Học Xuất nhập khẩu ra làm gì? – [ CẨM NANG TƯƠNG LAI ]

Học ngành Xuất nhập khẩu – Logistics ra làm gì? Sales Export, Purchasing Staff hay Sales Logistics Staff… là những vị trí bạn có thể lựa chọn trong tương lai… Cùng trung tâm dạy xuất nhập khẩu MASIMEX tìm hiểu sâu hơn trong bài viết sau đây:

Nội Dung Chính

Học Xuất nhập khẩu để làm gì? Tại sao nên lựa chọn học ngành này?

Xuất nhập khẩu và Logistics hiện nay đang là một trong những ngành rất “hot”, nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước, các cơ sở giáo dục và các bạn sinh viên. Cùng với sự gia tăng trong số lượng các bạn trẻ lựa chọn ngành học này, nhu cầu tuyển dụng nhân sự liên quan đến Xuất nhập khẩu và Logistics cũng ngày một tăng cao.

“Với hơn 30.000 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, đến năm 2030, nhu cầu nhân lực của ngành logistics Việt Nam lên đến 2,2 triệu lao động. Số nhân sự hiện tại chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu nhân lực toàn ngành, biến vấn đề này trở thành một trong những khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp logistics Việt Nam.

Ngành logistics hiện đóng góp khoản 5% vào GDP quốc gia, là ngành được xem đang phát triển “nóng”, với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10%. “Chính phủ đưa ra mục tiêu đến giai đoạn 2020-2030 ngành logistics sẽ tăng tỷ trọng đóng góp vào GDP lên 10%, xấp xỉ ngành du lịch” ” (Trích báo Forbes Vietnam)

Chỉ nhìn những con số thống kê ở trên, chắc hẳn bạn đã nhận ra rằng ngành này tiềm năng như thế nào!

Có thể bạn quan tâm: “Mức lương ngành Logistics

Học xuất nhập khẩu ra trường làm gì?

Sales Export: Nhân viên kinh doanh xuất khẩu

Học kinh doanh xuất nhập khẩu ra làm gì? Sales là khởi điểm của rất rất nhiều anh chị trong ngành. Đây là một trong những vị trí giúp bạn rèn được rất nhiều kỹ năng thú vị, cả kiến thức và kỹ năng mềm. Tại sao không?

Mô tả vị trí công việc

  • Thực hiện việc tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường xuất khẩu theo chiến lược công ty đã đề ra.

  • Thường xuyên liên lạc, chăm sóc và duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng và nhà cung cấp. Thu thập và đánh giá thông tin phản hồi từ khách hàng, thị trường, đối thủ cạnh tranh.

  • Chủ động và thực hiện các hoạt động giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng với khách hàng và nhà cung cấp…

  • Hoàn tất các thủ tục và chứng từ xuất nhập khẩu hàng hóa như: Hợp đồng mua bán, bộ chứng từ vận chuyển, bộ chứng từ xuất nhập khẩu, các thủ tục thanh toán, các thủ tục giao nhận hàng hóa.

  • Soạn thảo các loại Hợp đồng (nội, ngoại, vận tải, dịch vụ, bảo hiểm….), trực tiếp quản lý và phụ trách triển khai hợp đồng.

  • Tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu, hồ sơ hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu với số lượng thực tế tại cửa khẩu trong quá trình làm hồ sơ thông quan hàng hóa.

  • Quản lý, theo dõi các đơn hàng, hợp đồng, phối hợp với các bộ phận có liên quan để đảm bảo đúng tiến độ giao hàng cũng như nhận hàng.

  • Tham mưu cho Giám đốc kinh doanh chiến lược kinh doanh xuất nhập khẩu đồng thời lập báo cáo nội bộ và báo cáo với các cơ quan nhà nước có liên quan…

Quyền lợi và cơ hội thăng tiến

Đây là một trong những vị trí công việc có thể coi là có yêu cầu cao nhất trong ngành Xuất nhập khẩu – Logistics hiện nay. Mặc dù có yêu cầu cao, mức lương cứng tương đối thấp, tuy nhiên bù lại, nhân viên Sales Export lại có mức hoa hồng cao, được học hỏi nhiều kỹ năng cả về kiến thức nghiệp vụ lẫn kỹ năng, do đó, vị trí này sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến. Mức lương trung bình của ngành tại vị trí này hiện nay rơi vào khoảng 6-10 triệu. Ngoài ra, nhân viên Sales Export còn được thưởng theo % doanh thu bán hàng và % hoa hồng cước mà Forwarder trích lại khi sử dụng dịch vụ của công ty họ.

