Già hóa dân số và những cơ hội cho doanh nghiệp

Những cơ hội cho doanh nghiệp

Già hóa dân số là một trong những xu hướng của thế kỷ 21, tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế – xã hội của các quốc gia, trong đó có cả các nước với dân số trẻ. Bên cạnh việc được coi là thành tựu của phát triển, quá trình này cũng tạo ra thách thức đối với đời sống kinh tế – xã hội. Thách thức lớn nhất là thay đổi cơ cấu lao động. Tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên, tỷ lệ người lao động gia nhập thị trường lao động sẽ có xu hướng giảm đi, cũng như xuất hiện những nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ đặc thù. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực, các nước đã và sẽ sử dụng lao động cao tuổi. Bên cạnh đó, các quốc gia này cũng phải sử dụng hoặc bổ sung người lao động nhập cư. Các doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp để giảm thiểu rủi ro đồng thời tận dụng cơ hội tiềm tàng của dân số “bạch kim”.

Đây là thông tin từ tọa đàm “Già hóa dân số: Cơ hội dành cho các doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức.

Diễn đàn nhằm giới thiệu cơ hội phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp qua cung cấp các thông tin có liên quan đến bối cảnh dân số Việt Nam, thảo luận về kế hoạch hành động để tận dụng lợi thế của thời kỳ già hóa dân số, hướng tới khả năng cải thiện kinh doanh.

Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động của VCCI Phùng Quang Huy khẳng định, già hóa dân số Việt Nam là một trong những thành tựu đối với Việt Nam, liên quan tới những cải thiện đáng kể về y tế và phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, già hóa dân số một cách nhanh chóng cũng tạo ra những thách thức to lớn đối với Việt Nam. Những phân tích về cơ hội và thách thức của kinh tế, xã hội Việt Nam khi chính thức bước vào thời kỳ dân số “bạch kim” cho thấy, đã đến lúc các doanh nghiệp cần phác thảo một cấu trúc kinh doanh mới, thích ứng với thời kỳ tương lai mà trong đó, việc điều chỉnh các chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp để giảm rủi ro, đồng thời tận dụng cơ hội từ vấn đề dân số già để tăng trưởng.

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Astrid Bant chia sẻ, trên toàn thế giới, trong vòng 50 năm tới, người già hơn 60 tuổi sẽ tăng từ 699 triệu lên gần hai tỷ người. Đến năm 2020, tỷ lệ già trên toàn cầu sẽ là 1:5, tương đương với năm người trẻ thì có một người già phụ thuộc, và tỷ lệ này đến năm 2035 là 1:3. Như vậy, già hóa dân số là không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu. Những cải thiện trong lĩnh vực y tế và đời sống đã tăng tuổi thọ con người, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi cần có những cải thiện về các dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc an sinh.

Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa từ năm 2011 và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở châu Á.

Vào năm 2012, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 10,2% tổng dân số cả nước. Năm 2014, tỷ lệ này đã tăng lên 10,5%. Thời kỳ để Việt Nam chuyển giao từ già hóa dân số sang dân số già ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn, có thể chỉ mất 15-20 năm. Thời kỳ già hóa đặt ra những thách thức to lớn, đòi hỏi những phương thức tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe, tuổi nghỉ hưu, lương hưu… thay đổi sự tương tác trong xã hội và mối quan hệ liên thế hệ.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh, chuyên gia của UNFPA tại Việt Nam, cho biết, từ già hóa dân số chuyển sang cơ cấu dân số già của Việt Nam có tốc độ nhanh hơn nhiều quốc gia khác. Người già là nhóm tiêu dùng quyền năng, giàu có hơn, chịu chi hơn, có nhiều thời gian để chi tiêu và đặc biệt là ở các khoản chi tiêu cho tài sản lớn như nhà, phương tiện đi lại… Cũng cần lưu ý, ở thị trường Việt Nam hiện nay, các ngành tiêu dùng nói chung đều đang hướng đến giới trẻ, ít quan tâm đến người già. Thị trường kinh doanh để chăm sóc người già, như y tế, giải trí, chăm sóc, điều dưỡng… thực sự là những lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp nào đi trước, sẽ tới đích tốt hơn.

