Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến …

 Các đồng chí chủ trì hội thảo.

Ngày 15/2 tại Bến Tre, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến Tre”.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh…

Cùng tham dự Hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Bến Tre; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành gắn liền với hoạt động của đồng chí Huỳnh Tấn Phát; đại diện thân nhân gia đình đồng chí Huỳnh Tấn Phát, cùng các đại biểu, nhà khoa học Trung ương, địa phương…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, hội thảo là hoạt động thiết thực để tưởng nhớ, tri ân cuộc đời cách mạng và những cống hiến to lớn của nhà lãnh đạo Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam, đồng thời góp phần giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng,

Ủy

viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tưởng nhớ, tri ân công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối cách mạng, trong đó có đồng chí Huỳnh Tấn Phát, với tấm lòng biết ơn sâu sắc, chúng ta nguyện tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị quý vị đại biểu, các đồng chí và các nhà khoa học tập trung thảo luận, tôn vinh và làm sâu sắc hơn cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến Tre.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cho rằng: Hội thảo khoa học lần này không chỉ là nơi hội tụ các kết quả nghiên cứu khoa học về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát; mà còn là buổi sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII). Qua đó, góp phần tuyên truyền, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tấm gương của các đồng chí lãnh đạo tiền bối, chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trong đó có đồng chí Huỳnh Tấn Phát.

Kết quả của Hội thảo giúp cho cán bộ, đảng viên tiếp tục trau dồi đạo đức cách mạng; đúc rút ra những bài học quý giá về tấm gương tự nguyện dấn thân, cống hiến, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích tập thể lên trên, lên trước lợi ích cá nhân, hết mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; thiết thực vận dụng vào quá trình công tác và cuộc sống; góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Bí thư Tỉnh

ủy

Bến Tre Lê Đức Thọ phát biểu tại Hội thảo.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát- Người tri thức cách mạng chân chính

Tại hội thảo có gần 50 tham luận, tập trung phân tích, đánh giá những hoạt động, cống hiến nổi bật của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và quê hương Bến Tre. Trên các cương vị được giao, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần tuyên truyền, giác ngộ tinh thần yêu nước, tập hợp lực lượng cách mạng, tích cực tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân Nam Bộ đi đến thắng lợi.

Các đại biểu đã tập trung phân tích, làm sâu sắc nội dung đồng chí Huỳnh Tấn Phát là nhà trí thức cách mạng tiêu biểu cho tinh thần, trách nhiệm của lớp thanh niên trí thức Việt Nam trước vận mệnh của nước nhà, đã đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, dấn thân vào con đường cách mạng đầy gian nan, nguy hiểm, nhưng cũng hết sức vẻ vang, cao đẹp; trở thành một ngọn cờ tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; là một kiến trúc sư tài năng, đã góp phần “làm đẹp Tổ quốc, làm đẹp cách mạng, làm đẹp cuộc đời…”.

Đồng thời, các tham luận tại hội thảo đã đề cập, luận giải về đồng chí Huỳnh Tấn Phát với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre. Mặc dù sớm rời quê hương đi học và hoạt động cách mạng, ít có dịp về thăm nhưng đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn hướng về quê hương Bến Tre với tình cảm sâu nặng ân tình và tâm nguyện được góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh. Cuộc đời cách mạng cao đẹp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn là niềm tự hào to lớn, là động lực tinh thần cổ vũ các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Bến Tre học tập, noi theo.

Với tiêu đề “Đồng chí Huỳnh Tấn Phát- tấm gương tiêu biểu cho khối đại đòa kết dân tộc”, tham luận của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định: Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một nhà lãnh đạo tài năng, một nhân cách lớn, một con người điềm đạm, giàu lòng nhân ái. Tuy quyền cao chức trọng nhưng rất khiêm nhường. Những năm ông phụ trách Mặt trận là những năm đất nước gặp rất nhiều khó khăn, song ông luôn lạc quan và truyền sự lạc quan đó đến toàn bộ cán bộ, nhân viên cơ quan, đến cả hệ thống Mặt trận.