Yêu cầu tuyển dụng ở vị trí này

  • Yêu cầu về kiến thức nghiệp vụ:

    • Các kiến thức liên quan đến chuyên môn: Xuất nhập khẩu, Logistics, hợp đồng ngoại thương, …

    • Ngoại ngữ:

      • Tiếng Anh: nghe, nói, đọc, viết thành thạo.

      • Một số ngoại ngữ khác: tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật, …

    • Kiến thức liên quan đến Sales, Marketing, …

    • Kiến thức xã hội: Kinh tế, Chính trị, Văn hóa, …

  • Yêu cầu về kỹ năng:

    • Thành thạo tin học văn phòng.

    • Kỹ năng giao tiếp, thương lượng, đàm phán, …

    • Nhanh nhẹn, có khả năng sắp xếp và tổ chức công việc hiệu quả.

    • Cẩn thận, tỉ mỉ, trách nhiệm đặc biệt là liên quan đến chứng từ.

Purchasing staff: Nhân viên mua hàng nhập khẩu

Mô tả vị trí công việc

  • Nhận danh sách các sản phẩm cần mua từ các bộ phận trong công ty.

  • Chăm sóc các nhà cung cấp cũ hoặc tìm kiếm các nhà cung cấp mới tiềm năng có khả năng đáp ứng các yêu cầu của sản phẩm.

  • Gửi thư thăm dò các nhà cung cấp, yêu cầu họ gửi thông tin sản phẩm.

  • So sánh các nhà cung cấp để lựa chọn nhà cung cấp tốt nhất đáp ứng được yêu cầu của sản phẩm cần mua với mức giá tối ưu nhất.

  • Gặp gỡ, giao dịch với đối tác nước ngoài, chốt đơn hàng và ký kết hợp đồng.

  • Thực hiện việc thanh toán cho người nhập khẩu.

  • Theo dõi quá trình thực hiện hợp đồng, giao nhận, vận chuyển, lưu kho, … giải quyết các vấn đề phát sinh.

  • Bàn giao lô hàng đã mua cho các đơn vị, bộ phận có liên quan.

  • Kết hợp với các bộ phận khác trong công ty, xác định lượng hàng tồn kho, lên kế hoạch thu mua, đặt hàng.

Quyền lợi và cơ hội thăng tiến 

Đối với ứng viên chưa có kinh nghiệm, mức lương cho vị trí nhân viên thu mua trung bình sẽ dao động từ 250 – 350 USD/tháng tùy theo mỗi công ty. Đối với những ứng viên đã có 2 – 5 năm kinh nghiệm với nghề, mức lương hàng tháng sẽ rơi vào khoảng 350 – 500 USD khi làm việc cho các công ty, tập đoàn trong nước và 600 – 700 USD đối với tập đoàn nước ngoài.

Ở vị trí này, nếu có năng lực tốt, bạn hoàn toàn có thể có cơ hội thăng tiến lên các vị trí cao hơn như Purchasing Manager – quản lý đội ngũ thu mua hàng. Đối với vị trí này, mức lương mà bạn nhận được hàng tháng có thể lên đến 10000 – 12000 USD/năm khi làm việc cho các công ty nội địa và sẽ còn cao hơn khi làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài.

Yêu cầu tuyển dụng ở vị trí này

Tương tự như nhân viên kinh doanh xuất khẩu, vị trí này khi tuyển dụng cũng yêu cầu ứng viên phải đáp ứng được một số yêu cầu về kiến thức nghiệp vụ lẫn kỹ năng mềm. Cụ thể:

  • Về kiến thức nghiệp vụ:

    • Nắm vững các kiến thức chuyên môn về Xuất nhập khẩu, Logistics, Thanh toán quốc tế, …

    • Ngoại ngữ: 

      • Tiếng anh 4 kỹ năng thành thạo để giao dịch với nhà cung cấp.

      • Một số ngoại ngữ khác như: tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật, …

    • Kiến thức về ngành hàng mình mua để lựa chọn ra nhà cung cấp tốt nhất đáp ứng yêu cầu của sản phẩm.

    • Các kiến thức xã hội như Kinh tế, Chính trị, Văn hóa, Xã hội, …

  • Về kỹ năng mềm:

    • Có kỹ năng đàm phán, thương thảo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

    • Thành thạo tin học văn phòng.

