạo, thoát ky bối cảnh, điều kiện hiện thực vốn có của các vĩ nhân đó. 

Hai là, các cá nhân thiên tài, các vĩ nhân dù có đóng góp to lớn và xuất sắc đối với lịch sử thì vấn đề là ở chỗ, quyết định đối với tiến bộ lịch sử vẫn thuộc về vai trò của quần chúng nhân dân. ý nghĩa tích cực của những đóng góp của vĩ nhân phải được xác định ở sự liên hệ xã hội – nhân vǎn có trong tư tưởng, sự nghiệp và hành động của họ. Đó là cơ sở giá trị của họ, là cái bảo dảm cho sức sống và ảnh hưởng của họ trong nhân dân, trong vǎn hoá của nhân loại. Cũng phải từ cơ sở này để xem xét, giải thích những hạn chế thuộc về chủ quan và khách quan mà các vĩ nhân, dù là vĩ nhân cũng không thể vượt qua. 

Với những quan niệm đó, các công trình nghiên cứu về vĩ nhân của học giả này hay học giả khác, nhất là các học giả đứng trên lập trường tư tưởng tư sản cần được nghiên cứu và kế thừa chủ yếu ở mặt phương pháp và kỹ thuật, đặc biệt là phương pháp sưu tầm, khảo cứu, tập hợp tư liệu, sử liệu và phương pháp trình bày. Dĩ nhiên, có không ít những học giả tư sản tuy không cùng quan điểm, chính kiến với những người mácxít nhưng đã từng có những thành tựu đặc sắc trong nghiên cứu vĩ nhân. Sự trung thực đối với lịch sử, nhiều khi đem lại cho họ những phát hiện mới mẻ, có giá trị. Do đó, cũng chính quan điểm và phương pháp mácxít đòi hỏi người nghiên cứu phải tránh những định kiến chủ quan hẹp hòi, những thái độ biệt phái, cực đoan trong việc phủ nhận, khước từ các thành tựu nghiên cứu về vĩ nhân trong lĩnh vực khoa học này của thế giới. Việc chǎm chú khai thác, khảo cứu nó có thể giúp ích một cách đáng kể cho chúng ta trong nghiên cứu về Hồ Chí Minh. 

Chương III 
Một số nguyên tắc phương pháp luận đặc thù

về nghiên cứu Hồ Chí Minh

Muốn trở thành một ngành khoa học có triển vọng, bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh, cần thiết phải tiến lên xây dựng được những nguyên tắc phương pháp luận riêng của mình, theo quan điểm: đối tượng nào, phương pháp ấy. 

Vậy những nguyên tắc mang tính đặc thù của bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Đây là vấn đề đang trên đường nghiên cứu, tìm tòi, chưa có sẵn lời giải đáp. Để có câu trả lời tương đối đầy đủ và chính xác, cần phải có thời gian và công sức của nhiều người. Trước mắt, trong việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, có một số vấn đề liên quan đến phương pháp luận cần được làm rõ. 

I- Những khó khǎn trong nghiên cứu Hồ Chí Minh 

1. Về đối tượng nghiên cứu

 

Như trên đã trình bày, chuyên ngành nghiên cứu Hồ Chí Minh lấy toàn bộ cuộc đời – sự nghiệp, tư tưởng – lý luận, đạo đức – phong cách – lối sống… của Hồ Chí Minh làm đối tượng nghiên cứu. 

Đây là một đối tượng vừa dễ, vừa khó. Cảm giác dễ là vì còn hình thức như chúng ta chỉ tập trung vào nghiên cứu có một con người, một vĩ nhân. Nhưng đây lại không phải là một đối tượng đơn nhất. Đảng ta đã đánh giá: cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời “vô cùng oanh liệt và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”. 

Người là một thiên tài đa diện: nhà yêu nước vĩ đại, nhà hoạt động quốc tế xuất sắc, chiến sĩ tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc, sứ giả của hoà bình và hữu nghị. Người vừa là nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà chiến lược quân sự, nhà ngoại giao, vừa là nhà vǎn, nhà thơ, nhà báo. UNESCO đã chung đúc lại, tôn vinh Người là “anh hùng giải phóng dân tộc và nhà vǎn hoá lớn”. Trong khoảng hơn 20 danh nhân vǎn hoá đã được tổ chức này ra nghị quyết kỷ niệm trên toàn thế giới kể từ nǎm 1978 tới nay, chưa có người nào được ghi nhận vừa là vĩ nhân, vừa là anh hùng giải phóng dân tộc, vừa là nhà vǎn hoá lớn như Hồ Chí Minh. Vì vậy, nghiên cứu Hồ Chí Minh thuộc loại nghiên cứu phức hợp, đa ngành, vừa theo từng chuyên môn hẹp (của nhiều khoa học) vừa phải đi tới một tổng luận chung nhằm làm sáng tỏ những giá trị đặc sắc của Hồ Chí Minh như một chính thể. 

Có thể hình dung bước đầu về đối tượng – khách thể nghiên cứu Hồ Chí Minh trên mấy phương diện sau đây: 

Thứ nhất, do bản chất con người là tổng hoà các quan hệ xã hội nên nghiên cứu về Hồ Chí Minh trước hết phải tìm hiểu toàn bộ các quan hệ xã hội chủ nghĩa của Người, từ quê hương, gia đình, nhà trường, xã hội, thời đại, … 

Thứ hai, nghiên cứu Hồ Chí Minh là nghiên cứu toàn diện và hệ thống về Người bao gồm: 

– Con người Hồ Chí Minh. Người là một nhà tư tưởng lớn, nhà lý luật kiệt xuất của dân tộc, của Đảng ta, của cách mạng Việt Nam, của phong trào giải phóng dân tộc trong thời đại cách mạng vô sản ở thế kỷ XX; một chính khách có tầm cỡ trong đời sống chính trị quốc tế, danh nhân vǎn hoá thế giới. Cùng với những đỉnh cao đã được lịch sử thừa nhận, Hồ Chí Minh lại là một con người gần gũi và thân thiết với mọi người trong đời thường. Điều đó là tǎng thêm sức hấp dẫn, truyền cảm của Hồ Chí Minh trong đời sống hiện thực và tôn vinh một cách thực chất giá trị nhân cách của Người cùng với những ảnh hưởng sâu rộng của nhân cách đó trong toàn xã hội, làm đậm nét hơn một chác chân thực và tự nhiên cái dấu ấn của thiên tài cá nhân đối với lịch sử. Con người Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc đời – sự nghiệp – tư tưởng – đạo đức của Người, kết hợp giữa cội nguồn vǎn hoá – lịch sử của dân tộc với sự thâu thái tinh hoa của vǎn hoá nhân loại, với tác động và ảnh hưởng trực tiếp từ chủ nghĩa Mác – Lênin và thời đại cách mạng vô sả…, tất cả được chung đúc lại làm nên sự nghiệp Hồ Chí Minh. Sự nghiệp ấy lại trở thành sự nghiệp của Đảng, của dân tộc – một sự nhất quán hiếm thấy giữa con người và cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp – mà không phải một vĩ nhân nào cũng có thể đạt tới một sự thống nhất trọn vẹn như thế. Do đó, nét đặc trưng bao trùm con người Hồ Chí Minh là vĩ đại trong sự giản dị, một sự giản dị vĩ đại. Tính cao cả của sự thật này làm cho Hồ Chí Minh khi còn sống đã là một trong số hiếm hoi những nhân vật lỗi lạc được huyền thoại hoá, nhưng là huyền thoại để khẳng định chân giá trị của một con người lý tưởng, có thật trong đời chứ không phải một hiện tượng tôn giáo hoá, thần thánh hoá. Cũng như vậy, Hồ Chí Minh đã đi trọn lôgích cuộc đời mình để trở về cõi vĩnh hằng nhưng thực tế là Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong đời sống tâm thức của những người đang sống, trong sự nghiệp đang được dựng xây theo tư tưởng của Người. 

– Tư tưởng Hồ Chí Minh: đó là một hệ thống lớn với nhiều phương diện, nhiều lĩnh vực, bao quát sự chú ý sâu rộng và uyên bác của Người mà tiêu biểu nhất là tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó còn là tư tưởng về triết học, chính trị, quân sự, kinh tế, quản lý xã hội, giáo dục đào tạo con người, phát triển vǎn hoá và trau dồi đạo đức, nhân cách, là đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, là chiến lược và sách lược cách mạng nhằm đi tới một xã hội tốt đẹp cho con người và vì hạnh phúc, tự do của tất cả mọi người. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một thể nghiệm sinh động đầy sáng tạo, và vì sáng tạo mà Người có được những đóng góp quý báu vào sự phát triển của chủ nghĩa Mác – Lênin. Vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học, cách mạng và hiện đại. 

– Đạo đức Hồ Chí Minh: Sự tu dưỡng và thực hành đạo đức cá nhân đồng thời làm hết sức minh để giáo dục đạo đức cho toàn xã hội là những điểm nổi trội trong nhân cách Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là người đề xướng và thực hành đạo đức cách mạng đồng thời là tấm gương tuyệt vời về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. 

– Lối sống và phong cách Hồ Chí Minh: Lối sống và phong cách Hồ Chí Minh là biểu tượng đầy sức thu hút về sự liêm khiết, thanh cao, giản dị. Đó là một mẫu mực của lối ứng xử có vǎn hoá, có tác dụng giáo dục đối với mọi người một cách sâu sắc, tự nhiên. Lối sống và phong cách Hồ Chí Minh biểu hiện trong đời thường hàng ngày đã cảm hoá, thuyết phục và thu phục được lòng người bởi lẽ con người được yêu thương, tôn trọng và tin cậy. Tất cả những cái thật và cái đẹp ấy phản chiếu cái đúng và cái tốt từ Hồ Chí Minh lan toả ra xung quanh… Chính vì vậy Hồ Chí Minh làm sáng tỏ quan niệm “phong cách tức là người” và phong cách Hồ Chí Minh là một phong cách vǎn hoá Việt Nam. Trong hệ thống hoàn chỉnh và hoàn hảo ấy, con người – Tư tưởng – Đạo đức – Lối sống – Phong cách Hồ Chí Minh đem lại hình ảnh trọn vẹn về nhân cách Hồ Chí Minh – biểu tượng của chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, của chủ nghĩa nhân vǎn hiện đại, vừa thể hiện tinh thần thời đại, vừa thấm nhuần bản sắc Việt Nam. 

Thứ ba, nghiên cứu Hồ Chí Minh trong tính toàn diện và hệ thống những vấn đề lớn nêu trên (mà trong mỗi vấn đề đó, tự nó lại là một hệ thống cho phép khai thác vô số các vấn đề khác như một tập hợp các phân hệ) sẽ thấy Hồ Chí Minh là khách thể nghiên cứu. Trong khách thể này có nhiều đối tượng khác nhau: nghiên cứu tư tưởng với cấp độ lý luận, nghiên cứu đạo đức với cấp độ chuẩn mực và giá trị, nghiên cứu lối sống với cấp độ hành vi, ứng xử, hay nghiên cứu Con người – Tiểu sử – Sự nghiệp với cấp độ nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, thời đại… Cái khó và điều quan trọng là, dù nghiên cứu đối tượng Hồ Chí Minh hay nghiên cứu toàn bộ khách thể Hồ Chí Minh đều phải tìm ra mối liên hệ, tính thống nhất chỉnh thể, cái đã định hình thành giá trị và cả những cái còn đang phát triển, đang tiếp tục sinh thành trong cuộc sống, trong nhân dân. 

