Hấp dẫn du lịch biển quê ta | Biển – Biên giới biển Bến Tre

Biển Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre là điểm đến du lịch khá mới mẻ và hấp dẫn cho du khách thập phương trong khoảng 1 năm trở lại đây. Đặc biệt mỗi dịp lễ, tết, loại hình du lịch biển đã thu hút từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, vui chơi và tắm biển.

Những ai từng một, đôi lần đến với biển Thạnh Hải, ắt hẳn sẽ không thể hững hờ bởi nét đẹp hoang sơ, riêng biệt của biển, những cảnh vật xung quanh đến thái độ đón tiếp, phục vụ ân cần, chu đáo và thân thiện của chính những người lao động đã bao phen thăng trầm để nguyện một lòng thủy chung với biển quê hương.

Bờ biển Thạnh Hải đẹp hoang sơ

Biển Thạnh Hải trong mắt du khách

Hiện nay, để đến với biển Thạnh Hải, du khách sẽ đi ngang qua quốc lộ 57, rẽ sang đường Cồn Rừng và cuối cùng là bon bon theo hết đường Cồn Bửng.

Theo đường Cồn Bửng, từng lúc du khách sẽ có cảm giác thích thú khi được chạy xuyên qua cánh rừng đước dày đặc, xanh thẳm bạt ngàn. Càng ra xa, biển xanh dần hiện ra trước bao đỗi tò mò, yêu thích của du khách. Cũng chưa vội vàng lao ra biển bởi du khách trong lần đầu tiên đến đây sẽ có nhiều ngạc nhiên. Hình ảnh sẽ hiện ra trong mắt du khách, một bên là những dãy rừng xanh nối dài xa tít. Bên kia là những cánh đồng dưa hấu trải dài đến tiếp giáp phía chân trời. Du khách, đặc biệt đối với những ai đã từng có năm tháng gắn bó trong thời chiến, sẽ cảm nhận hết sự đổi thay, mới mẻ trên vùng đất này. Đó là cả một quá trình không ngừng đấu tranh mạnh mẽ của đất và con người nơi đây vì bảo vệ rừng thẳm, biển xanh, vì bám đất, giữ làng, vì đương đầu với bom đạn, hóa chất độc hại của kẻ địch và cả vì sự phát triển của quê hương hôm nay… Trên những cánh đồng dưa ấy, hằng ngày vẫn luôn có bóng dáng con người cần mẫn lao động. Hết mùa dưa, người dân lại quay sang trồng đậu, sắn, khoai… để mong cải thiện đời sống kinh tế và làm giàu trên vùng đất anh hùng. Thú vị hơn, nếu thích, du khách có thể thả bộ xuống cánh đồng dưa để tham quan, tìm hiểu và được tận tay lựa chọn những trái dưa no tròn, xanh bóng rồi mua về thưởng thức với giá cả bình dân.

Cuối con đường nhựa phẳng lì là biển xanh mênh mông như được dát vàng bởi ánh mặt trời chiếu rọi buổi sáng. Có lẽ vì còn khá mới mẻ, vì chưa lắm ồn ào, tấp nập khách tham quan như những bãi biển lớn nổi tiếng trong nước nên biển Thạnh Hải vẫn còn nguyên vẹn sự trong lành, sạch sẽ, yên bình và hoang sơ… Và như tất cả những gì mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho nơi đây. Những đợt thủy triều đưa những con sóng nhấp nhô ập vào bờ với bọt tung trắng xóa. Mang theo đó là thật nhiều vỏ những con ốc viết. Một anh chàng xứ biển cho biết cách để nhận biết con ốc viết còn sống trên bãi. Khác với những vỏ ốc viết sẽ chỉ nằm dài vô hồn, những con ốc viết còn sống sẽ dựng vỏ thẳng đứng xuống cát. Và còn, nhiều điều tò mò về sinh vật ở biển. Ghi chép tại xã còn kể rõ, cách nay gần chục năm, bờ biển này là nơi của 2 con cá ông lần lượt tấp vào. Con cá ông đầu tiên vào bờ nặng trên 58 tấn. Cá ông thứ hai ước nặng 78 tấn. Hiện, người dân xã Thạnh Hải vẫn còn lưu giữ 2 bộ xương của cá ông và lập đền thờ Lăng ông Nam Hải.

Tắm xong, du khách có thể chọn điểm để nghỉ ngơi và tiếp tục thả hồn ra biển. Có thể là nằm võng dưới những tán dương cao rợp bóng mát hay nằm đung đưa trên võng trên những gian nhà sàn cạnh bãi biển. Khi ấy, cảm giác sẽ chỉ có du khách và biển, cùng với những đợt sóng biển nối đuôi nhau vào bờ mang theo giai điệu rì rào.

Tắm biển

Có lẽ đến biển mà không thưởng thức đặc sản hay nghỉ lại qua đêm để có thể đắm hồn trước cảnh mặt trời mọc hay hình ảnh hoàng hôn của biển thì xem như mất hết một nửa điều thú vị. Được chủ trương của huyện, người dân địa phương đã mạnh dạn đầu tư các công trình, dịch vụ tại biển để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của lượng khách đến biển ngày càng đông.

Phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch biển, giá rẻ

Nếu trước đây, du khách đến biển sẽ phải trở về lưu trú tại huyện Mỏ Cày Nam, thành phố Bến Tre thì nay, tại ấp Thạnh Hải, Cồn Bửng, xã Thạnh Hải đã có phòng ốc tiện nghi cùng với các dịch vụ phục vụ ăn uống, thưởng thức hải sản với giá rẻ bất ngờ.