    • Cẩn thận, tỉ mỉ, đặc biệt là về chứng từ.

    • Có tư duy logic, biết cách lên kế hoạch để nhập hàng và sắp xếp công việc hiệu quả.

Import – Export Documentation Staff: Nhân viên chứng từ Xuất nhập khẩu

Mô tả vị trí công việc

  • Đối với nhân viên chứng từ tại công ty Xuất khẩu:

    • Hỗ trợ Sales làm chứng từ như Sales Contract, PI, kiểm tra L/C…

    • Lên kế hoạch book tàu và khai hải quan/nộp thuế, thông quan xuất khẩu.

    • Chuẩn bị bộ chứng từ đòi tiền khách hàng gửi Sales theo T/T hay LC, DP…

    • Hỗ trợ việc lấy tờ khai, các chứng từ cần thiết khác và làm việc theo yêu cầu lãnh đạo…

  • Đối với nhân viên chứng từ tại công ty Nhập khẩu:

    • Hỗ trợ Purchasing kiểm tra bộ chứng từ nhập khẩu.

    • Lên kế hoạch làm thủ tục hải quan, nộp thuế và phối hợp với Forwarder thông quan lô hàng.

    • Làm việc với Forwarder để sắp xếp việc giải phóng hàng, điều xe nội địa giao hàng về kho (trucking).

    • Theo dõi tiến độ hàng nhập và hỗ trợ Sales nội địa lên công nợ, hóa đơn nội địa, kế hoạch đòi tiền khách hàng.

Quyền lợi và cơ hội thăng tiến

Vị trí nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu thường làm việc tại văn phòng, do đó sẽ thường phù hợp với các bạn nữ muốn làm việc ổn định. Vị trí này không phải chịu áp lực về doanh số, mức lương cứng trong một tháng dao động vào khoảng 7-10 triệu đồng. Vị trí này có thể học hỏi được nhiều kiến thức, do đó sẽ phù hợp mới ra trường. Làm tại vị trí này sau một vài năm thì bạn có thể chuyển hướng sang làm Sales để tăng cơ hội thăng tiến của mình.

Yêu cầu tuyển dụng ở vị trí này

  • Kiến thức nghiệp vụ:

    • Nắm vững các kiến thức về Xuất nhập khẩu, mua bán ngoại thương; đặc biệt, cần hiểu rõ từng loại chứng từ: phát hành khi nào, quy trình phát hành ra sao, giá trị  pháp lý của chứng từ đó như thế nào, … 

    • Vị trí này đặc biệt yêu cầu về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh phải sử dụng thành thạo.

  • Kỹ năng:

    • Cẩn thận, tỉ mỉ, có trách nhiệm.

    • Biết sắp xếp công việc một cách hiệu quả: cần biết sắp xếp chứng từ không lẫn lộn giữa khách hàng này với khách hàng kia, hay làm chứng từ nào trước, chứng từ nào sau, …

Sales Logistics Staff: Nhân viên Kinh doanh cước vận tải

Nhân viên kinh doanh cước vận tải có thể làm việc trong một công ty Forwarder hoặc làm trong hãng tàu/hãng hàng không. Tùy vào việc làm ở đâu mà mô tả công việc cho vị trí này sẽ có đôi chút khác biệt.

Mô tả vị trí công việc

  • Nhân viên kinh doanh cước vận tải trong hãng tàu/hãng hàng không:

    • Thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ của hãng, cung cấp giá cước và các chi phí liên quan, lịch tàu/máy bay, hỗ trợ khách hàng trong quá trình đóng hàng, đưa hàng xuống tàu/máy bay, hoàn tất chứng từ, thủ tục …

    • Duy trì lượng khách hàng vốn có bằng các công việc chăm sóc khách hàng như giữ liên lạc để thường xuyên cập nhật các thông tin về nhu cầu vận chuyển, đưa ra những dịch vụ ưu đãi, support giá ưu tiên…

    • Theo dõi, hỗ trợ khi có các phát sinh để đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng

    • Ở các vị trí cao hơn (leader, manager) người làm sales quản lý các nhóm sales, đưa ra những định hướng chiến lược, các mức độ ưu đãi với từng nhóm khách hàng, mở rộng thị trường trên khả năng và mối quan hệ của mình và sau đó bàn giao lại cho người ở dưới …

  • Nhân viên kinh doanh cước vận tải trong các công ty Forwarder:

    • Tìm kiếm khách hàng qua các kênh, đi gặp gỡ, chăm sóc khách hàng (có thể bao gồm café, gặp gỡ trao đổi…).