Thứ tư, nghiên cứu Hồ Chí Minh dù là nghiên cứu đối tượng hay khách thể thì những quá trình nghiên cứu này đều thống nhất – đồng nhất ở Hồ Chí Minh như một hiện tượng vǎn hoá độc đáo. Hồ Chí Minh là một vĩ nhân, một danh nhân vǎn hoá. Học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, theo gương đạo đức và nhân cách Hồ Chí Minh không phải dễ. Song, từ mỗi người bình thường đến toàn Đảng, toàn dân ta và các dân tộc, bạn bè anh em trên thế giới đều có thể và có nhu cầu học tập, noi gương Hồ Chí Minh. Trong thực tế đang nảy sinh hiện tượng: mỗi người đến với Hồ Chí Minh, trở về với Hồ Chí Minh để khám phá chính mình – dựa trên sự hiểu biết về Hồ Chí Minh theo cách của riêng mình. 

Nghiên cứu khoa học về Hồ Chí Minh, thông qua sự mẫn cảm của chủ thể nghiên cứu đối với đối tượng, khách thể của mình, phải sống và làm việc theo gương sáng của nhân cách Hồ Chí Minh. Đây thực là một động lực tinh thần to lớn cần được nhận thức và khai thác về sự phát triển của con người và xã hội Việt Nam trong hiện tại và trong tương lai. 

2. Về tư liệu nghiên cứu

 

Như đã trình bày trong phần dẫn luận, công tác tư liệu học về Hồ Chí Minh những nǎm qua đã có những bước phát triển mới và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Bộ Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử gồm 10 với trên một vạn sự kiện đã qua thẩm định, xác minh khoa học, tuy không tránh khỏi những nhược điểm, song là bộ sách công cụ có thể tin cậy được. Việc xuất bản lần thứ hai bộ “Hồ Chí Minh – Toàn tập”, gồm 12 tập, được bổ sung thêm gần 3000 trang tư liệu mới, trong đó có nhiều tư liệu gốc lần đầu tiên được công bố, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu ngày càng tiếp cận được những tư tưởng đích thực của Hồ Chí Minh, đặc biệt ở thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, giúp cho việc lý giải nguồn gốc, sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh có thêm cǎn cứ khoa học và sức thuyết phục cao hơn. 

Tuy nhiên, hiện nay còn một bộ phận tư liệu rất quan trọng về Hồ Chí Minh vẫn chưa có đủ điều kiện để sưu tầm và khai thác. Hồ Chí Minh của chúng ta có 30 nǎm sống ở nước ngoài, từng đặt chân lên khoảng 26 nước, hoạt động bí mật, đi Âu về á, đã nhiều lần phải thay tên đổi họ. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có điều kiện khảo sát kỹ nhiều giai đoạn trong tiểu sử của Người, thí dụ: Những nǎm 1912 – 1913 ở Mỹ, Người đã làm gì, có những hoạt động học hỏi, nghiên cứu gì ? Cả hai giai đoạn này chưa có điều kiện làm rõ. 

Như chúng ta đã biết, ngay từ lúc sinh thời, Hồ Chí Minh đã đi vào huyền thoại. Vậy trong các mẩu chuyện, sự kiện hiện có, cái gì là thật, cái gì là huyền thoại. Đất nước ta, dân tộc ta có truyền thống biết ơn những người có công với nước, nên thờ phụng rất nhiều các anh hùng cứu nước trong lịch sử, không riêng gì với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Giải thích hiện tượng này như thế nào để đạt tới chân lý khoa học mà vẫn dung hợp được lòng ngưỡng mộ, kính yêu của nhân dân đối với lãnh tụ, vốn cũng là một tình cảm rất chân thực, quả là một việc không đơn giản, vì ở đây lôgích của huyền thoại không đi ngược lại lôgích của khoa học mà chỉ tạo đường viền cho nó nổi bật hơn mà thôi. 

Đương nhiên, hồi ký, mẩu chuyện, giai thoại,… không phải là tư liệu trực tiếp của khoa học tiểu sử, nhưng khi viết về thời niên thiếu của Hồ Chí Minh, các nhà viết tiểu sử không thể không biết đến chúng, vấn đề là xử lý và sử dụng chúng như thế nào được coi là phù hợp. Vì vậy có người bảo sự kiện này, chi tiết kia trong một giai thoại, hồi ký nào đó là không có thực. Nhưng khi Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của dân tộc rồi, đã đi vào đời sống tinh thần của dân tộc như một sức mạnh vật chất rồi thì phân biệt được giữa cái thực và cái huyền thoại khác nhau như thế nào, chúng ta phải xem xét và giải quyết nó như thế nào, đó cũng là một vấn đề của phương pháp luận nghiên cứu Hồ Chí Minh mà đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa hoàn toàn nhất trí với nhau. 

Một thí dụ khác: Hồ Chí Minh nói tương đối ít về tư tưởng nhà nước và pháp quyền, nhưng Người là biểu tượng của một nhà nước kiểu mới, nhà nước của dân, do dân, vì dân. Người đã khai sinh ra một nhà nước dân chủ, mà quyền lực là thuộc về nhân dân. Tư tưởng đó đã thấm sâu vào nhân dân, và nhân dân đòi hỏi chúng ta phải làm theo tinh thần đó. Có những vấn đề cụ thể mà Người chưa nói tới, nhưng dựa theo tư tưởng của Người mà nhân dân thêm thắt, bổ sung vào. Đây là chỗ để các nhà nghiên cứu phải lý giải: khi tư tưởng Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống, thì được nhân dân tiếp nhận, bổ sung và phát triển như thế nào. 

Nói thế để thấy rằng, trước một đối tượng nghiên cứu như vậy đòi hỏi chúng ta phải dày công sưu tầm, xác minh, đối chiếu tư liệu một cách rất thận trọng. Cuộc đời của Hồ Chí Minh vốn đã vô cùng oanh liệt và phong phú, bất cứ một sự thêm thắt nào, dù chân thành đến đâu, cũng chỉ làm giảm vẻ đẹp chân thực vốn có của nó, hơn nữa còn có hại, tạo kẽ hở cho kẻ thù lợi dụng, xuyên tạc công việc nghiên cứu của chúng ta. 

3. Về cái khó của việc lĩnh hội và kiến giải di sản tư tưởng của các vĩ nhân

 

Có tình hình là, cùng một mệnh đề lý luận thường có nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến những lập luận khác nhau. Vậy ai được xem là hiểu đúng, ai bị coi là hiểu sai ? 

Cần phải thấy rằng, tư tưởng của vĩ nhân vốn rất sâu sắc và uẩn súc, không phải một lúc có thể hiểu hết ngay được. Vả lại người trích dẫn và giải thích tư tưởng của vĩ nhân thường xuất phát từ những động cơ khác nhau, từ vốn sống, vốn hiểu biết riêng nên có khi hiểu đúng, khi hiểu chưa đúng, có khi còn ngộ nhận. Đó là nói về hạn chế do trình độ chủ quan của người nghiên cứu; nhưng cũng có thể do trình độ phát triển khách quan của xã hội, của thành tựu học thuật hôm nay mới cho phép hiểu đến mức ấy, các thế hệ sau sẽ đem lại những phát hiện mới, sâu hơn, đầy đủ hơn hoặc đảo ngược lại. Đó là chuyện bình thường trong khoa học, nêu lên để thấy hết cái khó của việc lĩnh hội và kiến giải những tư tưởng sâu sắc của vĩ nhân. 

Xuất phát từ quan điểm: nói và viết sao cho quần chúng có thể hiểu được, hiểu được để làm được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn cách viết ngắn gọn, giản dị, thiết thực, hầu hết những khái niệm và thuật ngữ khó hiểu đều được thay thế bằng những từ ngữ thông thường. Tuy nhiên, do tư tưởng của Người là những chân lý lớn của thời đại được trình bày dưới một hình thức cô đọng, hàm súc, cho nên nó là sự giản dị sau khi đã phức tạp, là cụ thể sau khi đã khái quát, là cái chất phác, hồn nhiên sau khi đã tinh tế, cái đạm sau khi đã nồng, cho nên không phải câu nào, ý nào của Người cũng có thể lĩnh hội được ngay được sự sâu sắc của nó, một sự sâu sắc làm ngạc nhiên cả những bậc thức giả uyên thâm nhất. Vì vậy không có gì lạ, đến nay vẫn còn nhiều câu nói, mệnh đề của Người còn được hiểu khác nhau, chưa nói có lúc còn bị hiểu sai. 

Xin dẫn ra một câu nói của Người: “Hễ Chính phủ nào mà có hại cho dân chúng, thì dân chúng phải đạp đổ Chính phủ ấy đi, và gây lên Chính phủ khác”. Câu này Người lấy ý trong “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ và được đưa vào cuốn Đường kách mệnh. Có ý kiến cho rằng: Người đưa câu này vào Đường kách mệnh là để kêu gọi nhân dân ta nổi lên làm cách mạng lật đổ chính phủ thực dân, phong kiến, lập nên chính phủ dân chủ cộng hoà. Câu đó không đúng với hoàn cảnh hiện nay khi chính quyền đã về tay nhân dân. Nếu bây giờ lại trích dẫn, đề cao câu này của Hồ Chí Minh, như thế là có tà tâm, ác ý! Hiểu như vậy có đúng không ? Thực ra, Người không chỉ nói câu này có một lần. Sau Cách mạng Tháng Tám, Người vẫn nhắc lại. Nǎm 1947, đến thǎm tỉnh Thanh Hoá, trong bài nói chuyện với đại biểu cán bộ, nhân dân trong tỉnh, Người đã dẫn lại ý đó: “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ… Nếu Chính phủ làm hại dân, thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Bởi chính quyền đã là của dân rồi nên Người lại càng đề cao quyền lực của dân. Tất nhiên, chúng ta phải hiểu khái niệm “đuổi” (cũng như khái niệm “cách mạng xã hội”) với nhiều hình thức: có thể thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ, diễn ra trong quốc hội của dân để bầu ra một chính phủ khác. Cũng có thể thông qua con đường phê bình, bãi miễn một vài thành viên nào đó của chính phủ nếu họ không còn đủ tư cách, không đủ trình độ xứng đáng để làm việc. Có rất nhiều hình thức và đã được ghi vào Hiến pháp, chỉ có điều là có thực thi hay không. 

Nói về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh đến chuẩn mực “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Trong một cuộc hội thảo tại Hà nội, có người phát biểu: Cần kiệm liêm chính thì đúng quá rồi, còn tại sao lại phải chí công mà vô tư ? Chuẩn mực này liệu có còn đúng nữa không, nhất là ở thời kỳ đổi mới, mở cửa hiện nay, chúng ta đang đề cao vai trò cá nhân, động lực cá nhân, thừa nhận lợi ích chính đáng của cá nhân, vậy nhấn mạnh phải “chí công”, tất cả vì cộng đồng, vì tập thể mà phải “vô tư”, tức là quên cá nhân đi, như vậy thì có đúng không ? 

Đây là một cách hiểu rất sai lệch và thô thiển về chuẩn mực này, trái với tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, nguyên nhân là do hiểu sai khái niệm. Công và tư mà Người nói ở đây không phải là quan hệ tập thể và cá nhân. Chí công có nghĩa là phải rất mực công minh, chính trực, phải luôn luôn công bằng và công tâm (như người xưa vẫn gọi thượng đế là đấng chí công !). Còn vô tư tức là không được thiên tư, thiên vị (impartial), đã nắm luật pháp và xử theo luật thì không được có lòng riêng. Nó hoàn toàn khác với khái niệm vô ngã của Phật giáo, nghĩa là phải quên hẳn bản thân mình, phải xoá bỏ cá nhân đi ! 

