Giới thiệu

 

I. GIỚI THIỆU CHUNG 
Bộ môn Luật Tư pháp là một trong ba bộ môn trực thuộc Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ, được thành lập từ tháng 02 năm 2000 cùng với sự thành lập Khoa. Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, Bộ môn đã có sự lớn mạnh cả về lực lượng, trình độ của đội ngũ giảng viên lẫn chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Bộ môn chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng, tiến độ giảng dạy của những học phần được giao trong các chương trình đào tạo của Khoa. Ngoài ra, Bộ môn có nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nội dung học phần; tổ chức biên soạn giáo trình, phát triển tài liệu tham khảo phù hợp với nội dung học phần được giao; nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy. Bộ môn trực tiếp phân công và giám sát giảng viên trong hoạt động giảng dạy và đánh giá học phần.
Đối với các công tác khác, Bộ môn triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học; xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên của Bộ môn; tổ chức đánh giá công tác quản lý, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ của cá nhân, của Bộ môn hàng năm theo yêu cầu của Khoa và Trường.

II. CHỨC NĂNG – NHIỆM VỤ
Bộ môn Luật Tư pháp thực hiện chức năng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hỗ trợ tư vấn pháp luật với những nhiệm vụ cụ thể sau:
Về giảng dạy: Bộ môn chịu trách nhiệm đào tạo đối với chuyên ngành cử nhân Luật Tư pháp (Judicial Law) và Luật hành chính, Luật Thương mại ở tất cả các hệ chính quy, vừa làm vừa học và từ xa với các nhiệm vụ cụ thể là xây dựng chương trình đạo tào, xây dựng đề cương chi tiết học phần, phân công giảng dạy, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy,…
Về nghiên cứu khoa học: Bộ môn xây dựng các định hướng nghiên cứu và phân công, khuyến khich và hỗ trợ giảng viên thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ dưới nhiều hình thức như: thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, đề tài của địa phương; viết và đăng tải các bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế; tổ chức các hội thảo khoa học; xuất bản sách tham khảo, chuyên khảo, giáo trình,… Đặc biệt, các hoạt động khoa học của Bộ môn còn bao gồm cả hoạt động vừa mang tính chính trị vừa mang tính học thuật là góp ý xây dựng, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.
Về hỗ trợ tư vấn pháp luật: Bộ môn chịu trách nhiệm và phân công giảng viên tư vấn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình, hợp đồng, sở hữu trí tuệ, tố tụng dân sự, hình sự và tố tụng hình sự. Ngoài ra, Bộ môn còn phối hợp với Trung tâm luật so sánh để tham gia tư vấn pháp luật thuộc chuyên nghành Luật Tư pháp.

III. TỔ CHỨC BỘ MÔN
Cơ cấu tổ chức của Bộ môn Luật Tư pháp bao gồm Ban chủ nhiệm Bộ môn, Thư ký Trưởng Bộ môn và các giảng khác.
Ban chủ nhiệm
– Quyền Trưởng Bộ môn: Giảng viên chính, Thạc sĩ Tăng Thanh Phương
– Phó Trưởng Bộ môn: Giảng viên chính, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tuyền
Thư ký Bộ môn:
– Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thư
Bộ môn có lực lượng cơ hữu gồm 21 giảng viên. Tất cả giảng viên của Bộ môn đều có trình độ sau đại học, trong đó: 02 tiến sĩ; 19 giảng viên có trình độ thạc sĩ.

IV. NGÀNH ĐÀO TẠO
Bộ môn Luật Tư pháp phụ trách đào tạo cử nhân Luật chuyên ngành Luật Tư pháp. Các Cử nhân luật có kiến thức sâu và rộng về lĩnh vực tư pháp, khả năng thích ứng cao với quá trình chuyển biến của xã hội. Ngoài ra, chương trình còn trang bị cho người học kiến thức lý luận, quy định và thực tiễn pháp lý cùng với các kiến thức bổ trợ về văn hóa, xã hội, chính trị…. Bên cạnh kiến thức vững vàng, người học được thực hành, rèn luyện các kỹ năng hành nghề luật, dẫn dắt và khởi nghiệp. Cử nhân Luật chuyên ngành Luật tư pháp là người có tư duy độc lập trong học tập và làm việc, có khả năng tự cập nhật, thích ứng với sự vận động của chính sách, pháp luật.

