Giun sán ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa

Giun sán ở trẻ em gây nhiều khó chịu và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Sau đây, AVAKids sẽ cùng các mẹ tìm hiểu về nguyên nhân, các loại giun và cách tẩy giun sán cho trẻ an toàn nhé!

1Nguyên nhân gây nhiễm giun sán ở trẻ em

Tỷ lệ nhiễm giun sán ở trẻ em nước ta đang rất cao. Để phòng bệnh hiệu quả, cha mẹ hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân có thể khiến trẻ nhiễm giun sán.

Một số nguyên nhân gây ra bệnh giun sán ở trẻ em là:

  • Không ăn chín uống sôi, ăn thực phẩm không sạch sẽ: Các loại món ăn như rau sống, bò tái, gỏi cá sống…tiềm ẩn nguy cơ chứa ấu trùng giun như sán lá gan, giun đũa, sán lợn, sán dây bò…
  • Không tẩy giun định kỳ: Nhiều phụ huynh chủ quan hoặc quên tẩy giun cho trẻ. 
  • Chơi với vật nuôi: Thú nuôi thường là vật chủ của nhiều loại giun sán. Trứng giun tồn tại rất lâu trong phân của vật nuôi.
  • Trẻ không giữ vệ sinh sạch sẽ: Ấu trùng giun sán không chỉ lây qua việc ăn uống mà còn lây qua vết thương hở, vùng da trầy xước. Vì vậy cần vệ sinh sạch sẽ vết thương của trẻ, giúp trẻ tạo thói quen giữ vệ sinh cá nhân hàng ngày, nhắc trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. 
  • Đồ dùng, chén muỗng ăn dặm cho bé cần tiệt trùng trước khi sử dụng
  • Đi chân đất, tiếp xúc với đất nhiễm giun
  • Trẻ tiếp xúc với người mang mầm bệnh: Người mang mầm bệnh chơi đùa, ăn uống cùng trẻ có thể lây bệnh cho trẻ. Giun kim rất dễ lây kiểu này.

Nguyên nhân nhiễm giun sán ở trẻ em

Chơi với thú cưng cũng khiến trẻ nhiễm giun sán

Có thể bạn quan tâm: Giun sán gây ra suy dinh dưỡng ở trẻ.

Giun sán gây ra suy dinh dưỡng ở trẻ. Mẹ cần bổ sung gì trong thực đơn để giúp trẻ tăng cân trở lại?

2Một số bệnh giun sán ở trẻ em thường gặp

Nhiễm giun kim

Trong số các loại giun sán ở trẻ em thì giun kim là ảnh hưởng nhiều nhất. Giun kim trông như những sợi chỉ mảnh, ngắn, chiều dài từ 2 – 13mm và có thể sống trong ruột 6 tuần. Giun kim lây qua tiếp xúc và ăn uống nên nếu trong nhà có một thành viên bị nhiễm giun kim hãy tẩy giun cho cả nhà.

Độ tuổi từ 3 – 7 tuổi, khi trẻ bắt đầu đi mẫu giáo, chơi đùa nhiều hơn thì dễ mắc giun kim. Trong quá trình vui chơi và tiếp xúc đám đông trẻ em, nếu trẻ không may nuốt phải trứng giun kim sẽ nhiễm phải căn bệnh này.

Trẻ nhiễm giun kim sẽ ngứa vùng hậu môn, đặc biệt là vào ban đêm do thời điểm này giun kim sẽ di chuyển từ ruột ra rìa hậu môn để đẻ trứng. Nhiều trẻ bị ngứa và dùng tay gãi, nếu không vệ sinh sạch sẽ, giun kim sẽ từ tay vào miệng và tiếp tục tái nhiễm bệnh.

Ngoài ra cha mẹ có thể quan sát vùng hậu môn của trẻ sẽ có những chấm đỏ li ti quanh vùng rìa do giun kim cắn. Giun kim có thể gây ra mất ngủ vì ngứa ngáy, đái dầm và khó chịu. 

Bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng và xét nghiệm tìm trứng giun trong phân để chẩn đoán bệnh giun sán ở trẻ em. Quan sát bằng mắt thường có thể thấy giun kim đẻ ở rìa hậu môn. Khi trẻ đại tiện phân rắn có thể thấy giun kim cái bám ở rìa phân. 