Còn quan hệ tập thể – cá nhân lại là một vấn đề khác. Đúng là Hồ Chí Minh rất đề cao chủ nghĩa tập thể và lên án chủ nghĩa cá nhân. Nhưng cần phân biệt cá nhân và chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một lối sống ích kỷ, nó chỉ thấy công lao của mình mà không thấy công lao của người khác, chỉ thấy khuyết điểm của người khác mà không thấy khuyết điểm của chính mình, đúng như chúa Jésus đã từng phê phán một số tông đồ hư hỏng, “chỉ thấy cái dằm nhỏ trong con mắt của người khác mà không thấy cả xúc gỗ lớn trong chính con mắt của ngươi!”. Do đó, Hồ Chí Minh viết: “Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất do chế độ cũ để lại là chủ nghĩa cá nhân”. Trái lại, Người rất xem trọng cá nhân: “Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình… Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét lợi ích cá nhân và bảo đảm cho nó được thoả mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”. 

Hơn ai hết, Hồ Chí Minh rất có ý thức về bản lĩnh, bản sắc của cá nhân mình nên Người cũng rất chú ý phát huy vai trò của từng cá nhân. Người thấy “rừng” và thấy cả từng “cây”, Người không quên một ai cả. 

Một mệnh đề nổi tiếng khác của Hồ Chí Minh cũng chưa hoàn toàn được hiểu một cách đúng đắn. Trong Di chúc, Người cǎn dặn mỗi cán bộ, đảng viên “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Có người bǎn khoǎn: đã coi cán bộ là đầy tớ thì còn tư cách gì để có thể làm người lãnh đạo ? Khái niệm “đầy tớ” là do Người chuyển nghĩa từ hai chữ “công bộc” (quan giả dân chi công bộc). Nhưng Người không chỉ nhấn mạnh có một vấn đề công bộc mà nhấn mạnh cả về người lãnh đạo, khẳng định tư cách người lãnh đạo trước, người đày tớ sau. Cần hiểu đúng tinh thần Hồ Chí Minh: làm đày tớ với tư cách người lãnh đạo và làm lãnh đạo cũng chỉ như “người lính biết vâng lệnh quốc dân ra mặt trận”, trung thành, tận tuỵ như một người công bộc; nếu kết hợp được hài hoà cả hai vế, hai tinh thần ấy, thì đó là hình ảnh lý tưởng về người cán bộ cách mạng mà Người mong muốn. 

Nêu ra một vài thí dụ như vậy cũng chỉ nhằm nói lên một điều: tuy tư tưởng Hồ Chí Minh vốn được diễn đạt dưới một hình thức ngắn gọn, giản dị như vậy, nhưng để lĩnh hội, kiến giải được hết chiều sâu và sự tinh tế của những tư tưởng ấy, quả là không đơn giản. Chính vì vậy, công việc đó cần được soi sáng, dẫn đạo bởi một số nguyên tắc phương pháp luận nhất định. 

II. Đề xuất một số nguyên tắc mang tính đặc thù của việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Trên cơ sở những kinh nghiệm và thành tựu nghiên cứu về Hồ Chí Minh những nǎm gần đây, nhất là qua tác phẩm của các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta đã viết về Người, đồng thời đào sâu vào đối tượng nghiên cứu, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số nguyên tắc phương pháp luận mang tính đặc thù của một bộ môn đang trên đường hình thành, chỉ dám coi là những gợi ý để các nhà nghiên cứu cùng thảo luận, bổ sung và phát triển. 

Những nguyên tắc này được vận dụng chung cho việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Song, dù nghiên cứu ở lĩnh vực nào, xét đến cùng cũng là để nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, bất kể đó là tư tưởng kinh tế, tư tưởng chính trị, tư tưởng đạo đức hay tư tưởng vǎn hoá – vǎn nghệ,… 

1. Phải xuất phát từ vǎn kiện, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ những tư liệu, sự kiện lịch sử chính xác để bảo đảm tính chân thực, khách quan về bản thân đối tượng

 

1.1. Nghiên cứu Hồ Chí Minh, nhất là nghiên cứu về tư tưởng, trước hết phải cǎn cứ vào vǎn kiện, tác phẩm của Người. Điều này tưởng không có gì mới. Vǎn bản không phải là điều quan trọng nhất, cái quan trọng hơn là phải xem người đời sau đã đọc và hiểu vǎn bản đó như thế nào. 

Tất nhiên nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với thực tiễn là phải tìm hiểu xem tư tưởng của Người đã đi vào quần chúng, được nhân dân tiếp nhận và đã tạo nên sức mạnh vật chất to lớn ra sao. Nhưng điều đó không có gì giống với quan điểm của trường phái herméneutique (chú giải học) ở phương Tây, nó chỉ chú trọng đến sự thông hiểu của đọc khi tiếp thu vǎn bản, nghĩa là xem cái quyết định là cái được tạo ra ở người đọc chứ không phải là cái đã có trong vǎn bản. 

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh như là một bộ môn khoa học, trước hết phải xuất phát từ vǎn kiện, tác phẩm của Người. Nếu chỉ cǎn cứ vào sự thông hiểu của người đọc, thì như trên đã nói, đối với các mệnh đề kinh điển, mỗi người có thể hiểu khác nhau, thậm chí rất xa nhau. Vì vậy, để không rơi vào gán gép tuỳ tiện, thêu dệt chủ quan thì phải bám vào vật liệu khách quan, vào ngôn ngữ của vǎn bản đã biểu đạt cái tư tưởng vốn có của vĩ nhân. Đây là nguyên tắc đầu tiên, Trước nhất, tuy không phải là duy nhất. Nói như vậy không hề có ý định cổ vũ cho lối nghiên cứu “tầm chương trích cú”, bám vào câu chữ một cách máy móc, thô thiển. Nhưng cũng cần tránh lối nói “vo”, coi thường mọi trích dẫn, vẫn dễ gây nghi ngờ cho người nghe, người đọc, liệu đó có phải đích thực là tư tưởng Hồ Chí Minh. Hay chỉ là tư tưởng suy diễn, áp đặt chủ quan của nhà nghiên cứu. 

Thí dụ: Chủ tịch Hồ Chí Minh có tư tưởng về nhà nước pháp quyền không ? Đó là nhà nước của dân, do dân, vì dân hay là nhà nước “thân dân” ? Cǎn cứ vào đâu mà nói như vậy ? 

Chúng ta đã biết, nǎm 1919 đại diện cho một nhóm người Việt Nam yêu nước, khi đưa ra Yêu sách tám điểm gửi Hội nghị Vécxay, Nguyễn ái Quốc đã đòi phải bãi bỏ chế độ cai trị bằng sắc lệnh và thay vào đó bằng các đạo luật. Diễn ca điều thứ 7 của yêu sách này, Người đã viết “trǎm điều phải có thần linh pháp quyền !”. Sau khi chính quyền đã về tay nhân dân, Người lại viết: “Nước ta là một nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều là vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều là của dân, chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương đều do dân cử ra”. Như vậy là từ rất lâu rồi Người đã từng nói đến một nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân rồi chứ không phải chúng ta đã “hiện đại hoá” tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với sự đổi mới hiện nay.

Nếu cho rằng Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một nhà nước “thân dân” thì đó là một sự cố tình gán gép, bởi vì tư tưởng “thân dân” thấp hơn tư tưởng về nhà nước của dân, do dân, vì dân của Người rất nhiều. Nhà nước của giai cấp thống trị, ở giai đoạn tích cực và tiến bộ, cũng chủ trương thân dân. Nhà nước phong kiến thời Lê Lợi, Lê Thánh Tông chủ trương thân dân, nhưng không phải là nhà nước của dân. 

Có người nói, khái niệm nhà nước của dân, do dân, vì dân đâu có phải là sáng tạo riêng của Hồ Chí Minh, nó là thành tựu của pháp quyền tư sản, có nguồn gốc từ các nhà triết học khai sáng. Đúng như vậy, nhưng cũng tư tưởng của Mác – Lênin, khi đã được Hồ Chí Minh tiếp nhận và thực hiện thì nó đã trở thành tư tưởng của Người rồi. Các nhà triết học khai sáng đề ra tư tưởng này khá sớm, nó là thành tựu của vǎn minh nhân loại, được giai cấp tư sản nắm lấy, nhưng chưa bao giờ thực hiện trong thực tế. Dưới chế độ tư bản, nhà nước bao giờ cũng nằm trong tay giai cấp tư sản. Cũng có lúc nó tuyên bố là nhà nước “vì dân”, nhưng làm sao có thể vì dân được nếu như nhà nước đó không phải là của dân, không do dân lập ra và có quyền bãi miễn ? 

Còn như nói Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đào tạo ra được một đội ngũ cán bộ nhà nước có tác phong quần chúng, rất gần dân và thân dân, … thì đó chỉ là phong cách người cán bộ nhà nước, một khía cạnh của mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân chứ chưa phải là tư tưởng về bản chất của một nhà nước kiểu mới (nhà nước của dân, do dân, vì dân). 

Như vậy, tính khách quan khoa học của việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi chúng ta trước hết phải dựa vào vǎn kiện, tác phẩm của Người. Để làm được điều này chúng ta còn gặp không ít khó khǎn vì cho đến nay một số tác phẩm của Hồ Chí Minh vẫn chưa tìm lại được: như Những người bị áp bức (Les opprimés), Con rồng tre (Le dragon en bambou), Nhật ký chìm tàu, Chủng tộc da đen, Khu vực đặc biệt, v.v.., nhiều bài báo Người viết cho tập san Inprékoorr, gửi từ Quảng Châu, qua Ban Phương Đông về Matxcơva, chưa được đǎng, nhiều bản thảo viết tay, nhiều ý kiến phát biểu ở các hội nghị,… đến nay vẫn chưa biết nằm ở đâu. 

Cái khó nữa là, trong những tài liệu của Người đã công bố, không kể những bài do chính tác giả sữa chữa lúc sinh thời, hoặc do cách dịch khác nhau,… có một số bài, vì nhiều lý do, đã được biên tập lạ, sửa chữa về chi tiết hoặc lược bớt một số câu, một số đoạn. Thí dụ, Tuyên ngôn độc lập, hiện có nhiều dị bản. Điều đó gây trở ngại cho việc tiếp tư tưởng đích thực của Người, cũng như trong việc nghiên cứu ngôn ngữ và vǎn phong Hồ Chí Minh. Việc xuất bản lần thứ hai bộ Hồ Chí Minh – Toàn tập với tinh thần khôi phục lại tính lịch sử của vǎn bản, hiệu đính lại các bản dịch và bổ sung thêm nhiều tài liệu mới,… là một cố gắng đáng kể trong việc khắc phục tình hình nói trên, tuy nhiên khó khǎn chưa phải đã hết. 

1.2 Dựa vào vǎn bản, sự kiện, câu trích dẫn đồng thời phải dựa vào bối cảnh xuất xứ của nó mà phân tích, đánh giá để không rơi vào suy diễn chủ quan, theo thiên kiến, từ phía này hay phía khác. 

Sự kiện Nguyễn Tất Thành viết đơn xin vào học Trường Thuộc địa Paris là điều có thật. Cần hiểu sự kiện này như thế nào ? Trong bối cảnh nào, do động cơ nào mà Nguyễn Tất Thành làm đơn xin vào học Trường Thuộc địa ? Một lá đơn ngắn được viết theo thể thức vǎn hành chính chưa thể nói được nhiều với chúng ta về tất cả những suy nghĩ của anh. Trong đơn có câu: “Tôi muốn trở thành có ích cho nước Pháp và cho đồng bào tôi, đồng thời muốn cho họ được hưởng những lợi ích của học thức” (Je désirerais deverin utile à la France vis-à-vis de mes compatriotes et pouvoir en même temps les faire profiter des bienfaits de I’ Instruction). 

