Học giỏi Văn để làm gì?

Những kỹ năng như thuyết trình, chào hàng, trình bày ý tưởng, làm báo cáo… chỉ là ứng dụng của môn Văn, không liên quan đến phân tích Văn học.

Đọc các bài viết và bình luận thời gian gần đây, tôi thấy nhiều người có vẻ đang đề cao môn Văn quá mức. Tôi là dân kỹ thuật, thích các môn khoa học và cực kỳ ghét học Văn. Đối với tôi, Văn chỉ là một môn học bình thường như bao môn học khác trong trường. Suốt nhiều năm học, tôi chỉ cố gắng đạt điểm điểm 5 để qua môn, nhưng tôi tự hào rằng mình không phải là người xấu, nói năng lễ phép, diễn đạt rành mạch.

Tôi ghét nhưng không tẩy chay môn Văn. Với tôi, ai thích thì cứ học, nhưng tôi tuyệt nhiên không đề cao môn Văn, xem nó là thước đo, đánh giá văn hóa ứng xử của con người. Việc văn hóa ứng xử của xã hội đi xuống, theo tôi là do hệ thống giáo dục nói chung chứ không phải do môn Văn không được xem trọng. Vì thật ra, môn Văn đã không được chú trọng từ rất lâu rồi, ít nhất là thế hệ 8x của tôi trở đi. Nhưng bạn thấy đó, văn hóa ứng xử có thấp đâu?

Bản thân tôi làm việc ở một công ty sản xuất, bộ phận quảng cáo, sếp tổng CEO là dân R&D (nghiên cứu và phát triển), sếp trực tiếp của tôi lại là dân cơ khí. Ngay cả bộ phận không liên quan chút nào đến kỹ thuật là bộ phận logistics, xuất nhập khẩu thì sếp cũng là dân ngoại ngữ. Có thể thấy, muốn làm quản lý, cái đầu tiên cần là giỏi chuyên môn chứ không phải chuyện giỏi Văn. Chúng ta cần phân biệt giữa học giỏi Văn và giỏi diễn đạt ý kiến, viết báo cáo, chúng hoàn toàn khác nhau.

>> ‘Bắt học sinh phân tích thơ như trẻ lên ba phải giải đạo hàm’

Những kỹ năng như thuyết trình, marketing – chào hàng… không phải là chuyện học giỏi Văn hay không, mà là giỏi giao tiếp, giỏi diễn đạt ý tưởng, có mối quan hệ tốt với nhân viên hay giỏi thuyết phục khách hàng… Những thứ đó là giỏi tâm lý học chứ không phải giỏi Văn. Tất cả cái đó đều là môn khoa học.

Nói chính xác hơn, người ta bây giờ cần những ứng dụng của môn Văn. Cách thể hiện câu cú, diễn đạt ý tưởng, soạn thảo giáo trình, làm báo cáo… có thể là ứng dụng của môn Văn nhưng tuyệt đối không cần giỏi Văn. Trong trường đại học kỹ thuật, có một môn dạy thứ đó và một người cực kỳ ghét Văn và dở Văn như tôi vẫn có thể học được.

Vì thế, tôi cho rằng, việc học Văn trong nhà trường phổ thông như hiện nay (phân tích tác phẩm văn học) không giúp gì được mình trong cuộc sống sau này.

Nghi Tran

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.