Hàng hóa siêu thị bình ổn trước “bão giá”

Sau nhiều lần liên tiếp tăng giá xăng, dầu, hầu hết các mặt hàng như: Gas, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm… cũng bị “kéo” theo đà leo thang đó. Ngược lại, tại các siêu thị, thời điểm này, hầu hết các mặt hàng cơ bản có giá cả ổn định.

Khảo sát tại một số chợ truyền thống, giá rau, củ, quả đều đã tăng từ 3-5 nghìn đồng/bó hoặc 4-7 nghìn đồng/kg. Đơn cử như: Rau mồng tơi, rau cải tăng từ 5 nghìn đồng lên 7 nghìn đồng/bó; su hào, su su từ 12 nghìn đồng lên 15 nghìn đồng/kg; quả chanh từ 20 nghìn đồng lên 25 nghìn đồng/kg… Tương tự, giá thịt lợn, cá, tôm… tại đây cũng tăng khoảng 10-15 nghìn đồng/kg.

Trái ngược với thị trường bên ngoài, qua khảo sát cho thấy, giá các mặt hàng trong siêu thị trên địa bàn T.P Thái Nguyên cơ bản được giữ bình ổn so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Đơn cử như tại siêu thị GO! Thái Nguyên, với hơn 20 nghìn mặt hàng đang bày bán, chỉ có rất ít các sản phẩm được điều chỉnh tăng giá, trong đó có dầu ăn.

Lý giải về điều này, ông Hà Văn Hùng, Giám đốc Siêu thị, chia sẻ: Dầu ăn là mặt hàng phải nhập khẩu. Do tình hình chính trị thế giới có biến động nên giá các mặt hàng nhập khẩu như vậy đang “phi mã”. Với mặt hàng dầu ăn, ngoài thị trường đang bán ở mức giá trên dưới 300 nghìn đồng/can 5 lít, tức là cao hơn trong siêu thị khoảng 40-50 nghìn đồng/can. Đối với các mặt hàng khác, dự kiến từ nay đến hết tháng 3, siêu thị chúng tôi chưa có kế hoạch thay đổi về giá bán. Nếu tăng giá, các nhà cung ứng sẽ phải thông báo cho siêu thị trước đó ít nhất 1 tháng.

Còn tại siêu thị Minh Cầu, giá bán các mặt hàng tại đây cũng đang được bình ổn. Các mặt hàng tươi sống vẫn được niêm yết cố định trong khoảng thời gian 3 tháng trở lại đây. Hiện, giá bán thịt lợn loại ba chỉ đang ở mức 119 nghìn đồng/kg; thịt chân giò 118 nghìn đồng/kg; vai sấn 108 nghìn đồng/kg…

Chị Phạm Thị Ngọc Hà, Quản lý hệ thống Siêu thị Minh Cầu Thái Nguyên, cho hay: Tính đến thời điểm hiện tại, giá cả mọi mặt hàng trong hệ thống của chúng tôi đều không có biến động dù giá xăng tăng liên tục. Không chỉ bình ổn giá, siêu thị còn có nhiều chính sách kích cầu mua sắm trong thời điểm dịch bệnh, như: Giảm giá một số mặt hàng đồ điện tử, đồ gia dụng, hàng khô; miễn phí vận chuyển với đơn hàng từ 300 nghìn đồng với bán kính dưới 10km…

Ngoài các siêu thị, trung tâm thương mại, tại một số cơ sở kinh doanh theo chuỗi trên địa bàn T.P Thái Nguyên, như: Bibomart, Kidplaza, Vinmart… hiện giá bán hàng hóa vẫn được bình ổn. Chị Dương Thị Nga, Quản lý cửa hàng Bibomart Thái Nguyên, thông tin: Thông thường, với đơn vị chúng tôi, khi các mặt hàng tăng giá sẽ có thông báo từ công ty trước ít nhất khoảng nửa tháng. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng trở lại đây, các mặt hàng tại cửa hàng đều không tăng giá, kể cả các mặt hàng sữa bột do các công ty trong và ngoài nước sản xuất.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, mặc dù xăng, dầu tăng giá gây áp lực lên thị trường nhưng giá hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại không thể điều chỉnh tức thì, mà thường có độ trễ nhất định. Nguyên nhân là do sự ràng buộc hợp đồng giữa các đơn vị kinh doanh với nhà cung cấp.

Ông Nguyễn Tân Chính, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại và Hội nhập kinh tế Quốc tế (Sở Công Thương) cho biết: Tại Thái Nguyên, qua kiểm tra, khảo sát, thời gian vừa qua, thị trường cơ bản ổn định, không có sự biến động như nhiều địa phương khác, kể cả khi giá xăng, dầu liên tục điều chỉnh tăng. Trên địa bàn tỉnh không có tình trạng các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đóng cửa găm hàng hay tăng giá tùy tiện. Đối với thị trường hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu cũng tương tự, hàng hóa dồi dào, giá bán vẫn được bình ổn như thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Theo báo cáo của các đơn vị kinh doanh, dù giá cả bình ổn nhưng sức mua của người dân lại giảm sâu, khoảng từ 15-20% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều gia đình phải thắt chặt “hầu bao”. Dự kiến, nếu đầu quý II/2022, xăng, dầu tiếp tục tăng giá hoặc mức giá vẫn ở ngưỡng cao như hiện nay thì các siêu thị cũng sẽ nhận được yêu cầu tăng giá từ nhà cung ứng, khi đó, giá bán hàng hóa tất yếu phải điều chỉnh tăng…