Nhiễm giun đũa

Đất là đường lây truyền phổ biến nhất của bệnh giun sán ở trẻ em. Việc chơi với đất không vệ sinh dễ gây nhiễm giun đũa qua đường miệng, ăn uống. Nhiễm giun đũa không lây truyền trực tiếp từ người sang người.

Khi trẻ mắc giun đũa nhiều trường hợp không có triệu chứng gì. Một số trường hợp có triệu chứng cụ thể như: khó thở, ho dai dẳng, thở khò khè, sốt không thường xuyên, xuất hiện ấu trùng giun ở phế nang dẫn đến bệnh viêm phổi, viêm phế quản nặng. Chụp X-quang có thể thấy rõ những tổn thương này.

Những con giun đũa lớn hoạt động trong hệ tiêu hóa sẽ gây ra nhiều rối loạn với triệu chứng như: táo bón đan xen tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu. Đôi khi trẻ còn có triệu chứng khác như đau đầu, nổi mẩn, người xanh xao, chán ăn, trướng bụng,… 

Nếu không điều trị loại bỏ giun sớm, giun sán ở trẻ em có thể nguy hiểm khi lượng lớn giun sán cuộn lại thành búi gây tắc ruột hoặc chui vào ống mật gây tắc mật, viêm ống mật. Bác sĩ sẽ chẩn đoán giun sán bằng soi phân tìm trứng giun hoặc xét nghiệm máu. 

Siêu âm có thể phát hiện vị trí giun đũa. Đôi khi trẻ nhiễm giun đũa có thể thải ra giun đũa theo phân hoặc giun đũa chui ra theo đường mũi, miệng. 

Nhiễm giun móc

Nhiễm giun móc khác với các bệnh giun sán ở trẻ em khác, giun móc xâm nhập vào cơ thể qua ấu trùng đi ngang qua da. Bệnh thường gặp ở trẻ em đi chân đất. Nhiễm giun móc được chia làm 3 thời kỳ diễn biến như sau:

  • Thời kỳ xâm nhập: Ấu trùng chui qua da sẽ khiến trẻ sẽ có những triệu chứng trên da như nốt vết sần đỏ, to bằng đầu kim, gây ngứa nhưng tự khỏi sau 3 – 4 ngày.
  • Thời kỳ chu du: Ấu trùng từ xâm nhập ở da sẽ đi vào phổi, quá trình này khó phát hiện triệu chứng. Một số trường hợp xuất hiện ho khan, khàn tiếng, khó phát âm do ấu trùng gây hại cho phổi.
  • Thời kỳ toàn phát: Ấu trùng trở thành giun móc trưởng thành phát triển mạnh mẽ và gây rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng như: táo bón, tiêu chảy kéo dài, viêm tá tràng,… Trẻ nhiễm giun nặng bị suy nhược cơ thể và thiếu máu thấy rõ.

Bác sĩ chỉ định soi phân cũng có thể tìm ra bệnh giun móc. Ngoài xâm nhập qua da, giun móc cũng lây qua ăn uống không vệ sinh. Trẻ sẽ nhợt nhạt xanh xao và đau vùng thượng vị tùy theo mức độ nhiễm giun. Khi đói càng đau nhiều hơn. 

Nhiễm giun tóc

Nhiễm giun tóc thường không nguy hiểm và kéo dài như các loại bệnh giun sán ở trẻ em khác. Nhiễm giun tóc thường không có triệu chứng nếu mới nhiễm giun và bị nhẹ. Giun tóc lây qua đường ăn uống, khi ăn phải trứng giun đã phát triển ở ngoại cảnh tới giai đoạn ấu trùng. 

Một số bệnh nhân có hội chứng giống lỵ như: mót rặn, đại tiện nhiều lần/ngày, đau bụng vùng đại tràng, phân ít và có nhiều chất nhầy lẫn máu. Nhiễm quá nhiều và trong thời gian dài có thể gây thiếu máu nhược sắc, tim có tiếng thổi tâm thu và bị phù nhẹ.