Nếu đặt câu này trong ngữ cảnh của một lá đơn xin học và trong mục tiêu ban đầu mà anh đã nói rõ “sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”, để “xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”, thì việc anh xin vào học Trường thuộc địa để hy vọng sau này giúp cho đồng bào mình được hưởng những lợi ích của học vấn, điều đó hoàn toàn nhất quán với mục tiêu anh đề ra cho mình khi rời Tổ quốc đi sang phương Tây. 

Bình luận về sự kiện này, nhà sử học Pháp D. Hémery đã viết: lá đơn đó “trước hết thể hiện một ý muốn tạm thời được học,… nhưng đơn xin học còn bao hàm một ý nghĩa khác, tóm tắt trong khẩu hiệu thịnh hành lúc đó trong các thanh niên học sinh là “xuất dương du học rồi về nhà cứu nước”,… để phổ biến tri thức hiện đại trong các dân tộc thuộc địa”. 

Sau nữa, thực tế lịch sử đã chỉ ra rằng không phải ai học xong Trường Thuộc địa cũng đều ra làm quan lại cho Pháp cả. Có người học xong đã chuyển qua học trường Beaux – Arts Paris để trở thành hoạ sĩ, như Lê Vǎn Miến; có người học xong về nước chỉ dạy học, nghiên cứu, viết vǎn như Bùi Kỷ, v.v.. Như vậy rõ ràng là những ai chỉ suy diễn, ngộ nhận bằng cách đánh đồng phương tiện với mục đích thì chỉ là sự xuyên tạc sự thật mà thôi. 

Như trên đã nói, quá trình tìm tòi chân lý của Hồ Chí Minh không phải là con đường thẳng tắp, giản đơn. Tư tưởng Hồ Chí Minh có quá trình hình thành và phát triển của nó. Vì vậy, việc nắm vững bối cảnh xuất xứ của sự kiện, vǎn bản, câu trích dẫn sẽ giúp cho người nghiên cứu tránh được những biện luận, suy diễn nhầm lẫn không đáng có. Chẳng hạn, có người đã dẫn câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” để chứng minh rằng Người đã phát hiện ra chân lý lớn đó của thời đại từ rất sớm, ngay từ đầu những nǎm 20 của thế kỷ này! Đúng là từ thực tiễn hoạt động chính trị của mình, Nguyễn ái Quốc – Hồ Chí Minh ngay từ những nǎm 20 đã có nhiều bài viết thể hiện tinh thần của quan điểm trên, nhưng câu vừa được trích dẫn thì mãi đến nǎm 1959 Người mới viết, trong lời tựa cho cuốn “Những bài nói và viết chọn lọc”, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Matxcơva xuất bản nǎm 1960. Lấy câu viết ở giai đoạn sau để diễn giải về tư tưởng của giai đoạn trước là một điều nên tránh, nếu muốn đảm bảo tính khách quan, chân thực lịch sử trong nghiên cứu, đánh giá. 

2. Phải tiếp cận tư tưởng Hồ Chí Minh trong tính thống nhất giữa nói và viết, sống và làm; giữa tư tưởng – đạo đức và phương pháp – phong cách; giữa đời sống chung và đời sống riêng

 

2.1. Nghiên cứu tư tưởng vĩ nhân phải dựa vào vǎn bản – những điều đã nói và viết – đó là điều trước nhất, nhưng không phải là duy nhất, quan trọng hơn còn phải xem họ đã sống và làm như thế nào. Bởi không phải một nhà tư tưởng, một nhà đạo đức nào cũng đạt tới sự nhất quán giữa nói và làm. Có người chỉ nói mà không làm, hoặc nói một đằng, làm một nẻo, nói thì hay làm lại dở. 

Hồ Chí Minh là một vĩ nhân đã đi chọn lôgích nhất quán của đời mình, đạt tới sự thống nhất cao độ giữa con người và sự nghiệp, tư tưởng và hành động, giữa thuyết giảng đạo đức và thực hành đạo đức, giữa ham muốn của cá nhân với ham muốn của cả dân tộc, giữa đời công và đời tư,… 

Người là một trí tuệ mẫn tiệp, có bút lực dồi dào và đã để lại cho chúng ta một khối lượng những trang viết không phải là nhỏ. Tuy nhiên, về cơ bản, Hồ Chí Minh là một nhà hiền triết hành động, tư tưởng của Người được thể hiện chủ yếu qua hành động. Nét đặc sắc ở nhà tư tưởng Hồ Chí Minh là nói ít làm nhiều, có làm được mới nói, có khi làm mà không nói. Do đó, cần thiết phải tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh qua hành động. 

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh phải kết hợp tiếp cận vǎn bản với tiếp cận thực tế, phải tìm hiểu qua những việc làm và cách làm, qua hành động và ứng xử cụ thể từ việc lớn đến việc nhỏ, trong đời sống chung cũng như trong đời sống riêng, với người thân, bạn bè, đồng chí và kẻ thù,… Nói tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện trong những bài nói, bài viết của Người, mà còn thể hiện trong hoạt động phong phú, trong toàn bộ sự nghiệp vĩ đại mà Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. 

Thí dụ: Trong kháng chiến chống Pháp, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ, khi phong trào cộng sản và công nhân có sự mâu thuẫn và bất đồng về quan điểm, vì lợi ích dân tộc và nhằm khôi phục sự đoàn kết, thống nhất trong phong trào cộng sản quốc tế, nên có nhiều điều Người không thể nói ra, viết ra, nhưng Người vẫn làm theo quan điểm, đường lối của mình và hướng dẫn cho đồng chí, học trò của mình chỉ đạo thực hiện theo đường lối đó. 

Trong những trường hợp như trên, nếu chỉ tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh trên vǎn bản thì sẽ không đầy đủ và khó chính xác, mà phải tìm hiểu trong thực tiễn hành động, trong việc làm và cách làm của Người. 

Từ đó, một phương hướng nữa có thể và cần thiết phải kết hợp vận dụng, đó là tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh trong các tác phẩm của các đồng chí và học trò gần gũi đã được Người chỉ giáo, đã lĩnh hội, thấm nhuần và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực hoạt động của mình. 

Đồng chí Trường-Chinh đã cho biết có một số bài báo của đồng chí đã cǎn cứ vào những ý kiến, chỉ thị của Bác Hồ mà viết ra, như bài Mười chính sách của khu giải phóng. Các tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi, Bàn về cách mạng Việt Nam ,… đã được hoàn thành với sự trao đổi, góp ý, bổ sung của Hồ Chí Minh. Tìm hiểu tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh không thể không tìm hiểu sự quán triệt những tư tưởng đó trong các tác phẩm của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Cũng như vậy, tìm hiểu tư tưởng vǎn hoá, tư tưởng về nhà nước và pháp luật của Hồ Chí Minh có thể tìm hiểu thêm qua các tác phẩm của đồng chí Phạm Vǎn Đồng với cương vị ban đầu là Phó thủ tướng rồi sau là Thủ tướng Chính phủ làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nghĩa là có khoảng 20 nǎm hoạt động về nhà nước bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã quán triệt tư tưởng của Người về nhà nước trong công tác hàng ngày. 

2.2. Sự nhất quán trong đa dạng của nhân cách vǎn hoá Hồ Chí Minh được chi phối bởi một tư tưởng chỉ đạo nhất định, cần phát hiện ra tư tưởng cốt lõi đã quán xuyến toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức, phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, đã liên kết chúng thành một hệ thống chặt chẽ, sâu sắc. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh là phải tìm ra cho được các hạt nhân cơ bản đó, cái tâm “bất biến” đã chi phối hành động “vạn biến” của Hồ Chí Minh thành một khối thống nhất. 

Cái tâm bất biến đó chính là tư tưởng về sự gắn bó thống nhất giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Điều này, chính Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Về nội dung viết mà các cô, các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả các bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. 

Đồng chí Lê Duẩn cũng viết: “Người là tượng trưng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý tưởng độc lập, tự do với lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, giữa chủ nghĩa yêu nước nồng nàn với tinh thần quốc tế vô sản chân chính”. 

Có khi, ở một thời điểm nhất định, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ nhấn mạnh vào chín chữ vàng chói lọi: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhưng đúng như đồng chí Trường Chinh đã chỉ rõ: “Chân lý của dân tộc “không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã được Hồ Chủ tịch nâng lên ngang tầm của thời đại và mang một nội dung mới: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. 

Việc xác định chính xác hạt nhân cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh có một ý nghĩa phương pháp luận rất quan trọng, nó trở thành phạm trù khởi điểm đồng thời cũng là phạm trù quy tụ cho mọi sự nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và trước tác của Người. Đó là cơ sở tạo nên sự thống nhất giữa chủ nghĩa yêu nước với chân lý của thời đại là chủ nghĩa Mác – Lênin, giữa dân tộc với giai cấp, dân tộc và quốc tế, kháng chiến và kiến quốc, chống kẻ thù xâm lược và xây dựng chủ nghĩa xã hội, chiến đấu và sản xuất, cải tạo và xây dựng, v.v… Toàn cảnh bức tranh đa dạng, phong phú về tư tưởng và lý luận của Người được liên kết trên cái trục trung tâm đó; đồng thời tư tưởng cốt lõi, hạt nhân cơ bản đó cũng là ngọn đèn hướng đạo cho người nghiên cứu nhận thức, lĩnh hội được đúng đắn mọi chi tiết và khía cạnh cụ thể trong trước tác của Người. Không thấu suốt nguyên tắc đó trong nghiên cứu dễ rơi vào tản mạn, cục bộ. Xa rời nguyên tắc đó trong đánh giá, lý giải, cũng dễ rơi vào chủ quan, khiên cưỡng. 

Tóm lại, nắm vững nguyên tắc về tính thống nhất này sẽ giúp cho người nghiên cứu lý giải thành công mối quan hệ biện chứng giữa cái đa dạng và cái bất biến, giữa chiến lược và sách lược, giữa anh hùng giải phóng dân tộc và nhà vǎn hoá, giữa nhà chính trị thực tiễn và nhà thơ trữ tình, v.v. trong cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh. 

3. Phải tiếp cận tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự vận động, phát triển của cách mạng Việt Nam, trong mối quan hệ giữa lãnh tụ với quần chúng và gắn với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới hiện nay

 

3.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành và phát triển song song với quá trình vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đi lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong mối quan hệ với cách mạng thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh có nội dung lịch sử cụ thể của nó. Những điều Người nói thường rất cụ thể, trong hoàn cảnh cụ thể với những đối tượng cụ thể, nhằm đạt tới những yêu cầu cụ thể. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh không được thoát ly những điều kiện cụ thể đó. 

Thí dụ, từ sau khi hoà bình lập lại, miền Bắc nước ta đã bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, những vấn đề về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nói chung và xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ của nhà nước chuyên chính vô sản nói riêng đều là những vấn đề lý luận còn hết sức mới mẻ. Do chưa có kinh nghiệm bản thân, còn đang trên con đường tìm tòi, thể nghiệm, ta phải vừa làm, vừa học tập, tham khảo lý luận, kinh nghiệm, cách làm của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, trước hết là Liên Xô (cũ) và Trung Quốc. Đó cũng là điều bình thường, không tránh khỏi của một thời kỳ mới mẻ, đang khai phá. 

Vì vậy, khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cần có sự phân tích khách quan, khoa học, gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể để tránh ngộ nhận, biến cái cá biệt, cái nhất thời thành cái phổ biến, cái cốt lõi; coi những điều đang tìm tòi, thể nghiệm là cái đã định hình, cái bản chất. 

