Lý luận nhà nước và pháp luật nghiên cứu về vấn đề gì?

Lý luận nhà nước và pháp luật là bộ môn khoa học pháp lí nghiên cứu những quy luật chung nhất của quá trình phát sinh, phát triển, tồn tại và tiêu vong của các kiểu nhà nước và pháp luật. Dưới đây sẽ phân tích về Lý luận nhà nước và pháp luật

 

1. Quy định về lý luận nhà nước và pháp luật

Lý luận chung về nhà nước và pháp luật là môn học quan trọng trong hệ thống khoa học pháp lý. Dựa trên cơ sở học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và nhà nước ta cũng như tri thức chung của nhân loại về nhà nước và pháp luật, môn học này trình bày trúng giải một cách khoa học các vấn đề cơ bản về nhà nước và pháp luật.

Lý luận nhà nước và pháp luật là bộ môn khoa học pháp lí nghiên cứu những quy luật chung nhất của quá trình phát sinh, phát triển, tồn tại và tiêu vong của các kiểu nhà nước và pháp luật.

Lí luận nhà nước và pháp luật nghiên cứu các vấn đề cơ bản như nguồn gốc của nhà nước và pháp luật; bản chất, chức năng, hình thức, kiểu nhà nước và pháp luật; bộ máy nhà nước; hệ thống pháp luật, quan hệ pháp luật, quy phạm pháp luật; thực hiện và áp dụng pháp luật; vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí, pháp chế xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền; ý thức pháp luật và văn hoá pháp lí. Lí luận nhà nước và pháp luật nghiên cứu tất cả các kiểu nhà nước và pháp luật, tuy nhiên nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa được coi là trọng tâm nghiên cứu của bộ môn khoa học pháp lí này.

Đây là một ngành khoa học pháp lý nghiên cứu các vấn đề cụ thể về nhà nước và pháp luật sau:

Sự phát sinh, phát triển, tồn tại và thay thế của các kiểu nhà nước và pháp luật để từ đó khái quát hóa và nêu lên quy luật phát sinh và phát triển của nhà nước và pháp luật.

-Những đặc tính chung, cơ bản và những biểu hiện chủ yếu của nhà nước và pháp luật trong đời sống xã hội như bản chất, chức năng, vai trò, hình thức…, bao gồm sự biểu hiện ở từng kiểu nhà nước, pháp luật cụ thể trong lịch sử và ở nhà nước, pháp luật Việt Nam hiện nay.

– Mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật với nhau và với một số hiện tượng xã hội khác như: kinh tế, chính trị, các tổ chức xã hội, đạo đức…

 

2. Phương pháp nghiên cứu của lý luận chung về nhà nước và pháp luật?

Phương pháp nghiên cứu của lý luận chung về nhà nước và pháp luật bao gồm:

Phương pháp nghiên cứu cụ thể của Lý luận chung là những cách thức mà khoa học này sử dụng để làm sáng tỏ những vấn đề thuộc đối tượng của mình.

Phương pháp phân tích là phương pháp chia các vấn đề phức tạp thành những bộ phận, những yếu tố đơn giản đế nghiên cứu và làm sáng tỏ vấn đề. Ví dụ: làm sáng tỏ các khái niệm về nhà nước và pháp luật bằng việc phân tích các đặc điểm của chúng.

Phương pháp tổng hợp thường sử dụng khi liên kết các yếu tố đã phân tích, khái quát hoá để nêu lên kết luận.

Phương pháp trừu tượng hoá khoa học là dùng các thao tác tư duy để tách cái chung ra khỏi cái riêng, tạm thời gạt bỏ cái riêng để giữ lấy cái chung nhằm xây dựng nên những khái niệm chung, ví dụ, đề cập bản chất, kiếu nhà nước…

Phương pháp xã hội học là thông qua phỏng vấn, đàm thoại, đối thoại, điều tra xã hội học… để tìm hiểu dư luận xã hội về một vấn đề nào đó, ví dụ, tìm hiểu về ý thức pháp luật…

Phương pháp so sánh là tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa nhà nước và pháp luật với các hiện tượng xã hội khác để hiểu sâu về bản chất và đặc điểm của chúng.

