Một số nghệ thuật thi pháp trong văn học

Một số nghệ thuật thi pháp trong văn học

1. Thi pháp học thời kì đổi mới: Từ lý thuyết đến ứng dụng = Poetics innovation period: from theory to application/ Nguyễn Văn Tùng

Tóm tắt: Thi pháp học là một ngành nghiên cứu văn học có nhiều điểm ưu việt, đã từng phát triển ở nhiều nước trên thế giới từ đầu thế kỉ XX. Tuy nhiên, ở Việt Nam đến thời kì Đổi mới, thi pháp học mới được phát triển. Nhiều công trình nghiên cứu tiếp thu tinh hoa và phát triển lý thuyết thi pháp học đã ra đời. Những tác giả có công đầu trong việc phát triển thi pháp học phải kể đến Phan Ngọc, Nguyễn Phan Cảnh, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Trinh, Đỗ Đức Hiểu, Trần Đình Sử, Lã Nguyên, Đỗ Lai Thuý. . . Cùng với các công trình lý thuyết, rất nhiều công trình ứng dụng thành công lý thuyết thi pháp học vào việc giải quyết các hiện tượng văn học cụ thể. Thi pháp học đã trở thành một hướng nghiên cứu nổi bật trong đời sống văn học thời kì Đổi mới ở Việt Nam.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học (Đại học Sư phạm Hà Nội)/ 2017, Số 2, Tr.3-12

2. Ứng dụng thi pháp học của M.M. Bakhtin trong nghiên cứu – phê bình văn học ở Việt Nam từ cấp độ khái niệm/ Phan Trọng Hoàng Linh

Tóm tắt: M.M. Bakhtin là người có ảnh hưởng lớn đối với lịch sử thi pháp học hiện đại trên thế giới. Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, trong sự phát triển của thi pháp học ở nước ta, việc tiếp nhận ngày càng đầy đủ các quan điểm thi pháp học của Bakhtin có ý nghĩa quan trọng, góp phần định hình diện mạo thi pháp học Việt Nam trong gần bốn thập kỷ. Bài viết này trình bày một cái nhìn hệ thống đối với tình hình ứng dụng các khái niệm thi pháp học của Bakhtin trong nghiên cứu – phê bình văn học ở Việt Nam, từ đó đưa ra một số đánh giá và đề xuất cho việc ứng dụng Bakhtin trong tương lai.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học Đại học Tân Trào

3. Phong cách học tri nhận/thi pháp học tri nhận: Nơi giao cắt của ngôn ngữ học, nghiên cứu văn chương và khoa học tri nhận = Cognitive stylistics/cognitive poetics: The interface between linguistics, literary studies and cognitive science / Nguyễn Thế Truyền

Tóm tắt: Phong cách học tri nhận (PCHTN) (cũng gọi là thi pháp học tri nhận – TPHTN) là một lĩnh vực nghiên cứu mới của phong cách học phương Tây đương đại. PCHTN quan tâm nghiên cứu việc đọc hiểu văn chương và chỉ ra các cách thức xử lý ngôn ngữ và văn chương của người đọc trên cơ sở những hiểu biết về cơ chế tri nhận của người đọc cũng như các cấu trúc tri nhận của tác phẩm văn chương. PCHTN giúp chúng ta hiểu văn chương và ngôn ngữ từ cách nhìn của khoa học tri nhận và cũng gián tiếp gợi ra các cách thức sáng tạo văn chương có hiệu quả.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh)/ 2019, Số 2, Tr.183-199 

4. Nguyên lý đối thoại trong thi pháp học của Mikhail Bakhtin = Principle of dialogue in Mikhail Bakhtin’s poetics/ Phan Trọng Hoàng Linh

