Hội thảo ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở tỉnh Thừa Thiên Huế

Hội thảo ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở tỉnh Thừa Thiên Huế

(CTTĐT) – Sáng ngày 07/4, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm giới thiệu đề tài đạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng có khả năng ứng dụng vào thực tế; Kết nối Doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp thúc đẩy chuyển giao ứng dụng những nghiên cứu từ các đề tài đi vào cuộc sống, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ở tỉnh Thừa Thiên Huế một cách hiệu quả.

Hàng năm, Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao Liên hiệp hội là Cơ quan Thường trực phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật (Hội thi); Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ (Giải thưởng) và Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng cấp tỉnh. Các hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh ngày càng có những bước tiến quan trọng. Số lượng và chất lượng các đề tài, công trình và giải pháp dự thi không ngừng phát triển.

Đến hết năm 2022 đã có 229 đề tài, công trình được trao Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ cấp tỉnh, 37 đề tài đạt giải cấp quốc gia. Trên 450 giải pháp được trao giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và 23 đề tài đạt giải ở cấp quốc gia. Ở cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng cấp tỉnh, trên 530 đề tài được trao giải, ở cấp quốc gia là 37 đề tài đạt giải.

Với những kết quả đáng ghi nhận đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng cường hơn nữa trong kết nối giữa nhà sáng chế với các doanh nghiệp, chương trình, chính sách liên quan để thúc đẩy nhân rộng các giải pháp sáng tạo khoa học góp phần phát triển KT-XH của tỉnh. Hội thảo đã nhận được những tham luận cung cấp cái nhìn khá cụ thể về cách thức những kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất và điều quan trọng hơn là để sản phẩm nghiên cứu có thể tiếp cận, phát triển vào thị trường.

GS.TS.NGND Trần Hữu Dàng phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo, có sự chia sẻ về giải pháp “Làm thế nào để kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất” của ThS. Phạm Xuân Phương – Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế cung cấp cái nhìn khá cụ thể về cách thực hiện để làm sao những kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất và điều quan trọng hơn là để sản phẩm nghiên cứu có thể tiếp cận, phát triển vào thị trường. Những hiệu quả và lợi ích của sản phẩm công nghệ được tạo ra có ý nghĩa tiên quyết về thành công của nghiên cứu và sự hợp tác là yếu tố then chốt giúp công nghệ được lan tỏa ra thị trường sản xuất.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh – ông Dương Tuấn Anh có phần tham luận liên quan tới “Những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ sản xuất và đề xuất một số giải pháp thực hiện”, đặc biệt, trước những thay đổi nhanh chóng từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu doanh nghiệp không thích ứng nhanh và tận dụng tốt lợi thế từ nền tảng công nghệ hiện đại để đổi mới, tối ưu hóa sản xuất sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu và khó có thể tồn tại. Thực tiễn cho thấy, đổi mới công nghệ là rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả đổi mới công nghệ của doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, từ đó phía Hiệp hội Doanh nghiệp cũng đã đưa ra một số đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ khá hữu ích.

Tham quan các sản phẩm khoa học và công nghệ tại hội thảo

Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Đăng Nhật Thái – Khoa Kiến trúc, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế trình bày tham luận với chủ đề “Đề xuất ứng dụng những Mô-đun Điềm Phùng Thị vào cuộc sống” đã giúp người nghe hiểu rõ hơn về tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị được trưng bày, giới thiệu đến công chúng ở Huế, du khách trong và ngoài nước. Tham luận về “Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ở tỉnh Thừa Thiên Huế” đến từ hội Công nghệ thông tin và Điện tử viễn thông khẳng định về thương mại điện tử đang trở thành một trong những phương tiện quan trọng để các doanh nghiệp truyền tải thông điệp và bán sản phẩm.

Trong khuôn khổ Hội thảo diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác phát triển sản phẩm giữa Công ty Cổ phần In Thuận Phát và TS Lê Quang Tiến Dũng – Đại học Khoa học Huế đánh dấu được sự kiện quan trọng trong việc kết hợp giữa nghiên cứu và sản xuất sản phẩm.

Một số hình ảnh tại hội thảo: