FDz’s corner – 10 reasons why? Tại sao học/không học tài chính!

    Đối với sinh viên năm nhất và các sinh viên tiềm năng, việc chọn hay không chọn ngành tài chính đôi khi chỉ đơn giản là vì ấn tượng ban đầu, hoặc do sự giới thiệu có tính cưỡng ép của phụ huynh, khiến nhiều đồng chí vào học xong rồi vẫn cứ thắc mắc và ấm ức. 10 lý do dưới đây, được lấy từ 2 trang web có uy tín, có thể làm cho sự lựa chọn theo/không theo tài chính của các bạn trở nên rõ ràng hơn. Mình lấy về và có chỉnh sửa về ngôn từ, nhưng về cơ bản các ý này hoàn toàn trung thành và thể hiện quan điểm của bài viết gốc.

    Một phần lý do của bài viết này là mình lâu rồi mới quay lại với dịch thuật, nên cũng cần làm nóng lại tay chân một chút:

    (Lấy từ website của Harvard Business School: https://online.hbs.edu/blog/post/why-study-finance)

    Nếu bạn thấy tài chính cực kỳ đáng sợ, bạn không đơn độc đâu. Tài chính, trong hình dung của nhiều người, là những tòa nhà cao tầng ở Phố Wall, những bộ quần áo sang trọng và những cổ phiếu nhảy nhót điên cuồng (DG: Hồi xưa mình cũng nghĩ y hệt thế!). Nhưng thực ra không nhất thiết cứ tài chính là phải đáng sợ. Trên thực tế, bất kỳ ai cũng có thể — và nên — có hiểu biết cơ bản về tài chính.

    Dưới đây là năm lý do tại sao tài chính là kiến ​​thức cần thiết cho tất cả các chuyên gia, bất kể vai trò, ngành nghề hay mức độ thâm niên của họ.

    Dù bạn làm việc trong lĩnh vực công nghệ hay giáo dục, tư vấn hay quảng cáo, công ty của bạn luôn cần dòng tiền để thực hiện những việc như trả lương cho mọi người, phân phối cổ tức và tái đầu tư vào đổi mới sản phẩm. Ngay cả khi bạn không tự quản lý ngân sách, tài chính vẫn là cốt lõi của bất cứ quyết định kinh doanh nào. Nếu bạn đang thuyết trình về một dự án kinh doanh hoặc tìm kiếm thêm nguồn vốn cho dự án, việc hiểu và có thể truyền đạt cơ chế để bạn biến khoản đầu tư đó thành doanh thu và lợi nhuận sẽ giúp bạn đưa ra lập luận thuyết phục hơn.

    Nếu bạn đang tìm cách để tạo sự khác biệt trong CV của mình, thì tài chính là một khởi điểm tuyệt vời. Đặc biệt nếu bạn mới chỉ là một người trẻ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm, việc thể hiện bạn có kiến ​​thức tài chính/kinh doanh trước cả khi bạn tham gia vào lĩnh vực này có thể khiến bạn trở thành ứng viên hấp dẫn hơn. Đặc biệt là trong các lĩnh vực phi tài chính, nơi muốn thành công thì không thể thiếu nền tảng hiểu biết về tài chính nhưng giáo dục tài chính lại chưa được phổ biến.

    Thế giới tài chính đã phát triển vượt ra ngoài các ngân hàng lớn truyền thống. Cách đây một thập kỷ chẳng ai biết tới SoFi, Stripe và Coinbase, nhưng kể từ đó, những nền tảng này đã cách mạng hóa hoạt động tài trợ sinh viên, công nghệ thanh toán và tiền điện tử. Hiểu biết về tài chính có thể giúp bạn bắt kịp với lĩnh vực công nghệ tài chính đang phát triển, còn được gọi là “fintech”, và giúp bạn trở thành công dân thích hợp của xã hội hiện đại.

