Học văn để làm gì? Tìm hiểu văn học dùng để làm gì?

Từ ngày biết cầm bút đến khi tốt nghiệp phổ thông, môn Văn luôn đồng hành với bạn trên mọi nẻo đường thi cử. Vậy học Văn để làm gì? Có nhiều bạn vẫn chưa biết môn học này sẽ mang đến điều gì cho chúng ta. Vậy chúng ta hãy cùng HVCTP khám phá để yêu thích nó hơn nhé!

học văn để làm gìhọc văn để làm gì

Học Văn để làm người

Văn học là nhân học, đây chính là tấm gương soi chiếu con người, cũng chính con người lấy văn học làm một công cụ để thể hiện bản chất của chính mình. Trong những trang văn ta thấy được những loại người, tâm hồn, cũng chính văn học nuôi dưỡng tâm hồn con người. Học Ngữ văn để làm gì? Chính là dạy ta cách hoàn thiện bản thân, trở thành một con người nhân ái, có tâm hồn đẹp đẽ.

Môn Văn phơi bày tâm tư tình cảm con người

Bạn đọc một bài thơ, bạn sẽ cảm nhận được đây là bài thơ vui hay buồn, đấy chính là cảm xúc tâm trạng của người cầm bút viết nên câu chữ. Trong từng lời thơ trang văn ấy, là những dòng cảm xúc có khi ngọt ngào, âu yếm, có khi giận dữ, hoảng hốt, có khi lại thư thái, thảnh thơi… Và cũng có khi đó không còn là xúc cảm của tác giả, mà còn là tâm trạng của những người thưởng thức. Họ đọc một câu chuyện, bỗng nhiên lại thấy yêu đời, yêu người hơn, chợt thấy thương cảm cho một số phận nào đó. Vậy chẳng phải nó đang thổ lộ được tâm tư giùm chúng ta hay sao?

Văn dạy ta bài học vỡ lòng

Cũng giống như một bộ phim, mỗi tác phẩm văn học mang đến một bài học khác nhau. Thuở ấu thơ bạn thường nghe cổ tích, những câu chuyện cười và đều dạy chúng ta một bài học trong đó. Câu chuyện Cây khế trả vàng dạy con người không nên tham lam, Tấm Cám cho ta bài học về tình yêu thương, lòng nhân hậu, cả cái ác và cái thiện xuất hiện cạnh nhau để dạy người đời cách sống thiện lương.

Văn dạy ta bài học vỡ lòng, đến khi tôi luyện cho ta cảm xúc, văn sẽ rèn luyện ta sống một cuộc đời thật đẹp, làm một con người ý nghĩa. Lớn lên một chút, bạn sẽ cảm nhận được trong từng trang văn là mỗi cuộc đời, mỗi con người khác nhau. Bạn sẽ học được ở nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi sự kiên cường, dũng cảm, cả một tâm hồn đẹp. Đọc Lão Hạc của Nam Cao, lại thương đứt ruột gan cảnh lão nông già với cái chết đau đớn, lại học được ở ông đức hi sinh cao cả của một người cha nghèo.

Văn dạy ta yêu, dạy ta ghét, dạy ta rung động, dạy ta biết cảm ơn, biết xin lỗi và cả lòng bao dung nhân hậu. Đó là bài học vỡ lòng mà chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng có được từ môn học này.

Văn giúp ta trải lòng

Hỉ, nộ, ái, ố… cung bậc cảm xúc của con người đa dạng nhiều màu sắc, ngoài thể hiện bằng gương mặt, xúc cảm cá nhân, ai cũng có thể mượn văn thơ để nói lên tâm tư tình cảm của chính mình.

Cảm xúc sao nói hết thành lời, cho nên mượn lời thơ câu văn để trải lòng mình quả là hợp lý. Đọc từng trang văn đôi lúc lại thấy chính bản thân mình trong đó. Học Văn giỏi ta rèn giũa được ngôn từ hay, được câu văn trọn nghĩa, biết viết bức thư, biết làm bài thơ, viết câu chuyện… Cũng nhờ vậy ta dễ dàng bày tỏ được những xúc cảm của mình. Có lúc vui, lúc buồn, lúc cô đơn… văn theo ta suốt cả cuộc đời.