    • Chào bán cước (freight) và dịch vụ all in (trucking nội địa, hun trùng, kiểm dịch, vệ sinh, thông quan…) cho các công ty xuất (shipper hàng xuất) và nhập khẩu (consignee hàng nhập).

    • Gửi báo giá, chốt để đạt mục tiêu doanh số đề ra.

    • Làm việc với Lines/NVOCC check lịch tàu (frequency), giá cước (freight), phí (charges) và phụ phí (surcharges) để báo khách hàng.

    • Phối hợp các bộ phận để xử lý (handle) hàng trôi chảy, xử lý các phát sinh (trouble) nếu có, cập nhật tình trạng hàng cho các shipper/consignee.

Quyền lợi và cơ hội thăng tiến

Sales Logistics là vị trí chịu nhiều áp lực, đặc biệt là về doanh số, dễ bị đào thải nên nếu không tìm được khách hàng thì rất dễ chán nản. Lương cứng cho vị trí này tại các công ty Forwarder hiện nay rơi vào khoảng 5-7 triệu. Ngoài ra nhân viên Sales còn được hưởng thêm khoảng 15-30% lợi nhuận của lô hàng. Đây là một trong những vị trí có cơ hội thăng tiến cao, sau một vài năm, các bạn hoàn toàn có thể lên những vị trí cao hơn như trưởng nhóm Sales Logistics hay trưởng phòng, …

Yêu cầu tuyển dụng ở vị trí này

  • Kiến thức nghiệp vụ:

    • Có hiểu biết cơ bản về quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa, quy trình Logistics, giao nhận hàng, nắm bắt được thủ tục hải quan cho một lô hàng để tư vấn cho khách, …

    • Tiếng anh giao tiếp cơ bản, ngoại ngữ khác (tiếng Trung, Hàn, Nhật, …) là một lợi thế.

  • Kỹ năng mềm:

    • Có kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp, ngoại hình ưa nhìn, giọng nói dễ nghe là một lợi thế.

    • Có kỹ năng xử lý tình huống linh hoạt, khả năng chịu áp lực trong công việc.

    • Biết sắp xếp, tổ chức công việc hiệu quả, sắp xếp thời gian, lịch trình cho khách, đảm bảo hàng hóa được giao đúng tiến độ.

    • Thành thạo tin học văn phòng.

Documentation staff (Forwarder): Nhân viên chứng từ trong công ty Forwarder

Mô tả công việc

  • Làm chứng từ xuất nhập khẩu cho các lô hàng từ Sales Logistics.

  • Xử lý chứng từ xuất nhập giúp khách nếu khách có nhu cầu như: Invoice, Packing list, C/O, Fumi, Phyto, Certificates khác, giấy phép, kiểm tra chất lượng hay chuyên ngành…

  • Truyền tờ khai hải quan xuất nhập khẩu cho các lô hàng, sau đó bàn giao cho nhân viên hiện trường – Ops đi thông quan.

  • Làm bill cho các lô hàng, lên Giấy báo nợ (Debit Note) từ hệ thống để gửi Sales.

  • Nhận pre-alert từ Agent/Lines hàng nhập, khai manifest, làm “Thông báo hàng đến” (NOA) gửi khách hàng.

Quyền lợi và cơ hội thăng tiến

Khác với công ty Xuất nhập khẩu, công ty Forwarder luôn yêu cầu phải có bộ phận chứng từ, công việc của họ cũng phức tạp hơn rất nhiều. Mức lương của một nhân viên Docs dao động từ 5-8 triệu lương cứng, không có thưởng trên % doanh thu của lô hàng, tăng lương theo chính sách của công ty. Cũng vì sự phức tạp trong công việc nên bộ phận này cũng ít bị đào thải hơn so với các bộ phận khác.

Yêu cầu tuyển dụng ở vị trí này

  • Kiến thức nghiệp vụ:

    • Nắm được các kiến thức liên quan đến Xuất nhập khẩu và Logistics, chính sách và thủ tục nhập khẩu các mặt hàng, quy trình xin giấy tờ, …

    • Ngoại ngữ: tiếng Anh đọc viết tốt.

