Kinh nghiệm để sinh viên mới ra trường có việc ngay
–
Thứ sáu, 24/02/2023 11:52 (GMT+7)
Chấp nhận mức lương thấp hơn
Chị Lương Thị Ngọc – Cựu sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, hiện đang làm việc tại quận Cầu Giấy, Hà Nội nhớ lại thời điểm sau khi tốt nghiệp: Lúc mới ra trường, bản thân khá lo lắng về việc làm vì kinh nghiệm chưa có nhiều.
Hành trang chỉ là những buổi thực tập và kiến thức học được trên ghế nhà trường.
Khi đi phỏng vấn, chị Ngọc đã cố gắng thuyết phục nhà tuyển dụng bằng cách chấp nhận mức lương thấp hơn thị trường, luôn hết mình trong công việc, chỉ cần có một cơ hội để chứng tỏ bản thân.
Theo chị Ngọc, nếu chưa có kinh nghiệm, sinh viên mới ra trường hãy chấp nhận lương thấp hơn thị trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sau khi được đồng ý nhận vào thử việc, chị Ngọc đã làm việc chăm chỉ.
Bên cạnh việc bán thuốc hàng ngày, chị Ngọc còn tìm tòi cách tăng doanh thu cho cửa hàng trên các nền tảng xã hội.
Thường xuyên trau dồi thêm kiến thức, phục vụ khách hàng nhiệt tình, sau 2 tháng thử việc, chị Ngọc đã được nhận làm chính thức lâu dài và lương cũng được tăng lên xứng đáng với những gì bỏ ra.
Anh Nguyễn Ngọc Dũng – sinh viên mới tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội tâm sự – để ra trường có việc làm ngay, các bạn sinh viên nên trau dồi kiến thức và kinh nghiệm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Anh Dũng tâm sự, năm cuối sinh viên hãy đi thực tập hoặc làm việc không lương, lương thấp để có nhiều kinh nghiệm, ra trường được nhận vào làm luôn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tranh thủ năm cuối thực tập một cách nghiêm túc chứ không đơn giản là để có một con dấu, lời phê hay và bảng điểm đẹp.
Nếu thời gian thực tập ngắn, chưa đủ để bạn trải nghiệm thì hãy xin đi làm ở các công ty liên quan đến chuyên ngành mình đang học.
Thời gian này, nên chấp nhận lương thấp, thậm chí là không lương vì các bạn vẫn chưa ra trường. Làm việc ở đâu, thời điểm nào cũng cần có thái độ nghiêm túc, luôn cố gắng hết mình.
“Tôi đã áp dụng nguyên tắc này và thành quả xứng đáng là ra trường, tôi thực tập sau đó được nhận làm nhân viên chính thức luôn, không phải lo lắng, vất vả đi xin việc như các bạn khác” – anh Dũng nói.
Người tuyển dụng cần yêu cầu gì?
Với cương vị của một Giám đốc nhân sự trong Công ty FDI ở Nam Định, anh Nguyễn Tiến Duyệt cho biết – theo từng ngành nghề, từng thời điểm các công ty sẽ có những chính sách tuyển dụng khác nhau.
Những lúc đang rất cần nhân sự có kinh nghiệm để làm việc ngay thì không thể tuyển dụng người chưa có kinh nghiệm, đặc biệt là các bạn sinh viên mới ra trường.
Theo anh Duyệt, một nhân sự có kinh nghiệm chuyên sâu phải hội tụ được 6 kỹ năng cơ bản.
Đó là kỹ năng quản lý công việc, quản lý thời gian, tư duy công việc, sử dụng máy tính, kỹ năng ngoại ngữ, đặc biệt là thái độ với công việc.
Lúc phỏng vấn, các ứng viên phải thể hiện rõ ràng, lợi thế của bản thân về các kỹ năng này mới được người tuyển dụng đánh giá cao.
Đối với những bạn sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm hoặc kinh nghiệm non yếu thì cánh cửa việc làm vẫn còn. Lúc phỏng vấn hãy đánh giá đúng bản thân mình, không được tự kiêu hay nghĩ chỉ cần bằng đại học, cao đẳng loại Khá trở lên là đủ.
Khi đã đánh giá đúng bản thân, hãy thuyết phục người tuyển dụng nhận mình vào làm bằng cách thương lượng mức lương phù hợp, không nên đòi hỏi quá cao so với năng lực hiện tại. Ứng viên nên xin được thử việc trong thời gian tối thiểu 2 tháng để chứng tỏ bản thân.
“Thực tế, trong thời gian thử việc, nếu như thấy được năng lực của ứng viên, hiệu quả công việc tốt và thái độ làm việc trung thực, nhiệt huyết, cầu thị chắc chắn chủ doanh nghiệp sẽ chấm dứt thời gian thử việc sớm và tăng lương chứ không để ứng viên thiệt thòi” – anh Duyệt chia sẻ.