Môn Văn giáo dục nhân cách đạo đức, định hướng tư tưởng

Văn là đời, đời cũng đi vào văn một cách chân thực. Vậy học môn Văn để làm gì? Chính là giáo dục con người cuộc đời về nhân cách đạo đức, định hướng tư tưởng cho chúng ta một cách đúng đắn.

Văn bồi dưỡng lòng yêu nước, tình yêu quê hương, gia đình

Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta…” (Hồ Chí Minh). Từ thuở hồng hoang, những bài ca dao dân ca, những trang truyền thuyết về Con Rồng cháu Tiên, Bánh chưng bánh giầy dạy ta lòng biết ơn, suy tôn công lao các vua Hùng dựng nước.

Trong chiến tranh loạn lạc, những ngòi bút viết lên bao trang sử vàng, đọc xong lòng bỗng hân hoan tự hào, càng thấm thía sự hi sinh của những anh hùng đã xả thân vì đất nước. Thời bình yên lành, văn bày tỏ sự mến yêu quê hương, tầm quan trọng của gia đình.

Đọc từng dòng thơ của Tế Hanh, cảm nhận được quê hương trong từng con chữ, trong từng hơi thở. Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng có một mảnh tâm hồn riêng để nghĩ về nơi mình sinh ra. Đất nước Việt Nam cong hình chữ S, nơi đâu cũng là cánh đồng, là bờ đê, là ngõ lối vào ngôi nhà thân thuộc, là biển mênh mông tận chân trời… tất cả chúng là tình yêu quê hương, là nỗi nhớ nhung mỗi khi xa vắng. Như tâm hồn, như cuộc đời của mỗi chúng ta. Rồi Làng của Kim Lân, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi… vẽ nên những tình yêu gia đình, làng xóm, cả những gian nan khó khăn sẵn sàng vượt qua nếu có đủ tình yêu của những người thân yêu.

Học Văn để làm gì? Để khiến ta càng thêm yêu quê hương, yêu cội nguồn của chính mình.

“Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về”

( Đất Nước – Nguyễn Đình Thi)

Văn còn làm ta cảm thấy căm phẫn, xót xa trước cảnh nước nhà bị tàn phá bởi quân giặc:

“Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

Ruộng ta khô

Nhà ta cháy”

(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)

Vậy nên nếu ai hỏi Văn học dùng để làm gì? Hãy cảm hóa họ bằng những gì bạn đã được giáo dục từ môn Văn. Văn không chỉ là vũ khí chiến đấu, là nơi trải lòng, đây còn là những người thầy giáo dục ta nên người.

Học Văn để định hướng tư tưởng

Tư tưởng là một yếu tố quan trọng nhất trong giáo dục. Nó được hình thành từ lúc con người sinh ra, nó được thử thách trong quá trình con người trưởng thành và hoàn thiện cho đến lúc về già. Tư tưởng mỗi người khác nhau, nhưng chung quy lại cần có hướng đi đúng đắn để cuộc đời này thêm ý nghĩa. Và nhờ Văn học con người dễ định hướng tư tưởng.

Văn học phơi bày cuộc sống, cũng lấy gương từ cuộc sống nhào nặn nên. Chỉ cần đến với môn Văn bạn có thể nắm trong tay một kho tàng tư tưởng đạo lý đúng đắn, biết phân biệt đúng sai, biết yêu ghét rõ ràng, biết tự lựa chọn cho mình một con đường đi có ích cho đời. Đấy chính là giáo dục tư tưởng. Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín… tất cả đều từ văn học mà ra.

