Karaoke gào thét nhạc Tết buồn thảm

Thời điểm cận Tết, những hàng quán và người người thi nhau mở karaoke ầm ĩ những bài nhạc xuân u buồn.

Sáng chủ nhật tuần trước đẹp trời, tôi thức dậy sớm và ra quán cà phê ngồi ngắm xe cộ.

Tâm trạng cả năm qua nói chung là có một thời gian dài chùng xuống vì dịch Covid-19. Phần vì chứng kiến nhiều cảnh sinh ly tử biệt qua các phương tiện báo đài, phần vì thu nhập giảm, áp lực tâm lý vì mấy tháng giãn cách ở nhà, đối diện quanh bốn bức tường.

Mới đi làm lại mấy tháng nay, thành phố cũng dần nhộn nhịp hơn, tâm trạng tôi cũng khá hơn một chút xíu.

Nhưng thật lạ, khi chị chủ quán vừa bưng ly cà phê ra đặt xuống bàn thì âm thanh từ dàn loa bật ra là giai điệu ảo não u sầu. Vâng, bây giờ là thời điểm cận Tết, như thói thường, nhạc mà các hàng quán hay mở cũng không nằm ngoài chủ đề này. Nhưng bài hát khiến tâm trạng tôi xấu hơn là một bài nhạc xuân buồn bã: Xuân này con không về.

Dù Tết này tôi sẽ về sum họp với gia đình, nhưng sau khi nghe bài hát này, cùng với một list nhạc chủ đề xuân, Tết nhưng mang nội dung khá buồn: chia ly, thất tình, ôn chuyện cũ ngày xuân mà tâm trạng cũng dần trở nên xấu.

Năm trước, có bạn đề xuất đừng mở bài Happy New Year ở nơi công cộng nữa, vì nội dung nó khá buồn, nếu không nói là quá thảm.

>> Vì sao nhiều người Việt thích bài Happy New Year ‘buồn thảm’

Bây giờ tôi cũng có một vấn đề tương tự muốn được trao đổi và thảo luận. Đó là vì sao nhiều người Việt vẫn thích hát karaoke ầm ĩ những bản nhạc xuân có nội dung buồn thảm vào những ngày Tết?

Ngày tư ngày Tết, lẽ ra phải tìm nghe những bản nhạc sôi động, mang thông điệp tích cực để một năm mới phấn chấn, lên dây cót cho tinh thần. Vậy nên tôi rất sợ khi nghe những nội dung như: “Mong ước tìm cô gái xuân xưa. Cho vơi bao niềm nhớ. Có đâu ngờ xuân vắng người thưa (Đón xuân này, nhớ xuân xưa).

Hay: Nếu chiều nay lỡ hẹn không về. Thì xuân năm nay sẽ buồn. Sẽ buồn hơn mấy cội mai già (Mùa xuân đó có em).

Thậm chí, tôi còn bắt gặp trên Youtube nhiều dòng tiêu đề, đại loại như: Nhạc xuân buồn nghe rớt nước mắt. Ô hay, xuân về Tết đến sao lại để cho người xác nghe những điều có hơi hướng tiêu cực như vậy?

Theo tôi, những bài nhạc này sáng tác trong hoàn cảnh đất nước từ ngày xưa. Vậy nên nhiều mùa xuân, cái Tết đã diễn ra trong không khí u buồn, trầm mặc, đôi lứa xa nhau… nên những nhạc sĩ đã viết những bản nhạc này, âu cũng là do thời thế.

Nhưng nay đã khác, chẳng lẽ cứ mỗi mùa xuân về đến Tết lại cứ ôn chuyện buồn của những năm cũ?

Trần Lâm

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.