Loạn chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm

Các trường ÐH Sư phạm Hà Nội I, ÐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hà Tây, Viện ÐH Mở… đang thường xuyên mở các lớp đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Thế nhưng, không phải đơn vị nào cũng có chức năng này và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Hiền, một sinh viên từng tham dự khoá đào tạo kiểu này, cho biết việc học chỉ là hình thức, nghỉ cũng không sao. Chỉ cần đóng tiền đầy đủ là cuối kỳ sẽ được thi, và hết khoá chắc chắn có tấm bằng cần thiết. Theo Hồng Minh, cựu sinh viên Văn ĐH KHXH&NV, đang theo học nghiệp vụ sư phạm tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hà Tây, lớp của em có hơn 240 người, cho nên ai học, ai nghỉ cũng khó mà biết. Thầy cô giáo đúng là của trường ĐH SPHN I, nhưng chỉ dạy theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa…”.

Việc đào tạo chứng chỉ sư phạm bắt đầu rộ lên, sau khi Thủ tướng Chính phủ ra nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục. Tuy nhiên, nghị định trên chỉ cho phép cấp bằng cho những người đang là giáo viên ở các trường mà chưa qua đào tạo nghiệp vụ.

Vậy nhưng, ĐH SPHN I đã mở ra hàng loạt các “lò” đào tạo cho nhiều đối tượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học, dù họ “chưa một ngày làm thầy”. Thậm chí, cả những sinh viên năm cuối cũng được theo học.

Theo ông Phạm Viết Vượng, Phó phòng Đào tạo ĐH SPHN I, từ sau ngày ban hành nghị định, trường đã tổ chức 4 lớp đào tạo, liên kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trường Trung học Y tế Hà Nam, Cao đẳng Nông lâm Bắc Giang và ĐH KHXH&NV. Thế nhưng, trên thực tế, ĐH SPHN I còn “bắt tay” với Viện Đại học Mở, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hà Tây để đào tạo loại hình này. Bên cạnh đó, thông báo tuyển sinh của trường cũng đã được đưa ra từ 4/1/2000, tức là trước ngày có nghị định tới 7 tháng.

Một số đơn vị thuộc sở như trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội cũng mở các lớp đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm từ nhiều năm trước, trong khi không hề có chức năng thực hiện nhiệm vụ này. Vậy mà hiện nay, theo hiệu trưởng Chu Mạnh Nguyên, trường đã có 4 lớp với 120 học viên.

Ông Bùi Văn Huệ, Vụ trưởng Vụ Giáo viên, thuộc Bộ GD&ĐT, cho biết, hiện tại Bộ mới cho phép ĐH SPHN I đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cấp 1 và 2 cho giáo viên trong ngành. Còn các đơn vị khác, nếu muốn tổ chức lớp bồi dưỡng phải xin phép Bộ. Việc ĐH SPHN I đào tạo và cấp chứng chỉ tràn lan như hiện nay là hoàn toàn sai.

(Theo Lao Động)