 

3. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của lí luận chung về nhà nước và pháp luật là nhà nước và pháp luật – hai hiện tượng quan trọng và phức tạp nhất trong thượng tầng chính trị – pháp lí của xã hội. Tuy nhiên, nhà nước và pháp luật còn là đối tượng nghiên cứu của một số ngành khoa học xã hội như triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học, chính trị học và các khoa học pháp lí khác. Vì vậy, cần xác định rõ phạm vi nghiên cứu nhà nước và pháp luật của các ngành khoa học xã hội nói trên.

– Triết học là khoa học nghiên cứu những quy luật chung nhất của thế giới và sự nhận thức thế giới.1 Kế thừa và phát triển những tinh hoa trí tuệ của loài người, triết học Mác – Lênin có nhiệm vụ nghiên cứu những quy luật chung nhất của quá trình phát sinh, tồn tại và phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Triết học Mác – Lênin nghiên cứu nhà nước và pháp luật cùng với những hiện tượng xã hội khác của thượng tầng chính trị – pháp lí và hạ tầng cơ sở để tìm ra quy luật phát triển của xã hội loài người nói chung, ttong đó có nhà nước và pháp luật. Như vậy, triết học Mác – Lênin nghiên cứu nhà nước và pháp luật cùng với các hiện tượng xã hội khác một cách chung nhất, khái quát nhất chứ không đi sâu nghiên cứu từng vấn đề cụ thể của nhà nước và pháp luật.

– Kinh tế chính trị học là khoa học nghiên cứu về quan hệ sản xuất, các quy luật chi phối quá trình sản xuất, phân phối và trao đối của cải vật chất trong xã hội con người ở các giai đoạn phát triển lịch sử khác nhau của nó. Nhà nước và pháp luật cũng là đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị học Mác – Lênin, nhưng kinh tế chính trị học Mác – Lênin chỉ nghiên cứu vai trò cùa nhà nước và pháp luật trong việc điều hành nền kinh tế và phân phối sản phẩm lao động xã hội chứ không đi sâu nghiên cứu các vai trò khác của nhà nước và pháp luật.

– Chủ nghĩa xã hội khoa học là khoa học nghiên cứu quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội hiện thực của các dân tộc trên thế giới. Việc nghiên cứu nhà nước và pháp luật của chủ nghĩa xã hội khoa học chỉ diễn ra trong phạm vi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với những vấn đề cụ thể như: sự ra đời của nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, vai trò của nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, các chức năng cơ bản của nhà nước xã hội chủ nghĩa…

– Chính trị học là khoa học nghiên cứu quy luật hình thành và vận động của chính trị, quyền lực chính trị, cơ chế và phương thức thực hiện quyền lực chính trị, đảng chính trị và vai trò của các đảng chính trị trong cơ chế thực hiện quyền lực chính trị, hệ thống chính trị, quan hệ chính trị, lợi ích chính trị, hệ tư tưởng chính trị, ý thức chính trị… Chính trị học Mác – Lênin cũng nghiên cứu nhà nước và pháp luật trên cơ sở gắn nhà nước, pháp luật với việc thực hiện quyền lực chính trị trong xã hội. Một số vấn đề quan trọng của nhà nước và pháp luật được chính trị học Mác – Lênin đề cập như quyền lực nhà nước (một dạng của quyền lực chính trị); mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước với các dạng quyền lực chính trị khác; vai trò của nhà nước, pháp luật trong việc thực hiện quyền lực chính trị; quan hệ giữa nhà nước với các đảng chính trị và các tổ chức xã hội khác trong việc thực hiện quyền lực chính trị; vai trò của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ chính trị, các nhu cầu và lợi ích chính trị… Như vậy, việc nghiên cứu nhà nước và pháp luật của chính trị học Mác – Lênin cũng trong phạm vi, giới hạn nhất định.