Tóm tắt: Mikhail Bakhtin (1895 – 1975) là người có ảnh hưởng lớn đối với lịch sử thi pháp học hiện đại trên thế giới. Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, trong sự phát triển của thi pháp học ở nước ta, việc tiếp nhận ngày càng đầy đủ các quan điểm thi pháp học của Bakhtin có ý nghĩa quan trọng, góp phần định hình diện mạo thi pháp học Việt Nam trong gần bốn thập kỷ. Một trong những nền tảng thiết yếu cho lý thuyết của ông là nguyên lý đối thoại. Song, việc đặt nguyên lý đối thoại trong mối quan hệ có tính hệ thống với toàn bộ di sản học thuật của Bakhtin, đặc biệt là quan hệ giữa nó với nguyên lý carnaval, lại chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng đi đến thống nhất. Bài viết này cố gắng định vị nguyên lý đối thoại trong cái nhìn hệ thống. Đối thoại trước hết là một nguyên lý ngôn ngữ học được đề xuất trên cơ sở phản biện lý thuyết ngôn ngữ học của F.D. Saussure. Nguyên lý carnaval là cơ sở văn hóa để ứng dụng nguyên lý đối thoại vào lĩnh vực nghiên cứu văn học. Thông qua việc kết nối hai nguyên lý trên vào một hệ thống, Bakhtin muốn thúc đẩy việc nghiên cứu văn học theo hướng thi pháp học văn hóa. Vận dụng nguyên lý đối thoại để nghiên cứu tác phẩm của Dostoievski, ông phát hiện ra loại tiểu thuyết chưa từng xuất hiện trước đó: tiểu thuyết đa thanh. Loại tiểu thuyết này chứa đựng một cấu trúc mới trong mối quan hệ giữa tác giả và nhân vật, mà nếu không dựa trên nguyên lý đối thoại, rất khó để hiểu được trọn vẹn giá trị tư tưởng của nó.

Nguồn trích: Tạp chí Phát triển Khoa học & Công nghệ: Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn/ 2019, Số 2

5. Mấy vấn đề dạy học văn theo hướng thi pháp học/ Phạm Ngọc Hiền

Tóm tắt: Thi pháp học là cách thức phân tích tác phẩm bám vào văn bản là chính, không chú trọng đến những vấn đề nằm ngoài văn bản như: tiểu sử nhà văn, hoàn cảnh sáng tác, nguyên mẫu nhân vật, giá trị hiện thực, tác dụng xã hội… Thi pháp học chỉ chú ý đến những yếu tố hình thức tác phẩm như: hình tượng nhân vật – không gian – thời gian, kết cấu – cốt truyện – điểm nhìn, ngôn ngữ, thể loại… Nội dung trong tác phẩm phải được suy ra từ hình thức, đó là “hình thức mang tính nội dung”. Phương pháp chủ yếu của Thi pháp học là phương pháp hình thức. Phương pháp hình thức là phương pháp phân tích các khía cạnh hình thức của tác phẩm văn học nghệ thuật để rút ra ý nghĩa thẩm mỹ của nó.

Nguồn trích: Trường Đại học Sài Gòn – Khoa Sư phạm Khoa học xã hội

6. Nguyên lí Carnaval trong thi pháp học của Mikhail Bakhtin = The Carnaval principle of Mikhail Bakhtin’s poetics/ Phan Trọng Hoàng Linh

Tóm tắt: Bài viết hướng đến cái nhìn hệ thống về vai trò của nguyên lý carnaval trong lý thuyết thi pháp học của Mikhail Bakhtin: Từ một nguyên lý về mối quan hệ giữa ngoại biên và trung tâm trong đời sống văn hóa, carnaval đã được Bakhtin vận dụng để xây dựng phương pháp tiếp cận các vấn đề thi pháp học từ góc độ văn hóa.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học/ 2018, Số 11, Tr.21-32

7. Thi pháp thơ Haiku cổ điển Nhật Bản = Poetics of japanese classical Haiku/ Nguyễn Thị Mai Liên

Tóm tắt: Thơ haiku, được ví như kỳ hoa dị thảo trong nền thi ca Nhật Bản nói riêng và vườn thơ nhân loại nói riêng. Trên phương diện thi pháp, haiku có nhiều điểm độc đáo về kết cấu, luật thơ, không gian – thời gian nghệ thuật và các thủ pháp nghệ thuật. Haiku biểu đạt một tinh thần mỹ học mà người Nhật đề cao, đó là wabi – sự đơn sơ, thanh đạm.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học (Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh)/ 2019, Số 7, Tr.105-113

8. Đặc điểm thi pháp truyện dân gian An Giang/ Trần Tùng Chinh

Tóm tắt: Thông qua việc khảo sát và phân loại, tìm hiểu và phát hiện những đặc điểm thi pháp truyện dân gian An Giang như kết cấu cốt truyện, xung đột truyện, nhân vật, thời gian và không gian nghệ thuật ở từng thể loại cụ thể. Nghiên cứu sử dụng phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian và từ góc độ thi pháp học nhằm tiếp cận nguồn truyện dân gian An Giang phong phú và đặc sắc tìm ra những đặc trưng riêng của truyện dân gian An Giang gắn với vùng đất An Giang. Từ đó, nghiên cứu mở ra một hướng tiếp cận tác phẩm truyện dân gian An Giang trong chương trình Ngữ văn địa phương.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học (Đại học An Giang)/ 2017, Số 13, Tr.26-38