Một lãnh tụ dù vĩ đại và sáng suốt đến đâu cũng chịu sự hạn chế của lịch sử, của thời đại cũng như cái hạn chế của đời sống một con người. Do biết chắt lọc, kế thừa những thành tựu tư tưởng – vǎn hoá của nhân loại mà Hồ Chí Minh trở thành lãnh tụ lỗi lạc của Đảng và dân tộc. Nhưng trí tuệ, thành tựu của thời đại mới phát triển đến đó, chưa thể mách bảo gì hơn thì không thể vì kính yêu lãnh tụ mà suy diễn, gán ghép cho Người những điều mà Người chưa nghĩ tới, chưa thực sự đặt ra và chín muồi trong tư tưởng của mình. 

Cũng như vậy, chỉ nên coi những tư tưởng của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là những phác thảo ban đầu, Người chưa bao giờ có ý định đưa ra một mô hình nào về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những cố gắng đi tìm trong tác phẩm của Hồ Chí Minh những giải pháp có sẵn cho những vấn đề của ta hiện nay chỉ là ảo tưởng. Người chỉ cung cấp cho ta một phương thức vận động tư duy, một phương pháp để phân tích thực tại xã hội, từ đó mà tự tìm ra những giải pháp cho các vấn đề hôm nay. 

Cần nhớ rằng, bản thân tư tưởng Hồ Chí Minh cũng vận động và phát triển. Thí dụ đầu những nǎm 20 của thế kỷ này, nhận định về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, Người viết: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới” 1 . Đến nǎm 1941, Hội nghị Trung ương lần thứ tám, dưới sự chủ toạ của Người, đã có sự phân tích và lập luận cụ thể: “… Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn nǎm cũng không đòi lại được”. 

Về những vấn đề lý luận của chủ nghĩa xã hội cũng vậy, nếu còn sống đến ngày hôm nay, trước thực tiễn mới, chắc rằng Người cũng có những tìm tòi và phát hiện mới. Điều đó hoàn toàn phù hợp với lôgích phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh là “hướng tới phía trước, tiến lên không ngừng”. 

3.2. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh còn phải tìm hiểu sự vận động và phát triển của nó trong đời sống tư tưởng, tình cảm và hành động cách mạng của quần chúng. 

Điều đó có nghĩa là phải chống khuynh hướng kinh viện chủ nghĩa, trách việc nghiên cứu tư tưởng và lý luận Hồ Chí Minh trong sự đóng kín của vǎn kiện, tác phẩm, không thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa lãnh tụ và quần chúng, giữa tư tưởng và lý luận cách mạng của Người với thực tiễn cách mạng của dân tộc và đất nước. 

Là người học trò trung thành của Mác và Lênin, Hồ Chí Minh nghiên cứu và phát biểu lý luận không chỉ để giải thích thế giới mà là để cải tạo thế giới. Người tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin không phải bằng con đường nhà trường và sách vở mà trong thực tiễn hoạt động cách mạng, từ nhu cầu cấp bách của việc tìm đường cứu nước. Như Người đã nói, “vừa làm công tác thực tế”, “vừa nghiên cứu lý luận Mác – Lênin” và vận dụng lý luận vào tuyên truyền, giáo dục, tác động, thức tỉnh quần chúng. Người kịch liệt chống lại thứ lý luận chỉ dừng lại trên sách vở, “đề ra những luận cương dài dằng dặc và thông qua những nghị quyết rất kêu để sau đại hội đưa vào viện bảo tàng”. Mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói của Người đều hướng tới quần chúng và nhằm mục đích đấu tranh cải tạo xã hội và con người. Vì vậy, “những chân lý giản dị mà sâu sắc đó, lúc thâm nhập vào quả tim và bộ óc của hàng triệu quần chúng đang chờ đợi nó, thì đó là sức mạnh vô địch, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng”. 

Như vậy, nghiên cứu di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh là phải nghiên cứu cả hai quá trình: quá trình hình thành, phát triển của chính nội dung tư tưởng đó và quá trình nó thâm nhập vào cán bộ, đảng viên, quần chúng, thức tỉnh, cổ vũ, tác động, giáo dục họ; nghĩa là nghiên cứu hiệu quả của lý luận khi thâm nhập vào quần chúng sẽ trở thành một sức mạnh vật chất như thế nào, như Mác đã nói. 

Ví như nghiên cứu tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, nếu chỉ dừng lại ở việc thuyết minh hệ thống các khái niệm, phạm trù và chuẩn mực của đạo đức cách mạng, xác lập những hình thức và biện pháp giáo dục đạo đức mới, v.v. thì vẫn là chưa đủ nếu như không chứng minh được ý nghĩa, tác dụng, hiệu quả của những tư tưởng đạo đức đó trong việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cả một đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng qua các giai đoạn cách mạng, từ vận động đấu tranh giành chính quyền, qua hai cuộc kháng chiến đến giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. 

Cũng như vậy, trong việc nghiên cứu thơ vǎn Hồ Chí Minh, sẽ là không đúng nếu chỉ chú ý hoặc chú ý quá nhiều đến việc tìm hiểu một bộ phận thơ trữ tình, thơ nghệ thuật của Người mà, không chú ý hoặc chú ý không đúng mức đến bộ phận thơ cổ động, thơ chúc tết của Người. Loại thứ nhất, phần lớn được viết ra trong hoàn cảnh như Người nói, không biết làm gì thì “ngâm ngợi cho khuây”, thế thôi! Không ai chối cãi giá trị tư tưởng và nghệ thuật của một tập thơ vĩ đại “đã làm xáo trộn cả tâm hồn người đọc” như Nhật ký trong tù. Dù sao những bài thơ ấy chủ yếu được viết ra để tự nói với mình chứ không phải chủ yếu hướng tới người đọc. Trái lại, bộ phận thứ hai, thơ cổ động, thơ chúc tết, lại được Người viết ra với một công phu, dụng ý hẳn hoi, có lựa ý lựa lời, có tính toán hiệu quả ở người tiếp nhận. Điều này, Cố vấn Phạm Vǎn Đồng đã nói rõ: “Lúc đọc những lời kêu gọi cũng như các bài thơ chúc tết, Bác biết rằng đồng bào cả nước đều lắng nghe, Bác cũng biết rất rõ rằng đồng bào và chiến sĩ miền Nam càng lắng nghe Bác nói với tất cả tâm hồn mình, hình như Bác đang nói với mình”. Do đó, nghiên cứu bộ phận thơ này, chủ yếu không phải là nghiên cứu giá trị nghệ thuật của nó – dù là nghệ thuật tuyên truyền – mà là nghiên cứu mối quan hệ giữa động cơ sáng tác của lãnh tụ và hiệu quả, tác dụng của nó trong tư tưởng, tình cảm và hành động cách mạng của quần chúng, tức là không chỉ vận dụng phương pháp của vǎn học mà cả phương pháp của xã hội học. 

Tóm lại, thơ ca và vǎn chính luận của Hồ Chí Minh không dừng lại ở mức nhận thức và phản ánh, mà chủ yếu là nhằm để tác động, giáo dục. Nó là vũ khí sắc bén của người cách mạng, là một kênh thông tin quan trọng giữa lãnh tụ và quần chúng. Chỉ có vượt lên trên câu chữ, sách vở, nghiên cứu tư tưởng và lý luận của Hồ Chí Minh trong sự gắn bó với thực tiễn cách mạng, với đời sống tư tưởng, tình cảm của quần chúng, mới thấy được sức sống bất diệt của những tư tưởng ấy, mới thấy ” Hồ Chủ tịch vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. 

3.3. Cuối cùng, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh không phải chỉ đáp ứng yêu cầu tổng kết, đánh giá, thẩm định những giá trị lịch sử đã qua, mà phải tính đến yêu cầu làm sống động các giá trị đó trong công cuộc đổi mới, phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 

Từ tư tưởng đích thực của Hồ Chí Minh, người nghiên cứu cần đề xuất được những gợi ý vận dụng những tư tưởng đó vào cuộc sống hiện nay. Nếu nghiên cứu chỉ dừng lại ở yêu cầu tìm hiểu tư tưởng của một vĩ nhân trong quá khứ, chỉ để khẳng định cái đã qua mà không làm cho nó hiện diện, sống thực, toả sáng với hôm nay, không chỉ ra được ý nghĩa “là cơ sở tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của chúng ta”, thì sự nghiên cứu đó là không đạt yêu cầu, xét về mặt phương pháp luận. 

Những điều trình bày trên mới chỉ là một số nét phác thảo ban đầu, về những nguyên tắc phương pháp luận có ý nghĩa đặc thù chỉ đạo việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Công việc đó, về cơ bản, mới chỉ là giai đoạn khởi động; các công trình nghiên cứu trọng điểm vẫn đang trên đường hoàn thiện để tiến tới xã hội hoá, vì vậy chúng ta vẫn chưa có điều kiện tổng kết những thành tựu và hạn chế của nó xét về mặt phương pháp luận. Những nguyên tắc được nêu lên ở chương này đã cố gắng trình bày trong sự liên hệ với thực tiễn nghiên cứu về Hồ Chí Minh những nǎm gần đây ở trong nước và ngoài nước. Một sự phân tích khoa học đầy đủ và sâu sắc hơn sẽ được bổ sung cùng với thành tựu và triển vọng của một bộ môn mới đang hình thành – bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Phần thứ hai 
PHƯƠNG PHÁP LIÊN NGÀNH VÀ MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP 
CHUYÊN NGÀNH NGHIÊN CỨU VỀ HỒ CHÍ MINH 

Chương IV 
Phương pháp liên ngành trong nghiên cứu Hồ Chí Minh

ở nước ta, cho đến nay, phương pháp liên ngành vẫn còn là một hiện tượng mới mẻ của lĩnh vực phương pháp và phương pháp luận, mức độ phổ cập còn hạn chế, thực chất là chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn. Do đó, trước khi bàn việc vận dụng phương pháp liên ngành vào nghiên cứu Hồ Chí Minh, cần thiết thống nhất một số quan niệm cơ bản về thực chất, đặc điểm và phạm vi vận dụng của nó. 

I. Khái niệm về nghiên cứu liên ngành và phương pháp liên ngành 

1. Về nghiên cứu liên ngành

 

Hiện tượng nghiên cứu liên ngành đã phát triển mạnh mẽ từ những nǎm 50 trở lại đây, nảy sinh từ thực tiễn phát triển của khoa học, khi các chuyên ngành hẹp không thể tự mình giải quyết được những vấn đề đặt ra nếu không liên hợp, kết hợp với các chuyên ngành khác. Đến nay, xu hướng liên ngành đã trở thành đối tượng nghiên cứu không thể bỏ qua của những người làm khoa học. 

Hiện tượng liên ngành đã được Ph. Ǎngghen tiên đoán từ cuối thế kỷ XIX. ở thời cổ đại, về cơ bản, khoa học chưa có sự phân ngành, nếu có, cũng chỉ như những yếu tố mà chưa thành một ngành. Các nhà khoa học có tên tuổi thời bấy giờ cũng đồng thời là các nhà bách khoa (như Pithagore vừa là nhà triết học, vừa là nhà toán học, thiên vǎn học, … Aristote vừa là nhà triết học, chính trị học, lôgích học, tu từ học, thi pháp học, vừa là nhà vật lý học, sinh vật học, v.v…). Điều đó cũng diễn ra ở phương Đông với tình trạng vǎn – sử – triết bất phân. Nhà nho kiêm cả y, lý, số… 

Bước sang thời trung, cận đại, thế giới không còn được nhìn như một tổng thể thống nhất mà đã được chia ra thành từng khối. Tri thức khoa học đã được phân hoá và hình thành các bộ môn khác nhau: toán, thiên vǎn, cơ, lý, hoá, sinh, sử, vǎn, kinh tế, tâm lý, ngôn ngữ,… Lịch sử phân ngành kéo dài cho đến cuối thế kỷ thứ XIX. Các khoa học lý thuyết đồ sộ cũng đã xuất hiện vào thời gian này. 