– Các khoa học pháp lí ở Việt Nam hiện nay được chia thành bốn nhóm chính, một là, các khoa học pháp lí lí luận – lịch sử, gồm Lí luận chung về nhà nước và pháp luật, Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Lịch sử tư tưởng chính trị – pháp lí; hai là, các khoa học pháp lỉ chuyên ngành luật, như Luật hiến pháp Việt Nam, Luật hành chính, Luật hình sự, Luật dân sự, Luật lao động, Luật kinh doanh…; ba là, các khoa học pháp lí ứng dụng, như Tội phạm học, Thống kê tư pháp, Giám định pháp y, Điều tra tội phạm; bốn là khoa học luật quốc tế.

 

4. Mục tiêu, yêu cầu và cấu trúc môn học?

Tóm tắt môn lý luận nhà nước và pháp luật – Môn học này giúp cho người học có cách nhìn tổng thể về nhà nước và pháp luật, giúp người học nắm vững được bản chất của các kiểu nhà nước, từng kiểu pháp luật.

Môn học này bao gồm 24 chương cụ thể:

Chương 1: Nhận thức và những đặc trưng cơ bản

Chương 2: Phương pháp luận, các phương pháp nghiên cưú và phương hướng phát triển của lý  luận nhà nước và  pháp luật

Chương 3: Sự hình thành và phát triển nhà nước

Chương 4: Khái niệm, bản chất, đặc trưng cơ bản và vai trò nhà nước

Chương 5: Kiểu nhà nước, hình thức nhà nước

Chương 6: Bộ máy và chức năng nhà nước

Chương 7: Nhà nước pháp quyền

Chương 8: Bản chất, hình thức, bộ máy, chức năng nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam

Chương 9: Hệ thống chính trị việt nam

Chương 10: Xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam

Chương 11: Sự hình thành pháp luật

Chương 12: Các học thuyết nhận thức pháp luật, bản chất, khái niệm, đặc trưng cơ bản và chức năng của pháp luật

Chương 13: Kiểu, hình thức, nguồn pháp luật

Chương 14: Bản chất, vai trò, nguyên tắc, định hướng phát triển của pháp luật việt nam

Chương 15: Quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật

Chương 16: Quan hệ pháp luật

Chương 17: Ý thức pháp luật

Chương 18: Pháp chế

Chương 19: Hệ thống pháp luật

Chương 20: Xây dựng pháp luật

Chương 21:Thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật

Chương 22: Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý

Chương 23: Các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới

Chương 24: Cơ chế điều chỉnh pháp luật.

 

5. Nội dung của môn lý luận chung về nhà nước và pháp luật

Nội dung môn học Lí luận chung về nhà nước và pháp luật không bao gồm tất cả tri thức của khoa học Lí luận chung về nhà nước và pháp luật, mà chỉ chứa đựng những tri thức cơ bản nhất, chủ yếu nhất và quan trọng nhất của khoa học ấy. Toàn bộ nội dung môn học Lí luận chung về nhà nước và pháp luật được thể hiện trước hết trong giáo trình Lí luận chung về nhà nước và pháp luật, được kết cấu thành các chương, mục cụ thể, có mối quan hệ chặt chẽ, lôgíc và thống nhất với nhau.

Ngoài giáo trình Lí luận chung về nhà nước và pháp luật, nội dung môn học Lí luận chung về nhà nước và pháp luật còn được chứa đựng trong các tài liệu khoa học khác thuộc chuyên ngành khoa học Lí luận chung về nhà nước và pháp luật ở trong nước và ngoài nước, như sách chuyên khảo, sách tham khảo, sách hướng dẫn, bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, kỉ yếu hội thảo khoa học…

Luật Minh Khuê (biên tập)