Meresci: Thiết kế bài thuyết trình khoa học

Phần
5. Kĩ thuật soạn thảo tài liệu khoa học

Thiết kế bài thuyết
trình khoa học

Mở đầu

Thuyết trình là một trong những phương
thức hiệu quả giúp truyền đạt thông tin một cách
thuyết phục đến một nhóm đối tượng nghe nhất định. Tuỳ mỗi lĩnh
vực và nhóm đối tượng nghe mà có những
phương pháp chuẩn bị, thiết kế và thuyết trình
khác nhau. Trong nhà trường và các đơn vị
nghiên cứu, với các mục tiêu đặc thù
có định hướng giáo dục và khoa học, việc thiết kế
và thực hiện một bài thuyết trình rất cần
có những lưu ý riêng.

Khả năng nói và thuyết trình trước
đám đông đòi hỏi một quá trình
rèn luyện lâu dài, cả về tâm lí lẫn
khả năng kiểm soát ngôn ngữ. Có một điều hơi
đáng tiếc là trong rất nhiều năm, nền giáo dục
Việt Nam chưa khuyến khích một cách đại trà trong
toàn hệ thống các phương pháp và
hình thức dạy học giúp học sinh rèn luyện
và phát triển khả năng thuyết trình và đối
thoại trước đám đông, dẫn đến việc thói quen học thuộc lòng – nhớ – đọc lại
trở thành phổ biến trong đại bộ phận học sinh. May mắn là
những năm gần đây đã có những dấu hiệu chuyển biến
tích cực, học sinh – sinh viên được khuyến khích
phát biểu – đối thoại nhiều hơn trong lớp học, các
hình thức dạy học có tổ chức thuyết trình được
khuyến khích, thậm chí bắt buộc, ngày càng
nhiều hơn, đặc biệt là ở các trường đại học.

Tuy nhiên, cho tới nay, một phần không nhỏ
các bài thuyết trình khoa học – giáo dục
trong nhà trường vẫn còn mang đậm tính kĩ thuật
nhiều hơn là phương pháp. Có nghĩa là,
nhiều tính năng (hình ảnh, màu sắc, hiệu ứng
trình diễn, tỉ lệ trình bày các
thành phần,…) của các công cụ thiết kế bài
thuyết trình (Microsoft PowerPoint, OpenOffice Impress,…) bị
khai thác một cách không có chọn lọc,
không phù hợp với đặc thù về mục đích khoa
học và giáo dục. Bên cạnh đó, còn
có vấn đề về phương pháp xây dựng nội dung cho
bài thuyết trình sao cho chặt chẽ, có
tính thuyết phục cao, và cách thức thuyết
trình, mà không ít người chỉ làm một
việc cực kì đơn giản và… nhàm chán (!):
chiếu bản phim (slide/diapositive), quay lưng lại cử toạ và… đọc.

Phần cuối cùng của giáo trình
này sẽ trình bày một số nguyên tắc cơ bản
nhất, mong đem lại đôi điều “cũ người mới ta” về mặt phương
pháp thuyết trình trong khoa học và giáo dục.