  • Kỹ năng:

    • Thành thạo tin học văn phòng.

    • Kỹ năng sắp xếp, tổ chức công việc hiệu quả.

    • Có khả năng chịu được áp lực công việc.

Customer Support Staff: Nhân viên hỗ trợ chăm sóc khách hàng

Mô tả vị trí công việc

  • Liên hệ đại lý lines/agent nước ngoài để xin giá cước tốt nhất.

  • Xin Dem/Det, lấy booking từ lines để gửi Sales hoặc gửi cho direct shipper.

  • Sắp xếp phối hợp cùng điều vận để lên kế hoạch điều xe, đóng cont (trucking).

  • Kiểm tra tiến độ đóng hàng, hạ bãi. Cập nhật tình trạng của các lô hàng xuất/nhập khẩu trên hệ thống và thông báo cho khách hàng.

  • Hỗ trợ Sales/Docs làm chứng từ các lô hàng xuất nhập, check ETA…

  • Hỗ trợ các bộ phận khác, hoặc làm theo yêu cầu.

Quyền lợi và cơ hội thăng tiến

Đối với một số Forwarder thì nhân viên vị trí Docs sẽ thực hiện luôn công việc của Cus. Nhìn chung, quyền lợi cũng như cơ hội thăng tiến của hai bộ phận này cũng tương tự nhau. Mức lương cứng cho một nhân viên Cus hàng tháng rơi vào khoảng 5 – 8 triệu, cũng không có thưởng doanh thu, tăng lương theo chính sách của công ty.

Yêu cầu tuyển dụng ở vị trí này

  • Kiến thức nghiệp vụ:

    • Chỉ cần hiểu cơ bản về quy trình Xuất nhập khẩu, Logistics; về công việc phải làm, khi làm việc sẽ được đào tạo cụ thể.

    • Ngoại ngữ: vị trí này thường yêu cầu tiếng Anh thành thạo, do thường xuyên phải liên hệ với hãng tàu/hãng hàng không.

  • Kỹ năng mềm:

    • Thành thạo tin học văn phòng.

    • Kỹ năng sắp xếp, tổ chức công việc hiệu quả.

    • Có kỹ năng giao tiếp tốt để làm việc với nhân viên hãng vận tải.

Operation Staff: Nhân viên giao nhận, thông quan

Mô tả vị trí công việc

  • Thực hiện toàn bộ quá trình khai báo hải quan và thông quan tại các cảng cảng biển, cảng hàng không

  • Nhận hồ sơ yêu cầu từ các bộ phận khác để đi làm các giấy tờ như C/O, Kiểm nghiệm, Tự công bố, …; Phối hợp với các phòng ban khác để giao nhận, trao đổi, vận chuyển cũng như lưu giữ chứng từ, hàng hóa cho công ty

  • Truyền tờ khai hoặc hỗ trợ các công việc của bộ phận Docs khi cần

Quyền lợi và cơ hội thăng tiến

Ops được coi là một trong những vị trí rất vất vả, cần có sức khỏe tốt và không ngại đi lại thường xuyên, vì vậy nhân sự làm tại vị trí này chủ yếu là nam. Vị trí này không cần quá nhiều kiến thức chuyên môn nhưng cần sự tỉ mỉ và chính xác, thích hợp với các bạn sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm. Nếu kiên trì làm việc tại vị trí này trong một vài năm, bạn hoàn toàn có thể tự tin để chuyển hướng sang làm Sales. Mức lương trung bình hiện nay của một nhân viên Ops rơi vào khoảng 5-8 triệu/tháng + tiền làm hàng theo từng lô + tiền chủ hàng hỗ trợ.

Yêu cầu tuyển dụng tại vị trí này

  • Có hiểu biết cơ bản về quy trình Xuất nhập khẩu – Logistics.

  • Có sức khỏe tốt, có thể đi lại thường xuyên, chịu được áp lực công việc.

  • Linh hoạt trong việc xử lý tình huống, đặc biệt là khi làm việc với Hải quan và các cơ quan Nhà nước.

Các bạn sinh viên, những bạn sắp ra trường cần chuẩn bị gì?

Về kiến thức

Kiến thức vẫn luôn đóng vai trò bậc nhất đối với bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào, đặc biệt là đối với ngành Xuất nhập khẩu và Logistics này. Dù bạn có kỹ năng tốt đến đâu mà không có hiểu biết cốt lõi về ngành thì cũng rất khó làm việc. Dựa trên kinh nghiệm thực tế, các kiến thức mình nghĩ các bạn cần chuẩn bị để có thể làm việc được là:

  • Quy trình Xuất nhập khẩu hàng hóa.