9. Khuynh hướng nghiên cứu ngôn ngữ – hình thức trong thi pháp học/ Phạm Ngọc Hiền

Tóm tắt: Khuynh hướng nghiên cứu ngôn ngữ – hình thức văn chương là một trong những khuynh hướng cơ bản của thi pháp học. Những người theo luận thuyết này quan niệm ngôn ngữ văn chương là một hệ thống tín hiệu có tính thẩm mỹ cao. Họ chú trọng nghiên cứu hình thức nghệ thuật hơn là nội dung tư tưởng tác phẩm. Khuynh hướng này bắt đầu thịnh hành ở Châu u đầu thế kỷ XX những phải đến những năm 1960, nó mới được giới thiệu ở Việt Nam.

Nguồn trích: Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội/ 2016, Số 8, Tr.20-27

10. Quan niệm nghệ thuật và kết cấu hình tượng trong thi pháp thơ Huỳnh Văn Nghệ/ Hoàng Trọng Quyền

Tóm tắt: Bài viết này bàn về quan niệm nghệ thuật và kết cấu hình tượng – hai phương diện cơ bản góp phần quan trọng làm nên đặc trưng, giá trị, sức sống lâu bền và sức hấp dẫn đặc biệt của thơ Huỳnh Văn Nghệ. Quan niệm nghệ thuật của Huỳnh Văn Nghệ thể hiện rõ bản lĩnh tiên phong của người nghệ sĩ cách mạng với ý niệm về thơ mang tính vị nhân sinh và một cái nhìn nghệ thuật mới mẻ về con người; sự đồng điệu và hài kết nhuần nhị, tự nhiên giữa chủ thể và khách thể phản ánh. Kết cấu hình tượng thể hiện sự liên kết và tương tác giữa tình cảm và ý chí, quan niệm và hành động. Tất cả được triển hiện trong một thế giới nghệ thuật thấm đẫm tinh thần cách mạng và giàu chất nhân văn cao cả. Chính những điều ấy làm nên những nét đẹp đặc thù, không lẫn vào bất cứ thơ của thi nhân nào; sức hấp dẫn đặc biệt, sức sống lâu bền trong lòng người đọc của thơ Huỳnh Văn Nghệ.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học – Đại học Thủ Dầu Một/ 2018, Số 37

11. Thi pháp học hiện đại trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam thế kỷ XX/ Trần Đình Sử

Tóm tắt: Thi pháp học không phải là hướng nghiên cứu văn học duy nhất trong thời gian qua, nhưng phải thừa nhận nó là hiện tượng nổi bật nhất. Các hướng nghiên cứu phân tâm học, văn học so sánh, xã hội học, văn hoá học, tuy có một số thành tựu rất đáng kể, vẫn chưa được đẩy tới thành những trường phái nghiên cứu hấp dẫn rộng rãi những người nghiên cứu.

12. Ngôn từ trong một mô hình thi pháp học/ Lê Xuân Mậu

Tóm tắt: Ông Trần Đình Sử gọi sự trình bày thành chương mục cái giáo trình Thi pháp học của mình là “mô hình thi pháp học” với niềm tự hào không giấu diếm(1). Cái ý hướng nâng tầm trình bày đó ra ngoài phạm vi nhà trường đại học của ông rất nên tôn trọng. Vì vậy xin gọi theo ông. Tuy nhiên, không thể không xem lại các thành tố của cái mô hình đó với tư cách là thành tố của một khoa học đặc thù. Cũng có nghĩa là phải trả lời những câu hỏi như nó bị chi phối bởi các nguyên tắc nào của cái thi pháp nó tham gia mà khoa học ấy chỉ ra, và nó được trình bày khác ở các khoa học khác như thế nào?

Nguồn trích: Tuần báo Văn nghệ TP.HCM, Số 376

13. Thi pháp học hiện đại trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam thế kỷ 20 – Qua góc nhìn của một người nghiên cứu

Tóm tắt: Nếu hiểu thi pháp học là học vấn về tiêu chuẩn của ngôn từ văn chương, thể thức, biện pháp tổ chức thể loại tác phẩm thì thi pháp học đã có ở Việt Nam từ những sáng tác đầu tiên trong sáng tác dân gian và văn học viết bằng chữ Hán, rồi được phản ánh vào các bộ tuyển thơ văn, bắt đầu từ Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên thế kỉ 15.

Nguồn trích: Trường Đại học Sư phạm Huế – Khoa Ngữ văn