Sự phân ngành dữ dội, đã tạo ra những hạn chế: các chuyên ngành chỉ biết đi sâu vào cái riêng của ngành mình mà bỏ qua cái chung. Vì vậy, càng phân ngành, các nhà khoa học càng ít hiểu nhau. Do đó, Ph. Ǎngghen đã dự đoán: ở chỗ ráp ranh của phân ngành sẽ là liên ngành. 

ở thời kỳ hiện đại, sự phát triển như vũ bão của khoa học đã tạo ra yêu cầu khách quan là các ngành phải xích lại gần nhau, liên hợp với nhau, thâm nhập vào nhau. Khoa học hiện đại hình thành ba khối chuyên môn lớn: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân vǎn, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Sự liên ngành diễn ra ở các mức độ khác nhau: có khi là hai ngành ráp ranh, kề cận nhau (cơ-lý, hoá-lý, hoá-sinh), có khi tới ba ngành (cơ-lý-toán, hoặc như khoa học Mác – Lênin gồm triết học, kinh tế – chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học), có khi còn nhiều hơn nữa, tới bốn, nǎm ngành, như trong tâm lý học hiện đại, điều khiển học, v.v… 

Sự liên ngành không chỉ diễn ra trong nội bộ một khối ngành mà còn diễn ra giữa khối ngành kia, như toán – kinh tế, toán – ngôn ngữ,… Xét về mức độ, sự hợp ngành cũng diễn ra ở hai mức: mức thấp, mức kết hợp là liên ngành (hay liên bộ môn) và mức cao là mức hợp ngành hay tích hợp (intégration) để tạo ra bộ môn mới. 

Hiện nay ở nước ta, nghiên cứu liên ngành mới bắt đầu ở mức thấp. Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia về tư tưởng Hồ Chí Minh (KX.02) là một chương trình nghiên cứu liên ngành (ở mức thấp) nghĩa là các nhà khoa học thuộc nhiều bộ môn tham gia vào giải quyết các đề tài của chương trình bằng cách vận dụng phương pháp bộ môn của mình để tìm hiểu, lý giải một phương diện nào đó của đối tượng nghiên cứu vốn rất đa diện là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực ra, nghiên cứu liên ngành như là một cấu trúc thực sự, sau khi có một cơ quan nghiên cứu làm đầu mối, một chương trình nghiên cứu làm nội dung vẫn chưa đủ, mà phải tiến lên xây dựng một lý thuyết chung mới nghiên cứu liên ngành được. Từ đó đẻ ra yêu cầu phải xây dựng phương pháp liên ngành. 

2. Phương pháp liên ngành

 

Như trên đã nói, xuất phát từ yêu cầu mở rộng trường nhận thức của mỗi chuyên ngành, do quá đi sâu vào cái riêng của ngành mình mà làm cho nhiều cái riêng khác bị che mờ đi, không đủ sức bao quát được các hiện tượng phức tạp khác, vì vậy cần thiết phải liên ngành với nhau nhằm phát huy thế mạnh, khắc phục cái hạn chế của mỗi bên. 

Nhu cầu hợp tác nghiên cứu liên ngành đặt ra vấn đề phương pháp liên ngành. ở nước ta, vấn đề nghiên cứu liên ngành hưa thật phát triển nên vấn đề phương pháp liên ngành cũng chưa thể giải đáp một cách thật đầy đủ và sáng tỏ ngay được. 

Hiện nay, có hai xu hướng liên ngành cơ bản: liên ngành vì một ngành (đã có) và liên ngành vì hợp ngành (để hình thành một ngành mới). ở nước ta, nhất là trong khoa học xã hội, đang bắt đầu ở hướng thứ nhất. Do đó, để tìm hiểu về phương pháp liên ngành, ở đây giới thiệu hạn chế trong phạm vi liên ngành vì một ngành, nhằm vân dụng thiết thực vào việc nghiên cứu Hồ Chí Minh. 

2.1. Thực chất của phương pháp liên ngành (vì một ngành) là gì ? Nó có những đặc trưng và yêu cầu nào ? ở nước ta, đây là một vấn đề còn mới mẻ, đang trên đường thực nghiệm, nên cũng chỉ mới có điều kiện nêu ra một số nét ban đầu đẻ từ đó tìm cách vận dụng vào chuyên ngành Hồ Chí Minh học. 

Phương pháp nghiên cứu liên ngành (vì một ngành) do đối tượng nghiên cứu quyết định. Thực tế, có những đề tài không thể do một ngành nghiên cứu giải quyết được, mà đòi hỏi phải có sự nghiên cứu liên ngành. Thí dụ, để nghiên cứu về thời kỳ quá độ ( bao gồm các vấn đề quy luật phổ biến và đặc thù của thời kỳ quá độ, vấn đề phân kỳ thời kỳ quá độ, vấn đề giải quyết những khó khǎn, phức tạp về kinh tế – xã hội, đạo đức – lối sống,… trong thời kỳ quá độ, v.v..) đòi hỏi phải có sự tham gia nghiên cứu của nhiều ngành. Điều này càng rõ hơn khi tiếp cận các đề tài có tính toàn cầu như về thời đại hiện nay, về chiến tranh và hòa bình, về nguyên liệu – nǎng lượng và môi trường sinh thái, v.v.. 

Trong những trường hợp đó, phương pháp liên ngành là phương thức tốt nhất để khai thác, tái hiện toàn bộ bản chất và quy luật của đối tượng nghiên cứu như là nó và như là ngoài nó. 

Thí dụ, việc sử dụng phương pháp liên ngành trong sử học xuất phát từ chỗ đối tượng của sử học là những sự kiện do con người sáng tạo ra, đã xảy ra trong quá khứ, có khi ở những thời đai rất xa xưa, trong mối quan hệ với tự nhiên, xã hội và giữa con người với nhau. Đó không phải là một đối tượng trực tiếp đang diễn ra mà là được tái hiện ra, nên không bao giờ đầy đủ. Vì vậy, để chiềm lĩnh được nó, một đối tượng phức tạp nhiều bộ phận, nhiều hệ thống, nên ngoài chi thức và phương pháp của bản thân sử học, nhà nghiên cứu cần phải vận dụng những chi thức và phương pháp ngoài sử học như triết học (đặc biệt là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử), đường lối, quan điểm của Đảng, các nhà khoa học hỗ trợ khác như địa lý – lịch sử, xã hội học, tâm lý học, dân số học, v.v.. 

Phương pháp liên ngành là phương pháp đưa cách thức, mô hình, lược đồ của ngành mình vận dụng vào nghiên cứu ngành khác và ngược lại. Nó là sự kết hợp, đan xen và bổ sung các phương pháp cho nhau giữa các ngành độc lập, nhằm phát huy cái mạnh, hạn chế cái nhược điểm của mỗi phương pháp. 

Tất nhiên, liên ngành không đơn thuần chỉ là cộng ngành, mà có sự điều chỉnh đậm, nhạt trong sử dụng các phương pháp tuỳ theo mỗi đề tài nghiên cứu. Thí dụ, để nghiên cứu những vấn đề đạo đức trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chủ yếu phải vận dụng phương pháp của đạo đức học Mác – Lênin có kết hợp với phương pháp tâm lý học xã hội để lý giải diễn biến tâm lý con người sau chiến tranh, từ bao cấp sang cơ chế thị trường, với phương pháp điều tr xã hội học, phương pháp thống kê toán học, v.v.. Vì vậy, hội thảo chuyên gia là bước đi là bước đi cần thiết để lựa chọn khả nǎng đối tác trước khi bắt tay thực sự vào nghiên cứu liên ngành. 

Hiện nay, do sự phát triển của khoa học và do yêu cầu của thực tiễn đời sống, nghiên cứu liên ngành đang trở thành một hiện tượng phổ biến trong mỗi quốc gia cũng như trên phạm vi toàn cầu. Việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội (ngắn han, trung hạn và dài hạn) của mỗi quốc gia, cũng như việc giải quyết những vấn đề có tính toàn cầu của thời đại hiện nay (vấn đề cân bằng sinh thái, bùng nổ dân số, khủng hoảng lực lượng, nǎng lượng,…) đòi hỏi sự nhất thể hoá về nhận thức và hành động trong tất cả các quốc gia, khu vực và toàn nhan loại. Tập thể rộng lớn các nhà khoa học thế giới tham gia vào đó, làm việc với nhau trên cơ sở phương pháp liên ngành khoa học, sẽ đem lại cho nó một bước phát triển mới, cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. 

2.2. Phương pháp liên ngành đòi hỏi nắm vững một số nguyên tắc chỉ đạo 

– Phải xác định rõ vai trò của chủ thể trong liên ngành: cái gì là trung tâm, ai giữ địa vị chủ đạo ? Liên ngành là sự tương tác giữa các chuyên ngành, nếu sự tương tác đó chịu lực chi phối của nhiều trung tâm khác nhau sẽ dẫn tới những kết quả khác nhau. Hai bộ môn khoa học gần kề nhau, như hóa và sinh, nếu hóa học là trung tâm thì sẽ tạo ra chuyên ngành mới là hóa – sinh, nếu sinh học đóng vai trò trung tâm thì sẽ tạo ra ngành mới là sinh – hóa. 

Trong trường hợp liên ngành vì một ngành thì phải lấy ngành sẵn có này làm trung tâm, xuất phát từ nhu cầu của ngành đó và cuối cùng tất cả đều quay về phục vụ cho ngành đó. Nếu liên ngành vì chuyên ngành nghiên cứu Hồ Chí Minh thì trung tâm tổ chức hợp tác liên ngành là bộ môn Hồ Chí Minh học. Các chuyên gia hợp tác như sử học, đạo đức học, xã hội học, vǎn học,… sẽ huy đông mọi tri thức và phương pháp của các ngành mình hướng vào phục vụ cho việc khám phá bản chất và quy luật của đối tượng nghiên cứu là con người, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức,… Hồ Chí Minh. Để làm được việc này, trung tâm đứng ra tổ chức sự hợp tác liên ngành phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, nhất là cán bộ đầu ngành giỏi, để phân tích, chọn lọc tiếp thu và sử dụng được lợi thế của những phương pháp khác nhằm hoàn thiện cho phương pháp của chuyên ngành mình. Một ngành học non trẻ sẽ trưởng thành nhanh chóng khi biết hợp tác với các chuyên ngành khác. 

– Phải xác lập và nắm bắt những đặc thù của phương pháp chuyên ngành của mình để trong quá trình liên ngành, khi tiếp thu các chi thức và phương pháp của các ngành khác, không làm mất đi đặc trưng riêng củ chuyên ngành mình. 

Một chuyên ngành khoa học mới ra đời, hệ thống tri thức, ngôn ngữ, khái niệm của nó, thường chưa thể hoàn chỉnh ngay một lúc. Nghiên cứu chuyên ngành là sự giao thoa, tương tác giữa nhiều ngành, trong đó có những ngành cơ bản đã có bề dày lịch sử, có khả nǎng thâm nhập, tác động vào các ngành khác. Nếu không đứng vững và xuất phát từ đặc trưng của ngành mình thì chẳng những không hấp thụ được những cái hay, cái mạnh của ngành khác mà còn đánh mất vai trò, tác dụng của ngành mình, và như vậy thì nghiên cứu liên ngành cũng mất luôn ý nghĩa. 

