Hoạt động ngân hàng – Tài chính

         
Một số ngân hàng thực hiện kinh doanh ngoại tệ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Điều này có nghĩa là khi khách hàng có nhu cầu mua, bán ngoại tệ, ngân hàng mới thực hiện giao dịch đối ứng để đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của khách hàng. Trong trường hợp này, rủi ro ngoại hối của ngân hàng ít. Ngược lại, những ngân hàng lớn hoạt động đa dạng, năng động trên thị trường quốc tế không chỉ kinh doanh ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn tự kinh doanh cho bản thân NH để thu lợi nhuận (được gọi là hoạt động tự doanh hay còn gọi là “đầu cơ”). Trong trường hợp này, rủi ro tỷ giá của NH rất lớn. Các NH có hoạt động tự doanh như vậy đòi hỏi phải có một cơ chế quản lý rủi ro rõ ràng đầy đủ và phù hợp với mức độ rủi ro của Ngân hàng.

Lịch sử hoạt động NH đã chứng kiến những tổn thất lớn hoặc thậm chí dẫn đến sụp đổ NH vì rủi ro về giá trong hoạt động kinh doanh của Bộ phận Treasury. Ngân hàng Barrings là một ví dụ. Ở Việt Nam, những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, NHTM Việt Nam bắt đầu kinh doanh ngoại tệ trên thị trường quốc tế như Singapore, Hồng Kông, v.v. Tiên phong trong lĩnh vực này là Ngân hàng Ngoại thương, tiếp đó là Ngân hàng Xuất nhập khẩu, NH công thương, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NH Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam.

Mặc dù, phần lớn hoạt động kinh doanh ngoại tệ là để đáp ứng nhu cầu khách hàng, các NHTM Việt Nam đã thực hiện giao dịch tự doanh, chủ yếu tập trung vào các đồng tiền mạnh, chuyển đổi như JPY, GBP và EUR. Sự có mặt của nghiệp vụ tự doanh đặt ra yêu cầu cho các NHTM Việt Nam phải xây dựng và áp dụng phương pháp quản lý rủi ro phù hợp với mức độ rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng mình. Việc ngân hàng không có phương pháp quản lý rủi ro phù hợp với các hoạt động KDNT đang được mở rộng sẽ dẫn đến rủi ro tiềm ẩn về tỷ giá là rất lớn.

“Tiềm ẩn” là đặc điểm cần lưu ý trong rủi ro về tỷ giá. Điều này có nghĩa là với trình độ và phương pháp quản lý rủi ro không phù hợp với hoạt động KDNT, NH vẫn có thể hoạt động bình thường  và thậm chí có lãi trong điều kiện thị trường bình thường, thuận lợi. Chỉ đến khi tỷ giá biến động bất lợi, thị trường có nhiều biến động, lúc đó mức độ rủi ro tiềm ẩn mới được hiện thực hóa bằng những khoản lỗ thực sự ngoài dự kiến.

Rủi ro tỷ giá được quản lý bởi nhiều yếu tố và công cụ, từ việc xây dựng quy trình xử lý giao dịch, phân tách trách nhiệm và quyền hạn của Bộ phận giao dịch (Front Office) và Bộ phận hậu kiểm (Back Office), cơ chế hạn mức … Trong số các yếu tố đó, hạn mức là công cụ quản lý rủi ro cơ bản. Cơ chế hạn mức tại các NHTM Việt nam đã được thiết lập và áp dụng. Tuy nhiên, còn một số bất cập và chưa thực sự phù hợp với mức độ rủi ro của các ngân hàng.

 

  1. Công tác quản lý rủi ro tỷ giá thông qua hạn mức của NHTM Việt Nam

Hiện nay, các Ngân hàng Việt Nam chủ yếu quản lý rủi ro thông qua hạn mức về trạng thái ngoại hối. Trong Quyết định số 1081/2002/QĐ-NHNN ngày 7/10/2002, NHNN quy định hạn mức trạng thái tối đa mà mỗi NH được phép duy trì là 30% vốn tự có. Như vậy, về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng đã quy định hạn mức trạng thái tối đa để khống chế rủi ro về tỷ giá.