Tìm hiểu thêm: Những phương pháp học tốt môn Ngữ Văn

Học Văn để hiểu về cuộc sống

Văn học và cuộc sống được ví với nhau như con ong cần mẫn cả cuộc đời gắn liền với loài hoa xinh đẹp để tìm mật ngọt, “hương nhụy trong mát và ngọt lành của cuộc sống chính là văn học“.

Văn học bằng những ngọt ngào tinh túy của ngòi bút, dòng chữ đã thu nhận, tái hiện, phản ánh cuộc sống – cuộc sống với những giá trị chân – thiện – mỹ, những bi ai, hạnh phúc được góp nhặt lại rồi bằng chất liệu ngôn từ để tạc nên từng tác phẩm day dứt lòng người, mê đắm người đọc.

Thế đấy, nhờ văn học mà cội nguồn gốc rễ con người được biết đến, làm cho con người cảm nhận được cuộc sống đa chiều hay thậm chí khơi dậy trong mỗi chúng ta sự đồng cảm, tình yêu thương.

học văn để hiểu cuộc sốnghọc văn để hiểu cuộc sống

Văn giúp ta biết về cội nguồn gốc rễ

Ta từ đâu mà có, ta từ đâu mà đến? Hẳn người Việt chúng ta đều tự hào rằng mình là con Rồng cháu Tiên, bởi văn học mang ta đến với cội nguồn gốc rễ. Dạy cho lớp trẻ biết rằng phải sống kết đoàn, cưu mang nhau cùng chung sống. Trang văn đưa ta về với quê hương, bến nước, con đò trong từng câu ca dao, từng vần thơ thắm đượm.

“Quê hương là gì hở mẹ?

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ?

Ai đi xa cũng nhớ nhiều”

(Quê hương – Đỗ Trung Quân)

Văn dạy ta cảm nhận cuộc sống đa chiều

Sự uyển chuyển mềm mại, cảm quan đa chiều của văn học đưa ra đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác tựa hồ như làn mây bềnh bồng, dải lụa êm ái hay làn nước trong xanh lững lờ trôi. Cuộc sống vốn dĩ nhiều chiều, mà văn học lại góp nhặt tất cả rồi dùng ngôn từ phẩy nhẹ trang giấy để dạy ta cảm nhận được điều ấy.

Niềm hân hoan trong những ngày chiến thắng của thơ Tố Hữu, sự căm tức đến nghẹn ngào cảnh bé Hồng bị bà cô đay nghiến (Nguyên Hồng – Những ngày thơ ấu), xót thương vô hạn cảnh chị Dậu bán con (Ngô Tất Tố – Tắt đèn), lão Hạc bán chó (Nam Cao- Lão Hạc), tiếng cười mỉa mai châm biếm trong hàng loạt tác phẩm của Vũ Trọng Phụng…

Nói như Thạch Lam “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”, học Văn chính là để cảm nhận cuộc sống đa chiều.

Nhờ học Văn mới biết đồng cảm với người khác

Văn học là nguồn sống, là linh hồn, là hơi thở của cuộc đời, “nơi xuất phát” của từng trang văn chính là cuộc sống bao la với bao tâm tư, trăn trở. Bởi vậy, từng chất liệu vô giá, phong phú của cuộc đời được gói ghém lại rồi gửi vào văn thơ.

Văn học là sáng tạo, là cái nhìn của nghệ sĩ về cuộc đời, và cũng chính cuộc đời với bao trăn trở, buồn vui, hạnh phúc đã trở thành chất liệu vô giá để mỗi nghệ sĩ phác họa lên từng trang viết. Ta bắt gặp chính mình, chính cuộc đời mình, chính tâm tư của mình ở một nơi nào đó trong từng trang văn.

Và hẳn, ta cũng cảm thấy động lòng trước những mảnh đời được xây dựng rất thật trong văn thơ. Chí Phèo, lão Hạc của Nam Cao, Mị của Tô Hoài… hiện thân của những người nông dân nghèo khổ, bần cùng. Ta say sưa trong những trang đời để rồi nhìn lại, ta biết yêu thương, biết trân trọng, biết tự hào và đồng cảm sâu sắc với những con người ấy. Đọc từng trang viết, có lúc nào bạn chưa từng xót xa, vui buồn cùng nhân vật?

