Jeff Bezos – người xây ‘đế chế’ Amazon 27 năm

Bezos đã đưa Amazon từ một cửa hàng bán sách trực tuyến thành đế chế bán lẻ lớn nhất toàn cầu, trị giá 1.560 tỷ USD.

Ngày 2/2, Amazon thông báo người sáng lập Jeff Bezos sẽ rời vị trí CEO sau khi đã giữ chức vụ này liên tục từ khi thành lập công ty năm 1994. Ông sẽ ở cương vị Chủ tịch điều hành từ quý III, tương tự Bill Gates với Microsoft trước đây.

Trong 27 năm, ông đã đưa Amazon trở thành công ty bán lẻ dẫn đầu thế giới. Ngược lại, Amazon cũng giúp ông trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới với tài sản 183 tỷ USD.

Thời thơ ấu của Jeff Bezos

Jeff Bezos – tên khai sinh là Jeffrey Preston Jorgensen – sinh ngày 12/1/1964 tại Albuquerque, tiểu bang New Mexico (Mỹ). Ông là kết quả của cuộc hôn nhân chóng vánh giữa bà Jacklyn và ông Ted Jorgensen. Khi kết hôn, bà Jacklyn mới 17 tuổi, là nữ sinh, còn Jorgensen là chủ một cửa hàng xe đạp. Jorgensen thường uống nhiều rượu và thức khuya.

Khi Jeff Bezos được 17 tháng, bà Jacklyn và chồng đã ly hôn. Sau đó, bà tái hôn với ông Miguel Bezos, một người Cuba nhập cư. Jeffrey Preston Jorgensen được đổi tên thành Jeff Bezos. Ông từng không biết Miguel Bezos là cha dượng mình cho đến năm 10 tuổi. Nhưng kể cả sau khi biết thông tin này, ông cũng không bận tâm.

Jeff Bezos (phải) với cha mình, Miguel Bezos. Ảnh: Kevin Mazur.

Jeff Bezos (phải) với cha mình, ông Miguel Bezos. Ảnh: Kevin Mazur.

Khi còn nhỏ, Jeff Bezos đã có những hành động “khác người”. Khi là một đứa trẻ mới biết đi, Bezos tự tháo cũi bằng một tuốc-nơ-vít vì “muốn ngủ trên một chiếc giường thực sự”. Giai đoạn từ 4 đến 16 tuổi, Bezos dành mùa hè tại trang trại của ông bà ở Texas để sửa cối xay gió và thiến bò.

Ông nội của Jeff Bezos là nguồn cảm hứng giúp khơi dậy đam mê theo đuổi các lĩnh vực về trí tuệ và công nghệ. Trong một phát biểu đầu năm 2010, Bezos đã nói rằng ông nội Gise đã dạy rằng “tử tế khó hơn là khéo léo”.

Jeff Bezos đặc biệt yêu thích loạt phim Star Trek. Ngay từ đầu, ông đã có ý định đặt tên cho công ty của mình là MakeItSo.com. “Make-it-so” là cụm từ nổi tiếng gắn liền với Thuyền trưởng Jean-Luc Picard – người điều hành phi thuyền USS Enterprise trong phim Star Trek.

Ở trường học, Jeff Bezos từng nói với giáo viên của mình: “Tương lai của loài người không nằm trên hành tinh này”. Ông cũng ước mơ một ngày chinh phục được không gian và đang hiện thực hóa ước mơ đó qua dự án thám hiểm vũ trụ Blue Origin.

Khi còn niên thiếu, ông từng làm việc tại McDonald’s, sau đó vào Đại học Princeton chuyên ngành Khoa học máy tính. Sau khi tốt nghiệp, ông đã từ chối lời mời làm việc từ Intel và Bell Labs để tham gia một công ty khởi nghiệp có tên Fitel.

Sau khi rời Fitel, ông được mời hợp tác với Halsey Minor – người sau này thành lập trang công nghệ Cnet – làm start up về cung cấp tin tức qua fax, nhưng ông từ chối và chuyển sang quỹ đầu tư DE Shaw, nơi ông trở thành Phó chủ tịch cấp cao chỉ sau bốn năm. Năm 1993, ông kết hôn với bà MacKenzie Tuttle, một cộng sự nghiên cứu tại DE Shaw. Hai người ly hôn năm 2019.

