Hương bài thành Đông

(TH&CL) Quê

(TH&CL) Quê tôi, thị trấn Tứ Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương). Từ lâu, trong làng đã có nghề làm hương bài. Ngày tôi còn nhỏ và suốt những năm sau này, hễ cứ vào dịp tết đến, xuân về, mẹ lại ra chợ mua vài bó hương bài, về bỏ ống, dành thắp vào 3 ngày tết. Hương bài thắp lên, mùi thơm tỏa ra thơm… như tết. Đúng là mùi hương vị tết…


Tạo “men” hương đâu dễ?

Chẳng hay, người ta quấn hương bài ra sao, mùi thơm từ đâu? Cho tới giờ, nhân chuyến về quê, tôi mới có dịp tìm đến Đặng Minh Tuyết, cô bạn cùng học, một cán bộ dược Bệnh viện thành phố Hải Dương, có nghề “tay trái” quấn hương bài mấy chục năm qua mách giùm.

Minh Tuyết cho hay, nguyên liệu chính để sản xuất hương bài được lấy từ rễ cây bài – loại cây thân mềm được trồng nhiều ngoài Cái Bầu (Quảng Ninh). Các làng nghề chuyên sản xuất hương bài thuộc Hải Phòng, Hải Dương có trồng lác đác loại cây này, song cũng chỉ đủ cung cấp cho các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Phần lớn người ta mua nguyên liệu ở Cái Bầu. Mùi thơm chính là từ rễ cây bài.

Rễ cây bài được chế biến thành bột khô rồi trộn lẫn với các chất xúc tác, gồm bột quế, cánh hồi, bã mía, vỏ bưởi, thau bột, bắc bột… tạo ra mùi thơm riêng và cũng dễ cháy. Thân hương lấy từ cây tre.

Nếu muốn cho nén hương khi cháy, tàn của nó tạo thành những đường cong không gãy đoạn (các bà, các mợ quen gọi “được lộc”) thì thân hương phải được chọn từ cật tre, có độ già vừa phải qua quá trình phơi, ngâm thích hợp. Tuy nhiên, loại này người ta ít làm vì giá thành đắt. Hơn nữa, người thành phố không mấy ưa dùng, lo bát hương mau đầy do tàn hương không rụng. Một số vật liệu khác như giấy bản màu trắng có viền xanh đỏ tạo mã, hồ dán…

Chính bởi do giá thành đắt nên giờ đây mới có chuyện, các tay buôn hương (nhang) dùng thứ hóa chất của Trung Quốc, thậm chí mua loại hương tạo “tàn cong được lộc” với giá rẻ nhằm lừa người tiêu dùng, điều này vô cùng độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe con người…

Kéo cái mâm bột hỗn hợp, bó tăm hương, tập giấy bản cắt sẵn để ra trước mặt, chị Tuyết một tay vấn vấn mảng giấy bản dài thườn thượt lên đầu que, tay kia cầm cái thìa nhỏ từ từ rắc bột, rắc đến đâu quấn đến đó. Nom chị làm rất thành thục mau lẹ, loáng cái đã quấn xong nén hương.

“Nếu chỉ việc quấn như thế này thì nhanh lắm. Lâu là ở khâu gom nguyên vật liệu, chế biến ra cái kia. Vì làm không nhiều nên tớ xuôi quê mình mua rễ cây bài tươi, mang về tự phơi khô rồi nghiền nhỏ; cánh hồi, quế cũng phải mua. Mía, bưởi, thi thoảng mua về ăn, còn lại bã, vỏ, đem phơi tích dần. Ngần ấy thứ, ngần ấy công đoạn để tạo ra “men” hương đâu có dễ dàng? Khi có “men” rồi, trong nhà ai cũng có thể quấn tranh thủ”, vừa làm, Minh Tuyết vừa chỉ vào từng thứ nguyên liệu, phân trần.

“Hàng của em vẫn vậy”…

Dọc đường từ thành phố Hải Dương về thị trấn Tứ Kỳ (khoảng 17 km), tôi thấy bà con đang ráo riết làm hương bài – bắt đầu vào mùa vụ chính. Tăm hương, giấy bản, vỏ bưởi, bã mía… phơi đầy hai bên đường.

Tôi tìm đến gia đình chị Huệ, một chủ chuyên làm hương bài có uy tín trong làng để tìm hiểu thêm về nghề này. Chị Huệ cho biết, vợ chồng làm hương bài đã hơn 20 năm nay. Những năm đầu, do mức tiêu thụ chậm nên giống như bao gia đình khác, họ tập trung sản xuất vào 4 tháng cuối năm.

Chị tâm sự: “Ngày thường kể làm thì cũng được, nhưng là làm tranh thủ, chết nỗi sản phẩm làm ra không thể bán ngay, phải tìm cách bảo quản cho tốt. Thứ ấy lắm khi hóa ra dở. Bởi vì, cái công bảo quản, cất giữ để sao cho hương không bị cũ mốc, sứt mẻ là điều khó. Có người làm túc tắc những lúc nông nhàn, tích vào vụ trong khi nhiều người khác mới bắt tay vào làm thì họ đã có ngay sản phẩm mang bán. Song do không biết cách bảo quản để hương mốc, ẩm, chuột, gián gặm nhấm lỗ chỗ, công làm trở thành công cốc. Chưa kể tiền mua nguyên vật liệu đi toi”.