Thí dụ, nghiên cứu đề tài “Con người và chính sách xã hội với con người” đã thu hút sự tham gia của rất nhiều ngành: triết học, xã hội học, đạo đức học, vǎn hoá học, tâm lý học, v.v.. Khi tham gia vào đề tài này, bộ môn Hồ Chí Minh phải xuất phát từ những quan điểm của Hồ Chí Minh về con người và những tư tưởng của Người về chính sách xã hội đối với con người. Từ khi có mặt trận Việt Minh, nhất là từ khi đứng đầu nhà nước của dân, do dân, vì dân, cho đến Di chúc để lại cho Đảng và Nhà nước ta, Người luôn luôn yêu cầu phải làm gì đối với con người sau khi chiến tranh kết thúc… Chỉ trên cơ sở đó, chuyên ngành Hồ Chí Minh mới có đóng góp cụ thể vào đề tài những kiến nghị cụ điều chỉnh, sửa đổi các chính sách cũ, đặt ra những chính sách mới có tính khả thi, theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh và phù hợp với tình hình thực tiễn nước ta. 

– Phải tuân thủ trình tự liên ngành từ gần đến xa, từ cùng khối đến khác khối, tức là phải xuất phát từ nhu cầu và đặc trưng của ngành mình mà lựa chọn đối tác. 

Chẳng hạn, toán học liên kết trước hết với khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ, sau đó mới dần dần lan sang khoa học xã hội và nhân vǎn. Ngay trong khoa học tự nhiên nó cũng bắt đầu từ các bộ môn gần kề: từ cơ học, đến vật lý học, sau mới đến hoá học rồi sinh học,… 

Chuyên ngành nghiên cứu Hồ Chí Minh thuộc khối khoa học xã hội và nhân vǎn, có mối liên hệ chặt chẽ với các bộ môn lý luận Mác – Lênin (triết học Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử Đảng, xây dựng Đảng,…) tiếp theo là với sử học, kinh tế học, tâm lý học, ngôn ngữ học, vǎn học,… Phương pháp thống kê toán học cũng có thể vận dụng trong phạm vi nhất định như để tìm hiểu tần số xuất hiện của những từ ngữ và mệnh đề nào đó trong ngôn ngữ Hồ Chí Minh. 

II. Vận dụng phương pháp liên ngành trong nghiên cứu Hồ Chí Minh 

1. Cơ sở của phương pháp liên ngành trong nghiên cứu Hồ Chí Minh

 

Như đã trình bày, nghiên cứu về Hồ Chí Minh có thể và cần thiết phải sử dụng phương pháp liên ngành. Điều này do đặc điểm của đối tượng nghiên cứu quyết định. 

Nghiên cứu Hồ Chí Minh là nghiên cứu cả tiểu sử và sự nghiệp, tư tưởng và lý luận, phương pháp và phong cách, đạo đức và lối sống,… của Người. Hồ Chí Minh xuất hiện trên vũ đài lịch sử dân tộc và thời đại trong thế kỷ này với nhiều tư cách: Người là nhà yêu nước vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, chiến sĩ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới; nhà hoạt động xuất sắc của phong trào cộng sản và công nhân trong thế kỷ XX; vị sứ giả của hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc; nhà ngoại giao, nhà thương thuyết mềm mỏng, luôn luôn chủ trương giải quyết mọi xung đột bằng đối thoại hoà bình. 

Hồ Chí Minh để lại một sự nghiệp trước tác có thể nói là đồ sộ và phong phú về nhiều mặt. Người là nhà tư tưởng, nhà lý luận xuất sắc về chủ nghĩa thực dân và cách mạng giải phóng dân tộc, đồng thời có những cống hiến đặc sắc vào sự phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác – Lênin trên nhiều lĩnh vực cụ thể. Người được tôn vinh là nhà vǎn hoá lớn, vừa kết tinh truyền thống vǎn hoá hàng ngàn nǎm của dân tộc mình vừa là sự thể hiện cho khát vọng của các dân tộc khác về nhân đạo và hoà bình. 

Hồ Chí Minh còn được coi là nhà thơ lớn của dân tộc, nhà vǎn sớm có những tìm tòi, đổi mới về thể loại và bút pháp; nhà báo cách mạng với hàng nghìn bài được công bố trên diễn đàn trong nước và nước ngoài, ở cả phương Đông lẫn phương Tây. 

Trên bình diện nhà tư tưởng, Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng của mình như một hệ thống, bao quát nhiều lĩnh vực: tư tưởng nhân vǎn, tư tưởng vǎn hoá, tư tưởng kinh tế, tư tưởng chính trị, tư tưởng quân sự, tư tưởng vǎn hoá – đạo đức,… trong mỗi lĩnh vực có thể tìm thấy những hệ thống nhỏ. 

Trước một đối tượng nghiên cứu đa dạng và phong phú nhiều mặt như vậy, không một tập thể và cá nhân nào có đủ nǎng lực bao quát hết để có thể riêng mình đưa ra được một bức tranh tổng thể về con người và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghiên cứu Hồ Chí Minh ở trình độ lý luận cao đòi hỏi chúng ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa. Có những vấn đề cảm giác rằng ai cũng có thể bàn đến được, nhưng có những lĩnh vực chuyên sâu, nếu người nghiên cứu không có trình độ lý luận, không có tư duy ở chiều sâu của lĩnh vực đó, không thể nghiên cứu có kết quả, ví như lĩnh vực tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Do đó, chỉ có đầu tư của toàn xã hội, có sự kết hợp nghiên cứu liên ngành, tập hợp những chuyên gia giỏi, có trình độ cao ở nhiều lĩnh vực cùng làm việc với nhau, sự nghiệp nghiên cứu về Hồ Chí Minh mới có thể nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả khoa học của mình. 

2. Khả nǎng và điều kiện nghiên cứu liên ngành

 

Phương pháp liên ngành thuộc loại phương pháp khoa học hiện đại, mới phát triển mạnh ở phương Tây từ những nǎm 50 trở lại đây. ở phương Đông và Việt Nam, xét trên bình diện lý thuyết tuy nó là mới, nhưng trong thực tế vận dụng thì nó đã xuất hiện từ thời rất xa xưa. Như trên đã trình bày, thuyết “thiên – địa – nhân nhất thể” của Kinh Dịch đã chi phối tư duy phương Đông, làm cho quá trình phân ngành khoa học của phương Đông diễn ra rất chậm chạp. Tình trạng “vǎn – sử – triết bất phân” kéo dài làm cho tư duy khoa học của phương Đông cơ bản là tổng hợpvà liên ngành. 

ở Việt Nam, quan điểm “tam giáo đồng nguyên” (Nho, Phật, Lão) ngự trị trong suốt thời kỳ trung đại, đã chi phối cả tư duy bác học và tư duy dân gian cổ truyền, tạo thành truyền thống dung hoà vǎn hoá như là một hằng số lịch sử của tư duy Việt Nam trong quá khứ. Vì vậy, phương pháp liên ngành không phải là cái gì quá mới mẻ đối với chúng ta. Truyền thống bất phân đó có mặt trái là kìm hãm sự phát triển của khoa học nước ta – chủ yếu là khoa học xã hội và nhân vǎn – nó kéo dài tình trạng đào tạo theo hướng tổng hợp, người làm nghiên cứu có thể biết nhiều thứ nhưng không biết cái gì thật tỏ tường. 

Dù sao, tình trạng đó lại đồng cấu trúc (ở trình độ thấp) với khoa học hiện đại phương Tây, về liên hợp cũng như tích hợp khoa học. Do đó, xét về khả nǎng tổ chức nghiên cứu liên ngành là thuận lợi, sẽ không có tình trạng không hiểu nhau như các nhà khoa học ở phương Tây, cả về ngôn ngữ lẫn tri thức khoa học. 

Tuy nhiên, để tiến hành công việc trên, cần phải có một số điều kiện nhất định – dù mới chỉ ở mức liên ngành vì một ngành, liên ngành để nghiên cứu về Hồ Chí Minh. 

Như trên đã nói, muốn liên ngành (vì một ngành) thì ngành đó phải đóng được vai trò trung tâm trong tổ chức nghiên cứu liên ngành, từ điểm xuất phát đến bước hồi quy. Hiện nay chúng ta vừa có lại vừa chưa có chuyên ngành nghiên cứu về Hồ Chí Minh. 

Công tác nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã manh nha từ đầu những nǎm 50 với các bài viết của các đồng chí Trường-Chinh, Phạm Vǎn Đồng và một số người khác, trong đó bài “Hồ Chủ tịch, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta” của đồng chí Trường-Chinh, đǎng trên báo Nhân Dân, số 1, ra ngày 11-3-1951, có thể coi là bài dẫn luận, định hướng cả về nội dung và phương pháp cho việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh phát triển về sau. Từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, công tác nghiên cứu giới thiệu về Người ngày càng được mở rộng cả ở trong nước và nước ngoài. Như vậy, việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh được bắt đầu từ khá sớm, đến khi được đặt ra như một bộ môn khoa học cũng đã trên 1/4 thế kỷ. Song đến nay, chưa thể nói chúng ta đã hoàn toàn có một bộ môn mới, môn Hồ Chí Minh học. 

Mỗi bộ môn mới ra đời, muốn trở thành một chuyên ngành khoa học độc lập, cần phải có những điều kiện sau đây: 

– Phải xác định rõ đối tượng nghiên cứu, trên cở sở đó phải xây dựng được chủ thuyết khoa học về đối tượng ấy. 

– Phải xây dựng được một hệ thống phương pháp nghiên cứu xuất phát từ đối tượng, phản ánh tính đặc thù của bộ môn (có vậy mới đủ khả nǎng tham gia vào nghiên cứu liên ngành). 

– Phải có một hệ thống khái niệm và phạm trù của bộ môn như là công cụ riêng, ngôn ngữ riêng để chiếm lĩnh đối tượng. 

– Sau cùng, phải có một trung tâm nghiên cứu, đào tạo, với những thiết chế phù hợp, tạo điều kiện cho nó hoạt động và phát triển. 

ở Chương I và rải rác trong các chương tiếp theo, đã trình bày những nét tổng quan về đối tượng nghiên cứu như là sự đúc kết lý luận về con người – sự nghiệp, tư tưởng – lý luận, đạo đức – lối sống, phương pháp – phong cách Hồ Chí Minh. Tuy còn những nét dị biệt khác nhau, nhưng trải qua nhiều cuộc hội thảo, giới nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã bước đầu thống nhất được với nhau những nội dung cơ bản, đặt cơ sở cho việc tiến tới xây dựng một lý luận khoa học về đối tượng, nhằm phản ánh chính xác bản chất và quy kuật của đối tượng. 

Cũng từ những thành tựu nghiên cứu đạt được trong những nǎm qua, chúng ta đã sơ bộ dựng lên được một hệ thống khái niệm và phạm trù của bộ môn, giúp cho người nghiên cứu có phương tiện chiếm lĩnh đối tượng. Những điều đang bàn về phương pháp ở đây là nỗ lực đầu tiên trên con đường khai phá, tìm tòi những nguyên tắc chung và những nguyên tắc phương pháp luận chuyên biệt chỉ đạo việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh. 

Việc chính thức đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào giảng dạy trong hệ thống các trường đảng và trường đại học đã khẳng định sự ra đời của một bộ môn mới, đánh dấu một giai đoạn mới của việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh. 

Tóm lại, đối chiếu những tiêu chuẩn nói trên, ở mỗi mặt chúng ta đều thấy đã xuất hiện những nhân tố nhất định, song còn mỏng mảnh và chưa thật chín, nên chưa thể nói, đến nay, đã có đủ điều kiện thực sự cho việc hình thành một chuyên ngành mới, chuyên ngành nghiên cứu về Hồ Chí Minh. 