Amazon ra đời thế nào

Năm 1994, Jeff Bezos đọc được thông tin nhu cầu truy cập Internet của người Mỹ đã tăng 2.300% một năm và đã tìm cách tận dụng xu hướng mới. Ông lập danh sách 20 sản phẩm có thể bán trực tuyến và quyết định lựa chọn sách.

Sách là sản phẩm được Jeff Bezos lựa chọn khi bắt đầu khởi nghiệp. Ảnh: Kim Kulish.

Sách là sản phẩm được Jeff Bezos lựa chọn khi bắt đầu khởi nghiệp. Ảnh: Kim Kulish.

Sau đó, Jeff Bezos rời DE Shaw với quan điểm: “Thà thử và thất bại khi khởi nghiệp còn hơn là không bao giờ thử”.

Năm 1995, hai vợ chồng ông bay đến Texas, mượn xe hơi của cha dượng, rồi lái đến Seattle. Trên đường đi, ông đã dự báo doanh thu, dù công ty bán sách mới thành lập và chưa hoạt động. Ông mượn cha mẹ mình 300.000 USD để đầu tư vào công ty này.

Ban đầu, Jeff Bezos đặt tên công ty mới là Cadabra. Sau đó, ông nhận thấy Nam Mỹ – nơi có sông Amazon – là thị trường tiềm năng, cũng như tên gọi bắt đầu bằng chữ “A” nên quyết định đổi tên. Amazon ra đời.

Amazon.com hoạt động trong một gara ôtô. Tuy nhiên, các cuộc họp được tổ chức tại cửa hàng bán sách Barnes & Noble. Những ngày đầu tiên, một tiếng chuông sẽ vang lên mỗi khi có ai đó mua hàng. Mọi người sẽ tụ tập xung quanh để xem có ai biết khách hàng đó không. Nhiều nhà đầu tư ban đầu cho rằng Amazon sẽ thất bại hoặc phá sản. Nhưng tiếng chuông mua hàng ngày một nhiều, đến nỗi không còn ai bận tâm nữa. Trong tháng đầu tiên ra mắt, Amazon đã bán sách cho người dùng ở 50 tiểu bang và 45 quốc gia khác nhau.

Ngày 15/5/1997, công ty phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO). Năm sau đó, “bong bóng dot-com” – hình thành. Thời kỳ này, các công ty Internet được định giá cao hơn giá trị thực trên sàn chứng khoán, dẫn đến một lượng lớn công ty phát triển quá nhanh và “vỡ”. Những kẻ phá bĩnh đã gọi Amazon là “Amazon.bomb” nhưng công ty đã vượt qua một cách ngoạn mục và trở thành một trong số ít các công ty không bị phá sản sau “cơn bão” này.

Những năm tiếp theo, Jeff Bezos đưa Amazon khỏi bóng của một công ty bán sách bằng cách đưa các mặt hàng gia dụng, quần áo. Sau này ông còn phát triển thêm điện toán đám mây.

Jeff Bezos (trái) và người vợ đầu MacKenzie Tuttle (phải). Ảnh: AP.

Jeff Bezos (trái) và vợ MacKenzie Tuttle (phải). Ảnh: AP.

Jeff Bezos được đánh giá là một ông chủ khắt khe và có thể “nổi cơn thịnh nộ” với nhân viên bất kỳ lúc nào. Có tin đồn rằng ông cảm thấy điều đó là hạn chế, nên đã thuê một chuyên gia tâm lý giúp kiềm chế cơn giận của mình.

Ông từng cấm nhân viên thuyết trình bằng PowerPoint mà yêu cầu họ viết báo cáo cụ thể với những gạch đầu dòng đơn giản để khuyến khích tư duy phản biện. Ông cũng giảm chi phí vận hành không cần thiết bằng cách không cung cấp cho nhân viên đồ ăn tại văn phòng, massage miễn phí như Google.

Năm 2000, Jeff Bezos vay 2 tỷ USD để duy trì Amazon. Nhưng đến 2002, do tốc độ chi tiêu quá nhanh, công ty gặp khó khăn về tài chính. Doanh thu bị đình trệ, Amazon suýt phá sản. Jeff Bezos đã phải đóng cửa nhiều trung tâm phân phối và sa thải 14% lực lượng lao động.

Năm 2003, Amazon phục hồi và thu lợi nhuận 400 triệu USD. Tháng 11/2007, công ty ra mắt thiết bị đọc sách Kindle. Tháng 10/2013, Amazon là nhà bán lẻ mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới.

Như Phúc (theo Business Insider)