Kỳ Anh kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế tổng hợp phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh

Trong bối cảnh phát triển hiện nay, các quốc gia, các địa phương có thể phát triển nhanh và bền vững khi nhận diện và khai thác được những lợi thế so sánh của mình. Thị xã Kỳ Anh (trước kia là huyện Kỳ Anh), trong những năm qua nhờ phát huy được lợi thế đã vươn lên từ một địa phương chậm phát triển thành một trung tâm, một động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hà Tĩnh.

Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh đã chủ trì cuộc làm việc với Ban quản lý dự án xây dựng thị xã về việc thực hiện các dự án trên địa bàn (Ảnh minh họa: Cổng Thông tin điện tử Thị xã Kỳ Anh).

Lợi thế so sánh của thị xã Kỳ Anh 

Thị xã Kỳ Anh là đô thị huyện lỵ, được thành lập theo Nghị quyết số 903/NQ-UBTVQH13 ngày 10/4/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh và 06 phường thuộc thị xã Kỳ Anh, với tổng diện tích tự nhiên là 28.025,03 ha và quy mô dân số 85.508 người. Hiện nay thị xã Kỳ Anh đã được công nhận đô thị loại III và được coi là trung tâm cung cấp các dịch vụ hậu cần cho Khu kinh tế Vũng Áng – là khu kinh tế trọng điểm của cả nước – bao gồm các chức năng về dịch vụ cảng biển – công nghiệp – thương mại – dịch vụ – du lịch – đô thị và nông lâm ngư nghiệp, trọng tâm là dịch vụ cảng biển và công nghiệp luyện kim, là đô thị trung tâm vùng phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh.

So với các địa phương trong tỉnh và trong vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ, Kỳ Anh có một số những lợi thế so sánh (LTSS) bao gồm cả tự nhiên và nhân tạo; tĩnh và động như sau:

Về vị trí địa lý: Kỳ Anh có vị trí thuận lợi về giao thông gồm đường không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Kỳ Anh nằm giữa 2 sân bay Vinh và Đồng Hới (Với khoảng cách dưới 100km) và trên các tuyến giao thông chính của quốc gia như Quốc lộ 1A, đường sắt cao tốc và đường bộ cao tốc Bắc Nam; hành lang Đông – Tây và Quốc lộ 12 bắt đầu từ cảng Vũng Áng đi Cửa khẩu Chalo tỉnh Quảng Bình sang Lào và Thái Lan đã đem lại cho địa phương những giá trị to lớn trong trung chuyển hàng hóa.

Về tài nguyên đất đai: Với tổng diện tích tự nhiên là 280,25km2, dân số 85.500 người, Kỳ Anh có mật độ dân cư 305 người/km2 thấp hơn nhiều so với bình quân chung các đô thị thuộc cấp tỉnh của tỉnh Hà Tĩnh là 495 người/km2. Hơn nữa ở đây chủ yếu là nhóm đất đỏ vàng, nhóm đất cát có địa hình cao, thoát nước tốt, giá trị sản xuất nông nghiệp thấp dẫn tới không gian cho phát triển còn nhiều, chi phí giải phóng mặt bằng thấp, thuận tiện cho xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở sản xuất.

Tài nguyên biển: Bờ biển Kỳ Anh gần đường hàng hải quốc tế, lại có vũng nước sâu nên có điều kiện xây dựng cảng biển chuyên dùng cho tầu có trọng tải lớn đến 30 ngàn tấn cập cảng như cảng Vũng Áng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển giao thông vận tải biển và khả năng mở rộng để phát triển kinh tế với các vùng trong và ngoài nước. 

Bờ biển dài, có nhiều rạn ngầm, eo, vũng với các loại hải sản có giá trị, trữ lượng lớn cho phép Kỳ Anh phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản góp phần đa dạng nền kinh tế và là tiền đề cho phát triển toàn diện, phát triển bền vững.

Về tài nguyên du lịch, dịch vụ: Với 40km bờ biển với các bãi biển đẹp như Kỳ Ninh, Hoành Sơn; các di tích, thắng cảnh nổi tiếng được xếp hạng quốc gia như đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Đền thờ công chúa Liễu Hạnh, Đền Eo Bạch; … cùng với sự phát triển mạnh của các khu công nghiệp và vị trí trung chuyển cho phép phát triển du lịch ở đây theo cả chiều rộng và chiều sâu.