V. CÁC HỌC PHẦN CHÍNH ĐƯỢC HỌC
Các học phần chủ yếu của sinh viên luật chuyên ngành Luật Tư pháp.
1. Luật Hình sự: Những vấn đề lý luận về tội phạm
Họ phần này giúp cho sinh viên nắm được Luật hình sự là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam quy định về tội phạm và hình phạt. Nội dung chủ yếu của học phần: nghiên cứu khái niệm chung và chủ thể của Luật Hình sự. Sinh viên được nghiên cứu những kiến thức về tội phạm và hình phạt.
2. Luật Hình sự: Những vấn đề lý luận về hình phạt
Học phần này giúp cho sinh viên nắm được kiến thức về các trường hợp phạm tội phức tạp như do được thực hiện bởi nhiều người, những trường hợp được xem là loại trừ tính chất phạm tội. Đặc biệt, môn học này cung cấp cho sinh viên những kiến thức về hình phạt – một trong những biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất chỉ có thể được dùng đối với người phạm tội. Ngoài ra, học phần này còn giúp sinh viên nắm được các kiến thức về quyết định hình phạt, những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, giảm hình phạt, các trường hợp miễn chấp hành hình phạt… Sau cùng, học phần cung cấp cho sinh viên những quy định đặc thù về người chưa thành niên phạm tội.
3. Luật Hình sự: Định tội và định khung hình phạt
Ở học phần này giúp cho sinh viên nắm được kiến thức lý luận về việc xác định tội danh và ý nghĩa của việc xác định tội danh.
4. Luật Hình sự quốc tế
Học phần này giúp cho sinh viên nắm được các kiến thức chuyên sâu về các chế định của qluật hình sự quốc tế.
5. Tội Phạm học
Giúp sinh viên luật nhận thức được đặc điểm tình hình tội phạm, các nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm, nhận biết các đặc điểm nhân thân người phạm tội, tìm hiểu các biện pháp phòng ngừa tình hình tội phạm nói chung và các loại tội phạm nói riêng. Những kiến thức này sau khi ra trường sinh viên có thể vận dụng để phân tích, đánh giá tình hình tội phạm, đấu tranh phòng và chống các loại tội phạm và tội phạm cụ thể.
6. Luật Dân sự: Tài sản, quyền sở hữu và thừa kế
Sau khi học xong học phần này, học viên sẽ có những kiến thức cơ bản về Luật dân sự Việt Nam nói chung, về quyền và nghĩa vụ của chủ thể và các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Đồng thời học viên còn hiểu biết các vấn đề liên quan đến tài sản và quyền sở hữu đối với tài sản. Đặc biệt, có kiến thức pháp lý về các vấn đề trong quan hệ thừa kế đang được quan tâm hiện nay.
7. Luật Dân sự: Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự
Giúp Sinh viên sẽ tiếp thu đuợc những kiến thức cơ bản về việc xác lập nghĩa vụ trong giao dịch dân sự cũng như các sự kiện pháp lý xảy ra trong cuộc sống. Hơn nữa, với kiến thức này sẽ rất cần thiết cho sinh viên tiếp thu các môn học trong các học phần sau được dễ dàng hơn. Chẳng hạn: Trách nhiệm dân sự, Bảo đảm nghĩa vụ, Hợp đồng thông dụng…
8. Pháp luật về quan hệ hôn nhân và gia đình
Qua nội dung học phần này, sinh viên sẽ nắm được một số vấn đề cơ bản về Hôn nhân và Gia đình như điều kiện kết hôn, các mối quan hệ gia đình, vấn đề ly hôn và cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình.
9. Những vấn đề lý luận chung về Luật Tố tụng hình sự
Trang bị cho sinh viên kiến thức tổng quát có hệ thống về những vấn đề chung của luật tố tụng hình sự Việt Nam, phân biệt và xác định rõ mối quan hệ giữa luật hình sự và luật tố tụng hình sự: tìm hiểu khái niệm, nhiệm vụ và các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng và mối quan hệ giữa các cơ quan này với nhau, quyền hạn và trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, của các cơ quan, tổ chức và công dân;tìm hiểu lý luận và thực tiễn về chứng cứ cũng như các biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự.
10. Trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án hình sự
Cung cấp cho sinh viên những kiến thức về trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành; giúp sinh viên hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của từng giai đoạn tố tụng là nhằm góp phần ngăn ngừa tội phạm, phát hiện nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
11. Những vấn đề lý luận chung về Luật Tố tụng dân sự
Học phần Luật Tố tụng dân sự sẽ giúp học viên củng cố kiến thức các môn chuyên ngành và có thể vận dụng tốt vào các ngành nghề như: Luật sư; Tòa án; Viện kiểm sát; Thi hành án và tham gia các vụ kiện dân sự.
12. Trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc dân sự
Nội dung học phần, giúp sinh viên nắm rõ hơn các quy định và trình tự thực hiện trong từng giai đoạn từ lúc khởi kiện, thụ lý cho đến khi xét xử và thi hành án dân sự, được giảng viên phụ trách tổ chức các phiên tòa giả định giải quyết vụ việc dân sự… từ đó có thể vận dụng thực hiện tại phiên tòa thực tế.
13. Bảo đảm nghĩa vụ
Cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong luật Việt Nam nói chung và các biện pháp bảo đảm cụ thể như bảo lãnh, cầm cố, thế chấp, bảo đảm bằng quyền sở hữu, bảo đảm bằng đặc quyền, ký cược, ký quỹ cũng như các kiến thức về đăng ký giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm…
14. Pháp luật về sở hữu trí tuệ
Giúp cho người học hiểu được tầm quan trọng của tài sản trí tuệ đối với các tổ chức, cá nhân và đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Thông qua việc tìm hiểu các quy định của Luật, người học sẽ có những hiểu biết chung nhất về các đối tượng của sở hữu trí tuệ, các quyền của các chủ thể, các quy trình và thủ tục đăng kí quyền sở hữu trí tuệ. Bước đầu giúp cho người học có ý thức trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình cũng như tôn trọng tài sản trí tuệ của người khác.
15. Các học phần khác
Ngoài các học phần chính nêu trên, sinh viên chuyên ngành Luật Tư pháp đồng thời học các học phần khác thuộc chương trình khung giai đoạn đại cương và chuyên ngành như sinh viên các ngành khác. Chẳng hạn như các môn: Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp), Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Thương mại, Luật dân sự La Mã, Luật Tài chính nhà nước, Luật Lao động, Luật Môi trường, Luật Đất đai, Luật Công pháp quốc tế, Luật Tư pháp quốc tế, Luật Thương mại quốc tế, Khoa học điều tra hình sự, Giám định pháp y.

