Hoàng hậu Nam Phương: ‘Em chỉ sống vì Mình và các con mà thôi’

Thư bà Nam Phương viết ngày 26 tháng 4 năm 1949 tại Cannes gửi cựu hoàng Bảo Đại ở Đà Lạt cho biết cựu hoàng là người đàn ông quan trọng nhất trong cuộc đời của bà.

Nam Phương Hoàng Hậu diện áo dài suông kèm khăn quàng cổ khi mang thai Thái tử Bảo Long, đứng cạnh Vua Bảo Đại trong lần đón tiếp vợ chồng Khâm sứ Graffeuil. Nguồn: Manhhai.

Thư bà Nam Phương viết ngày 26 tháng 4 năm 1949 tại Cannes gửi cựu hoàng Bảo Đại ở Đà Lạt

Phong bì đựng thư này bị thất lạc

Cannes, ngày 26 tháng tư 1949,

Mình yêu quý,

Các con rất buồn vì không được báo trước khi nào máy bay của Mình bay ngang qua bầu trời trên mái nhà của bọn mình. Nhưng khi Bambinette (1) tình cờ nhìn qua cửa sổ cũng là lúc có tiếng động cơ máy bay. Em thấy con vừa khóc vừa quay mặt vào nhà. Cả hai mẹ con em đều chung nỗi buồn nặng trĩu. Các con đòi em đưa chúng đi nhà thờ để cầu an cho Mình vào buổi lễ 11 giờ trưa. Không có mình bên cạnh, ngôi nhà này đối với mẹ con em trống trải rộng lớn vô cùng. Sau bữa cơm chiều em đưa các con đi xem chiếu phim. Bà C. (2) bất ngờ đến chơi thăm hỏi ân cần. Chỉ 15 phút thôi nhưng em đã cảm nhận được hết sự động viên chân tình xuất phát từ tình cảm sâu nặng của bà ấy. Đến 9 giờ rưỡi tối, cả mấy mẹ con đều ra trước thềm nhà xem bắn pháo hoa, thật là rực rỡ.

Hôm qua em bị sốt cao, đến 39 độ 6. Suốt ngày không ăn được gì, nhưng hôm nay đã hết sốt. Lát nữa em sẽ đến nhà Tholance.

Mãi đến sáng ngày 25 em mới nhận được điện tín của Bửu Lộc (3). Tối 24 (văn bản bị nhòe khoảng 5 – 7 chữ, ND.) báo tin cuộc họp của hội đồng xứ Nam Kỳ. Em đã cho gửi chuyển tiếp bức điện đó tới Colombo (4).

Hôm mình đi, Vicky (5) chẳng chịu ăn gì hết, nó đi lang thang suốt cả ngày. Sau hôm mình rời khỏi nhà (6), em nhận tới tấp một loạt hóa đơn đòi thanh toán các khoản tiền thuê ga ra để ôtô, tiền chụp ảnh, tiền thuê phòng nhà nghỉ. vân vân… nhiều lắm. Cả những giấy tờ liên quan đến tai nạn do Vui (7) gây ra ở Grenobel nữa. Vui là người có lỗi vì trực tiếp gây ra tai nạn, nhưng người ta cũng ghi tên Mình là người đứng tên sở hữu xe ôtô để cùng chịu trách nhiệm nộp phạt 100.000 francs và nhiều khoản khác nữa. Em đã cho chuyển những giấy tờ đó đến Rochoir (8), dặn anh ta phải làm mọi cách để báo chí không nêu tên Mình ở Paris vào thời điểm vớ vẩn đó và tìm một luật sư đại diện cho Mình.

Em mong mỏi tại Đông Dương những người cộng sự với Mình sẽ nhận thức rõ thời đại của những trò đùa chính trị đã qua rồi, cần phải làm việc với nhau một cách đứng đắn.

Bích (9) vừa mang đến một chiếc chìa khóa tủ của Mình kê trong phòng, anh ta dán lên tủ mảnh giấy ghi rõ “Những hồ sơ lưu trữ của Hoàng đế”. Em đang cần gian phòng này. Có lẽ Bích phải xin em một chiếc hòm để đựng các tài liệu của Mình thì tốt hơn!!!

Em ôm hôn Mình với tất cả trái tim và giây phút nào cũng cũng cầu nguyện cho Mình bằng tất cả tình cảm mặn nồng của em. Cầu mong Thượng đế luôn phù hộ cho Mình. Nhưng bản thân Mình cần phải vững vàng và cẩn thận mới được. Em chỉ sống vì Mình và các con mà thôi.

Mariette

—————————-

1. Tức công chúa Phương Liên, cũng có khi gọi là Binette.

2. Chữ “C” viết tắt này ám chỉ nhân vật nào đó chứ không phải bà Charles (mẹ nuôi của cựu hoàng Bảo Đại) vì bà không sống ở Cannes.

3. Bửu Lộc là người trong hoàng tộc, học Luật ở Pháp, tháng 3/1949 được Bảo Đại cử làm Đổng lý văn phòng.

4. Colombo là thủ đô của Ceyland hay còn gọi là Sri Lanka, đảo quốc này ở phía đông nam Ấn Độ vốn là thuộc địa của Anh và dân chúng theo Phật giáo. Tại đây Bảo Đại cũng có tay chân thân tín trú ngụ.

5. Vicky là tên một con chó trong đàn chó của gia đình cựu hoàng hay ra khỏi nhà khiến bà Nam Phương phải nhờ cảnh sát tìm kiếm nhiều lần rồi bị báo chí Pháp đăng tin nên một số nhà nghiên cứu khai thác từ báo chí cũ của Pháp lầm tưởng là con vật này là vợ cựu hoàng. Rồi từ đó, một vài tác giả cũng lặp lại điều này.

6. Ngày 8/3/1949 cựu hoàng ký thỏa thuận với Tổng thống Pháp ở Paris. Trước diễn tiến tình hình trong nước và người Pháp nóng ruột phải cấp riêng cho cựu hoàng một máy bay DC.4 đến ngày 23/4 ông về nước. Mẹ con bà Nam thể máy bay sẽ cất cánh. Cho nên thư này bà viết tại Cannes ngày 26/4/1949 (nghĩa là sau 3 ngày kể từ ngày cựu hoàng lên máy bay) kể lại với chồng sự việc “…Bambinette tình cờ nhìn ra cửa sổ cũng là lúc có tiếng động cơ máy bay…”.

7. Tên một gia nhân tín cẩn của gia đình cựu hoàng.

8. Có lẽ nhân vật người Pháp này là một trong những “tay hòm chìa khóa” của gia đình cựu hoàng chuyên lo việc giao dịch đối ngoại theo sự chỉ bảo của bà Nam Phương.

9. Tức là Phạm Bích, con trai của học giả Phạm Quỳnh (Thượng thư bộ Lại khi cựu hoàng Bảo Đại còn tại vị).