Về phía các NHTM, mỗi NHTM có phương pháp quản lý rủi ro tỷ giá riêng ngoài việc tuân thủ các quy định của NHNN. Hầu hết các NHTM quản lý rủi ro tỷ giá  thông qua hạn mức về giá trị tối đa của một giao dịch hoặc hạn mức về trạng thái ngoại hối.

Trạng thái ngoại hối = Số lượng ngoại tệ mua – Số lượng ngoại tệ bán

Khi xem xét trạng thái ngoại hối, cần lưu ý rằng mọi giao dịch được tính vào trạng thái ngoại hối ngay khi phát sinh giao dịch.
(Xem bảng 1)

 

Bảng 1

Trạng thái ngoại hối

Biến động tỷ giá

Tỷ giá tăng

Tỷ giá giảm

Trạng thái ngoại hối dương

NH có lãi

NH lỗ

Trạng thái ngoại hối âm

NH lỗ

NH có lãi

Trạng thái ngoại hối cân bằng

Không ảnh hưởng tới thu nhập của NH

Không ảnh hưởng tới thu nhập của NH

Các NHTM Nhà nước Việt

Nam

thường quy định hạn mức trạng thái ngoại hối cho từng cán bộ giao dịch, từng bàn giao dịch và cho toàn ngân hàng. Theo Bảng 1, tổn thất dự kiến của ngân hàng phụ thuộc vào 2 yếu tố: trạng thái ngoại hối và sự biến động của tỷ giá. Với việc ấn định các hạn mức về trạng thái ngoại hối, ngân hàng đã kiểm soát được một phần rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, phương pháp quản lý này chưa thực sự có hiệu quả và có những bất cập khi thực hiện:

 

– Trạng thái ngoại hối phải phản ánh tất cả các giao dịch mua bán kể cả những giao dịch chưa đến ngày thanh toán. Như vậy, nếu ngân hàng có nhiều giao dịch đặc biệt là các giao dịch kỳ hạn, hoán đổi mà vì lý do nào đó không được tính ngay vào trạng thái ngoại hối thì trạng thái ngoại hối sẽ không chính xác. Trên thực tế, có những giao dịch kỳ hạn không được nhập ngay vào hệ thống hoặc xử lý thủ công mà không hạch toán ngoại bảng, thì những giao dịch đó chưa được tính vào trạng thái ngoại hối dẫn đến tình trạng trạng thái ngoại hối không chính xác, do đó NH không xác định được chính xác rủi ro mình đang gánh chịu.

 

– Hạn mức về trạng thái chưa phải là công cụ quản lý rủi ro hữu hiệu  bởi vì trạng thái ngoại hối chỉ là một yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro. Như vậy, yếu tố thứ 2, sự biến động về tỷ giá chưa được xem xét đến.

 

  1. Giá trị chịu rủi ro và hạn mức chịu rủi ro

Khái niệm: Giá trị chịu rủi ro (VAR – Value At Risk) là tổn thất dự kiến của NH đối với những biến động về tỷ giá. Hạn mức giá trị chịu rủi ro là mức tổn thất dự kiến tối đa mà NH có thể chịu đựng được.

 

Phương pháp tính:

 

Giá trị chịu rủi ro = Trạng thái ngoại hối × Độ biến động dự tính của tỷ × Tỷ giá đóng cửa

 

Trong đó:

– Trạng thái ngoại hối được tính theo từng đồng tiền

– Mức độ biến động tỷ giá dự tính được tính như sau:

 

Mức độ biến động tỷ giá dự tính với mức độ tin cậy là 99%  =

 

 

          Công thức

Ln : Hàm lô-ga-rit tự nhiên

Ei : Tỷ giá vào thời điểm i

Ei-1: Tỷ giá vào thời điểm i-1

 

Khi tính xi,  cần lấy tỷ giá trong 90 ngày làm việc liên tiếp vì theo thống kê, 90 là mẫu đủ lớn để ước tính sự biến động của tỷ giá.

 

    

= Số trung bình của xi

 

n = 90 (90 tỷ giá đóng cửa trong 90 ngày làm việc liên tục)

 

2,5 là số độ lệch chuẩn mà tại đó có 99% trường hợp tỷ giá sẽ biến động theo dự tính.