VI. ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRỞ THÀNH SINH VIÊN LUẬT TƯ PHÁP
Ngay từ học kỳ đầu tiên của khoá học, với sự hướng dẫn và tư vấn của Khoa, của Bộ môn sinh viên sẽ thực hiện việc đăng ký chuyên ngành.
Sinh viên theo học chuyên ngành Luật Tư pháp sẽ được lĩnh hội các khối kiến thức về pháp luật dân sự, pháp luật hình sự, bảo đảm nghĩa vụ, pháp luật về hợp đồng dân sự thông dụng, tội phạm học, công chứng… cũng như những kiến thức cơ bản về điều tra, giám định cho đến việc xét xử: khoa học điều tra hình sự, giám định pháp y, nghiệp vụ Tòa án… Ngoài ra, sinh viên sẽ được đi sâu nghiên cứu những vấn đề về tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, hôn nhân gia đình, thừa kế…

VII. CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP
Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật chuyên ngành Luật Tư pháp, tân cử nhân có cơ hội làm việc tại các vị trí như:
– Chuyên viên tư vấn trong các Công ty luật; Chuyên viên pháp luật trong các doanh nghiệp;
– Thư ký, Thẩm phán Tòa án;
– Chuyên viên, Chấp hành viên thuộc Cơ quan thi hành án dân sự;
– Chuyên viên, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát;
– Luật sư, Công chứng viên;
– Giảng viên, giáo viên giảng dạy pháp luật trong các trường học.
– Chuyên viên thuộc Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp, các Sở, Phòng và tương đương;
– Chuyên viên thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;
– Trọng tài viên trọng tài thương mại; v.v…