Khai thác nguồn nhân lực cao tuổi

Một khía cạnh khác mà tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh muốn nhấn mạnh là tận dụng nguồn nhân lực người cao tuổi. Ở Việt Nam, hơn 40% người cao tuổi vẫn tham gia lao động. Hơn 50% người từ 60 đến 64 tuổi đang làm việc. Nhiều người chỉ dừng làm việc sau tuổi 74, chủ yếu là việc giản đơn thu nhập thấp. Lao động ở độ tuổi sau 55 ngày càng nhiều. Một số quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn có chiến lược duy trì lao động kỹ năng cao. Thí dụ, Nhật Bản có chiến lược quản trị nhân sự cao tuổi cấp cao để tạo đột phá, hoặc chính sách hỗ trợ về hưu trí khi tuyển dụng lao động cao tuổi, các biện pháp khuyến khích cho doanh nghiệp cải thiện điều kiện lao động cao tuổi. Hàn Quốc có chính sách tái tuyển dụng lao động cao tuổi.

Ông Zafrig Asaf, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, cũng giới thiệu kinh nghiệm của quốc gia này về già hóa dân số. Tuổi thọ của người dân Israel đạt 79,6 tuổi với nam giới và 83,8 tuổi cho nữ giới. Từ nhiều năm trước, Israel đã có nhiều chính sách khuyến khích người cao tuổi tiếp tục làm việc và cống hiến cho xã hội, để họ vẫn là những người cao tuổi năng động và khỏe mạnh, đồng thời xây dựng một cơ chế chăm sóc người cao tuổi tốt. Họ không chỉ nhận sự chăm sóc của gia đình trong mô hình “ngôi nhà ấm áp”, mà còn nhận được cả sự chăm sóc của cộng đồng với mô hình “láng giềng thân thiện”, và nhiều chính sách phúc lợi của xã hội như bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm người cao tuổi, bảo hiểm cho người khuyết tật và các trung tâm tư vấn cho người cao tuổi…

Với một góc nhìn khác về tuyển dụng lao động cao tuổi, bà Vũ Mai Thu, Chủ tịch Hiệp hội Nhân sự nhận định, bộ phận người cao tuổi khỏe mạnh sẽ là nguồn nhân lực quý giá mà chúng ta chưa biết cách tận dụng tri thức và kinh nghiệm của họ. Người cao tuổi từ 60 -75 tuổi có sức khỏe vẫn đóng góp nhiều cho xã hội, là kho tàng kiến thức kinh nghiệm cho thế hệ sau. Nếu được hỗ trợ một cách phù hợp, người cao tuổi có thể tiếp tục có nhiều đóng góp cho gia đình, cộng đồng và quốc gia. Vì vậy, cần phải phát huy vai trò của nhóm đối tượng này. Đồng thời, xây dựng chính sách bảo đảm cuộc sống cho người cao tuổi tốt hơn. Thí dụ, tất cả người cao tuổi cần được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và chăm sóc y tế; họ cần được sống khỏe mạnh, được đóng góp kỹ năng cũng như kinh nghiệm quý báu của mình.

Giám đốc Công ty Aroma Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ thông tin về dự án việc làm cho người nghỉ hưu. Dự án đang xây dựng mạng lưới chuyên gia người cao tuổi trong các lĩnh vực khác nhau, nhằm khai thác tối đa tri thức cũng như kinh nghiệm của họ. Chương trình được kỳ vọng là cầu nối để giúp những người nghỉ hưu có năng lực tiếp tục làm việc, tạo ra giá trị cho xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng lên quỹ hưu trí và chăm sóc sức khoẻ người già, nâng cao chất lượng cuộc sống cá nhân – gia đình, giúp doanh nghiệp có nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí thấp.