Hiện nay, cái yếu nhất của chuyên ngành này là sự đầu tư của xã hội vào công tác đào tạo, bồi dưỡng để hình thành một đội ngũ chuyên gia khoa học, đủ về số lượng, cao về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển của bộ môn. Thiếu hụt nghiêm trọng nhất là không có nhiều chuyên gia giỏi. Nguyên nhân kém phát triển của một số ngành khoa học xã hội và nhân vǎn, bao gồm cả khoa học Mác – Lênin, đương nhiên là có nhiều, song xét từ góc độ phương pháp liên ngành, thì nguyên nhân chính là vì thiếu những chuyên gia đầu ngành thật giỏi, có kiến thức khoa học rộng lớn, có phương pháp và khả nǎng tổ chức hợp tác liên ngành. 

Điều kiện cho nghiên cứu liên ngành có nhiều, song đòi hỏi cơ bản ở tổ chức trung tâm và người chủ trì liên ngành phải có những khả nǎng nhất định. Một là, phải có khả nǎng tập hợp, đoàn kết các nhà khoa học nhiều ngành tham gia cùng hợp tác nghiên cứu. Hai là, người chủ trì, tuy chỉ là chuyên gia của một ngành, nhưng phải có những hiểu biết cần thiết về các ngành có liên quan, để từ kết quả nghiên cứu của từng ngành mà tổng hợp được thành kết quả chung, thành trí tuệ chung của bộ môn.

Đó là chỗ khó, nhưng cũng là điều kiện thành công của việc tổ chức nghiên cứu liên ngành. 

3. Phương pháp vận dụng phương pháp liên ngành trong nghiên cứu Hồ Chí Minh

 

Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về tư tưởng Hồ Chí Minh (KX. 02) là một chương trình nghiên cứu liên ngành. Trong toàn bộ 13 đề tài của Chương trình KX.02, không đề tài nào chỉ do một viện nghiên cứu chuyên ngành tự mình có thể giải quyết được trọn vẹn, sâu sắc mà không có những sự tham gia hợp tác của chuyên gia các ngành hữu quan. 

Thí dụ, đề tài số 1 là đề tài tổng quan về “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”. Những nội dung lớn mà đề tài phải giải quyết như: nguồn gốc và quá trình hình thành của tư tưởng Hồ Chí Minh; tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng hệ thống chính trị (Đảng, Mặt trận, Quân đội, Nhà nước); về chiến lược và sách lược cách mạng, v.v. đều là những vấn đề lớn, mang tính tổng hợp, quan hệ đến nhiều ngành, triết học, sử học, vǎn hóa học, chính trị học, khoa học quân sự, v.v.. Chỉ có trên cơ sở hội thảo chuyên gia, tiến đến tổ chức nghiên cứu liên ngành thì mới làm sáng tỏ, có chiều sâu về mỗi nội dung lớn của đề tài nói trên. 

Từ thực tiễn nghiên cứu những nǎm qua, chúng tôi sơ bộ rút ra hai phương thức chính trong việc vận dụng phương pháp liên ngành vào nghiên cứu về Hồ Chí Minh. 

3.1. Hợp tác chuyên gia nhiều ngành cùng nghiên cứu một đề tài cụ thể 

Đây là phương thức phổ biến, được hầu hết các đề tài vận dụng và đã đạt được kết quả nhất định. 

Thí dụ, để nghiên cứu đề tài “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”, trước hết cần tìm hiểu xem những nhân tố nào đã góp phần hình thành nên tư tưởng đó: truyền thống đạo đức dân tộc, tư tưởng đạo đức phương Đông (như đạo đức Nho giáo, Phật giáo, …) Trước khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh có nhiều nǎm sống ở các nước phương Tây, tiếp thu học thuyết đạo đức mácxít, Nguyễn ái Quốc – Hồ Chí Minh có chịu ảnh hưởng gì của tư tưởng đạo đức phương Tây ? (lòng thương người của Chúa Jésus, những yếu tố nhân đạo và dân chủ trong tư tưởng đạo đức của các nhà Khai Sáng,…). Ngoài ra, Người còn học hỏi và tiếp thu những gì trong nhân cách, đạo đức của những nhân vật lỗi lạc khác như Lênin, Gandhi, Tôn Dật Tiên,.. Để trả lời sáng tỏ những câu hỏi đó, cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu và giải đáp bằng những cǎn cứ cụ thể, có sức thuyết phục của chuyên gia nhiều ngành, chứ không thể khẳng định một cách chung chung, võ đoán. 

Nghiên cứu tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là để vận dụng vào việc xây dựng, giáo dục đạo đức mới, khắc phục những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra trong đời sống đạo đức của xã hội ta hiện nay, khi mặt trái của cơ chế thị trường đang tác oai, tác quái, đang xâm nhập lũng đoạn, làm bǎng hoại không ít những giá trị truyền thống vǎn hóa – đạo đức – tinh thần của xã hội ta. Muốn đề xuất, kiến nghị được những phương án giải quyết hữu hiệu, khả thi về những vấn đề trên cần phải tiến hành điều tra cơ bản tình hình đạo đức trong một số tầng lớp xã hội cơ bản (cán bộ, đảng viên, thanh niên, công nhân, người buôn bán và dịch vụ, …), ở một số địa bàn khác nhau (thành phố lớn, khu công nghiệp, nông thôn, miền núi, vùng có đạo,…), tức là phải vận dụng phương pháp xã hội học kết hợp với phương pháp của khoa học hình sự. Để hình thành đạo đức mới, ngoài phát triển kinh tế là điều kiện cơ bản, phải nhấn mạnh đến vai trò rất quan trọng của các nhân tố ngoài kinh tế, phải kết hợp đồng bộ giữa kinh tế với luật pháp và giáo dục, tức là cần vận dụng các phương pháp của luật học, vǎn hóa học, của tổ chức và quản lý hành chính. 

Tóm lại, đạo đức là một nội dung lớn của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, hướng vào mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, vǎn minh. Đó là một chiến lược tổng hợp, chỉ riêng các nhà nghiên cứu đạo đức học không đủ sức giải quyết nổi, mà cần có sự hợp tác liên ngành. 

3.2. Hợp tác chuyên gia để cùng nghiên cứu một tác phẩm cụ thể 

Trong các tác phẩm của Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta, Bản án chế độ thực dân Pháp là một tác phẩm lớn, đánh dấu một mốc lớn trong sự nghiệp trước tác của Người. Cuốn sách được viết bằng tiếng Pháp, gồm 12 chương và phần phụ lục Gửi thanh niên Việt Nam, do hiệu sách Lao động xuất bản, ở Paris, khoảng đầu nǎm 1926. Trần Dân Tiên kể lại rằng: “Ông Nguyễn chỉ viết một quyển sách duy nhất là quyển: Bản án kết tội chế độ thực dân Pháp; quyển này gồm những tài liệu chống thực dân Pháp, trích trong những sách của người Pháp viết để ở thư viện quốc gia”. 

Đứng về phương pháp nghiên cứu, biên soạn mà xét, tác giả đã vận dụng phương pháp đa ngành. Trước hết là phương pháp điều tra xã hội học. Để chuẩn bị luận cứ vững chắc cho bản án, tác giả đã tiến hành khảo sát, thu thập, chắt lọc thông tin từ một khối tư liệu khổng lồ, chủ yếu lại là những tài liệu, sách báo do chính người Pháp viết ra, đặc biệt là các số liệu cụ thể, những vǎn bản chính thức mà chủ nghĩa thực dân Pháp không thể chối cãi được. Không dừng lại ở các hiện tượng bề ngoài, tác giả đã đi sâu phân tích, so sánh, đối chiếu với nhiều nguồn tài liệu khác nhau để rút ra những thuộc tính bản chất của chủ nghĩa thực dân Pháp, giúp cho người đọc nhìn thấy hiển hiện cái địa ngục trần gian ở thuộc địa được che đậy dưới chiêu bài “khai hóa vǎn minh”. Tác phẩm trên còn là hình mẫu của việc vận dụng phương pháp hệ thống, được thể hiện trong cách xem xét xã hội thực dân – thuộc địa như là một cơ cấu tổng thể, từ các quan hệ kinh tế đến tổ chức chính trị – xã hội và vǎn hóa – tư tưởng. Chủ nghĩa thực dân cũng không được xem xét như là một hiện tượng đơn nhất, chỉ diễn ra ở Việt Nam, ở Đông Dương, mà còn là vấn đề của thời đại. Tác giả đã bóc trần tội ác của chúng ở khắp các thuộc địa khác trên thế giới như ở Angiêri, Tuynidi, Marốc, Xyri, Đahômây, Xuđǎng, Mađagátxca,… và cho thấy ở đâu những người lao động mất nước cũng cùng chung số phận, vì vậy tự nhiên là họ cùng đứng trong một chiến tuyến chống chủ nghĩa thực dân. 

Ngoài ra, chúng ta còn thấy tác giả sử dụng rất thành thạo các phương pháp lịch sử, trong việc mô tả các hiện tượng xã hội; phương pháp điển hình hóa của vǎn học trong việc khắc họa chân dung của những tên quan cai trị thực dân khét tiếng. 

Xét về nội dung, Bản án chế độ thực dân Pháp là bản cáo trạng đanh thép về tội ác của chế độ thực dân Pháp đối với các thuộc địa về các mặt kinh tế, chính trị, vǎn hóa, tư tưởng, … Tác phẩm cũng đề cập đến cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa và mối quan hệ của nó đối với cách mạng vô sản ở chính quốc. Tóm lại, tác phẩm này là sự tổng hòa các tri thức chính trị, triết học, xã hội, lịch sử, vǎn học cùng với kinh nghiệm thực tiễn phong phú mà Nguyễn ái Quốc đã rút ra được trong suốt 15 nǎm đấu tranh của Người. 

Một tác phẩm có nội dung toàn diện và phong phú như thế, muốn lĩnh hội và kiến giải được đầy đủ, sâu sắc về nó, cần có tổ chức hợp tác nghiên cứu liên ngành. Trên thực tế, trong những nǎm qua đã từng có một cuộc hội thảo như vậy. Từ giác độ tri thức và phương pháp của ngành mình, các nhà nghiên cứu đã bước đầu đi vào tìm hiểu những giá trị từng mặt của tác phẩm: giá trị tố cáo, giá trị nhân đạo, giá trị ngôn ngữ và vǎn học,… hoặc đi vào từng nội dung khác nhau của như vấn đề nông dân, số phận người phụ nữ thuộc địa, vấn đề sử dụng nguồn tư liệu và vǎn bản của tác giả, v.v.. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một cuộc hội thảo để kỷ niệm 60 nǎm ngày ra đời của tác phẩm. Một tác phẩm có giá trị về nhiều mặt như vậy cần được phối hợp tổ chức nghiên cứu một cách toàn diện và sâu sắc hơn trên cơ sở vận dụng phương pháp liên ngành. 

Nghiên cứu liên ngành không phải là một hiện tượng mới, nhưng liên ngành như là cộng ngành và liên ngành như là một cấu trúc tổng thể, có quan hệ tương tác chặt chẽ về mặt phương pháp, thì vẫn còn là một hiện tượng mới. Vì vậy, những điều trình bày trên đây mới chỉ là những kinh nghiệm bước đầu rút ra từ thực tiễn nghiên cứu về Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Hy vọng rằng, với sự trưởng thành dần lên của chuyên ngành nghiên cứu này, một sự lý giải đầy đủ và khoa học hơn về phương pháp liên ngành trong nghiên cứu Hồ Chí Minh sẽ sớm được bổ sung và hoàn thiện trong tương lai.

Vì vậy, đã đến lúc cần sớm làm rõ những vấn đề mà thực tiễn nghiên cứu đang đặt ra:Vậy, phương pháp luận nghiên cứu Hồ Chí Minh được quy định bởi cái gì?