Xem thêm: Cách học thuộc văn nhanh và nhớ lâu

Học Văn là chìa khóa để thành công

Thành công không phải bỗng nhiên có, đó là một quá trình nỗ lực miệt mài của chúng ta. Nhưng đường chạm tới thành công của mỗi người khác nhau, có người vất vả cả đời gầy dựng, có người vượt qua bao chông gai, cũng có người dễ dàng chạm tới. Đích đến dài hay ngắn là ở cách mọi người thực hiện, trong đó học tập là chính là con đường ngắn nhất và môn Văn là chìa khóa để thành công dành cho bạn.

học văn là chìa khóa để thành cônghọc văn là chìa khóa để thành công

Văn giúp ta cải thiện kỹ năng giao tiếp

Ngay từ lớp vỡ lòng, bạn được cầm tay tập viết, rồi tập đọc và kể chuyện, sau đó là tập trình bày những cảm xúc, suy nghĩ của mình trong mỗi câu văn, bài viết. Mỗi đứa trẻ sau quá trình luyện tập sẽ có được gì? Kỹ năng nói tròn vành rõ chữ, có thể viết được những trang cảm xúc non nớt đầu đời. Lên cấp Hai, cấp Ba, bạn có thể đứng trước đám đông thuyết trình về một chuyến đi, một ý tưởng,… Và dần dần bạn không còn lắp bắp hay rụt rè khi đứng trước đám đông. Đấy là mục tiêu cần đạt khi bạn làm quen với môn Văn ngay từ bước đầu đến trường.

Có nhiều bạn thắc mắc, “viết văn để làm gì? học văn để làm gì“. Thì đấy, có viết bạn mới rèn kĩ năng ngôn từ chính tả, thậm chí là giao tiếp ngay trong mỗi bài văn của mình. Dần dần bạn sẽ có một vốn từ vựng phong phú, kỹ năng giao tiếp của bạn cũng nhờ đấy mà thành thạo.

Và ngay cả sau này khi không còn học môn Ngữ văn nữa, bạn cũng cần có nó trong cuộc sống của mình. Mỗi lời nói hay ắt sẽ mang đến cho bạn nhiều thiện cảm khi đối diện với người khác, cũng giúp bạn không còn tự ti khi giao tiếp nữa.

Văn học mở lối thành công

Học Văn đâu phải chỉ để thu nạp cho mình những kiến thức, biết nhiều tác phẩm hay, bồi thêm cho ta lòng yêu quê hương đất nước con người. Học Văn còn mở ra cho bạn những chân trời mới, con đường dẫn đến thành công.

Nhân cách và trí tuệ con người được phát triển toàn diện, một phần nhờ môn Văn. Dù bất cứ xã hội nào nó cũng tạo nên thành công cho mỗi con người. Chương trình môn Ngữ văn được xây dựng giúp học sinh phát triển các năng lực như năng lực tự chủ và tự học, năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực thẩm mỹ…

Hình thành được các năng lực ấy, bản thân mỗi học sinh sẽ vô cùng năng động, sáng tạo và thành công trên đường đời. Thực tế cuộc sống cho ta thấu hiểu điều đó. Đã có rất nhiều người thành đạt trên con đường văn chương như đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương…

Mỗi lĩnh vực, một môn học đều mang trong mình một sứ mệnh riêng. Đối với môn Văn, gieo vào tâm hồn con người những tình cảm quý báu, đi sâu vào đời sống tình cảm, làm sống dậy trái tim, khiến thế giới ấy phong phú hơn, sâu sắc và nhạy cảm hơn, đấy là sứ mệnh vô cùng đặc biệt. Học văn để làm gì? Để hoàn thiện nhân cách, yêu hơn cuộc sống, con người và chạm đến thành công một cách dễ dàng.

5/5 (1 bình chọn)