Một số trường hợp nhiễm bệnh nặng với các triệu chứng: sa trực tràng, thiếu máu, tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định xét nghiệm phân để xác định ấu trùng giun.

Nhiễm giun chó

Nhà có nuôi chó mèo mà không vệ sinh kỹ cho thú cưng, không tẩy giun định kỳ thì trẻ em dễ mắc bệnh khi tiếp xúc với chúng. Trẻ bị nhiễm giun chó thường mệt mỏi, sốt nhẹ, đôi khi đau hạ sườn phải hoặc đau đầu kéo dài. Bác sĩ tìm ra bệnh dựa vào xét nghiệm máu có bạch cầu ái toan tăng trong máu và huyết thanh chẩn đoán.

Nhiễm giun xoắn

Giun xoắn không lây truyền từ người sang người trực tiếp. Trẻ bị nhiễm giun xoắn do ăn phải thịt lợn hoặc thịt ngựa có chứa ấu trùng của giun xoắn chưa nấu chín, ăn sống, ăn tái hay ăn tiết canh.

Triệu chứng rất đặc trưng: tiêu chảy, phù mặt, phù mi mắt, đôi khi phù cả đầu lan xuống tay kèm theo xuất huyết dưới giác mạc, sốt cao, đau cơ. Sốt có thể lên đến trên 39 độ C.

Một số triệu chứng khác như tiêu chảy, ra mồ hôi nhiều, khát nước, cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi kiệt sức. Nhiễm giun xoắn có thể gây những biến chứng về tim mạch và thần kinh nguy hiểm như tử vong do suy cơ tim, viêm cơ, viêm phổi, viêm não. Tỷ lệ tử vong từ 6% – 30% tuỳ theo mức độ nhiễm ấu trùng giun xoắn.

Có thể bạn quan tâm: Tìm hiểu thêm về

Tìm hiểu thêm về bệnh viêm phổi ở trẻ em

Nhiễm giun lươn

Giun lươn có khả năng nhân đôi trong cơ thể người. Giun lươn lây qua tiếp xúc da với đất nhiễm phân người có ấu trùng sán.

Nhiễm giun lươn thường không có triệu chứng chỉ có một số mề đay ngoài da vùng mông, tay. Giun lươn trưởng thành đào đường hầm vào trong niêm mạc ruột non gây đau bụng, buồn nôn, chảy máu đường tiêu hóa, tiêu chảy, viêm đại tràng mãn tính. Một số biến chứng nặng như tắc ruột non, nhiễm trùng huyết. 

Chẩn đoán: Xét nghiệm phân để tìm ấu trùng. Huyết thanh chẩn đoán trong trường hợp nhiễm giun lươn không biến chứng.

Bệnh giun sán ở trẻ em

Nguyên nhân khiến bệnh giun sán ở trẻ em lặp đi lặp lại

3Ảnh hưởng của giun sán đối với sức khỏe của trẻ

Các bệnh giun sán ở trẻ em gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa làm cho trẻ không hấp thu được nhiều dinh dưỡng dẫn đến bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ. Đa số các trẻ bị nhiễm giun sán đều nhẹ cân hơn so với trẻ cùng lứa tuổi. 

Bệnh giun sán ở trẻ em để càng lâu giun nhiều quá sẽ khiến trẻ không đủ sức khỏe để đi học, thường xuyên mất tập trung. Ngoài ra còn một số hiện tượng nguy hiểm khác như:

  • Búi giun gây tắc ruột
  • Giun chui vào mật gây đau đớn.
  • Gây đau dạ dày cấp khi giun sán chui lên dạ dày.
  • Viêm tụy cấp có thể nguy hiểm đến tính mạng khi giun chui lên tụy
  • Một số loại giun còn di chuyển lên mắt, não…

4Kiểm tra trẻ có nhiễm giun sán hay không

Để biết được trẻ có nhiễm giun sán không, cách tốt nhất là cha mẹ đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra:

  • Kiểm tra phân: Bác sĩ sẽ lấy mẫu phân của trẻ và gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra xem có trứng giun hoặc giun không.
  • Kiểm tra bằng băng dính: Để một miếng băng dính ở hậu môn của trẻ để thu thập trứng giun. Sau đó bác sĩ sẽ đem miếng băng dính đi kiểm tra trong phòng thí nghiệm.
  • Kiểm tra dưới móng tay: Bác sĩ sẽ kiểm tra trứng giun trong móng của trẻ.
  • Kiểm tra bằng bông gạc: Bác sĩ có thể dùng bông gạc lau xung quanh vùng hậu môn của trẻ rồi đem xét nghiệm để kiểm tra trứng giun.
  • Siêu âm: Khi bệnh giun sán ở trẻ em trở nên nghiêm trọng, bác sĩ siêu âm sẽ tìm ra vị trí chính xác của giun.