(Nói cách khác 99% là mức độ tin cậy). Ví dụ: Tỷ giá USD/JPY là 100, giá trị tại 2,5 độ lệch chuẩn là +10 và -10. Điều này có nghĩa là tỷ giá của 99% các trường hợp có thể nằm trong khoảng 90 – 110. Có 0,5% trường hợp tỷ giá có thể cao hơn 110, có 0,5 trường hợp, tỷ giá có thể thấp hơn 90.

 

Khảo sát biến động đồng EUR
Qua khảo sát thực tế đồng EUR trên cơ sở quan sát tỷ giá đóng cửa EUR từ ngày 03/01/2005 đến 17/05/2005 theo nguồn Reuter cho thấy:

Mức độ biến động tỷ giá dự kiến với độ tin cậy 99%

Trạng thái EUR

Tỷ giá đóng cửa EUR/USD

Tổn thất dự kiến (USD)

Tổn thất dự kiến-VAR (VND)

1,311%

1,000,000

1,2602

16.522,16

261.050.187

(Phụ lục I: Tính tổn thất dự kiến của đồng EUR)

 

Với trạng thái ngoại hối là 1,000,000 EUR, mức độ tổn thất dự kiến của Ngân hàng là hơn 260 triệu đồng. Điều này cho thấy: khi kinh doanh trên thị trường quốc tế, 1,000,000 EUR là mức giao dịch không đáng kể, song mức tổn thất dự kiến như vậy là con số không nhỏ đối với ngân hàng.

 

3. Kết luận

 

Giá trị chịu rủi ro phản ánh được mức độ rủi ro về tỷ giá trên cơ sở xem xét 2 yếu tố trạng thái ngoại hối và mức độ biến động tỷ giá dự kiến đối với từng đồng tiền. Ngoài ra, giá trị chịu rủi ro đo lường được mức độ rủi ro về tỷ giá, tức là mức độ tổn thất dự kiến đối với ngân hàng khi tỷ giá biến động. Như vậy, hạn mức về giá trị chịu rủi ro cho phép ngân hàng giới hạn được mức độ tổn thất. Trong khi đó, hạn mức về trạng thái mặc dù có thể hạn chế rủi ro tỷ giá nhưng chưa tính đến sự biến động của tỷ giá, nên chưa đo lường được mức độ tổn thất dự kiến và do đó chưa giới hạn được tổn thất của ngân hàng.

Hạn mức giá trị chịu rủi ro là một công cụ quản lý rủi ro hữu hiệu đặc biệt đối với hoạt động tự doanh. Có thể xác định hạn mức giá trị chịu rủi ro cho từng cán bộ giao dịch, bộ phận giao dịch và phòng KDNT. Bằng việc xây dựng những hạn mức như vậy, ngân hàng có thể xác định rõ thẩm quyền và phạm vi giao dịch hay “sân chơi” cho từng cán bộ giao dịch. Qua đó, cán bộ giao dịch được tự chủ trong giao dịch và đồng thời tổn thất của ngân hàng cũng được giới hạn ở mức độ nhất định. Ngoài ra, kết quả khảo sát biến động của đồng EUR cho thấy đối với NHTM Việt Nam có hoạt động tự doanh và giao dịch trực tiếp trên thị trường quốc tế, rủi ro là khá lớn. Do vậy, hạn mức giá trị chịu rủi ro là công cụ quản lý rủi ro mà NHTM Việt Nam có thể xem xét để quản lý rủi ro tỷ giá có hiệu quả hơn.

 

Bài đăng trên Báo Tạp chí Ngân hàng số ra tháng 2/2006 của tác giả Phạm Bảo Khánh P.Phòng Giám sát từ xa – Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

 

       

Tài liệu tham khảo

PricewaterhouseCoopers Ltd, Quản lý Treasury và Tài chính. Tháng 3 năm 2005

CitiBank, Quản lý rủi ro trong hoạt động Treasury, năm 2003

Dowd, Kevin, Beyond Value at Risk: the New Science of Risk Management, 2002

Neftci, S. N, An Introduction to the Mathematics of Financial Derivatives, 2000