Khàn giọng khàn tiếng là dấu hiệu bệnh gì? Làm gì để hết khàn giọng?

NGUYÊN NHÂN GÂY TRIỆU CHỨNG KHÀN GIỌNG

Nguyên nhân bị khàn giọng có thể do nhiều yếu tố khác nhau gây nên như thói quen ăn uống, chế độ sinh hoạt hằng ngày hoặc bệnh lý trong cơ thể.

Bị khàn giọng do thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày

Khàn giọng mất tiếng có thể do chấn thương ở cổ họng thường gây ra bởi thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh, bao gồm:

  • Sử dụng giọng nói quá mức.
  • Hút thuốc lá, cần sa.
  • Nói to, la hét trong thời gian dài.
  • Sử dụng cao độ thanh quản không phù hợp khi nói.
  • Xuất huyết thanh quản do lạm dụng giọng nói quá mức.
  • Sử dụng đồ uống có cồn và caffein.
  • Hít phải dị vật, tiếp xúc với các chất kích thích.

Khàn giọng là triệu chứng bệnh gì?

Nhiễm virus đường hô hấp trên là nguyên nhân phổ biến gây khàn giọng. Các bệnh lý phổ biến khác có thể gây khản tiếng hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng, bao gồm:

Bệnh lý hô hấp gây khàn giọng

Khàn giọng có thể do một số rối loạn liên quan đến hệ hô hấp gây ra, bao gồm:

  • Dị ứng là tình trạng dị ứng theo mùa gây chảy nước mũi, nghẹt mũi có thể khiến người bệnh bị khàn tiếng.
  • Cảm lạnh thông thường (nhiễm trùng đường hô hấp do virus).
  • Viêm thanh quản là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng khàn tiếng. Những nguyên nhân gây viêm thanh quản như cảm lạnh thông thường, nhiễm trùng, yếu tố môi trường hoặc lạm dụng giọng nói như nói/hát quá to, quá mức.
  • Bệnh cúm.
  • Khối u lành tính thanh quản như u nang, polyp dây thanh âm có thể gây khàn giọng khi nói.
  • Chấn thương liên quan đến vùng cổ họng như bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động, phẫu thuật đặt nội khí quản hay nội soi phế quản,… có thể ảnh hưởng đến dây thanh âm, gây khàn tiếng.
  • Ung thư: người bệnh ung thư thanh quản, ung thư vòm họng, ung thư phổi, ung thư tuyến giáp,… thường xuất hiện triệu chứng khàn giọng. Ung thư di căn từ vú, phổi hoặc các vùng khác của cơ thể lan đến vùng giữa phổi có thể chèn lên dây thần kinh thanh quản, gây khàn giọng.
  • Ho quá mức.

Một số nguyên nhân khác gây khàn giọng

Các chức năng và rối loạn của hệ thống cơ quan khác cũng có thể góp phần gây ra triệu chứng khàn giọng, bao gồm:

  • Rối loạn giọng nói dậy thì: nam giới tuổi dậy thì giọng trở nên trầm hơn.
  • Các vấn đề liên quan đến thần kinh: Tình trạng đột quỵ, bệnh Parkinson và bệnh đa xơ cứng có thể gây ảnh hưởng lên dây thần kinh thanh quản khiến người bệnh bị khàn giọng.
  • Liệt dây thần kinh thanh quản: dây thần kinh dẫn đến thanh quản có thể bị tổn thương sau phẫu thuật tuyến giáp, phẫu thuật tim hoặc phẫu thuật vùng đầu, cổ.
  • Chứng khó phát âm do co thắt (spasmodic dysphonia): là tình trạng bất thường thần kinh gây ảnh hưởng đến các khối cơ ở vùng thanh quản, gây co thắt cơ khiến giọng bị vỡ, giọng nặng hay gằn.
  • Bệnh bướu cổ.
  • Suy giáp nặng.
  • Phình động mạch chủ ngực.
  • Khối u tuyến giáp.

Bệnh lý đường tiêu hóa gây khàn giọng

Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)trào ngược họng – thanh quản (LPR) là tình trạng trào ngược axit dạ dày lên thực quản, vùng họng và thanh quản. Axit dạ dày có thể trào ngược lên thực quản khi cơ thắt thực quản dưới không đóng lại đúng cách. Trào ngược axit lên đến cổ họng có thể gây các triệu chứng như nóng rát cổ họng và khàn giọng. Dịch axit dạ dày làm bỏng rát và tổn thương niêm mạc thực quản, họng, hạ họng và thanh quản.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám?

Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng khàn giọng kéo dài từ 2 đến 3 tuần ở người lớn và hơn 1 tuần ở trẻ em. Cô Bác, Anh Chị không nên tự mua thuốc uống hay cố gắng chịu đựng vì bệnh lý này kéo dài lâu ngày gây ra nhiều biến chứng bệnh lý khác. Các triệu chứng có thể cho thấy tình trạng sức khỏe cần được thăm khám và điều trị ngay, bao gồm:

  • Khó thở hoặc khó nuốt
  • Khản giọng kèm theo chảy nước dãi, đặc biệt ở trẻ nhỏ
  • Mất giọng khi đang nói