Ma trận cây giống ở Đác Lắc

Nông dân lo lắng

Trong khi ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý rốt ráo tình trạng này thì hằng ngày, nhiều nông dân chỉ biết… mua liều.

Viện Eakmat (Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên – WASI, trụ sở tại 53, đường Nguyễn Lương Bằng, TP Buôn Ma Thuột, Đác Lắc) là nơi sản xuất nhiều giống cây trồng được người dân tỉnh Đác Lắc và các tỉnh Tây Nguyên tin tưởng bởi uy tín và chất lượng cây trồng. Theo khảo sát tại các điểm bán cây giống trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi ghi nhận nhiều cơ sở bán giống cây trồng đều kèm theo thương hiệu “Cây giống Eakmat”.

Anh Mika (trú buôn Tar, xã Ea H’Đing, huyện Cư M’Gar) cho biết, vì gia đình có nhu cầu trồng cà-phê nên anh đã đón xe mất nửa ngày từ nhà lên TP Buôn Ma Thuột mua 300 cây cà-phê giống tốt về trồng. “Tại Buôn Ma Thuột, tôi đi đâu cũng thấy nhà nhà bày bán giống cây của Viện Eakmat, nên thật sự tôi rất bối rối! Giữa “ma trận” cây giống như vậy tôi đành lựa chọn một cơ sở lớn mua. Thật tình tôi hy vọng cây giống mình mua là cây giống tốt và cho năng suất cao”, anh Mika nói.

Còn anh Đỗ Văn Tuân (trú huyện Ea Kar) gặp chúng tôi khi đang phóng xe chạy dọc quốc lộ 27, đoạn trong TP Buôn Ma Thuột tìm điểm bán cây giống của Viện Eakmat để mua giống về trồng. Vừa vận chuyển cây giống lên xe bán tải, anh Tuân chia sẻ, cách đây vài năm, anh có mua 200 cây bơ giống tại một cơ sở đề thương hiệu Eakmat về trồng. Ban đầu 200 cây bơ phát triển xanh tốt nhưng rồi số bơ giống không hiểu vì lý do gì, còi cọc rồi chết hàng loạt. “Mặc dù tôi biết cơ sở đó bán cây giống “dỏm” nhưng quá trình mua, do tôi chủ quan không yêu cầu chủ cơ sở xuất hóa đơn nên khi cây giống còi cọc và chết, mình không có bằng chứng để đòi quyền lợi. Qua bài học lần đó, tôi phải tìm cho được địa chỉ của Viện Eakmat để mua giống cây trồng uy tín tránh tình trạng tiền mất tật mang”, anh Tuân nói.

Khó quản lý?

Mặc dù trong TP Buôn Ma Thuột hiện bán nhiều cây giống thương hiệu Eakmat nhưng theo khẳng định của TS Trần Vinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà-phê Eakmat (Viện Eakmat), hiện chỉ có một điểm giới thiệu sản phẩm tại vườn ươm ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, không có bất kỳ đại lý cấp hai nào khác.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đác Lắc Huỳnh Quốc Thích thông tin, từ đầu năm đến nay, để lập lại trật tự trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thanh tra, kiểm tra tại 36 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm trên địa bàn các huyện trong tỉnh.

Trước câu hỏi của chúng tôi về tình trạng nhiều cơ sở đều tự nhận mình là cơ sở thuộc Viện Eakmat, dễ gây nhầm lẫn thì ngành chức năng có biện pháp xử lý như thế nào, ông Thích cho rằng, việc xem xét xử lý về biển hiệu Eakmat tại các cơ sở trên địa bàn hiện không thuộc thẩm quyền quản lý của Sở NN&PTNT.

“Riêng đối với cơ sở bán giống cây trồng nhỏ lẻ, việc thanh tra, kiểm tra của chúng tôi thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Có trường hợp khi đoàn liên ngành vào kiểm tra, chủ cơ sở bán cây giống có thái độ không hợp tác, trốn tránh hoặc không phối hợp khi đoàn thanh tra đến làm việc”, ông Thích nói.

Theo TS Vinh: “Để tránh thiệt hại khi người dân mua phải giống cây chất lượng kém thì các cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát chặt chẽ nguồn giống cây trồng ngay từ gốc và đồng thời, chúng ta cũng cần công bố rộng rãi các cơ sở sản xuất uy tín để người dân biết và tìm đến mua sản phẩm”.