5Điều trị trẻ bị nhiễm giun sán

Hiện nay đã có thuốc trị các loại giun sán ở trẻ em. Bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc hoặc phương pháp tẩy giun dựa trên loại giun mà trẻ bị nhiễm. 

Với bệnh giun sán ở trẻ em, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc hoặc cho trẻ dùng các loại thảo mộc vì một số thuốc trị giun có thể không dùng được với trẻ dưới 2 tuổi. Nếu trẻ bị thiếu máu có thể bổ sung sắt cho trẻ. 

Giun sán ở trẻ em rất dễ lây lan và tái đi tái lại. Nên khi trẻ mắc bệnh, cả nhà có thể cùng tẩy giun để đảm bảo an toàn, tránh tái nhiễm cho trẻ.

6Cách phòng ngừa nhiễm giun sán ở trẻ em

Cha mẹ nên tẩy giun định kỳ cho trẻ mỗi 6 tháng một lần, nhất là trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo. Bệnh giun sán ở trẻ em rất dễ xuất hiện khi trẻ biết bò, biết đi. Cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để kiểm tra định kỳ và theo dõi thời gian tẩy giun.

Một số biện pháp phòng ngừa bệnh giun sán ở trẻ em:

  • Thay tã thường xuyên và rửa tay sau khi thay tã cho trẻ
  • Thường xuyên lau dọn vệ sinh nhà cửa
  • Mang giày cho trẻ, cho trẻ chơi ở nơi sạch sẽ, rửa tay và bàn chân của trẻ sau khi trẻ chơi xong
  • Đừng để trẻ chơi xung quanh các vũng nước đục
  • Hướng dẫn trẻ đi vệ sinh trong nhà vệ sinh đúng cách
  • Nhà vệ sinh phải sạch sẽ, dạy trẻ rửa tay và vệ sinh cá nhân sạch sẽ
  • Tất cả các thành viên trong gia đình đều cần rửa tay với nước rửa tay hoặc gel rửa tay khô trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
  • Móng tay móng chân cắt ngắn và rửa sạch sẽ
  • Nước uống phải được đun sôi hoặc lọc qua máy
  • Rửa sau sạch, lựa chọn nguồn rau an toàn
  • Nấu chín thức ăn, lựa chọn thịt cá cẩn thận.
  • Tẩy giun định kỳ cho tất cả thành viên trong gia đình

Cách trị giun sán ở trẻ em

Mang giày cho trẻ, hạn chế tiếp xúc với đất bẩn giúp phòng ngừa giun sán ở trẻ em

7Tẩy giun cho trẻ đúng cách 

Theo các chuyên gia mỗi người nên tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần, trẻ từ 4 tuổi cần tẩy giun dù không bị đau bụng, không có dấu hiệu có giun. Trẻ dưới 2 tuổi có giun thì cha mẹ sẽ tẩy giun theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Một số loại thuốc tẩy giun sán ở trẻ em thường gặp như: Albendazole, Mebendazole dùng 1 viên định kỳ 6 tháng 1 lần. Cha mẹ nên hỏi ý kiến chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng cho trẻ.

8Đôi lời của AVAKids

Bệnh giun sán ở trẻ em làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Vậy nên các bậc cha mẹ cần lưu ý tẩy giun định kỳ cho cả gia đình. Hy vọng với những thông tin trên đây đã giúp cha mẹ hiểu hơn về nguyên nhân và các loại bệnh giun sán ở trẻ em thường gặp. 

Các bài viết của AVAKids/ Vũ trụ bỉm sữa chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Quỳnh tổng hợp

Kiểm duyệt bởi Trúc Lâm