Không hoang mang khi nhiễm virus HPV

Ung thư cổ tử cung do virus HPV gây nên. Các nhà khoa học đã tìm ra gần 200 tuýp virus HPV, nhưng chỉ có một vài tuýp có khả năng gây nên bệnh ung thư cổ tử cung ở nữ và mụn cóc sinh dục ở nam. Vì vậy, khi một người bệnh được xác định đã nhiễm virus HPV cũng không nên quá hoang mang.

Tiêm vaccine ngừa virus HPV là biện pháp hữu hiệu để phòng ung thư cổ tử cung. Ảnh: H.Yến

Tiêm vaccine ngừa virus HPV là biện pháp hữu hiệu để phòng ung thư cổ tử cung. Ảnh: H.Yến

Người bị nhiễm HPV vẫn có thể tiêm phòng vaccine để ngừa các tuýp HPV còn lại (nếu còn trong độ tuổi tiêm ngừa).

Không phải cứ nhiễm HPV là bị ung thư cổ tử cung

Theo BS CKI Nguyễn Thị Kim Nga, Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, không phải mọi phụ nữ nhiễm virus HPV đều bị ung thư cổ tử cung. “80% người nhiễm HPV là tạm thời, thoáng qua, tự biến mất; 20% người nhiễm HPV bị dai dẳng và có thể gây ra các tổn thương ở cổ tử cung với nhiều mức độ khác nhau, từ tiền ung thư đến ung thư cổ tử cung” – BS Nga cho hay.

Tương tự như vậy, đối với nam giới, khi bị nhiễm HPV thường sẽ không có triệu chứng. Một số tuýp virus (6, 11) tiếp tục sinh trưởng, có thể gây nên các bệnh như: sùi mào gà (mụn cóc sinh dục) và ung thư các cơ quan bị nhiễm HPV (thường gặp là: ung thư dương vật, ung thư hậu môn, ung thư miệng, ung thư vòm họng…).

Cũng theo BS Nga, hiện nay chưa có điều trị đặc hiệu để loại trừ HPV. Bác sĩ chủ yếu điều trị các sang thương (những khối mô ở da phát triển bất thường nằm trên bề mặt hay ngay dưới da như: u mỡ, mụn cơm, các nang dạng biểu bì…) do HPV gây ra. Bên cạnh đó, người bệnh được khuyến khích nâng cao thể trạng để tự đào thải HPV.

Người đã nhiễm HPV mà còn trong độ tuổi tiêm ngừa vaccine HPV thì vẫn có thể tiêm vaccine này. BS CKI Nguyễn Hiếu, Phó trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết: “Hiện có khoảng 100 tuýp HPV. Tiêm vaccine tứ giá Gardasil có thể ngừa 4 tuýp: 16, 18 (gây ung thư cổ tử cung), 6, 11 (gây sùi mào gà). Khi đã nhiễm những tuýp HPV ngoài 4 tuýp trên thì việc tiêm vaccine HPV là cần thiết. Kể cả khi đã nhiễm các tuýp 16, 18, 6, 11 thì việc tiêm vaccine ngừa HPV vẫn có tác dụng nhất định và không gây ra ảnh hưởng gì”.

Phụ nữ bị nhiễm HPV muốn mang thai cần làm gì?

Một số phụ nữ qua xét nghiệm được xác định đã nhiễm HPV, thời gian sau đi xét nghiệm lại thì đã khỏi, nhưng sau đó lại tái nhiễm. Thực tế, nguồn lây này xuất phát từ người chồng.

Khi người chồng nhiễm HPV sẽ có nguy cơ cao lây truyền cho vợ nếu có quan hệ tình dục không an toàn hoặc tiếp xúc với phần cơ thể có nhiễm HPV hoặc các đồ dùng cá nhân, bề mặt tiếp xúc có nhiễm HPV.

Vì vậy, cần tránh tiếp xúc các vật dụng, bề mặt có nguy cơ lây nhiễm HPV; cần quan hệ tình dục an toàn, nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, bác sĩ cũng lưu ý rằng bao cao su không ngăn ngừa được hoàn toàn lây nhiễm HPV vì vẫn có thể tiếp xúc da kề da với vùng bị nhiễm bệnh.

Trong trường hợp xác định nhiễm HPV, người chồng cần điều trị các sang thương do HPV. Cùng với đó, người bệnh cần vệ sinh cá nhân, nâng cao thể trạng (dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể dục, giữ tinh thần thoải mái…) để tăng khả năng tự đào thải HPV.

Một số phụ nữ khi xét nghiệm và xác định nhiễm HPV tỏ ra khá hoang mang và lo lắng ảnh hưởng đến việc mang thai, sinh con. Theo BS Nga, nhiễm HPV đơn thuần không phải là một chống chỉ định mang thai. Điều này có nghĩa là khi vợ hoặc chồng bị nhiễm virus HPV thì vẫn có thể lên kế hoạch sinh con.

Tuy nhiên, trước quyết định mang thai, người bệnh cần thực hiện một số điều sau: Điều trị tổn thương sùi mào gà nếu có; xét nghiệm tầm soát tế bào cổ tử cung, nếu có bất thường cần tiến hành các kỹ thuật chẩn đoán như: soi cổ tử cung, sinh thiết… Trong trường hợp đã có tổn thương cổ tử cung (tiền ung thư hay ung thư xâm lấn), cần có sự bàn bạc cụ thể với bác sĩ chuyên khoa, xử lý tùy mức độ tổn thương và nhu cầu mong con.

Hải Yến (ghi)