    Tài chính sẽ luôn được biết đến với các công thức, bảng tính Excel và các chỉ số. Nhưng nó cũng liên quan đến việc phân tích những con số này và biến chúng thành những hiểu biết kinh doanh hữu ích. Ví dụ, hãy xem xét khái niệm giá trị và vai trò của nó trong các quyết định kinh doanh. Học tài chính sẽ dạy bạn cách hiểu sự khác biệt giữa giá cả và giá trị, cách tạo ra giá trị và cách tương lai ảnh hưởng đến giá trị ngày hôm nay. Bên cạnh đó, học cách thu thập dữ liệu định lượng và sử dụng nó để giải quyết các vấn đề và đưa ra các quyết định kinh doanh đúng đắn là một kỹ năng quý giá có thể phục vụ bạn trong sự nghiệp hiện tại và tương lai.

    Mặc dù hiểu rõ tài chính là yếu tố quan trọng đối với công việc, nó cũng rất quan trọng đối với tình trạng tài chính của bạn kể cả khi bạn đã rời văn phòng. Chúng ta phải đối mặt với các quyết định tài chính, nhỏ và lớn, hàng ngày. Cho dù đó là chọn ăn ở nhà hay đặt bữa tối bên ngoài, trả phí tập thể dục một lần hay trả góp hàng tháng, hay có nên biến sở thích của bạn thành một công việc làm thêm, những lựa chọn này đều yêu cầu kiến ​​thức cơ bản về tài chính.

    5 lý do này được trích lược có chỉnh sửa nhiều từ trang web: https://www.onlinefinancedegree.org/5-reasons-why-finance-is-a-good-major/

    Nếu bạn quan tâm đến sự nghiệp trong ngành kinh doanh thì bạn có một loạt các lựa chọn về bằng đại học như kinh doanh, kế toán hoặc quản lý. Một lý do tuyệt vời để từ chối tài chính là vì nó có trọng tâm hẹp hơn, dù nó vẫn cho phép bạn có nhiều cơ hội việc làm. Vì mức độ chuyên sâu nên bạn khó đạt được bằng cấp về tài chính, nên dù cho nó đảm bảo sẽ khiến bạn trở nên khác biệt giữa các ứng viên xin việc khác, hãy cân nhắc lại đi, KHÓ đấy.

    Nhiều nghề nghiệp khác bất kỳ ai cũng có thể theo đuổi, nhưng để có thể làm nghề tài chính, bạn phải có tính hướng ngoại và ham học hỏi. Mặc dù bạn cần phải giỏi toán, nhưng bạn cũng phải giỏi và nói chuyện với mọi người và trò chuyện thân thiện về nhiều chủ đề khác nhau. Do đó, học vấn, trí tuệ và nhân cách đều được tính đến khi làm tài chính. Ngoài ra, bạn phải là người ngoại giao và cân nhắc các mục tiêu, nguồn lực và lựa chọn của tổ chức hoặc khách hàng khi thảo luận về các lựa chọn của họ để đem lại tăng trưởng tài chính và hạnh phúc. Do vậy, nếu bạn thấy không phù hợp về tính cách, tài chính không dành cho bạn.

    Theo Cục Thống kê Lao động , do “ngày càng nhiều các sản phẩm tài chính và nhu cầu kiến ​​thức chuyên sâu về các khu vực địa lý”, các vị trí tài chính đang tăng nhanh hơn mức trung bình cho việc làm ở Hoa Kỳ.

    Ví dụ, triển vọng nghề nghiệp phân tích tài chính sẽ tăng 23%, quản lý tài chính tăng 14% và tư vấn tài chính tăng 32%. Các cơ hội sẽ tiếp tục xuất hiện khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi. Đối với bất kỳ chuyên ngành nào, điều quan trọng là phải tập trung vào thị trường việc làm như thế nào khi tốt nghiệp và thật may mắn khi mọi thứ có vẻ hứa hẹn với những người theo chuyên ngành này.

    Như bạn thấy ở trên, sự nghiệp tài chính ngày càng phát triển. Điều này cũng có nghĩa là sự đa dạng của các cơ hội nghề nghiệp cũng đang phát triển. Với bằng cấp tài chính, bạn có thể làm việc trong:

  • Quản lý doanh nghiệp

  • Quản lý tài chính quốc tế

  • Dịch vụ đầu tư

  • Dịch vụ kế hoạch tài chính

  • Lập kế hoạch tài chính cá nhân cho cá nhân và tổ chức tư nhân

  • Công ty môi giới

  • Các công ty bảo hiểm

  • Ngân hàng thương mại và đầu tư

  • Công đoàn tín dụng và ngân hàng tư nhân