Ấy là chuyện hôm qua. Bây giờ thì làm hương bài đã trở thành nghề chính của gia đình chị Huệ. Làm quanh năm, bán quanh năm. Nghề này cần nhiều thời giờ nhưng không quá nặng nhọc. Con cái vợ chồng chị đã lớn, ngoài thời gian học hành, cũng tranh thủ giúp đỡ bố mẹ những công việc phụ. Chị Huệ bảo, vợ chồng không có vốn lớn, làm bấy nhiêu năm chỉ đủ ăn, thi thoảng tích góp được chút ít lại mua sắm dần, còn đâu tiếp tục đầu tư cho sản xuất.

Tôi cầm lên 1 nén hương chị vừa làm xong, ngắm nghía rồi bất chợt hỏi: Có vẻ mẫu mã không “ngon ăn” so với các sản phẩm cùng loại do các chủ khác sản xuất?

“Hàng của em vẫn vậy, nhưng bán đắt khách đấy. Em nghĩ, mình cốt đảm bảo chất lượng, chứ vỏ ngoài “cánh công cánh phượng” mà ruột rởm thì chẳng giữ được bền lâu”, chị Huệ bộc bạch.

Sản phẩm của chị Huệ làm ra nó chân chất mộc mạc y như con người chị. Cái sự ấy thì tôi cũng đã được nghe bà con trong làng rỉ tai.

Ở Tứ Kỳ, hiện khá nhiều hộ gia đình làm hương bài. Có gia đình theo tới mấy đời nay. Tuy nhiên, đại bộ phận chỉ làm ăn nhỏ. Các cơ sở sản xuất dưới dạng HTX, tổ hợp, công ty… không nhiều.

Tìm hiểu về thị trường tiêu thụ, tôi thấy hương bài Hải Dương từ lâu đã không còn bó hẹp trong xã, trong huyện mà đã vươn xa trên thị trường cả nước, nhất là các thành phố lớn. Hương bài Hải Dương cũng đã “gõ cửa” một số nước Đông Nam Á…

Chữ tín và lòng tin

Đương nhiên, nghề làm hương bài, bên cạnh những ưu điểm nêu trên thì vẫn còn những mắc mớ khiến cho người tiêu dùng chưa mặn mà: giá cả đắt. Tính ra, giá 1 bó hương bài mua vào đắt gấp 1,5 – 2 lần so với hương trầm và gấp 2,5 – 3 lần so với hương loại thường trên cùng một đơn vị.

Khắc phục tình trạng đó, các nhà sản xuất hương bài bước đầu đã cho ra đời những sản phẩm mẫu mã mới, chẳng hạn làm tăm hương nhỏ hơn, ngắn hơn so với trước, giá thành giảm xuống và như vậy giá bán ra cũng mềm hơn. Nghĩa là, bán ra thị trường làm sao để người tiêu dùng có thể chấp nhận được.

Bên cạnh đó, còn có điều khiến người tiêu dùng phàn nàn về chất lượng hương: rất thất thường. Có đợt hương rất thơm, ngược lại có đợt thắp lên chỉ thấy mùi ngai ngái khen khét, lại hay bị tắt. Có rất nhiếu lý do các chủ đưa ra, đại loại như “nguyên liệu đắt đỏ, buộc phải bớt (bột rễ cây bài)”, “lô này gặp mưa nhiều nên hàng bị ẩm khó cháy”…

Sự ấy là có thật. Song, còn có một sự thật khác, không thể không nói ra đó là không ít chủ chỉ vì chạy theo lợi nhuận, đã lợi dụng chữ tín do chính mình dày công tạo nên, dần dần cố tình bớt xén nguyên liệu, thay bởi một vài chất xúc tác rẻ tiền, không loại trừ việc trộn lẫn cả mùn cưa! Hoặc đơn giản chỉ cần mỗi bó hương bài 10 nén “kèm” trong đó 1 – 2 nén rởm thì 1 tháng, 1 năm sản xuất họ cũng đã “ăn ra” số tiền lừa không nhỏ!

Nghề làm hương bài ở Hải Dương là nghề thủ công. Nếu ổn định khâu thị trường (điều cốt lõi nhất là phải luôn giữ chữ TÍN) thì không những nó càng ngày càng thêm nảy nở sinh sôi, giữ được một nghề truyền thống lâu đời, mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

Hà thành, 10 năm trở lại đây, người dân tiêu thụ hương bài Hải Dương với số lượng đáng kể. Tại các cơ sở đầu mối như chợ Long Biên, chợ Hôm, chợ Hàng Da, chợ Ngã Tư Sở… đều bày bán đại lý mặt hàng này. Không ít gia đình đã có thói quen thắp hương bài vào ngày thường với lý lẽ “thắp các loại hương khác cho người ta thứ cảm giác như có giỗ, có đám…, thắp hương bài thấy mùi thơm ngan ngát êm dịu, thơm cửa thơm nhà”.

Hương Xuân