Nguồn nhân lực: Năm 2020 lực lượng lao động trên địa bàn thị xã là khoảng 70.000 người, bao gồm cả lao động tại chỗ và lao động ngoại thị, chiếm khoản 10% lực lượng lao động so với toàn tỉnh; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,37% (trong đó 56,07% lao động có bằng cấp chứng chỉ, 14,3% công nhân kỹ thuật không có bằng)(1) cho phép phát triển sản xuất ở đây với một quy mô lớn đa ngành, đa lĩnh vực(2).

Về thể chế: Cùng với việc đầu tư nâng cấp đơn vị hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Theo đó Kỳ Anh sẽ trở thành đô thị công nghiệp với tính chất là trung tâm kinh tế tổng hợp phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh với các ngành kinh tế chủ đạo là công nghiệp và dịch vụ cảng biển, kết hợp hài hòa với các ngành kinh tế: du lịch, dịch vụ, nông – lâm nghiệp.

Thành tựu phát triển kinh tế xã hội ở Kỳ Anh hiện nay

Thị xã Kỳ Anh xác định mục tiêu phát triển thành trung tâm kinh tế tổng hợp phía Nam của tỉnh, trong đó trọng tâm là Khu kinh tế Vũng Áng với các ngành kinh tế chủ đạo là công nghiệp và dịch vụ cảng biển, kết hợp hài hòa với du lịch, dịch vụ, nông – lâm nghiệp; là đô thị có vai trò trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng Bắc Trung Bộ.

Những lợi thế so sánh của Kỳ Anh đã được nhận diện và phát huy, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế của các đô thị đều ổn định và có xu hướng tang; cơ cấu kinh tế dịch chuyển kinh tế theo hướng tăng mạnh  dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp; thu hút đầu tư có xu hướng tăng mạnh, thể hiện qua tổng vốn thu hút đầu tư tăng dần theo các năm.

Tăng trưởng kinh tế: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2015 – 2020 đạt 15,05%. Năm 2020: quy mô nền kinh tế đạt 37.045,4 tỷ đồng(3). Lĩnh vực phát triển chủ đạo của thị xã Kỳ Anh là công nghiệp luyện kim, chế biến chế tạo các sản phẩm sau thép, sản xuất nhiệt điện, điện khí, công nghiệp phụ trợ, phát triển Logistic gắn với Cụm cảng nước sâu, thương mại, dịch vụ, du lịch… Thị xã Kỳ Anh có cụm Cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương, giữ vai trò quan trọng về an ninh – quốc phòng và giao thông hàng hải của khu vực và quốc tế.

Khu kinh tế Vũng Áng đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài và trong nước đến đầu tư và hoạt động hiệu quả, đóng góp không nhỏ vào tốc độ phát triển kinh tế của Thị xã Kỳ Anh nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung. GRDP của tỉnh Hà Tĩnh tăng trưởng rất cao trong giai đoạn 2011-2015 khi đang đầu tư xây dựng Nhà máy Formosa và trước sự cố môi trường biển, mức tăng trưởng bình quân đạt 17%/năm. Sau sự cố môi trường cùng với việc kết thúc gian đoạn đầu tư xây dựng, GRDP năm 2016 đã giảm mạnh khoảng 14,58% nhưng hồi phục nhanh chóng trong năm sau khi Nhà máy Formosa đi vào hoạt động, năm 2017 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,9%, năm 2018 đạt 20,85% và năm 2019 đạt 9,44% (là một trong các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước) 3. 

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị xã Kỳ Anh diễn ra theo hướng tích cực, với tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm và tỷ trọng công nghiệp tăng. Chuyển dịch cơ cấu giữa ba khu vực NLTS, CN-XD, và dịch vụ năm 2020: nông nghiệp 2,29%, công nghiệp – xây dựng 81,2%, dịch vụ 16,51%. So sánh với toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2020 là: nông nghiệp 1,33%, công nghiệp – xây dựng 31,1%, dịch vụ 78,67%(4).

Thu hút đầu tư: Với sức hấp dẫn nội tại cùng nỗ lực thu hút đầu tư của chính quyền, tính đến tháng 7/2020, trên địa bàn có 139 dự án còn hiệu lực (gồm có 82 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký 52.395,814 tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký 13,5 tỷ USD). Trong đó Khu kinh tế Vũng Áng là một trong năm khu kinh tế trọng điểm ven biển được Chính phủ chọn để tập trung trong đầu tư. Các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng trở thành nguồn đóng góp chủ đạo vào ngân sách tỉnh Hà Tĩnh với trung bình đóng góp 60% tổng thu toàn tỉnh hàng năm.