Một phẩm chất cao quý khác ở Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát là dù cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận song không bao giờ dựa vào đó để buộc mọi người phải làm theo ý mình mà luôn vận động, thuyết phục, chờ đợi với thái độ chân thành. Vì vậy, sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đồng chí đã cùng luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo, bác sĩ Phùng Văn Cung đã vận động, cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức, nhiều nhân vật có tên tuổi, đã từng làm việc trong bộ máy chính quyền Sài Gòn ở lại, cùng nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng quan điểm trên, trong tham luận gửi tới Hội thảo, đại diện Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, nét nổi bật trong phong cách của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là tác phong làm việc tỉ mỉ, cụ thể, cởi mở, dân chủ; thường xuyên đi cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, khơi gợi một cách dân chủ để mọi người phát biểu, đề xuất; lắng nghe ý kiến của nhân dân, để suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết phù hợp và có hiệu quả nhất. Đặc biệt, đồng chí Huỳnh Tấn Phát rất chú trọng tổng kết thực tiễn, thường xuyên nhắc nhở cán bộ các cấp phải đi sâu, đi sát cuộc sống của nhân dân, của chiến trường; lựa chọn cán bộ phải khách quan, công tâm, phải xét từ năng lực, phẩm chất cán bộ, không phải “ở lâu lên lão làng”. Có tổng kết thực tiễn mới góp phần hoàn chỉnh chủ trương, chính sách; có lựa chọn đúng cán bộ mới phát động được phong trào cách mạng của quần chúng, phong trào có phát triển, cách mạng mới giành được thắng lợi.

Theo đồng chí Vũ Anh Tuấn, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TP Hồ Chí Minh, cuộc đời đồng chí Huỳnh Tấn Phát cho thấy, khi có lòng yêu nước thương dân nồng nàn, khi đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích bản thân, khi đề cao đạo đức trong sáng, khiêm nhường và biết sử dụng tài năng của mình “phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân” thì mặc cho thành phần xuất thân thế nào, phong thái ra sao, vẫn sẽ rất gần dân, được nhân dân tin yêu, đón nhận và đi theo; là người tiêu biểu cho tư tưởng, phong cách đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã hiểu đúng, hiểu sâu và hiện thực hóa rất tốt tư tưởng của Người.

Tiếp tục nghiên cứu, luận giải, phát hiện làm sâu sắc hơn về cuộc đời, phẩm chất đạo đức cao đẹp và những cống hiến của đồng chí Huỳnh Tấn Phát 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Với tinh thần khoa học, các tham luận được nghiên cứu công phu, đề cập toàn diện, đi sâu phân tích, luận giải góp phần làm sâu sắc thêm những nội dung theo chủ đề của Hội thảo, thể hiện sự kính trọng và tri ân sâu sắc đối với đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Ban Tổ chức sẽ tiếp thu tất cả ý kiến của các nhà khoa học, các quý vị đại biểu, trên cơ sở đó tổ chức biên tập, chỉnh lý, bổ sung làm tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu và tuyên truyền về đồng chí Huỳnh Tấn Phát trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chung sức, đồng lòng, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sớm hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đáp ứng ước nguyện thiêng liêng, cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc lãnh đạo tiền bối, trong đó có đồng chí Huỳnh Tấn Phát.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng nghĩa đề nghị thời gian tới, các cơ quan nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu, luận giải, phát hiện và làm rõ những vấn đề mới, để bổ sung, làm sâu sắc hơn về cuộc đời, phẩm chất đạo đức cao đẹp và những cống hiến của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với cách mạng Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng; qua đó góp phần tuyên truyền củng cố, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tấm gương của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng.

Các cấp ủy Đảng, đoàn thể chính trị – xã hội, các cơ quan thông tin, tuyên truyền tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát bằng hình thức phù hợp. Tập trung tuyên truyền vận dụng những bài học kinh nghiệm, những di sản, tinh thần cách mạng của Đồng chí trong công tác tuyên truyền giác ngộ cách mạng, vận động quần chúng, tập hợp lực lượng; tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế; trong công tác đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia; xây dựng nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; tư duy đối với văn nghệ sĩ, trí thức… Cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân học tập và noi gương đồng chí Huỳnh Tấn Phát, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, ra sức phấn đấu thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

Cập nhật ngày 15/2/2023