Chị Huỳnh Thị Lan Chi – Hiệu phó Trường THCS Vĩnh Phúc cho biết: Không cần đi đâu xa vì đã có biển Thạnh Hải. Theo chị, đây là một điểm đến mới, còn hoang sơ và lắm yên bình. Ra biển, du khách vẫn có thể chạy honda trên bờ biển dài để hóng gió, ngắm biển thật gần. Khách cũng có thể nghỉ mát dưới các lều trại, nhà sàn được người dân xây dựng bên bãi biển để phục vụ du khách. Dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống cũng đã đáp ứng tốt với giá cả phù hợp. Đặc biệt, đối với học sinh, sinh viên và người dân địa phương, biển địa phương là một điểm đến lý tưởng. Vừa qua, nhà trường cũng đã tổ chức các đoàn tham quan cho giáo viên và học sinh về với biển nhằm mục đích vừa tham quan, dã ngoại, vừa tìm hiểu về lịch sử địa phương. Qua đó, giúp các em hiểu biết sâu sắc thêm về Di tích đường Hồ Chí Minh trên biển và chiến công của những đoàn tàu không số đã từng làm nên huyền thoại cho trang lịch sử đấu tranh của nước nhà.

Ông Phạm Văn Tre – chủ quán Dương Cao tại bãi biển Thạnh Hải cho biết, nhằm phục vụ du lịch biển, mặt khác để góp phần bảo vệ bờ biển, ông đã lặn lội tìm từng cây dương giống hoặc lượm từng hạt dương để đem về trồng. Hiện, khu vực quán Dương Cao cũng có khoảng 200 cây dương gần 3 năm tuổi. Du khách đến đây đều rất thích nằm đong đưa dưới bóng mát của hàng dương và ngắm nhìn ra cảnh biển.

 Anh Bé Năm – Chủ Bãi tắm Tây Đô cho biết, đây là lần thứ hai anh đầu tư loại hình phục vụ du lịch biển. Lần trước, cách nay 12 năm, anh đã có ý tưởng xây nhà sàn bên bãi biển để phục vụ khách địa phương và ngoài tỉnh. Nhưng, lần đó không thành… Lần này, khi đã có đủ “nội lực”, anh quyết tâm thực hiện tâm nguyện của chính người con ở biển. “Tôi muốn biến bãi biển Thạnh Hải thành một điểm du lịch biển lý tưởng, với giá phục vụ siêu rẻ” – anh Bé Năm nói.

Anh kể: Làm nghề sản xuất và mua bán thủy hải sản, tôi đã từng đi nhiều tỉnh, thành phố nổi tiếng với loại hình du lịch biển, có nơi đến mấy lần. Điều tôi trăn trở là tại sao mình không góp sức vực dậy tiềm năng du lịch biển của chính nơi quê hương mình. Tôi tự hào, quê mình cũng có biển, bờ biển dài hàng chục km, nước biển vẫn trong xanh, sạch, đẹp. Vì thế, tôi đã đầu tư ngoài 3 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục: nhà nghỉ, nhà sàn bên bãi biển, nhà giữ xe, khu ăn uống… trên diện tích 2 hecta. Đối với phòng có đầy đủ tiện nghi như ti vi, máy lạnh, tủ lạnh… cũng chỉ có giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/ngày đêm. Đặc biệt, giá các loại nước uống, hải sản tại đây không cao hơn so với giá bán bình thường. Giữ xe, nằm võng trên nhà sàn hay quan khách có thể xuống bãi để tận tay bắt nghêu… đều là miễn phí. Hàng chục món ăn được chế biến từ các loại sản vật từ sông, biển nơi đây như nghêu, cua, sò, còng gió, ba khía, thòi lòi biển, vọp, hào… Cụ thể, giá một đĩa còng gió rang me hay luộc nước dừa, phục vụ cho 10 người ăn chỉ có giá từ 30.000 đến 50.000 đồng. Cua nhiều thì sẽ có còng gió nhiều. Việc bắt con vật này không khó, chỉ cần dùng cái đú cửa ngục (tên gọi phương tiện bắt còng gió của người địa phương) để nhữ là còng gió tự chui vào.

Về giá cả phục vụ, anh cam kết, sẽ không nơi nào có thể có giá bình dân hơn. Bởi, với anh, phục vụ du lịch biển với giá phải chăng cũng là một mong muốn được thực hiện từ rất lâu của anh. Có như vậy, ngành du lịch biển nói riêng và du lịch nói chung mới thật sự mang đến cảm giác vui tươi, an toàn, hài lòng và thu hút du khách về vui chơi, giải trí ngày càng đông đảo hơn. Hướng sắp tới, anh sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hạng mục khác để hoàn thành ý tưởng phát triển du lịch biển quê hương.

Cánh cửa du lịch sẽ rộng mở, biển Thạnh Hải không bao lâu nữa sẽ ồn ào hơn khi các dự án lớn đầu tư vào địa bàn huyện (như cầu Cầu Ván, đường Cồn Rừng, Công trình Bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị Di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển) hoàn thành và đưa vào sử dụng. Với tiềm năng sẵn có, sự quan tâm đầu tư của Trung ương, địa phương và hơn hết là sự nỗ lực của chính những người con của biển… tin rằng ngành du lịch huyện Thạnh Phú nói chung, du lịch biển Thạnh Hải nói riêng sẽ phát triển đột phá, góp phần vào việc thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế biển của huyện nhà.

Cẩm Trúc