  • Giao dịch, đàm phán và ký kết hợp đồng ngoại thương.

  • Giao nhận vận chuyển.

  • Thanh toán quốc tế.

  • Bảo hiểm vận tải quốc tế.

  • Nghiệp vụ Hải quan.

Có thể bạn quan tâm: “Xuất nhập khẩu cho người mới bắt đầu

Về kỹ năng

Kiến thức là tiên quyết nhưng kỹ năng mềm cũng đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ riêng gì ngành Xuất nhập khẩu – Logistics. Việc bạn sở hữu các kỹ năng mềm tốt thì dù làm ở ngành gì, vị trí nào cũng sẽ đều giúp ích cho bạn. Tuy nhiên, để làm việc hiệu quả trong ngành này thì bạn bắt buộc phải có các kỹ năng cơ bản sau.

Kỹ năng lập kế hoạch

Lập kế hoạch là kỹ năng quan trọng của bất cứ công việc nào, đặc biệt là trong ngành về Xuất nhập khẩu – Logistics, khi mà ngành này bao gồm một chuỗi các công việc có liên quan đến nhiều bộ phận khác nhau trong công ty. 

Lập kế hoạch là việc bạn liệt kê ra tất cả công việc cần làm trong một danh sách, sắp xếp chúng theo trình tự thời gian, sự quan trọng, cấp thiết cần làm trước hay sau. Lập kế hoạch giúp bạn định lượng được những công việc cần làm, không bị bỏ sót, rút ngắn thời gian làm việc và có khả năng xử lý các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Kỹ năng giao tiếp

Giao tiếp là một kỹ năng rất quan trọng trong ngành Xuất nhập khẩu và Logistics, đặc biệt là đối với những bạn sau này có định hướng làm việc tại vị trí Sales hay Purchasing. 

Mua bán hàng hóa trong nước đã khó, giao thương với nước ngoài lại càng khó hơn khi mà khách hàng của bạn đến từ khắp mọi nơi trên thế giới. Họ có thể đến từ những nơi có phong tục tập quán, cách giao tiếp, cư xử khác nhau, do đó việc có được kỹ năng giao tiếp tốt sẽ là chìa khóa để bạn đem về những đơn hàng cho công ty của mình. 

Tuy nhiên, bạn cần phải biết rằng, giao tiếp là kỹ năng không phải ngày một ngày hai là có thể hoàn thiện được. Nó cần được trau dồi qua một thời gian dài, và vì vậy, ngay từ khi còn đang là sinh viên, bạn hãy thường xuyên rèn luyện kỹ năng này nhé!

Tiếng Anh

Hoạt động xuất nhập khẩu và Logistics có liên quan đến các giao dịch với đối tác nước ngoài, vì vậy tiếng Anh đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tiếng Anh ở đây không chỉ dừng lại ở tiếng Anh giao tiếp mà còn cả ở tiếng Anh chuyên ngành. Nếu không am hiểu tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh về chuyên môn, bạn rất dễ bị đối tác lợi dụng, đưa ra các điều khoản trong hợp đồng gây bất lợi cho bạn khi xảy ra tranh chấp tại Tòa Án hay Trọng tài.

Ngoài ra, việc am hiểu tiếng Anh sẽ giúp bạn tích lũy được các kiến thức chuyên môn từ nước ngoài, có cơ hội được làm việc tại các vị trí xứng đáng tại các công ty nước ngoài và có cơ hội thăng tiến cao trong công việc.  

Tin học văn phòng

Ngành Xuất nhập khẩu và Logistics có rất nhiều vị trí làm việc tại văn phòng. Tuy mức độ xử lý giấy tờ hay chứng từ ở các vị trí có thể khác nhau nhưng kỹ năng tin học văn phòng thành thạo là điều bắt buộc. Các trường Đại học, Cao đẳng hiện nay đã tích hợp kỹ năng này trong chương trình giảng dạy, tuy nhiên, có rất nhiều bạn vẫn đang xem nhẹ hoặc chưa hiểu rõ tầm quan trọng của kỹ năng này. Vì vậy, để có thể làm việc tốt trong ngành này, các bạn sinh viên cần phải rèn luyện thường xuyên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Một số gợi ý cho bạn để học kỹ năng này là:

  • MS office (nhất là Outlook, Excel), sử dụng các tools trong việc lập và theo dõi, chăm sóc khách hàng.