Một số khó khăn, thách thức trong khai thác, phát huy LTSS của thị xã Kỳ Anh

Với nhiều LTSS, mặc dù đã đã đem lại nhiều đóng góp quan trọng mang tính quyết định trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Tuy nhiên sự phát triển kinh tế đô thị Kỳ Anh phụ thuộc nhiều vào các lợi thế so sánh tĩnh, có tính truyền thống và đang có xu hướng bị khai thác cạn kiệt. Các lợi thế mà Kỳ Anh đang khai thác chủ yếu là lợi thế so sánh tĩnh đang sẵn có như vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, đất đai, nhân lực … Đây là các lợi thế tĩnh hay còn gọi các lợi thế cấp thấp, nếu các lợi thế này không có khả năng tái sinh thì nó sẽ mất dần đi. Nhìn chung việc khai thác, phát huy LTSS ở đây còn có những tồn tại và khó khăn như sau: Lợi thế về đất đai đang có xu hướng bị thu hẹp do tốc độ tăng trưởng công nghiệp trong thời gian qua cao trong khi quỹ đất là có hạn (Tỷ lệ đất chuyên dung của thị xã là 30,5% trong khi ở toàn tỉnh là 14,3%); đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và du lịch còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế và chưa tương xứng với tiềm năng dẫn đến sự mất cân đối trong cơ cấu kinh tế; lực lượng lao động qua đào tạo có bằng cấp còn chiếm tỷ lệ thấp 57%  so với kế hoạch đào tạo nhân lực của thị xã (đạt 72%vào năm 2021) do đó khó khăn trong việc phát triển sản xuất hàng hóa dựa trên công nghệ cao, phức tạp; các nguồn lực (vốn, lao động) cho khai thác LTSS bị chia sẻ do sự phát triển mạnh mẽ của các địa phương đặc biệt là các đô thị lân cận như Thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn; phát triển kinh tế đô thị còn phân tán, thiếu tính kết nối, tích tụ yếu, hiệu quả thấp. Khai thác LTSS địa phương thiếu đi sự liên kết giữa các ngành, giữa các địa phương, giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn….

Giải pháp khai thác, phát huy lợi thế của thị xã Kỳ Anh trong những năm tới

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân và cả hệ thống chính trị của Kỳ Anh và của Hà Tĩnh về ý nghĩa, vai trò của LTSS theo tinh thần  Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là cần phải “tiếp tục hoàn thiện thể chế về quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng và bố trí nguồn lực nhằm phát huy lợi thế vùng trong phát triển kinh tế, xã hội”.

Thứ hai, cần xây dựng chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực theo hướng vừa đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như cơ khí, chế tạo, điện tử, … song vẫn đảm bảo phát triển đa ngành. 

Thứ ba, đảm bảo cơ cấu kinh tế bền vững với những cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế dụ lịch, đánh bắt, chế biến, nuôi trồng thủy sản. Giải quyết tốt quan hệ hữu cơ giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn, giữa khu vực công nghiệp với khu vực nông nghiệp và du lịch, dịch vụ.

Thứ tư, thực hiện quy hoạch, điều chỉnh lại địa giới hành chính nhằm tạo ra không gian cho quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ năm, đẩy mạnh liên kết địa phương trong tỉnh, trong vùng để đảm bảo rằng Kỳ Anh chỉ phát triển những LTSS rõ nhất dựa trên sự phân công phối hợp theo các ngành, các lĩnh vực theo chuỗi sản phẩm./.

—————-

Chú thích:

1. UBND huyện Kỳ Anh, Tình hình kinh tế – xã hội năm 2021

2. UBND huyện Kỳ Anh, Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng An ninh 6 tháng đầu năm 2020

3. Thị xã Kỳ Anh, cơ hội đầu tư và phát triển. xuctiendautu.hatinh.gov.vn

4. Tổng hợp từ Niên giám thống kê, Báo cáo QHSDĐ, Báo cáo tỉnh hình phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hà Tĩnh các năm 2015, 2020

TS. Thiều Thị Thu Hương – Học viện Hành chính Quốc gia

tcnn.vn