  • Sử dụng ứng dụng mạng xã hội.

  • Photoshop và các phần mềm dựng video, chỉnh sửa ảnh.

Khả năng tìm kiếm, chọn lọc thông tin

Ở thời đại mà thông tin có thể dễ dàng tìm kiếm tràn lan trên mạng xã hội thì kỹ năng tìm kiếm và chọn lọc thông tin đóng vai trò rất quan trọng. Riêng đối với lĩnh vực ngành Xuất nhập khẩu và Logistics, việc biết cách chọn lọc thông tin có thể quyết định đến việc bạn tư vấn quy trình, thủ tục xuất nhập khẩu cho lô hàng đã chính xác hay không. Rất nhiều bạn mới vào nghề, đặc biệt là sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm trong việc tìm hiểu chính sách mặt hàng, đọc các bài viết sẵn có trên mạng mà không biết rằng quy định của Nhà nước đã thay đổi nên thông tin trong bài viết đó đã không còn đúng nữa. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả là tư vấn sai cho khách hàng, khiến cho lô hàng không được xuất đi hay nhập khẩu về đúng như kế hoạch đã định, …

Cũng tương tự như các kỹ năng ở bên trên, việc bạn có khả năng tìm kiếm và chọn lọc thông tin hay không là phải do thói quen và quá trình rèn luyện lâu dài  quyết định. Thực tế là không chỉ riêng gì ngành Xuất nhập khẩu và Logistics mới cần đến kỹ năng này mà bất cứ lĩnh vực nào, khía cạnh nào của cuộc sống cũng cần tới, do đó bạn hoàn toàn có thể rèn luyện nó thông qua quá trình học tập tại trường nhé!

Teamwork

Làm việc nhóm được hiểu là nỗ lực hợp tác của một nhóm, trong đó các thành viên sẽ cố gắng hợp tác, sử dụng các kỹ năng cá nhân và cung cấp phản hồi mang tính xây dựng để đạt được mục tiêu chung hoặc hoàn thành nhiệm vụ theo cách hiệu quả và hiệu quả nhất. Đối với tất cả các ngành nghề nói chung và Xuất nhập khẩu – Logistics nói riêng, teamwork đóng vai trò hết sức quan trọng. Nó giúp bạn giảm được áp lực công việc, từ đó giúp tăng tính hiệu quả và có những ý tưởng đột phá trong công việc. Các trường Đại học, Cao đẳng hiện nay cũng đã có tích hợp các công cụ làm việc nhóm trong môn học để nâng cao khả năng teamwork cho các bạn, vì vậy các bạn hãy tận dụng những cơ hội như vậy để rèn luyện kỹ năng này cho công việc mai sau nhé!

Hãy giữ tinh thần thật tốt và tiến lên!

Dù kiến thức hay kỹ năng thì điều quan trọng nhất để có thể làm việc được trong ngành Xuất nhập khẩu và Logistics đó là bạn hãy giữ cho mình một tinh thần thật tốt. Nhiều nhà tuyển dụng hiện nay sẵn sàng chọn bạn nếu như họ nhìn thấy được ở bạn một thái độ làm việc nghiêm túc, có tinh thần học hỏi, cầu tiến và không ngại chịu khó, chịu khổ. Do vậy, hãy giữ vững tinh thần, làm việc hết mình và luôn nhìn về phía trước, bạn sẽ có được vị trí công việc mà bạn mong muốn.

“Học xuất nhập khẩu ra làm gì?” Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về các vị trí làm việc trong ngành Xuất nhập khẩu và Logistics. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho các bạn sinh viên trong việc hình dung được cơ hội nghề nghiệp trong tương lai của mình.

Nếu bạn mới bắt đầu bước chân tìm hiểu ngành học đầy thú vị này, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy đăng ký ngay lớp học chứng chỉ xuất nhập khẩu MASIMEX! Hàng loạt những điều hấp dẫn đang chờ đợi bạn phía trước!

Giám đốc công ty cổ phẩn xuất nhập khẩu VnLogs với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành Xuất nhập khẩu & Logistics – CEO trung tâm đào tạo Masimex – Admin của group trên Facebook: Cộng đồng Xuất nhập khẩu và Logistics Việt Nam.

masimex.vn/